Thứ năm, ngày 25/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Nhà báo giả lộng hành (13/12/2017-13:49)
    Trong khi các nhà báo chân chính luôn ý thức rất rõ sứ mệnh cao cả và vẻ vang của mình, luôn cẩn trọng với mỗi hành xử, phát ngôn trước công chúng thì không ít đối tượng, tự nhận mình là nhà báo để hù dọa, nhũng nhiễu, hòng "làm" tiền các cá nhân, cơ quan và doanh nghiệp, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Nhà báo giả

Nhà báo rởm từ đâu ra?

Hàng loạt các vụ giả danh nhà báo bị phanh phui thời gian qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn nhức nhối này...

Ngày 12/9, báo chí đồng loạt đưa tin, Cục An ninh Văn hóa Thông tin Truyền thông (Bộ Công an) bắt tạm giam để điều tra đối tượng Nguyễn Lê Hải Thanh (35 tuổi, ngụ Q.10, TP. Hồ Chí Minh), Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Truyền hình trực tuyến Việt Nam (STV) về hành vi giả mạo thẻ nhà báo, thẻ tác nghiệp của Báo Thanh Niên, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Tuổi Trẻ Thủ Đô, Báo Kinh tế và Đô thị, Báo Dân tộc và Phát triển... để mời chào doanh nghiệp ký “hợp đồng bảo trợ truyền thông”, “vinh danh thương hiệu”, nhằm trục lợi từ quảng cáo.

Cục An ninh Văn hóa, Bộ Thông tin Truyền thông đã chuyển toàn bộ hồ sơ cùng các chứng cứ có dấu hiệu vi phạm pháp luật khác của ông Nguyễn Lê Hải Thanh để thanh tra Sở Thông tin & Truyền thông TP. Hồ Chí Minh xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

Trước đó, trên mạng xã hội đăng tải clip một phụ nữ xưng danh nhà báo rồi lăng mạ cảnh sát giao thông khi cô ta đến xin cho một trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Sau khi bị công luận phản ứng mạnh mẽ và cơ quan điều tra vào cuộc, mọi chuyện đã được làm sáng tỏ, người phụ nữ này không phải là nhà báo, tấm thẻ cô đưa ra chỉ là tấm thẻ ra vào tòa nhà và trong tòa nhà ấy có một cơ quan báo chí của một hội đoàn cùng thuê văn phòng với đơn vị mà cô ta làm cộng tác viên.

Những vụ việc trên chỉ là hai trong vô số các vụ mạo danh nhà báo hiện đang diễn ra tràn lan. Những hành vi phạm pháp luật được phát hiện đó chắc rồi sẽ bị nghiêm trị thích đáng. Vấn đề còn lại là hệ lụy của các hành vi đó gây ra phần nào có thể làm xói mòn niềm tin của cộng đồng với đội ngũ người làm báo chân chính, là rào cản rất lớn cho hành trình tác nghiệp của những nhà báo đang ra sức cống hiến hoàn thành sứ mệnh cao cả và vẻ vang của mình.

Thực tế đã có nhiều vụ giả danh nhà báo bị phanh phui. Năm 2014, ba đối tượng giả danh phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Công ty cổ phần kính nổi Chu Lai tỉnh Quảng Nam đã bị truy tố về 2 tội danh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu của các cơ quan tổ chức. Tuy nhiên, dù có nhiều đối tượng giả danh bị cơ quan chức năng bắt giữ, nhưng xem ra tất cả chỉ như “muối bỏ bể”.

Nếu như trước đây, việc mạo danh nhà báo mới chỉ dừng lại ở việc, các đối tượng đến các buổi họp báo, hội thảo để... kiếm phong bì thì nay, các đối tượng này ngày càng táo tợn, trắng trợn, hù dọa, gây sức ép vòi vĩnh, tống tiền doanh nghiệp, thậm chí nhiều cơ quan Nhà nước cững bị lừa.

“Chiêu bài” chủ yếu của các đối tượng này là tự in danh thiếp, scan giấy giới thiệu, giả con dấu để yêu cầu doanh nghiệp, cơ sở phải tiếp đón, “hợp tác” ký hợp đồng quảng cáo, tuyên truyền. Thủ đoạn của bọn chúng là tìm ra những sai phạm của doanh nghiệp để từ đó đe doạ, ép doanh nghiệp chi tiền nếu không, những sai phạm đó sẽ được “bê” lên mặt báo. Tâm lý của doanh nghiệp lại muốn yên ổn làm ăn, tránh bị mang tiếng nên cái “sai phạm” mà nhà báo rởm đưa ra, kể cả khi chẳng hiểu mình sai gì thường là “tặc lưỡi” chi tiền cho êm chuyện, vô hình trung đã tiếp tay cho các nhà báo rởm ngang nhiên tung hoành.

