Thứ tư, ngày 24/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Nhà báo Bùi Lan Anh:
Người thích tìm kiếm những câu chuyện mở màn (02/01/2018-16:06)
    Nhiều câu chuyện về môi trường do nhà báo Lan Anh và đồng nghiệp xới lên, thu hút sự quan tâm của dư luận, đồng nghiệp... Đó là những điểm trầm buồn của cuộc sống cần được cộng đồng chung sức lên tiếng với hy vọng tạo ra nhiều sự thay đổi tốt hơn, tích cực hơn cho cuộc sống. Với Lan Anh, câu chuyện dường như không bao giờ kết thúc...
NB Bùi Lan Anh

Chúng tôi liên tục nhận thông tin từ người dân

+ Sau khi các phóng sự của chị và đồng nghiệp kết thúc, chị thường làm tiếp điều gì? 

- Sau khi tác nghiệp, điều mà tôi quan tâm nhất là việc xử lý của lực lượng chức năng đối với sai phạm của doanh nghiệp và những biện pháp khắc phục, xử lý kiểm soát môi trường của khu vực đó. Tôi vẫn tiếp tục theo dõi thông tin xử lý của Cục cảnh sát môi trường và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong nhiều vụ việc, chúng tôi khi có hình ảnh thường liên hệ với lực lượng chức năng để có thêm các thông tin và để lực lượng chức năng có thêm chứng cứ để xử lý. Các nạn nhân hay là những đối tượng chịu tác động thường vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ với phóng viên, để khi có sự kiện diễn ra chúng tôi vẫn nắm được thông tin.

+ Nhiều năm lăn lộn với môi trường, chị có thường nhận được nguồn tin từ người dân hay vẫn phải tìm cách để có được thông tin cho mỗi bài viết, mỗi vụ việc…?

- Bản thân tôi là một PV, và tôi thích mảng điều tra những sự kiện nóng, đặc biệt là những vấn đề về môi trường. Vì vậy chúng tôi liên tục nhận thông tin từ người dân, tự mình kiểm tra xác minh các thông tin, phát hiện các vụ vi phạm xả thải. Có không ít các vụ việc là ekip của tôi phát hiện ra việc xả thải, bắt quả tang và báo cho lực lượng chức năng đến xử lý. Tuy nhiên, việc phối hợp, nhận thông tin từ các nguồn tin, trong đó, nguồn tin của lực lượng chức năng là nguồn tin khá quan trọng.

+ Chị có cùng lúc đeo đuổi nhiều công việc, đề tài không? Chị có chọn cách triển khai theo kiểu cuốn chiếu?

- Cái này thì cũng tuỳ thời điểm. Nếu sự kiện điều tra nóng, tôi sẽ theo sự kiện đó tới cùng. Nhưng tất nhiên không phải sự kiện nào cũng có kết quả ngay. Đôi khi phải chờ đợi sự vào cuộc của lực lượng chức năng. Mất khá nhiều thời gian. Trong khoảng thời gian đó, tôi lại tìm hiểu đề tài, sự kiện khác. Nếu cuốn chiếu được thì tốt quá, không thì lại theo đuổi đeo bám tới cùng.

Có được thông tin đầu tiên luôn là khát khao của người làm báo

+ Hiện nay các nhà báo điều tra có làm việc theo nhóm để góp phần lan tỏa hiệu ứng xã hội… Nhưng dường như chị thích độc lập và thích tự mình tìm kiếm các câu chuyện mở màn?

- Tôi thích nhận xét “thích tự mình tìm kiếm các câu chuyện mở màn” của chị. Vì bản thân tôi khi làm phóng viên, lại yêu thích mảng điều tra, dù là mảng khó, thì việc tiếp cận và có những thông tin đầu tiên luôn là khát khao của một người làm báo. Thực tế, cảm giác mở màn cho các sự kiện, tạo hiệu ứng, để dư luận xã hội vào cuộc khiến thông tin của nhà báo có sức nặng hơn, giải quyết được những vấn đề mà thông tin, sự kiện, vấn đề đặt ra. Ví dụ như sự kiện Formosa, ekip của tôi khi tiếp cận các thông tin từ hiện trường, phản ánh của người dân, đến khi lặn xuống biển ghi hình ảnh về cống thải của doanh nghiệp, hay ghi lại phỏng vấn thách thức của ông Chu Xuân Phàm… là những thông tin mở màn cho cả xã hội vào cuộc, lên tiếng và tìm ra nguyên nhân cá chết trên biển miền Trung. 

Ngay trong sự kiện Vĩnh Tân, chúng tôi cũng là những người đầu tiên khảo sát hiện trường đáy biển, phát hiện ra sự khác biệt giữa những khẳng định của lực lượng chức năng và hiện trường tác nghiệp thực tế đáy biển Vĩnh Tân. Từ đó, dư luận xã hội đồng thuận lên tiếng, phản đối dự án đe dọa môi trường tại Bình Thuận, phương án khác nhận chìm đổ thải cũng đã được lựa chọn. Hay bản thân sự kiện bắt quả tang xả thải cũng là “phát súng” mở màn cho sự vào cuộc của lực lượng chức năng xử lý vấn đề môi trường trên kênh Bắc Hưng Hải. Cảm giác đi đầu là cảm giác hạnh phúc của mỗi PV. Tuy nhiên, với mỗi PV truyền hình thì việc hợp đồng tác chiến với ekip của mình vô cùng quan trọng. Chúng tôi vẫn hay đùa với nhau, với truyền hình thì “hình là máu”, vì vậy, phải có được hình ảnh, bảo vệ hình ảnh và sử dụng hình ảnh để truyền tải thông điệp đến khán giả. Những hình ảnh đầu tiên luôn là những hình ảnh ấn tượng và mang lại cảm giác hạnh phúc.

