Thứ năm, ngày 28/03/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Bệnh “lệch thị” và cuộc chiến “nắn dòng” thông tin sai lệch
Kỳ III: “Nắn dòng” thông tin sai lệch: “Lấy chính trừ tà” (04/01/2018-8:02)
    Trong nền kinh tế thị trường,việc theo đuổi lợi nhuận vẫn là mục đích quan trọng của nhiều cơ quan báo chí truyền thông. Trong xã hội hiện đại, nhiều thông tin liên quan đến “cướp, giết, hiếp”, “tiền, tình, tù, tội” sặc mùi bạo lực đều là sản phẩm của những người làm truyền thông đưa vào xã hội. Do đó, ngoài việc đề cao đạo đức nghề nghiệp, người làm báo cần phải tránh căn bệnh “lệch thị”, “nắn dòng” thông tin sai lệch, tạo dựng niềm tin cho công chúng.
“Lấy chính trừ tà”

Quá liều lượng và hệ lụy vô bổ

Khi bệnh “lệch thị” xuất hiện nhiều trên báo chí, những thông tin sex, sốc, sến, tình, tiền, tù tội được đăng tải tràn lan sẽ giúp tăng view trước mắt, nhưng khi hết “nóng”, sự kiện nhất loạt chìm xuồng, không có hồi kết, công chúng chỉ hiểu được một vài mắt xích nhỏ của sự kiện chứ không có sự xâu chuỗi vấn đề, hiểu đúng bản chất của vấn đề, và như vậy không giải quyết tận gốc triệt để, càng không rút ra bài học cho toàn xã hội.

Khi một sự kiện nóng nào đó xảy ra, các báo sẽ đồng loạt đưa tin, sau đó một thời gian, nếu không có tin mới, một số cơ quan báo chí tìm cách đăng lại những nội dung đã cũ hoặc bổ sung thêm một vài chi tiết không quan trọng, để khơi gợi lại chuyện cũ và cố tình đẩy sự kiện lên cao hơn, dẫn đến lãng phí tài nguyên báo chí, thực chất không đem lại hiệu quả truyền thông.

Điều quan trọng hơn, trong quá trình truyền thông, báo chí cần tuân thủ nguyên tắc sự thật là tối thượng, không xâm phạm quyền riêng tư của công dân, không thổi phồng sự thật, đưa tin giả, không can thiệp vào hoạt động điều tra của cơ quan tư pháp, đặc biệt là không luận tội cảm tính đối với đối tượng bị tình nghi trong vụ án, không tham gia vào “báo chí kết án”.

Có thể thấy, trong thời đại bùng nổ thông tin - thời đại mà truyền thông đại chúng và truyền thông xã hội đóng vai trò chủ đạo, truyền thông là “con dao hai lưỡi”, vừa làm chúng ta yêu, đôi khi cũng khiến chúng ta hận, do đó, rất cần “thanh lọc” môi trường truyền thông, để xã hội phát triển lành mạnh trong biển thông tin đa chiều hiện nay.

Sự thật luôn là nguyên tắc tối thượng của nghề báo

“Nắn dòng” bằng “lấy chính trừ tà”

Sự thật là nguyên tắc tối thượng

Trong xã hội hiện đại, khi mà đám đông luôn có một sức mạnh vô hình lẫn hữu hình, sự tỉnh táo của nhà báo và nguyên tắc tối thượng về tính chân thật của báo chí luôn phải đặt ở vị trí quan trọng nhất. Khi đưa tin về bất kỳ lĩnh vực nào, nhà báo đều phải chú ý lắng nghe các ý kiến đa chiều, phỏng vấn từ hai phía có quan điểm trái chiều, không thể chỉ nghe ý kiến của một bên. Đặc biệt, khi đưa tin về vấn đề tiêu cực, hạn chế, cần tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến những tồn tại này.

