Thứ năm, ngày 18/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Công tác hội
Đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam:
Nhìn từ đời sống báo chí ở Thanh Hóa (22/01/2018-14:02)
    Điều 28, khoản 6 Luật Báo chí 2016 chỉ rõ: “Người được cấp thẻ nhà báo bị thu hồi thẻ trong các trường hợp vi phạm Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, về hoạt động nghiệp vụ báo chí, thông tin trên báo chí hoặc sử dụng thẻ nhà báo không đúng mục đích, gây hậu quả nghiêm trọng”.

Từ năm 2005, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam với 9 điều, hầu hết các điều mang tính vận động, định hướng và kêu gọi nhà báo thực hiện tác nghiệp theo lương tâm và trách nhiệm

Theo quy định của Luật Báo chí 2016, Quy định về đạo đức phải được luật hóa, là một tiêu chí quan trọng để hướng dẫn, chế tài hoạt động của nhà báo, cơ quan báo chí cũng như xử lý sai phạm của nhà báo.

Rõ ràng, nghề làm báo là một nghề có trách nhiệm nặng nề đối với xã hội, cộng đồng và đối với con người. Nghề báo luôn chịu sự chi phối, kiểm soát bởi hệ thống đạo đức, thể thức, định chế hết sức khắt khe. Theo nhà báo Phan Hữu Minh - Trưởng Ban kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam, với báo chí nhiều khi chính những chuẩn mực đạo đức mới thực sự chi phối những hành vi nghề nghiệp của nhà báo. Còn với nhà báo Hữu Thọ - Nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, người được nhiều thế hệ người làm báo nể trọng vì tài năng và nhân cách đã từng bộc bạch: "Tôi có thể chấp nhận một bài báo có sai sót vì sự thiếu hiểu biết, thận trọng, nhưng họ là người quý trọng cái nghề của mình; tuy vậy tôi không bao giờ chấp nhận một ngòi bút có dụng ý không chính đáng, một ngòi bút ác!"

Câu hỏi đặt ra là: Đạo đức nghề nghiệp của người làm báo là gì? Yếu tố đạo đức nghề nghiệp của mỗi nhà báo được nhận diện như thế nào? Và làm thế nào để phân biệt rõ được một người làm báo chân chính, chuyên nghiệp có đạo đức với các yếu tố phi đạo đức trong hoạt động báo chí?  Có người nói khó, không phải là không có lý do? Nhưng nếu nhận định là hoàn toàn có thể nhận diện được, chắc chắn là có căn nguyên. Có nhiều cách để tiếp cận và nhận diện đạo đức nghề nghiệp người làm báo, còn theo thiển ý của bản thân tôi thì có lẽ: cụm từ “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” của cố nhà báo Hữu Thọ đã thể hiện rõ các hàm ý của nội dung đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Mắt sáng tức nhìn rõ, nhìn thực, nhìn thấu; lòng trong không tư lợi, dao động vì một mục đích đen tối, thấp hèn nào và bút sắc - là ngòi bút có khả năng tạo dư luận, đưa sự kiện, con người ra trước sự nhìn nhận, phán xét của xã hội. Sự trung thực trong nghề, giữ uy tín với nghề để tạo nên tác phẩm báo chí chân chính có khả năng định hướng dư luận, mang tính cách mạng và tiến bộ, thiết nghĩ đó là những phẩm chất tuyệt vời thể hiện sự chuyên nghiệp của nhà báo đạo đức.

Sự nhanh nhạy kịp thời và mang tính ảnh hưởng rộng lớn của thời đại làm báo trong kỷ nguyên số càng đặt ra cho những người làm báo trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 những thách thức mới. Làm thế nào để các nhà báo vượt qua cám dỗ, không biến mình thành người săn tin vô cảm trên mạng Internet, tránh những sai lầm chết người gây tổn hại nghiêm trọng đến cộng đồng, xã hội? Một lần nữa đạo đức nghề nghiệp người làm báo chính là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất nhà báo phải tự đặt ra yêu cầu cao với vấn đề đạo đức bản lĩnh nghề nghiệp.

Nhìn trong dòng chảy sôi động của báo chí Thanh Hóa thời gian qua có thể thấy những bài báo và những câu chuyện bên lề, hậu trường nghề báo có cả niềm vui và nỗi buồn; những mặt trái của đạo đức làm nghề trong kỷ nguyên số và cả những nỗ lực, cố gắng tuyệt vời của những người làm báo chân chính.

Không buồn sao được khi có những thông tin, tin bài phản ánh về một căn biệt thự đẹp ở giữa lòng thành phố thì lại giật tít: “Sự thật bất ngờ về phủ chúa lộng lẫy xứ Thanh”. Và chắc chắn nếu không tỉnh táo, các nhà báo sẽ trở thành nạn nhân của thông tin giật gân trên mạng Facebook khi không kiểm chứng thông tin: gần 300 phạm nhân chết đuối ở trại giam số 5 - Bộ Công an. Mới đây tại cuộc họp giao ban báo chí tháng 10, đại diện Phòng PA83 Công an tỉnh Thanh Hóa đã thông tin một sự kiện không lấy gì làm đẹp đẽ trong làng báo, đó là phóng viên một tạp chí ở Hà Nội đã đến một trường học ở huyện Tĩnh Gia để tìm hiểu thông tin. Thông tin về giáo dục thì không thấy kiểm chứng, tác nghiệp, lại làm phiền đời tư một cô giáo khiến người chồng của cô giáo này vi phạm pháp luật bằng cách nhắn tin vào số máy của nhà báo để răn đe.

