Thứ tư, ngày 24/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Môi trường làm báo tỉnh cũng khá chuyên nghiệp! (27/01/2018-20:39)
    Khác hẳn với nhiều bạn trẻ, “kiên quyết” trụ lại Thủ đô với suy nghĩ sẽ có nhiều cơ hội phát triển, nhà báo Hoàng Biên (Báo Hải Dương) lại suy nghĩ: “Yêu nghề là sống chết với nghề! Nó không quan trọng bạn sẽ làm ở đâu mà quan trọng là bạn là ai trong nghề. Bạn sẽ chẳng là ai nếu bạn chẳng hề yêu nó...”

Nhà báo Hoàng Biên 

Cơ hội là do năng lực của mỗi người tạo ra

Ra trường, anh quyết định về quê để làm báo tỉnh. Động lực nào khiến anh không tìm cách ở lại Hà Nội - nơi có rất nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp - để về quê lập nghiệp?

- Có một cơ duyên là trước khi tốt nghiệp, tôi có thời gian thực tập ở Báo Hải Dương. Qua thực tế tôi thấy môi trường làm báo ở đây khá chuyên nghiệp, đặc biệt là coi trọng khả năng, phẩm chất và tạo nhiều cơ hội, động lực để phóng viên làm tốt công việc của mình. Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp tôi đã có nguyện vọng gắn bó và nộp hồ sơ về báo Hải Dương làm việc. Theo tôi, cơ hội phát triển nghề nghiệp ở Hà Nội hay Hải Dương hoặc các tỉnh khác đều tương tự nhau. Nếu có khác thì phụ thuộc vào điều kiện đầu tư trang thiết bị ở mỗi nơi thôi! Nhưng sự phát triển nghề nó không phụ thuộc nhiều vào điều đó mà chủ yếu phụ thuộc vào chính năng lực của người làm báo. Thực tế, những năm qua đã có nhiều nhà báo ở các đài, báo địa phương thành danh, nhận được nhiều giải thưởng báo chí uy tín và được cử lên truyền hình Trung ương để làm việc. Đó là những minh chứng rõ ràng nhất.

Làm báo thời công nghệ số luôn đòi hỏi phải có nhiều đề tài phong phú, cách thể hiện mới mẻ thì mới... có thể giữ chân bạn đọc. Việc chọn đề tài để giữ chân độc giả với tờ báo tỉnh thực sự không phải dễ?

- So với mạng xã hội và các báo khác thì báo Hải Dương cũng có những lợi thế nhất định. Bởi đây là tờ báo duy nhất của địa phương, cung cấp những thông tin chính thống của tỉnh và là kênh quan trọng để người dân trong tỉnh nói lên tiếng nói của mình. Dù địa bàn không lớn nhưng luôn có những vấn đề, sự việc phát sinh trong đời sống hàng ngày để phóng viên tìm hiểu, phản ánh. Nhiều sự việc nếu phản ánh lên kênh Trung ương có thể không phù hợp nhưng với tỉnh lại quan trọng, ảnh hưởng tới một thôn, xã, huyện cụ thể. Nó liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân trong tỉnh thì vấn đề đó lại được đối tượng bạn đọc trong tỉnh hết sức quan tâm. Và đó là đặc thù riêng của từng tờ báo. Vì vậy, đối với một tờ báo tỉnh như báo Hải Dương để giữ chân bạn đọc thì đòi hỏi người làm báo không chỉ phải thông tin nhanh, chính xác, kịp thời mà còn phải thiết thực với người dân. Theo đó, phóng viên báo tỉnh phải thông thạo địa bàn, hiểu và nắm chắc tình hình địa phương để kịp thời phát hiện, phản ánh những vụ việc gần gũi, sâu sắc, mang tính đặc thù mà các báo khác khó biết, khai thác được.

Báo Hải Dương những năm qua cũng đi sâu vào những đề tài khá gai góc của xã hội, phê bình và tích cực phản ánh theo thông tin, đơn thư bạn đọc để nâng cao tính chiến đấu, phản biện và thu hút bạn đọc. Hiện Báo Hải Dương có thêm Báo điện tử nên bạn đọc có thể cập nhật thông tin trong và ngoài nước nhanh hơn. Đây cũng là cơ hội cho những người làm báo chúng tôi. Và riêng cá nhân tôi thấy, Báo Hải Dương chưa bao giờ thiếu đất dụng võ cho những người thực sự đam mê với nghề. Đối với tôi, mỗi khi được tiếp xúc một vấn đề mới, tôi lại muốn dấn thân làm tới cùng và khi có kết quả là vui rồi!

