Thứ năm, ngày 18/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Bảo vệ trẻ em khỏi những rủi ro trong thế giới kỹ thuật số (13/12/2017-13:40)
    Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), hiện nay cứ ba người sử dụng internet trên toàn thế giới thì có một người là trẻ em, dù vậy lại có rất ít hành động để bảo vệ trẻ khỏi những rủi ro của thế giới kỹ thuật số cũng như tăng khả năng truy cập nội dung trực tuyến an toàn.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan phát biểu tại lễ công bố báo cáo.

 

Đây là thông tin được đưa ra trong Báo cáo Tình hình trẻ em thế giới năm 2017 với chủ đề "Trẻ em trong thế giới kỹ thuật số" do UNICEF phối hợp Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công bố chiều 12-12, tại Hà Nội.

Báo cáo "Trẻ em trong thế giới kỹ thuật số" trình bày cái nhìn toàn diện đầu tiên của UNICEF về các khía cạnh khác nhau mà công nghệ kỹ thuật số đang ảnh hưởng đến đời sống và các cơ hội sống của trẻ em, xác định nguy cơ cũng như cơ hội. Báo cáo cũng chỉ ra, việc các chính phủ và khu vực tư nhân không theo kịp tốc độ thay đổi, khiến trẻ em phải đối mặt những rủi ro và nguy hại mới và khiến hàng triệu trẻ em bị thiệt thòi nhất bị bỏ lại phía sau.

Báo cáo này nghiên cứu các lợi ích mà công nghệ số có thể mang lại cho trẻ em bị thiệt thòi nhất, bao gồm cả trẻ lớn lên trong đói nghèo hoặc bị ảnh hưởng bởi tình trạng khẩn cấp nhân đạo; tăng cường khả năng tiếp cận thông tin, xây dựng kỹ năng làm việc trong môi trường công nghệ số và mang lại cho trẻ em một nền tảng để kết nối và biểu đạt quan điểm của các em. Tuy nhiên, cũng còn hàng triệu trẻ em đang không được hưởng các lợi ích mà công nghệ số mang lại. Khoảng một phần ba thanh thiếu niên trên thế giới - tương đương 346 triệu người - không được sử dụng internet, làm gia tăng sự bất bình đẳng và giảm khả năng của trẻ tham gia vào nền kinh tế ngày càng số hóa.

Báo cáo cũng nhấn mạnh internet làm tăng tính dễ tổn thương của trẻ em trước những rủi ro và nguy hại, bao gồm sử dụng sai thông tin cá nhân, truy cập vào nội dung độc hại và bắt nạt trực tuyến. Báo cáo ghi nhận sự hiện diện khắp nơi của các thiết bị di động khiến việc truy cập trực tuyến của trẻ em ít được giám sát hơn, dẫn tới tiềm năng rủi ro cao hơn.

Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam Youssouf Abdel-Jelil cho rằng, không thể phủ nhận rằng công nghệ số đã thay đổi đời sống và cơ hội sống của thế hệ trẻ nhất. Nếu được tận dụng đúng cách và được tiếp cận phổ quát cho mọi người, công nghệ số có thể là nhân tố tạo nên sự thay đổi cho những trẻ em bị bỏ lại phía sau - đó là trẻ khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em sống ở các khu vực khó khăn và khó tiếp cận - kết nối các em với thế giới của những cơ hội và mang lại cho trẻ những kỹ năng cần thiết để thành công trong một thế giới công nghệ số .

Việt Nam chính thức hòa mạng internet vào năm 1997, tính đến tháng 6-2017, Việt Nam đã đạt những con số “ấn tượng” với 64 triệu người sử dụng internet, chiếm 67% dân số. Việt Nam cũng nằm trong số các quốc gia có số người sử dụng internet cao nhất ở châu Á. Truyền thông xã hội được phổ biến rộng rãi với 64 triệu người có tài khoản Facebook, trong đó phần đông là trẻ em và thanh thiếu niên. Một cuộc thăm dò ý kiến ​​toàn cầu với hơn 10.000 thanh thiếu niên trong độ tuổi 18 tại 25 quốc gia do UNICEF thực hiện vào năm 2016 cho thấy 72% thanh thiếu niên Việt Nam tuổi từ 15-24 sử dụng internet. Thanh niên 18 tuổi ở Việt Nam đề cao sự an toàn trực tuyến và nhận thức được những nguy cơ của internet với 74% tin rằng những người trẻ tuổi có nguy cơ bị lạm dụng tình dục trực tuyến.

