Thứ năm, ngày 28/03/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Nhìn từ việc chống đối người thi hành công vụ:
“Vắc xin” để phòng bệnh (05/01/2018-8:56)
    (NLBTH0 - Những hình ảnh trên mạng xã hội vài ngày trước quay cảnh một thanh niên ở thành phố Nha Trang dùng dao tấn công cảnh sát giao thông khi bị dừng lại để kiểm tra giấy tờ xe do không đội mũ bảo hiểm khiến dư luận rất bất bình.

Đối tượng chống đối người thi hành công vụ ngày càng manh động (ảnh minh họa, từ internet)

Cách đây chưa lâu một thanh niên ở thành phố Thanh Hóa cũng đã quật ngã cảnh sát giao thông hòng tẩu thoát sau khi vi phạm.

Ngay cả bác sỹ đang làm nhiệm vụ cũng bị tấn công, gần nhất là trường hợp bác sỹ ở Trung tâm cấp cứu 115 tỉnh Thái Bình bị người nhà bệnh nhân đánh vỡ sống mũi trong khi đang cấp cứu cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông trong đêm Noel 2017.

Theo thống kê của Ngành Công an, năm 2017 cả nước xảy ra 47 vụ chống đối cảnh sát giao thông rất nghiêm trọng, tăng gấp đôi so với năm 2016.

Cũng trong năm 2017 có hàng chục y, bác sỹ bị tấn công, lăng mạ, và được Bộ Y tế tổng kết là một trong mười sự kiện nổi bật năm 2017.

Chưa bao giờ việc tấn công người thi hành công vụ lại nhiều và manh động như thời gian qua, qua đó cho thấy trật tự xã hội đang có nhiều phức tạp nảy sinh, gây bất an cho nhân dân, tạo hình ảnh không đẹp cho hai lực lượng rất quan trọng trong xã hội.

Tình trạng này cũng ít nhiều dẫn đến việc suy giảm trách nhiệm của những người thực thi nhiệm vụ trên hai lĩnh vực nhạy cảm này.

Người chống đối đang thể hiện cái tôi quá lớn hay muốn chứng tỏ họ không có niềm tin vào sự xử lý của một số cảnh sát giao thông và bác sỹ?

Dù có là lý do nào chăng nữa việc làm này cũng cần phải lên án, ngăn chặn tiến tới đẩy lùi, trước tiên thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, sau đó tạo niềm tin để người thực thi công vụ dám “dấn thân” hơn.

Đã có nhiều vụ chống đối người thi hành công vụ bị xử lý, nhưng số vụ vi phạm mới vẫn gia tăng, ngoài sự manh động, hung hãn của đối tướng, dường như còn phản ánh chúng ta đang thiếu chế tài đúng nghĩa, một cơ chế bảo vệ người thực thi nhiệm vụ trong những lĩnh vực nhạy cảm và phức tạp?

Để ngăn chặn tình trạng này, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, không thể thiếu việc xử lý kiên quyết, nghiêm minh các hành vi tiêu cực, sách nhiễu người dân, vi phạm về tác phong, thái độ ứng xử trong thi hành công vụ của hai lực lượng này để tránh gây bức xúc cho người dân dẫn đến xung đột hoặc các đối tượng cơ hội mượn cớ để chống đối.

Phải xem đó như liều “vắc xin” phòng bệnh trước khi tính tới việc xử lý nghiêm vi phạm của người dân khi chống đối người thi hành công vụ.

Anh Vũ

 

Các tin khác:
  • Thân phận những tờ giấy... (02/01/2018-9:54)
  • Đến hẹn lại lên và căn bệnh hình thức (29/12/2017-8:18)
  • Đi bộ không phải là đi dạo (26/12/2017-7:59)
  • Đón chờ “làn gió mới” (24/12/2017-21:23)
  • Tạo hình ảnh mới, sức mạnh tấn công tội phạm (22/12/2017-8:46)
  • Vượt “lằn ranh” tín ngưỡng (19/12/2017-14:30)
  • Giảm chi phí phải gắn với thay đổi ý thức (18/12/2017-14:44)
  • Làm “nóng” kỳ họp thứ tư HĐND TP Thanh Hóa khóa XXI (15/12/2017-9:19)
  • Lay thức trách nhiệm giữ gìn (12/12/2017-8:12)
  • Đưa lời hứa vào cuộc sống (11/12/2017-8:46)