Khi đưa tin về nhân vật, cần tìm hiểu ý kiến đánh giá của các đối tượng (công chúng, giới trí thức...) về nhân vật đó.

Thế giới muôn màu được hợp thành bởi các mâu thuẫn phức tạp, bất kỳ sự kiện nào cũng đều được các nhân tố phức tạp cấu thành, trước sự thật khách quan, lối tư duy đơn giản, cách quan sát phiến diện sẽ khiến phóng viên dễ hình thành nên nhận thức phiến diện và cách đưa tin lệch lạc, gây hiểu lầm trong dư luận.

Cần sự định hướng đúng đắn

Khi báo chí đưa những thông tin tiêu cực, rất cần có tuyến bài mang tính tổng kết, cần tiếng nói của chuyên gia có uy tín, giúp công chúng rút ra bài học từ sự kiện, và định hướng kịp thời, đúng đắn cho dư luận. Thí dụ, khi đưa tin về tội phạm, phát hiện nguyên nhân phạm tội, báo chí cần nhắc nhở độc giả đề cao cảnh giác. Ví dụ khi đưa tin về một nữ sinh bị đánh hội đồng mà không ai đứng ra bảo vệ, báo chí cần lên án mạnh mẽ về những hành vi vi phạm đạo đức, cũng như xúc phạm danh dự của người khác.

Đối với những thông tin liên quan đến tai nạn, báo chí cần có những đề xuất phù hợp, nhắc nhở người dân đề cao vấn đề an toàn, tránh để lại hậu quả đáng tiếc. Đặc biệt, đối với những thông tin tiêu cực có giá trị, nhưng lại gây tác động tiêu cực rõ nét, trong quá trình truyền thông cũng cần nắm bắt mức độ, không nên truyền thông quá đà, càng không nên cố tình “tô điểm” cho sự kiện, thổi phồng sự việc, để công chúng hiểu sai hoặc đi quá xa so với vấn đề ban đầu.

Chuyển hướng thông tin kịp thời

Khi đăng tải các thông tin tiêu cực, báo chí cần chú ý tới hiệu quả truyền thông, kịp thời chuyển hướng đưa tin, “lấy chính trừ tà”. Việc đăng tải những thông tin tiêu cực không những cần tôn trọng quyền nắm bắt thông tin của công chúng, mà còn phản ánh sự thật của vấn đề, tuy nhiên những yếu tố này chỉ có được khi những thông tin tiêu cực đem lại hiệu quả tích cực.

Để những thông tin tiêu cực tạo ra hiệu quả tích cực, cần áp dụng các biện pháp như: Đưa tin trên góc độ phù hợp, không nên kích thích mâu thuẫn trong xã hội.

Trong bối cảnh xã hội phát triển hiện nay, khoảng cách giàu nghèo lớn, dễ nảy sinh mâu thuẫn trong một số tầng lớp dân cư. Do đó, cần đưa thông tin tiêu cực ở mức độ phù hợp, xây dựng kênh truyền thông hợp lý cho những nhóm người yếu thế trong xã hội (Theo Liên hợp quốc, nhóm người yếu thế trong xã hội bao gồm người nghèo, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi và người khuyết tật).

Đối với những nhóm người này, chúng ta cần lắng nghe nguyện vọng tâm tư của họ, xoa dịu mâu thuẫn xã hội và để người dân có dịp bày tỏ sự bất mãn để định hướng kịp thời cho họ. Mặt khác, mọi sự việc đều ở trong quá trình phát triển, đưa tin, báo chí không chỉ tập trung vào hướng tiêu cực, mà cần tập trung chuyển sang những yếu tố tích cực của sự kiện, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực.