Phát biểu tại lễ công bố báo cáo, Thứ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan bày tỏ mong muốn các cơ quan, tổ chức có liên quan cùng hành động để tạo môi trường mạng an toàn cho trẻ em tham gia, sử dụng internet phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu và khơi dậy niềm đam mê học hỏi, sáng tạo của các em. Đặc biệt là hướng dẫn các kỹ năng để trẻ em có thông tin và tham gia vào môi trường mạng an toàn; bảo vệ bí mật riêng tư cho trẻ em và lấy trẻ em làm trung tâm khi xây dựng chính sách về công nghệ số…

Báo cáo cũng đưa ra khuyến nghị chỉ có hành động chung của Chính phủ, khu vực tư nhân, các tổ chức về trẻ em, học viện, gia đình và chính trẻ em mới có thể giúp nâng tầm sân chơi công nghệ số, khiến internet an toàn hơn và dễ tiếp cận hơn với trẻ em. Theo UNICEF cần có hoạch định chính sách hiệu quả và thực hành kinh doanh có trách nhiệm hơn để đem lại lợi ích cho trẻ em, bao gồm: Việc tạo điều kiện cho tất cả trẻ em truy cập vào nguồn tài nguyên trực tuyến chất lượng cao; Bảo vệ trẻ em khỏi bị tổn hại trực tuyến (gồm lạm dụng, bóc lột, buôn người, bắt nạt trực tuyến và tiếp xúc với các tư liệu không phù hợp); Bảo vệ sự riêng tư và danh tính của trẻ em trực tuyến; Dạy kỹ năng công nghệ số để trẻ có thông tin, được tham gia và an toàn trên mạng; Tận dụng sức mạnh của khu vực tư nhân để nâng cao chuẩn mực và thực tiễn đạo đức giúp bảo vệ và mang lại lợi ích cho trẻ em trực tuyến và lấy trẻ em làm trung tâm của chính sách công nghệ số.

“Bảo vệ trẻ em trực tuyến không có nghĩa là kiểm soát nhiều hơn việc sử dụng internet mà là bảo vệ sự an toàn của các em và Chính phủ cần phối hợp chặt chẽ với khu vực tư nhân để theo kịp tốc độ thay đổi nhằm bảo vệ trẻ em, đặc biệt những em thiệt thòi nhất khỏi nguy cơ và nguy hại mới mà trẻ em phải đối mặt", ông Youssouf Abdel-Jelil, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam khẳng định.

Theo Lan Vũ/Báo Nhân dân điện tử

 

 

Các tin khác:
  • Ai sẽ phải chịu trách nhiệm “lỗi đánh máy“? (12/12/2017-7:56)
  • Học để làm chủ, thật không? (12/12/2017-7:51)
  • Những việc làm cần thiết để giữ gìn kỷ cương phép nước (11/12/2017-8:28)
  • Phòng chống tham nhũng: Củi to và củi nhỏ dù ướt cũng phải cháy (11/12/2017-8:15)
  • Thưởng Tết 2018 sẽ như thế nào? (09/12/2017-14:42)
  • Xử lý nghiêm hành vi quảng cáo sai chất lượng thực phẩm, dược phẩm (06/12/2017-14:16)
  • Gia tăng bức xúc dư luận vì chính sách… 'trên trời' (05/12/2017-10:06)
  • Muốn tinh giản biên chế cần sáp nhập các xã (05/12/2017-7:27)
  • An ninh mạng: "Chìa khóa" từ mỗi người dân (02/12/2017-7:44)
  • Hàng thật sợ... hàng giả (30/11/2017-12:38)