Thứ ba, ngày 23/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Giật mình trước con số thương vong vì hành vi đi bộ sai luật (24/12/2017-21:17)
    Mỗi năm có trên 200 vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông làm hàng trăm người thương vong

 Mỗi năm có hàng trăm người thương vong do người đi bộ vi phạm luật giao thông.

Hàng trăm người thương vong mỗi năm vì đi bộ sai luật

Từ ngày 1.1.2018, theo quy định của Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, người đi bộ nếu vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trao đổi với PV, đại diện Cục CSGT (C67, Bộ Công an) cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, trong năm 2016 và năm 2017, trung bình mỗi năm có trên 200 vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông, trong đó, làm chết trên 90 người, bị thương trên 140 người, xử phạt vi phạm hành chính trên 100 vụ và khởi tố trên 20 vụ.

Về nguyên nhân dẫn tới tình trạng người giao thông vi phạm quy tắc giao thông phổ biến như hiện nay, đại diện Cục CSGT cho rằng, là do ý thức chấp hành của nhiều người dân còn kém và cơ sở hạ tầng giao thông chưa đồng bộ.

“Nhiều người dân chưa có ý thức, thói quen chấp hành pháp luật khi đi bộ tham gia giao thông. Việc này thể hiện ở việc sang đường tùy tiện mọi lúc, mọi nơi, có khi sang đường đúng nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ nhưng lại không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu hoặc tìm cách vượt rào băng qua đường trong khi nơi có đường dành cho người đi bộ chỉ cách vài trăm mét.

Nhiều trường hợp người đi bộ gây nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tai nạn cho mình hoặc người tham gia giao thông khi qua đường không đúng quy tắc giao thông.

Tuy nhiên, cũng phải chia sẻ với người đi bộ là hiện nay hạ tầng giao thông cho người đi bộ chưa thực sự hiệu quả, tiện ích.

Hầm đường bộ, cầu vượt đường bộ dành cho người đi bộ nhiều nơi chưa có sự kết nối với khu dân cư hoặc nơi có nhiều người đi bộ tham gia giao thông nên người đi bộ ngại sử dụng hầm đường bộ, cầu vượt đường bộ.

Vỉa hè hiện nay tuy đã được các cơ quan chức năng giải tỏa thông thoáng song một số nơi vẫn còn bị chiếm dụng, khiến cho lối đi dành cho người đi bộ trở nên hạn hẹp”, đại diện Cục CSGT nói.

CSGT làm gì để xử lý tình trạng người đi bộ phạm luật?

Khi được hỏi về việc, lực lượng CSGT gặp khó khăn gì trong việc phát hiện xử lý người đi bộ hay không? Đại diện Cục CSGT cho biết: Hiện nay lực lượng CSGT một số nơi còn mỏng, không bao quát hết được địa bàn, tuyến giao thông. CSGT chủ yếu tập trung xử lý các hành vi tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông như đi không đúng phần đường, làn đường, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông…

CSGT gặp một số khó khăn khi xử lý người đi bộ vi phạm.

Ngoài ra, chế tài xử lý hành vi đi bộ vi phạm quy tắc giao thông còn hạn chế, chưa có biện pháp ngăn chặn hoặc biện pháp xử lý hiệu quả khác đối với các trường hợp người vi phạm không mang theo tiền, không mang giấy tờ tùy thân, nếu có lập biên bản, tạm giữ giấy tờ tùy thân thì người vi phạm cũng không tới cơ quan chức năng chấp hành quyết định xử phạt. Vì vậy, hiện nay đối với các trường hợp này CSGT chỉ chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở.

Đại diện Cục CSGT cũng cho biết, để nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người đi bộ, giảm tình trạng vi phạm như hiện nay, công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành luật giao thông cho người dânđược xác định là biện pháp trọng tâm. Cụ thể như tuyên truyền các vụ việc tai nạn giao thông điển hình, các vụ xử lý hình sự điển hình do nguyên nhân lỗi vi phạm từ người đi bộ để nâng cao tính cảnh báo, răn đe.

“Lực lượng CSGT cũng sẽ tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của người đi bộ và thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người đi bộ tham gia giao thông chấp hành pháp luật và sẵn sàng hỗ trợ người đi bộ tham gia giao thông an toàn”, đại diện Cục CSGT cho biết.

Theo Xuân Lực/Báo Dân Việt

 

 

Các tin khác:
  • Phải nhốt quyền lực trong cái “lồng” cơ chế? (22/12/2017-8:34)
  • Facebook phát hành thêm tính năng nhận diện khuôn mặt (22/12/2017-8:32)
  • Vừa mừng, vừa lo (16/12/2017-9:29)
  • Du lịch Việt Nam chưa giữ được chân du khách, vì sao? (14/12/2017-12:48)
  • Bảo vệ trẻ em khỏi những rủi ro trong thế giới kỹ thuật số (13/12/2017-13:40)
  • Ai sẽ phải chịu trách nhiệm “lỗi đánh máy“? (12/12/2017-7:56)
  • Học để làm chủ, thật không? (12/12/2017-7:51)
  • Những việc làm cần thiết để giữ gìn kỷ cương phép nước (11/12/2017-8:28)
  • Phòng chống tham nhũng: Củi to và củi nhỏ dù ướt cũng phải cháy (11/12/2017-8:15)
  • Thưởng Tết 2018 sẽ như thế nào? (09/12/2017-14:42)