Thứ năm, ngày 25/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tin tức - Sự kiện
Nhìn lại nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII
Vượt qua thách thức, nỗ lực để bứt phá (08/01/2018-23:34)
    Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, với tinh thần đoàn kết, thống nhất, sự nỗ lực cao của cả hệ thống chính trị, sự vượt khó của cộng đồng các doanh nghiệp, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh đã đạt được kết quả hết sức quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cơ bản đan xen với không ít khó khăn, thách thức đã và đang tác động không nhỏ tới sự phát triển, đi lên của tỉnh.
Kết cấu hạ tầng không ngừng được đầu tư đã góp phần thay đổi diện mạo đô
thị khu vực phía Nam TP Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Hương

Tập trung thực hiện 5 chương trình trọng tâm, 4 khâu đột phá

Bám sát phương hướng, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII,  Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và triển khai tổ chức thực hiện ngay 5 chương trình trọng tâm, đó là: Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Chương trình phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp; Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững; Chương trình phát triển du lịch; Chương trình đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện  4 khâu đột phá là: Phát triển nhanh, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các công trình hạ tầng quan trọng, có tính then chốt về giao thông, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc...; ưu tiên xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu Kinh tế Nghi Sơn và Khu Công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng, TP Thanh Hóa và các trục giao thông kết nối các vùng kinh tế động lực. Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu đại hội quyết định. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng; phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên; nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu đến năm 2020 Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước. 

Ngay sau đại hội, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể đã khẩn trương thể chế hóa nghị quyết của đại hội thành các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động của từng ngành, từng địa phương, đơn vị với những mục tiêu, bước đi, nhiệm vụ, biện pháp thực hiện rõ ràng, phù hợp.  

Nhìn vào bức tranh toàn cảnh của Thanh Hóa hơn 2 năm qua, nổi lên vẫn là gam màu tươi sáng, với nhiều thành tựu quan trọng đạt được toàn diện trên các lĩnh vực. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 16-NQ/TU của Tỉnh ủy về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Tập trung xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng, Khu nông nghiệp công nghệ cao thị trấn Thống Nhất (Thọ Xuân) và vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao dọc tuyến đường Hồ Chí Minh; xây dựng cơ chế thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất  coi đây là động lực mới để phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa. 

Trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành và đưa vào hoạt động các dự án quy mô lớn như: Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Xi măng Long Sơn, Nhiệt điện Nghi Sơn 2. Tiếp tục ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng Khu Kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp hiện có. Rà soát, đầu tư kết cấu hạ tầng một số cụm công nghiệp ở các huyện có lợi thế.
Tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của Tỉnh ủy, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Thành lập đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công tỉnh và các trung tâm hành chính công cấp huyện. Xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thường xuyên tổ chức đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp từ cấp tỉnh đến cơ sở  để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ. Nhiều chính sách mới được ban hành,  bổ sung đã cụ thể hóa các chương trình trọng tâm, nhằm thu hút, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương. Hai năm liên tiếp, giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao đứng trong top đầu cả nước. Đã tập trung giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở các cấp học. Xã hội hóa lĩnh vực y tế được đẩy mạnh. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được quan tâm. An sinh xã hội được chăm lo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống còn 8,43%.
Công tác an ninh - quốc phòng - quân sự địa phương được tăng cường. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng. Đã rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới một số thể chế về công tác tổ chức cán bộ, bảo đảm phù hợp với quy định của Trung ương và tình hình của tỉnh.  Các cấp ủy đảng, chính quyền đã coi trọng, tăng cường tiếp xúc đối thoại và giải quyết kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của nhân dân và doanh nghiệp. Đồng thời siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ.