Cần liều lượng thông tin nhất định

Xét từ giác độ hiệu quả truyền thông, các cơ quan báo chí truyền thông cần cân đối hài hòa khi đăng tin tích cực và tiêu cực. Mặc dù thông tin tiêu cực giành được nhiều sự quan tâm của độc giả hơn, nhưng nếu báo chí đăng quá nhiều tin tiêu cực, tần suất đăng tải dồn dập, sẽ làm gia tăng sự bất ổn cho xã hội, ảnh hưởng đến hành vi của công chúng, trở thành giáo trình tội phạm để những kẻ xấu mô phỏng. Do đó, các phương tiện truyền thông phải nắm bắt số lượng những thông tin tiêu cực và cần có liều lượng thông tin nhất định.

Báo chí cần nắn dòng thông tin sai lệch tạo niềm tin cho công chúng. Ảnh: PV

Thay lời kết

Xã hội luôn luôn vận động, dù ở quốc gia nào, thông tin tiêu cực cũng là một bộ phận không thể thiếu của đời sống báo chí truyền thông. Việc đăng tải các thông tin tiêu cực có giá trị rất quan trọng, mặc dù hầu hết các thông tin này đều có tính kích thích lớn. Do đó, trong môi trường truyền thông số, công chúng luôn phải đối mặt với nhiều áp lực từ nhiều phía, dễ có khuynh hướng tiếp nhận các thông tin tiêu cực nhiều hơn.

Với vai trò là phương tiện truyền thông quan trọng trong xã hội, khi lựa chọn thông tin đăng tải, các cơ quan báo chí truyền thông cần chú trọng phản ánh đời sống xã hội một cách chân thực, cân bằng.

Vì vậy, khi đưa tin, các cơ quan báo chí truyền thông cần khai thác thông tin tiêu cực phù hợp, điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc định hướng dư luận, xóa bỏ những bất ổn, ngăn chặn tin đồn. Đặc biệt, khi xuất hiện quá nhiều thông tin tiêu cực sẽ lấn át các thông tin có giá trị.
Nếu trên các loại hình báo chí xuất hiện đầy rẫy những thông tin tiêu cực nhàm chán, vô hình trung sẽ chèn ép không gian của các nguồn tin có giá trị, gây lãng phí tài nguyên của cơ quan báo chí, làm suy giảm uy tín của tờ báo. Điều này không có nghĩa là báo chí chỉ tô hồng không bôi đen, với các thông tin tiêu cực, quan trọng là đứng trên góc độ nào, mức độ đưa tin ra sao, đòi hỏi nhà báo cần có nghệ thuật, đề cao đạo đức nghề nghiệp và nguyên tắc tối thượng của báo chí.

Nếu không có sự sàng lọc, kiểm chứng nguồn tin để tin đồn hoặc các thông tin tiêu cực“tung hành” trên báo chí, vô hình trung vai trò và uy tín của báo giới trong mắt của công chúng bị hạ thấp, lòng tự trọng nghề nghiệp của những người làm báo chân chính tổn thương nặng nề

Theo Thành Huy Long/Người làm báo

 

 

Các tin khác:
  • Kỳ II: Bệnh “lệch thị” và những hệ lụy (03/01/2018-10:27)
  • Kỳ 1: “Cơn lốc” của truyền thông xã hội (02/01/2018-16:09)
  • Đối tượng nào có nguy cơ cao nhất? (30/12/2017-10:31)
  • Đóng BHXH trên tổng thu nhập cần hiểu thế nào cho chính xác? (28/12/2017-8:04)
  • Gian lận Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm tự nguyện có thể ngồi tù (26/12/2017-7:55)
  • Ông Phạm Minh Chính: "Giảm được biên chế mới tuyển được người giỏi“ (26/12/2017-7:52)
  • Giật mình trước con số thương vong vì hành vi đi bộ sai luật (24/12/2017-21:17)
  • Phải nhốt quyền lực trong cái “lồng” cơ chế? (22/12/2017-8:34)
  • Facebook phát hành thêm tính năng nhận diện khuôn mặt (22/12/2017-8:32)
  • Vừa mừng, vừa lo (16/12/2017-9:29)