Để xảy ra thực trạng giả danh nhà báo hoành hành nhức nhối nêu trên, ngoài các nguyên nhân khách quan, còn có những nguyên nhân xuất phát từ việc buông lỏng quản lý hoạt động của một số cơ quan báo chí, văn phòng đại diện. Một số báo, tạp chí ký kết, ủy quyền khai thác quảng cáo cho các công ty truyền thông mà không kiểm soát đội ngũ nhân viên. Hiện tượng phóng viên thường trú cấp giấy giới thiệu của cơ quan báo chí cho nhân viên truyền thông quảng cáo, cộng tác viên nhưng cũng tự xưng mình là phóng viên báo A, đài B bất chấp danh dự, nhân phẩm, pháp luật đi tác oai, tác quái khắp nơi.

Hàng loạt thẻ giả mạo phóng viên, nhà báo bị phát hiện. Ảnh: TL

Bảo vệ hình ảnh trong sáng của người làm báo

Để dẹp nạn giả danh nhà báo, trước hết phải nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc nêu cao tinh thần trách nhiệm, quản lý tốt hơn phóng viên, biên tập viên của các văn phòng đại diện, cơ quan thường trú, quản lý tốt hơn các cộng tác viên của mình, tránh để các cộng tác viên lợi dụng danh nghĩa nhà báo để đi tác nghiệp như nhà báo.

Trên cơ sở những quy định hiện hành, việc xử lý nghiêm những hành vi giả mạo giấy tờ, con dấu của các cơ quan báo chí là cần thiết. Tuy nhiên, để ngăn chặn tận gốc việc giả mạo nhà báo thì chỉ luật pháp nghiêm minh thôi chưa đủ, các cơ quan báo chí cũng cần nâng cao trách nhiệm trong việc cấp thẻ ra vào, giấy giới thiệu cho đúng người, đúng chức năng nhiệm vụ.

Làm sao để loại bỏ những kẻ mạo danh, sống “ký sinh” trên lưng những nhà báo đang ngày đêm đấu tranh cho công bằng và lẽ phải? Làm sao để những người làm báo chân chính không bị đánh đồng với những kẻ giả danh chỉ muốn trục lợi từ nghề báo? Câu hỏi cấp thiết đó cần được các cơ quan báo chí cũng như quản lý báo chí trả lời rốt ráo.

NHÀ BÁO NGUYỄN ANH THẾ,
THƯ KÝ TÒA SOẠN, TRƯỞNG BAN BẠN ĐỌC BÁO ĐIỆN TỬ DÂN TRÍ:

Những hậu quả nguy hiểm

Vấn nạn giả danh nhà báo để thực hiện các thủ đoạn vi phạm pháp luật nhằm trục lợi vốn không phải là hiện tượng mới xảy ra. Tuy nhiên, điều đáng nói là tình trạng này đang bùng phát ở mức độ đáng báo động. Các đối tượng thường dùng các giấy tờ giả mạo tư cách báo chí để nhũng nhiễu, gây sức ép, tống tiền các doanh nghiệp, thậm chí là với cả các cán bộ mắc sai phạm trong hệ thống công quyền. Hiện tượng này thường xảy ra ở các tỉnh thành nơi mà thông tin báo chí còn hạn chế và thường những người bị mắc sai phạm có tâm lý lo sợ, muốn giải quyết nhanh gọn.

Tuy nhiên, cũng phải nói thêm, hiện tượng giả mạo nhà báo không nhiều không đáng ngại bằng hiện tượng “đội lốt” nhà báo, mà bản chất không khác gì giả mạo nhà báo.

Điều chúng ta cần quan tâm là nguyên nhân nào dẫn đến việc bùng phát tình trạng này. Sự ra đời của hàng loạt tạp chí điện tử, trang tin điện tử hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích là nguyên nhân chính. Những cơ quan báo chí được cấp giấy phép này, đặc biệt là các tạp chí điện tử mới “ra lò” là lập tức ồ ạt tuyển quân. Số quân này không được trả lương, nhuận bút mà được trang bị cả tập giấy giới thiệu liên hệ công tác và phải đưa về các hợp đồng quảng cáo để ăn chia.

Số phóng viên dưới danh nghĩa này tập trung vào các mảng đề tài soi nhà sai phép, bãi xe chui, các vấn đề tiêu cực nhưng lại không phải với mục đích phản ánh làm rõ sai phạm nhằm phối hợp với cơ quan chức năng xử lý mà lại mang thông tin đi gây sức ép trục lợi nhằm thực hiện hợp đồng quảng cáo.

