Thứ sáu, ngày 29/03/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
“Chạm đến những vấn đề nghiêm trọng bằng một bàn tay nhẹ nhàng” (29/12/2017-8:13)
    Bùi Dũng được độc giả biết tới không chỉ trong vai trò một nhà báo, mà còn là tác giả của vài cuốn sách. Hiện nay, anh đang nhận đứng chuyên mục cho một số tờ báo như Tuổi trẻ, Phụ nữ TP.HCM…
NB Bùi Dũng

Bùi Dũng chọn cách làm báo chủ yếu theo sở thích và lĩnh vực mà anh chuyên sâu từ nhiều năm nay. Đó là viết những gì mình muốn, không lệ thuộc vào tin bài định mức, không phụ thuộc vào việc có bỏ sót sự kiện thời sự hay không…

Nhân sự kiện Nhà báo Bùi Dũng chuẩn bị ra mắt cuốn sách thứ 3 chuyên về điện ảnh, Báo NB&CL đã có cuộc trò chuyện với anh về những quan điểm làm nghề.

Đôi khi phải thoả hiệp với chính mình

+ Anh chọn con đường viết theo góc nhìn riêng, kiến thức riêng được tích lũy mỗi ngày?

- Tôi khá chủ động về công việc làm báo của mình, ít bị chi phối vì những lý do khách quan. Làm báo thời công nghệ, bùng nổ thông tin và đứng trước áp lực mưu sinh, muốn tạo sự tự chủ, tuyệt đối tuân thủ theo nguyên tắc làm nghề thì sẽ gặp thách thức lớn. Đôi khi tôi cũng phải thoả hiệp hoặc nhượng bộ đối với chính mình chứ. Đó là khi cần đáp ứng kịp thời câu chuyện thời sự, viết theo đặt hàng của cơ quan báo chí nào đó hay của ai đó. Đôi khi còn là áp lực về thời gian. Nhưng có một điểm tôi thấy đáng nói, đó là tôi không bị mất tự chủ trước áp lực của các mối quan hệ hay với những “bài PR” được thuê viết. Tôi quyết tâm nói đúng với những gì mình nghĩ. Khó tránh khỏi những lúc bàn phím của mình bị nghiêng ngả, nhưng khi tạo quyền lựa chọn cho mình thì hiếm khi tôi “phải viết” hay “cố viết”. Cũng cần thành thực rằng lựa chọn này trước đây đã từng gây khó cho tôi rất nhiều, khiến tôi không được lòng ai đó, khiến đường mình đi gập ghềnh, lận đận. Nhưng tôi cần biết mình là ai hơn, vậy thì có một cách là chọn cách đứng độc lập, dần tạo lập quyền tự quyết cho mình nhiều hơn.

+ Mỗi khi đặt bút viết anh có nghĩ về gu của khán giả?

- Trước đây tôi không nghĩ nhiều về điều này, dù được học về “viết cho độc giả”, nhưng bây giờ thì có. Người ta nói “biết mình, biết người trăm trận trăm thắng”. Tôi thì cần trăm bài viết, cả trăm đều lên mặt báo và trong đó có ít nhất năm mươi bài khiến nhiều người thấy vui, thấy được truyền cảm hứng hay giật mình nhận ra điều gì đó hệ trọng và cần hành động, thế là “thắng”. Có những bài mình viết thẳng, làm người khác không vui, đó là chuyện bình thường, mình sẵn sàng đối mặt. Khán giả, độc giả luôn ở vị trí tâm điểm của bất kỳ tờ báo hay cuốn sách nào.

Việc của tôi là kết nối, đan cài những thế mạnh, điểm yếu…

+ Xuất bản 3 cuốn sách tổng kết các giai đoạn. Thế còn con đường đi của chính mình anh có tổng kết không?