Hành xử chưa thật đẹp, thận trọng, và đúng quy trình của người làm báo và cả sự thiếu thận trọng, thiếu kỹ năng nghề nghiệp đang khiến một số nhà báo, một số tờ báo bị méo mó về hình ảnh, và đang khiến cho công chúng, dư luận đặt ra câu hỏi về đạo đức nghề nghiệp người làm báo ở đâu?

Rõ ràng từ những cảnh báo của các nhà báo tiền bối và cả thực tiễn đời sống báo chí ở xứ Thanh, có thể mạnh dạn nêu ra thực trạng hiện nay đang là vấn đề thách thức với các nhà báo chân chính đó là: Lợi dụng báo chí như công cụ để tự đề cao, để nổi danh hòng trúng cử trong các cuộc “thi”, không chỉ có chuyện “loạn Sao, loạn Hậu” mà cả trong những cuộc tranh giành chức vụ chính trị; Lợi dụng báo chí để hạ đối thủ cạnh tranh trong kinh doanh và trong cả chính trị; Lợi dụng báo chí để trả thù cá nhân và lợi dụng báo chí để che chắn tội ác, bảo vệ tội phạm… Nguyên nhân tại sao? Câu trả lời không khó nhận diện, đó là yếu tố kinh tế thị trường của báo chí. Nhiều tờ báo hiện đang khó khăn cân đối thu - chi, cho nên tìm cách đưa tin giật gân, câu khách để bán báo, câu số người truy cập để tìm thêm quảng cáo, có tiền nuôi quân, giữ cây bút giỏi. Các số phụ, các trang tin điện tử ồ ạt ra đời trong mấy năm vừa rồi, đó cũng là biểu hiện xu thế thương mại hóa báo chí? Còn nguyên nhân căn bản đó là việc ngại, lười rèn luyện, tu dưỡng của phóng viên; sự giám sát lỏng lẻo của các Ban biên tập về hành vi đạo đức của người làm báo; không chỉ là những người làm báo trẻ, trong đó trách nhiệm của các đồng chí Tổng biên tập các tờ báo là rất quan trọng.

Tuy nhiên, trong bức tranh báo chí ở Thanh Hóa thời gian qua, có nhiều những điểm sáng thể hiện đạo đức người làm báo. Đó là sự đồng lòng, đồng thuận của các nhà báo của các tờ báo Trung ương đóng trên địa bàn và báo chí Thanh Hóa trong việc tuyên truyền, phản ánh về sự kiện Danh xưng Thanh Hóa bắt đầu từ năm 1029; phản biện rất xác đáng dẫn đến sự điều chỉnh của một số trường học trên địa bàn tỉnh nhằm chấn chỉnh việc lạm thu đầu năm học; cảnh tỉnh về vai trò, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền đối với nạn cát tặc; nêu gương nhân tố mới tích cực đấu tranh chống lãng phí, tiêu cực, gương thanh niên khởi nghiệp trong toàn tỉnh..

Rõ ràng, chúng ta có quyền tin tưởng và hy vọng về bức tranh tươi sáng của đời sống báo chí tỉnh Thanh, mà ở đó những hạt nhân là những nhà báo chuyên nghiệp, giữ vững đạo đức cách mạng luôn có sức lan tỏa, lay động, tạo nên trường lực đẩy lùi những hành vi tiêu cực trong mỗi trang báo, tờ báo và trong cả cộng đồng làng báo trong tỉnh.

Niềm tin của công chúng, của nhân dân, của Đảng bộ, chính quyền trong tỉnh đối với những người làm báo xứ Thanh chỉ có thể luôn được giữ bằng chữ tín. Chữ tín này là thước đo của sự trung thực, tiến bộ và cách mạng - những giá trị thiêng liêng của mỗi nhà báo, tờ báo hướng đến. Và có lẽ, chưa bao giờ sự kiểm tra, giám sát về vấn đề đạo đức người làm báo lại nóng đến vậy. Đạo đức người làm báo đã thể hiện rõ trong Luật Báo chí, quy định đạo đức nghề nghiệp của Hội Nhà báo Việt Nam, còn vấn đề thực hiện như thế nào và được đến đâu lại từ những cá nhân nhà báo và vai trò, trách nhiệm của mỗi cơ quan báo chí.

Nguyễn Hường

 

Các tin khác:
  • Những tín hiệu tích cực! (02/01/2018-15:57)
  • Cần tăng cường phối hợp quản lý giữa Hội Nhà báo địa phương với cơ quan chủ quản báo chí có phóng viên thường trú (22/12/2017-8:43)
  • "Đưa lại những tín hiệu tích cực hơn cho môi trường hoạt động báo chí" (09/12/2017-14:39)
  • Tổng kết công tác thi đua và hội thảo nghiệp vụ năm 2017 (06/12/2017-9:24)
  • Khi Hội Nhà báo trở thành đơn vị nhận “đặt hàng” (23/11/2017-8:01)
  • Báo chí Thanh Hóa tuyên truyền, quyên góp ủng hộ đồng bào vùng lũ (10/11/2017-10:49)
  • Phát huy thế mạnh, tinh thần năng động của các chi hội nhà báo (10/11/2017-7:53)
  • Hội Nhà báo TP. Hải Phòng với việc quản lý hội viên (24/10/2017-10:29)
  • “1 vì, 2 chuẩn, 3 sáng” - Phương châm bồi đắp phẩm chất nhân cách và đạo đức của người làm báo quân đội (12/10/2017-10:10)
  • Điểm mấu chốt đề cao đạo đức người làm báo (05/10/2017-11:37)