Giả danh nhà báo hay “đội lốt” nhà báo đều là những hiện tượng để lại những hậu quả hết sức nguy hiểm. Không những gây ra sự rối loạn trong xã hội mà còn bôi bẩn hình ảnh của những người làm báo chân chính, khiến người dân hoang mang, suy giảm lòng tin vào báo chí. Vì vậy, các cơ quan quản lý báo chí cần phải có sự rà soát, có cơ chế quản lý chặt chẽ khi cấp phép cho những trang tin, tạp chí điện tử hiện nay.

NHÀ BÁO QUỲNH DUNG,
BÁO HÀ NỘI MỚI:

Môi trường báo chí truyền thông đang bị “vấy bẩn”

Hiện nay, trong hoạt động báo chí xuất hiện một số trường hợp mạo danh nhà báo dùng mọi thủ đoạn gây nhũng nhiễu, phiền phức cho cơ sở đến nỗi chỉ nghe giới thiệu nhà báo về viết bài họ đều từ chối với lý do bận họp.

Điều này cho thấy tình trạng mạo danh nhà báo đi xuống gây nhũng nhiễu cho cơ sở đang ở mức báo động, khiến báo chí mất đi tính định hướng dư luận, tuyên truyền những mặt tốt, hạn chế và tháo gỡ khó khăn với cơ sở theo đúng pháp luật. Một số người mạo danh nhà báo đã làm méo mó cơ quan báo chí khiến cho việc hợp tác giữa các cơ sở với đơn vị truyền thông trở nên phức tạp.

PHÓNG VIÊN VŨ NHUNG,
TẠP CHÍ MÔI TRƯỜNG:


Xử lý nghiêm các trường hợp mạo danh nhà báo

Hiện nay, đa số nhà báo đều hành nghề đúng pháp luật quy định và có đạo đức nghề nghiệp nên báo chí mới phát triển và thu hút được công chúng. Tuy nhiên, trong thời gian qua, xuất hiện một số đối tượng mang danh “nhà báo” liên tiếp có những hành vi vi phạm pháp luật.

Vậy đâu là nguyên nhân? Để xảy ra tình trạng trên là do một số “phóng viên” nắm bắt được tâm lý các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thường nể nang hoặc ngại va chạm với báo chí; một số cơ sở, cán bộ có sai sót, “phóng viên” biết được nên bị “mặc cả”.

Bên cạnh đó, nhiều cơ quan báo chí thành lập văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú tại địa phương, nhưng buông lỏng quản lý, không quan tâm giáo dục đạo đức, tác phong của phóng viên thường trú, cộng tác viên, không có quy chế quản lý, giám sát chặt chẽ... nên dễ nảy sinh tiêu cực, vi phạm pháp luật.

Thiết nghĩ, để làm trong sạch, lành mạnh lĩnh vực báo chí, trước hết, các cơ quan quản lý phải thường xuyên thanh, kiểm tra hoạt động báo chí, các cơ quan báo chí phải cấp giấy giới thiệu theo đúng quy trình và đúng quy định pháp luật. Mặt khác, người làm báo phải là những người có đạo đức nghề nghiệp. Đặc biệt, phải xử lý nghiêm các trường hợp mạo danh nhà báo vi phạm pháp luật để làm trong sạch môi trường báo chí truyền thông.

Theo: Hoàng Lâm - Thùy Dung/Tạp chí Người Làm Báo

 

 

Các tin khác:
  • Về với xứ Thanh (11/12/2017-16:15)
  • Khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 37 (11/12/2017-8:08)
  • Những sự thật rợn người qua lời kể của cây viết điều tra Đoàn Quý Lâm (07/12/2017-22:57)
  • Thu phí đọc báo online tại Việt Nam:VietnamPlus tiên phong? (07/12/2017-22:54)
  • Không để bình luận trên báo điện tử thành nơi kích động, xuyên tạc, sai sự thật (06/12/2017-7:19)
  • Gần 500 tác phẩm tham gia dự thi Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 37 (06/12/2017-14:18)
  • Việt Nam-Thụy Điển chia sẻ kinh nghiệm về báo chí, truyền thông hiện đại (06/12/2017-7:57)
  • Gần 930 nhà báo thế giới bị sát hại khi tác nghiệp (01/12/2017-8:22)
  • Tương tác, bình luận trên báo điện tử: “Cấm” hay “quản”? (01/12/2017-8:19)
  • Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và vai trò báo chí (30/11/2017-12:42)