Thứ năm, ngày 18/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Văn hóa - Thể thao
Hành trình qua các kinh đô Việt cổ: Giải bài toán “mùa vụ” (18/12/2017-13:31)
    Tour du lịch kết nối các kinh đô Việt cổ mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử đang được Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với một số tỉnh, thành xây dựng với tên gọi “Hành trình qua các kinh đô Việt cổ".

Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội


Các đơn vị liên quan đang bàn về công tác phối hợp nâng cao chất lượng điểm đến, kết nối phát triển du lịch tại các địa phương nhằm đưa tour du lịch này vào hoạt động hiệu quả. Cuộc tọa đàm chiều 15/12 do Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long đã đề cập đến vấn đề trên.

Kết nối để phát triển

“Hành trình qua các kinh đô Việt cổ” là hành trình du lịch qua 5 di tích lịch sử cố đô của Việt Nam, bao gồm Phượng Hoàng Trung Đô (Nghệ An), Thành nhà Hồ (Thanh Hóa), Hoa Lư (Ninh Bình), Đền Hùng (Phú Thọ) và Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội).

Khẳng định nếu được đưa vào khai thác, “Hành trình qua các kinh đô Việt cổ” sẽ là một tour giàu giá trị văn hóa với tiềm năng khai thác lớn, đại diện các doanh nghiệp lữ hành và Trung tâm xúc tiến Du lịch, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố có chung quan điểm, muốn phát triển tour du lịch này cần sự hợp tác, kết nối giữa các địa phương, các điểm đến.

Vừa khảo nghiệm hành trình du lịch, ông Trần Minh Đức, Phó Giám đốc Công ty du lịch Long Phú, Nha Trang chia sẻ, với đặc trưng là một chuỗi địa điểm lịch sử, “Hành trình qua các kinh đô Việt cổ" sẽ tập trung vào đối tượng khách trong nước. Trong khi đó, khách du lịch nội địa hiện chủ yếu tập trung vào các tháng mùa Hè và thời điểm đầu năm có nhiều lễ hội.

Ông Trần Minh Đức gợi mở, các doanh nghiệp lữ hành nên khai thác tour này theo theo hai cụm tham quan là Hà Nội-Ninh Bình-Phú Thọ hoặc Hà Nội-Thanh Hóa-Nghệ An. Muốn làm được các tour xuyên suốt như vậy, các địa phương cần kết nối, hỗ trợ lẫn nhau, tập trung vào một số thị trường và một số công ty lữ hành trọng điểm, xây dựng chương trình để đảm bảo lượng khách cả năm.

Đồng ý kiến với ông Trần Minh Đức, ông Hồ Hùng Cường, đại diện công ty Du lịch quốc tế Hoàng Sơn, Nghệ An cho biết, sản phẩm du lịch đến các kinh đô cổ phù hợp với thời gian du lịch thấp điểm. Để du khách đến với hành trình này, nhất định cần có sự kết nối giữa các địa phương, giữa ban quản lý các điểm đến. Ông Cường mong muốn các tỉnh, thành phố liên kết để đưa ra mô hình điểm chương trình du lịch qua các kinh đô cổ cho các doanh nghiệp học tập, cơ bản giải quyết bài toán về tính thời vụ trong du lịch.

Nâng cao chất lượng điểm đến

Đại diện các doanh nghiệp lữ hành và các đơn vị quản lý du lịch đều khẳng định, yếu tố quan trọng nhất để thu hút khách du lịch đến với các kinh đô cổ chính là chất lượng địa điểm, bao gồm các yếu tố về vệ chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên, vệ sinh môi trường, điều kiện giao thông, lưu trú…

Các đại biểu tham gia tọa đàm thống nhất ý kiến, để đưa khách đến với “Hành trình qua các kinh đô Việt cổ," yếu tố đầu tiên cần đảm bảo là phương tiện đi lại. Với danh sách 5 điểm đến như trong hành trình trải nghiệm, đây là một hành trình hạn chế về đường bay. Hà Nội là điểm đến gần nhất, thuận lợi nhất với nhiều loại hình giao thông. Trong khi đó, các điểm đến khác cũng đã được mở rộng khai thác, đường đi thuận tiện, xe du lịch 45 chỗ có thể dễ dàng đi lại.