NB Bùi Lan Anh tác nghiệp 

Nuôi dưỡng đam mê cần phải được thắp lên mỗi ngày

+ Mỗi sự kiện có thêm sức lan toả nhờ một phần nhỏ công sức của chị và đồng nghiệp, và rồi chính nó lại cộng hưởng cho niềm đam mê của chị. Mỗi ngày, mỗi việc góp một chút… để đến hôm nay chị hình thành rõ nét hơn cá tính, mục tiêu làm báo?

- Động lực là thứ khiến cho những người làm báo hăng say, đam mê, và nuôi dưỡng đam mê của mình. Nó giống như bạn làm việc tốt, tự bản thân bạn cũng cảm thấy mình thanh thản hơn. Việc mình đưa tin, tạo sự chú ý, góp phần giải quyết được những vấn đề trong xã hội là hạnh phúc của mỗi PV, mỗi nhà báo. Không chỉ là sự kiện của mình, mà những sự kiện của đồng nghiệp khác, ở các mảng khác, khi được chú ý, quan tâm, khi có hiệu ứng thì mỗi người làm báo như chúng tôi đều cảm thấy mình được góp một phần nhỏ công sức của mình vào sự phát triển của xã hội.

Sự tích luỹ nuôi dưỡng đam mê cần phải được thắp lên mỗi ngày. Và những dòng tin tức, những sự kiện dày lên theo năm tháng sẽ là nguồn kiến thức lớn, quay lại phục vụ cho mỗi người làm báo. Từ đó bài báo, phóng sự sẽ sâu sắc hơn, lý thú hơn.

Phóng viên tác nghiệp trên tháp nhiệt điện Vĩnh Tân 

+ Nếu cho chị thoả sức làm việc, không phải tính toán về kinh phí, không hạn chế các công cụ làm việc, sự hỗ trợ, chị mơ ước được làm gì? Chị thích tìm hiểu và thấy thú vị với những kiểu đề tài, cách khai thác nào của đồng nghiệp?

- Tất nhiên là tôi vẫn thích làm truyền hình. Làm truyền hình mà không phải tính toán kinh phí, không hạn chế công cụ làm việc thì còn gì bằng nữa. Bạn biết rồi, với mỗi người làm báo hai từ mang lại nhiều cảm xúc nhất là từ “nhạy cảm”. Trong bối cảnh hiện nay, nếu thoát được khỏi từ “nhạy cảm” đó, mà lại được hỗ trợ kinh phí, công cụ làm việc để thoả mãn ước mơ thì còn gì bằng.

Với các đồng nghiệp của tôi thì tôi cảm thấy thú vị nhất là những đề tài về mảng nội chính. PV nội chính phải có nguồn tin thân cận, chính xác và phải là những người có bản lĩnh mới có thể biết được tin tức, thời điểm đưa tin, và đưa tin ở liều lượng như thế nào. Thế nên ngoài việc ngóng thông tin trong mảng theo dõi của mình thì việc ngóng tin PV nội chính luôn là một trong những sở thích của tôi.

+ Có bao giờ chị nghĩ về việc thay đổi sang 1 mảng đề tài khác, một cách làm khác để thử sức mình cũng như thay đổi môi trường, cách nghĩ, cách làm không? Vì ít nhất hiện giờ chị cũng đã ở một cái đỉnh so với chính mình.

- Có chứ. Tôi từng nghĩ đến việc sẽ thử một mảng đề tài khác. Và chắc là sẽ thử trong thời gian tới. Thế nhưng sự nghiệp báo chí tôi xây dựng là ở mảng Môi trường, bỏ mảng không hề dễ dàng, dù tôi chưa thực sự đạt được “đỉnh” như chị nói. Vẫn vấn vương lắm, nhưng hy vọng là sẽ có cơ hội thử sức ở lĩnh vực mới, và nếu thành công thì càng vui. Mảng này tôi vẫn tiếp tục theo dõi cho tới khi không thể theo dõi được nữa.

+ Xin cảm ơn chị!

Theo Hằng Nga/Báo Nhà báo và Công luận

 

Các tin khác:
  • Sàng cho kỹ, tuyển cho tinh! (02/01/2018-16:01)
  • Quyết liệt thanh, kiểm tra "tôn chỉ mục đích" các báo (29/12/2017-8:17)
  • “Chạm đến những vấn đề nghiêm trọng bằng một bàn tay nhẹ nhàng” (29/12/2017-8:13)
  • Xử phạt 55 cơ quan báo chí gần 1,3 tỷ đồng trong năm 2017 (28/12/2017-8:07)
  • "Nhuận bút không đăng cao hơn nhuận bút đăng bài" (27/12/2017-8:24)
  • Có văn phòng đại diện báo chí cấp thẻ cho chủ quán nhậu (27/12/2017-8:14)
  • Doanh thu báo chí và truyền hình trả tiền đạt hơn 21.000 tỷ đồng (24/12/2017-21:21)
  • Làm nghề chuyên nghiệp sẽ không cần phân vai (22/12/2017-8:37)
  • Báo chí Thanh Hóa đấu tranh, phản bác góp phần làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình” (21/12/2017-8:29)
  • Báo chí và mạng xã hội trong môi trường truyền thông số (18/12/2017-14:40)