- Tôi không tổng kết gì đâu vì mình còn nhiều thứ cần làm. Việc của tôi lúc này là kết nối, đan cài những thế mạnh, điểm yếu để dệt lên tấm thảm cuộc sống cho mình. Nó rộng dài bao nhiêu, đa sắc thế nào thì chia sẻ được với nhiều người bấy nhiêu. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn chọn làm việc cho những tờ báo có sự nghiêm cẩn nghề nghiệp nhất trong làng báo Việt Nam, theo cảm quan riêng của mình, trong đó có một số tờ ở khu vực phía Nam. Có mấy lý do: Thứ nhất là cơ quan thông tấn đó hợp với tôn chỉ, cách viết và những gì tôi có. Thứ hai, sản phẩm báo chí của họ có chất lượng nổi trội hơn so với mặt bằng chung, kể cả việc họ đảm bảo trả nhuận bút để người viết đảm bảo cuộc sống ít nhất ở mức tối thiểu. Trên tờ Tuổi Trẻ tôi theo dõi chuyên sâu về âm nhạc và một số lĩnh vực khác; Phụ Nữ TP. HCM tôi giữ hai mục Góc nhìn điện ảnh và Con đường nghệ thuật đã hai, ba năm nay. Từ nhiều năm nay, tôi đã hướng mình tìm hiểu một mảng mới, tưởng như trái ngược với lĩnh vực văn hóa, giải trí, đó là viết về kinh doanh, đầu tư trên Forbes Vietnam và Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Bản thân tôi, sau khi tích lũy được ít nhiều kiến thức về văn hóa, nghệ thuật thì đã học thêm về kinh tế, tài chính và đang tiến hành khởi nghiệp.
Tôi muốn hạn chế định kiến và đa dạng hoá góc nhìn

+ Có mâu thuẫn không khi anh vừa viết chuyên sâu về nghệ thuật lại vừa viết về kinh doanh?

- Nghe qua thì thấy chủ đề của chúng trái ngược nhau đấy. Nhưng tôi thú thật rằng nhiều lúc tôi phải “tự sướng” khi nghĩ ra những đề tài “oái oăm”; hay mở báo ra, đọc những bài mình viết có sự kết hợp của những lĩnh vực này. Hóa ra chúng soi chiếu, dìu nhau đứng lên cho nhau chứ không trái ngược nhau. Tôi vẫn theo dõi kỹ những người vừa có sự chuyên sâu, vừa có hiểu biết đa ngành và khả năng phối hợp liên ngành. Với điều này, họ hạn chế được định kiến và đa dạng hóa được góc nhìn.

+ Độc giả, đồng nghiệp đã từng biết đến một Bùi Dũng của VietNamNet với cá tính có phần quyết liệt hơn hiện tại?

- Thời ở VietNamNet, tôi cũng từng đứng chuyên mục, mang đến độc giả những câu chuyện, bài bình luận có phần gai góc, với giọng điệu quyết liệt hơn bây giờ. Nay bỗng dưng tôi hiền hoà hơn. Đây cũng là do sự thay đổi, biến chuyển dần mà tôi chủ động tạo ra. Mỗi sản phẩm, tác phẩm mình mang đến không phải để gây sốc, tỏ ra sắc sảo, đanh đá, chua ngoa, rồi phải thể hiện bản thân bằng những đề tài “sóc óc”, mà tôi nghĩ rằng điều quan trọng hơn là những gì mình làm có đúng người, đúng việc, mình đã có cái nhìn tổng thể, bao quát để giữ gìn và tạo nên sự chuẩn mực hay chưa. Giờ tôi tránh cái nhìn chủ quan, cá nhân. Mình cần làm sao để không áp đặt mà vẫn nói được điều cốt lõi một cách có cơ sở, với thông tin có thể chứng thực, với câu chuyện chọn kể có ý nghĩa. Đây chính là lý do tại sao trong cuốn Film Book sẽ ra mắt vào tháng 1/2018, tôi thích câu nhận xét của đạo diễn Việt Tú nên chọn để nhấn mạnh. Anh ấy viết: “Ai đó đã nói: “Tôi muốn chạm đến những vấn đề nghiêm trọng của cuộc sống bằng một bàn tay nhẹ nhàng” và Dũng đã làm được điều này thông qua cuốn sách của mình”.

+ Điều anh hướng đến là do anh “nhận thức” tốt hơn hay do sự trầm tĩnh theo thời gian?