Đặc biệt, tất cả các doanh nghiệp lữ hành đều quan tâm đến chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch. Ông Trần Minh Đức, Phó Giám đốc Công ty du lịch Long Phú, Nha Trang nhận định, giá trị của các di tích nằm trong tuyến là không thể bàn cãi. Một số địa phương có đội ngũ hướng dẫn viên có kiến thức sâu, có khả năng "thổi hồn" vào bài thuyết trình như hướng dẫn viên tại các điểm: Đền Hùng, Tràng An, Hoàng thành Thăng Long.

Tuy nhiên, ông Trần Minh Đức quan tâm đến chất lượng hướng dẫn viên toàn tuyến. Khi hành trình qua các kinh đô Việt cổ được đưa vào khai thác, hướng dẫn viên của tuyến du lịch phải là những người hiểu sâu, hiểu kỹ về tất cả các địa điểm mới có thể truyền tải được giá trị của di tích. Ông Đức đề nghị sở du lịch các địa phương quan tâm phối hợp đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên chất lượng cao.

Còn đại diện công ty Du lịch Quốc tế Hoàng Sơn, Nghệ An cho rằng, hướng dẫn viên tại điểm là nguồn tư liệu, là “linh hồn” của điểm đến, còn hướng dẫn viên tuyến là nhân vật xâu chuỗi các điểm đến theo mạch lịch sử-văn hóa của dân tộc. Bởi vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước nên ban hành bộ tài liệu thống nhất cho các hướng dẫn viên truyền tải thông điệp đến du khách.

Mặt khác, vấn đề liên quan đến sản phẩm du lịch đi kèm cũng được đại diện nhiều doanh nghiệp quan tâm. Đại diện Công ty lữ hành Hanoitourist cho biết, mục tiêu của hành trình là đối tượng khách lẻ, bởi vậy cần có những hoạt động thương mại mang tính đặc sản của địa phương, làm "mềm" hơn chương trình, đồng thời giới thiệu những di sản văn hóa phi vật thể; nên tổ chức xen kẽ các chương trình tham quan làng nghề, cho du khách tham gia vào các chương trình văn nghệ địa phương như hát xoan ở Phú Thọ, ví giặm ở Nghệ An…

Nhằm góp phần hiện thực hóa “Hành trình qua các kinh đô Việt cổ,” đưa vào khai thác du lịch, Sở Du lịch Hà Nội đã đề nghị Ban quản lý các khu di tích quan tâm đến các vấn đề mà các doanh nghiệp đã nêu lên, đồng thời chuẩn hóa các bài thuyết minh và cung cấp tư liệu, tài liệu chính thống cho đơn vị quản lý để xây dựng ấn phẩm giới thiệu về hành trình, công bố rộng rãi, tạo ra những sản phẩm mang tính trải nghiệm cho du khách.

Ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành Hà Nội UNESCO khẳng định, ngoài các Trung tâm xúc tiến du lịch, Câu lạc bộ lữ hành Hà Nội UNESCO sẽ là cầu nối gắn kết các doanh nghiệp, các sở, ngành, hình thành liên minh để triển khai “Hành trình qua các kinh đô Việt cổ” và thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận phản hồi về chất lượng hành trình. Ông Hùng hy vọng thời gian tới sẽ có những tour, tuyến cụ thể, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách, nhất là khách nội địa.

Dù là bước khởi đầu nhưng tour du lịch “Hành trình qua các kinh đô Việt cổ” đã nhận được sự ủng hộ cao của các nhà quản lý du lịch. Các doanh nghiệp lữ hành và du khách kỳ vọng đây sẽ là sản phẩm du lịch hấp dẫn.


Theo TTXVN

 

Các tin khác:
  • Nhìn lại những vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực xuất bản 2017 (18/12/2017-13:27)
  • Khúc tráng ca của mảnh đất và con người xứ Thanh (17/12/2017-16:16)
  • FLC Thanh Hóa có nhà cầm quân mới (14/12/2017-12:36)
  • Việt Nam được xướng tên ở nhiều hàng mục danh giá nhất World Travel Awards 2017 (13/12/2017-7:51)
  • Hát Xoan: Từ bảo vệ khẩn cấp đến di sản phi vật thể của nhân loại (11/12/2017-8:23)
  • Công nhận Sa Pa là Khu du lịch quốc gia (06/12/2017-7:55)
  • Hát Xoan và Bài chòi được xem xét là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại (06/12/2017-7:53)
  • Muốn trẻ hóa Hội Nhà văn thì phải đi mời những người viết trẻ (05/12/2017-7:25)
  • VLeague 2017: Nói trong sạch cũng chẳng ai tin! (01/12/2017-8:13)
  • "Em chưa 18" giành giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam (29/11/2017-12:07)