Tạo đà bứt phá

 Để tạo đà bứt phá, trong nửa đầu nhiệm kỳ Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xây dựng, quyết nghị các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội ở mức cao. Kết quả cho thấy cơ bản các chỉ tiêu nhiệm vụ đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Trong đó nổi bật là du lịch và vận tải hàng không có sự bứt phá ngoạn mục. Năm 2016, du lịch tỉnh đón 6,3 triệu lượt khách, vượt 12,5% kế hoạch. Năm 2017 là 7 triệu lượt khách. Năm 2016, Thanh Hóa có khoảng 800.000 lượt khách qua Cảng Hàng không Thọ Xuân, gấp 1,6 lần năm 2015. Năm 2017, con số đó là 1 triệu lượt khách. Ngoài mở thêm các đường bay nội địa mới, đã thí điểm mở đường bay charter Thanh Hóa - Bangkok (Thái Lan). 
Tinh thần khởi nghiệp lên cao, năm 2016 thành lập mới được 1.400 doanh nghiệp,  so với cùng kỳ  tăng 13,5% về số doanh nghiệp và 26,9% về vốn đăng ký. Năm 2017, số doanh nghiệp được thành lập mới là 3.000 doanh nghiệp, đứng thứ 7 cả nước và gấp 2 lần so với năm 2016  cả về số lượng doanh nghiệp và số vốn đăng ký. 
Thu ngân sách
 năm 2017 đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay với gần 13.200 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 10.744 tỷ đồng, vượt 15,4% dự toán. Hoạt động xúc tiến đầu tư và kinh tế đối ngoại được đẩy mạnh. Nổi bật là Thanh Hóa đã phối hợp tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2017 với quy mô cấp quốc gia, với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 6,3 tỷ USD – nhiều nhất từ trước đến nay. Trong 2 năm qua, tỉnh đã hoàn thành một số dự án trọng điểm như thủy điện Trung Sơn, đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa (km 6 – km 14), đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn, khởi công các dự án lớn như tuyến đường bộ ven biển, tuyến đường từ Quốc lộ 1A đi Cảng Nghi Sơn, Cảng containner Long Sơn... 

Tuy tốc độ tăng trưởng năm 2017 chỉ đạt 9,08% - chưa đạt kế hoạch đề ra do  Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn chậm tiến độ vận hành thương mại và trận lụt lịch sử tháng 10–2017 gây thiệt hại nghiêm trọng, song vẫn duy trì đà tăng trưởng (năm 2016 đạt 9,05%) và ở mức cao so với bình quân chung cả nước (6,81%) và các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ.
Có thể thấy trong hơn 2 năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và cấp ủy, chính quyền các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kịp thời, nhịp nhàng, hành động quyết liệt, giữ vững được tình hình ổn định, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng và an sinh xã hội. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, nhiều nghị quyết, chính sách đậm hơi thở cuộc sống đã được người dân, xã hội phấn khởi đón nhận, như các nghị quyết chuyên đề về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và công tác bảo vệ môi trường; nghị quyết về cơ chế hỗ trợ xây dựng huyện nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020; các chính sách khuyến khích,  hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, chương trình việc làm giai đoạn 2016 - 2020...

Cũng trong năm 2017 trên cơ sở tham vấn của Công ty Tư vấn BCG (Hoa Kỳ) về điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, định hướng đến năm 2040, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã thống nhất lựa chọn 5 trụ cột thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng trong tầm nhìn chiến lược của tỉnh, đó là: Công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp; du lịch; y tế và phát triển hạ tầng, đô thị. Đây là các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, hội tụ các điều kiện để phát triển bền vững.

Nhìn lại nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội, một khối lượng lớn công việc đã được triển khai khẩn trương gấp rút, là bước tạo đà quan trọng để Thanh Hóa tăng tốc, bứt phá trong nửa nhiệm kỳ đại hội còn lại. 

Vượt lực cản

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn vào thực trạng, đánh giá đúng sự thật, tại các kỳ họp Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh, UBND tỉnh  đã nêu lên những vấn đề còn hạn chế, yếu kém, trong đó có một số hạn chế, yếu kém kéo dài chậm được khắc phục và có những hạn chế, yếu kém mới phát sinh, đã và đang ảnh hưởng tới sự phát triển đi lên của tỉnh đòi hỏi phải có giải pháp khắc phục cụ thể. Đó là sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn; thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp thu hút đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế. Tiến độ thực hiện một số dự án công nghiệp chủ lực chậm so với kế hoạch; một số sản phẩm công nghiệp có đóng góp lớn cho ngân sách đạt thấp so với cùng kỳ. Nhiều dự án đầu tư trực tiếp, dự án có sử dụng đất triển khai chậm, tiến độ kéo dài, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Tiến độ thu hồi các khoản nợ đọng thuế còn chậm. Công tác giải phóng mặt bằng nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu. Vi phạm các quy định về quản lý tài nguyên, khoáng sản còn xảy ra ở một số địa phương. Các điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chậm được xử lý và có xu hướng tăng. Lạm thu trong các cơ sở giáo dục còn diễn ra; doanh nghiệp nợ BHXH của người lao động vẫn ở mức cao; quá tải tại các bệnh viện công lập chưa được giải quyết. 

Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nhiều nguyên nhân; song chủ quan là do một số cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu một số ngành, địa phương, đơn vị chưa đề cao trách nhiệm, thiếu sáng tạo, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ; chưa chủ động xử lý, giải quyết những vấn đề phức tạp, bức xúc, nổi cộm ở ngành, địa phương, đơn vị; trách nhiệm trong phối hợp giải quyết công việc giữa các cấp, các ngành chưa cao; công tác quản lý Nhà nước ở một số ngành, địa phương, đơn vị còn hạn chế; một bộ phận cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, còn gây phiền hà, sách nhiễu; xử lý vi phạm chưa đủ mạnh; công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quản lý cán bộ, đảng viên của một số tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị chưa tốt...
Nỗ lực để tăng tốc

Năm 2018  là năm bản lề trong thực hiện kế hoạch 5 năm 2015 - 2020,  Thanh Hóa đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng cũng như việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết đại hội đã đề ra. Vì vậy, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ X (khóa XVIII), đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã yêu cầu các cấp ủy đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng các giải pháp khắc phục bằng được những hạn chế, yếu kém thuộc lĩnh vực, ngành, địa phương, đơn vị mình phụ trách; đồng thời  nêu rõ 3 nhiệm vụ trọng yếu yêu cầu tập trung thực hiện tốt trong năm 2018: Một là, khẩn trương rà soát đánh giá giữa nhiệm kỳ tình hình triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2015 - 2020, nhất là các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện các chương trình trọng tâm, các khâu đột phá  của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII , từ đó bổ sung kịp thời các giải pháp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, với quyết tâm cao nhất để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu mà đại hội đảng các cấp đã quyết nghị. Hai là, rà soát, bổ sung, điều chỉnh lại các quy hoạch hiện có cho phù hợp với tình hình của tỉnh, nhằm tạo lợi thế so sánh để đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2040.  Ba là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết một số vấn đề về hạ tầng để tạo lợi thế phát triển nhanh, vững chắc của tỉnh trong tương lai. 
Bên cạnh sự nỗ lực, quyết tâm cao trong ý chí, quyết liệt trong hành động của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong năm 2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sẽ tập trung cao cho việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ ở tất cả các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị; nhất là vai trò, trách nhiệm thực hiện của người đứng đầu; cương quyết xử lý nghiêm theo quy định những tổ chức, cá nhân thực hiện không tốt chức trách, nhiệm vụ của mình, ảnh hưởng đến phong trào chung của tỉnh.  

Theo Việt Linh/Báo Thanh Hóa điện tử

 

 

Các tin khác:
  • Thủ tướng giao chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội 2018 cho 5 Bộ (08/01/2018-23:25)
  • Tiếp tục thực hiện tốt công tác báo chí - xuất bản (06/01/2018-11:41)
  • Đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong tình hình mới (06/01/2018-11:37)
  • Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1-2018 (04/01/2018-15:50)
  • Khẳng định bản lĩnh tiên phong của báo chí (02/01/2018-23:46)
  • Đài PT - TH Thanh Hoá chính thức phát sóng chuẩn HD (02/01/2018-10:02)
  • Nỗ lực vì nền văn học - nghệ thuật hiện đại mang đậm dấu ấn quê hương Thanh Hóa (01/01/2018-11:34)
  • Kỳ tích kinh tế Việt Nam 2017 (30/12/2017-10:36)
  • Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao hình ảnh Agribank đến người dân và doanh nghiệp (30/12/2017-10:27)
  • Thành lập 6 đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán (27/12/2017-8:004)