- Chắc chắn là cả hai. Nhưng cần có chú thích ở đây, là tôi vẫn còn trẻ người non dạ. Thông thường, tôi thấy khi người ta có kiến thức tốt hơn theo thời gian, từ đọc sách, từ lăn lộn, vấp váp, từ tiếp nhận kiến thức của người này hay người khác… thì họ dần tự tin và khiêm tốn hơn. Tự tin để họ dám chịu trách nhiệm với những gì khó khăn hơn, khiêm tốn để tiếp tục học hỏi, thay đổi bản thân, cải thiện cuộc sống của mình, của gia đình. Tôi có vẻ cũng như thế và đang tập hướng ra bên ngoài nhiều hơn, đồng thời tiếp tục khám phá con người bên trong còn nhiều kém cỏi của mình.

“Film Book: Khi chúng ta là nhân vật chính”: Không còn giống bài trên báo

+ Anh nói không hào hứng, không thích đọc sách tập hợp những bài báo nhưng chính anh đã ra đến 3 cuốn liền?

- Có thể đây chỉ là vấn đề thuộc về nhu cầu cá nhân. Có những thứ tôi biết là mình có thể tìm thấy từ đâu, để vực dậy sự hiểu biết hơn của bản thân, không nhất thiết phải đọc những cuốn sách in lại từ những bài báo. Sau hai cuốn đầu tiên Thế giới @ - thế hệ 8X và Học làm giàu thời WTO đều do NXB Trẻ in từ lâu lắm rồi, tôi hiếm khi nhắc lại, một phần vì quan niệm như chị vừa nêu. Thoạt nhìn chúng có vẻ gắn với thời sự, sự kiện nào đấy và có thể có ý nghĩa nhất ở thời điểm đó; song đó chỉ là tập hợp các bài báo trong thời gian dài, không phải khám phá mới hay có sự nghiên cứu sâu rộng.

+ Vậy ở cuốn sách thứ 3 anh có “nâng cấp” gì không?

- Về mặt thời gian, cuốn “Film Book: Khi chúng ta là nhân vật chính” không chạy theo thời sự hay chạy theo sự kiện nào mà là những bài viết tĩnh hơn. Ở đó có những câu chuyện, những bộ phim mà mỗi chúng ta có thể xem lại và xem vào nhiều năm hay thập kỷ sau… bằng trải nghiệm riêng của mình. Hai cuốn trước đầu tư cho nó khoảng 6 tháng, cuốn sách này hình thành sau nhiều năm. Về mặt nội dung, ở cuốn này tôi coi phim là bạn, coi các nhà làm phim tài giỏi của nhiều nơi khác nhau như “bạn phương xa”, việc của tôi là “viết thư”, viết nhật ký xem phim gửi đến nhiều người bạn khác, chính là độc giả của cuốn sách. Theo cách đó cuốn sách mang đến điều tôi và những người làm sách muốn gửi gắm, đó là mỗi người đều có thể trở thành những nhân vật chính trong cuốn phim của cuộc đời mình.

+ Xin cảm ơn anh!

Theo Hằng Nga/Báo Nhà báo và Công Luận

 

Các tin khác:
  • Xử phạt 55 cơ quan báo chí gần 1,3 tỷ đồng trong năm 2017 (28/12/2017-8:07)
  • "Nhuận bút không đăng cao hơn nhuận bút đăng bài" (27/12/2017-8:24)
  • Có văn phòng đại diện báo chí cấp thẻ cho chủ quán nhậu (27/12/2017-8:14)
  • Doanh thu báo chí và truyền hình trả tiền đạt hơn 21.000 tỷ đồng (24/12/2017-21:21)
  • Làm nghề chuyên nghiệp sẽ không cần phân vai (22/12/2017-8:37)
  • Báo chí Thanh Hóa đấu tranh, phản bác góp phần làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình” (21/12/2017-8:29)
  • Báo chí và mạng xã hội trong môi trường truyền thông số (18/12/2017-14:40)
  • TTXVN tăng cường quan hệ với một số cơ quan báo chí lớn ở châu Âu (18/12/2017-14:35)
  • LHTHTQ lần thứ 37 là động lực lớn cho Đài PT&TH Thanh Hóa (17/12/2017-16:12)
  • Đài PT&TH Thanh Hóa thắng lớn tại LHTHTQ lần thứ 37 (17/12/2017-9:00)