Không có nghề “khô khan” mà chỉ có con người khô khan

Làm việc ở ban nội chính, một ban mà nhiều người cho rằng khá “khô khan”, chưa kể nhiều độc giả, đồng nghiệp vẫn mặc định làm báo tỉnh phải “hiền” hơn, anh suy nghĩ như thế nào?

- Nếu tôi cũng cho là khô khan thì tôi sẽ không làm ban này! Điều đó là chắc chắn! Và không có nghề nào, công việc nào khô khan cả mà chỉ có con người khô khan, không tìm được niềm vui trong công việc thì họ mới thấy khô khan thôi! Riêng đối với tôi, gần chục năm làm báo tôi không hề thấy công việc này nhàm chán chút nào! Ngược lại tôi tìm thấy nhiều niềm vui và giá trị trong đó.

Tương lai thì không ai biết được điều gì. Nhưng tôi luôn tâm niệm sẽ gắn bó với nghề báo lâu dài. Nghề báo có nhiều sự vất vả, có khi phải chạy đêm hôm để kịp thời thông tin sự kiện đến bạn đọc, có khi phải đánh đổi nhiều thứ! Nhưng đổi lại nó cho ta rất nhiều bài học có thể áp dụng cho cuộc sống bản thân, nhìn lại bản thân và sống tốt hơn. Mỗi khi làm về một đề tài, mặc dù nó rất khô khan nhưng tôi luôn nghĩ đến đối tượng bạn đọc của mình sẽ tiếp nhận như thế nào. Tôi làm mới nó bằng việc thay đổi cách truyền tải để họ tiếp nhận bằng thái độ tích cực nhất thì tôi lại thấy vui lắm! Nhiều khi cùng một sự việc, cùng một vấn đề lại có rất nhiều cách phản ánh khác nhau nhưng không mấy ai quan tâm đến cảm xúc độc giả của mình. Họ có bị sốc khi tiếp nhận thông tin này không, họ có bị mất niềm tin hay không, họ có thờ ơ hay miệt thị, hoặc họ có tiếp nhận không. Chỉ cần mỗi lần viết một tác phẩm, mỗi nhà báo tự đặt câu hỏi như vậy thì chắc chắn nó đã đủ làm cho các nhà báo chúng ta “đau đầu” thay vì “khô khan” như nhiều người nghĩ.

+ Vậy là thay vì “khô khan” lại là “đau đầu” thưa anh?

“Đau đầu” ở đây là ý muốn nói đến việc với những người thực sự yêu nghề báo thì sẽ luôn tìm thấy nhiều khía cạnh của vấn đề để làm mới mình, mới nghề, để phát triển. Còn đối với những bạn chỉ yêu nghề báo vì mong muốn được là ai đó, có vị trí nào đó trong xã hội thì có thể có suy nghĩ là khô khan cũng dễ hiểu. Bởi họ sẽ chỉ biết “bắt chước” cách làm báo để tạo ra những tác phẩm như hàng ngàn các tác phẩm đã ra đời. Chứ không hẳn là những tác phẩm khiến độc giả phải quan tâm, suy nghĩ. Nhiều khi đọc 1 tác phẩm chính trị, một bài báo về Quốc hội nhiều người lại có rất nhiều cảm xúc. Không hẳn là vấn đề họ quan tâm nhưng bài báo có văn phong khiến người đọc càng đọc càng thích và quan tâm đến vấn đề nhà báo đề cập. Đó mới là một tác phẩm báo chí thành công. Còn những người đang làm báo mà chỉ núp danh nhà báo để đủ số lượng, định mức hàng tháng thì khó mà làm được những điều đó. Vì họ không đặt hết tâm huyết vào nghề báo, bài viết không có cảm xúc. Và độc giả cũng không thể nào ghi nhớ tên họ được. Cuộc sống rất công bằng, nếu bạn chịu đầu tư, bỏ công sức thực sự thì kết quả sẽ đến.

Viết về vấn đề tiêu cực thì phải thấy nó chuyển biến

+ Nhiều người rất thích viết về những án nóng hoặc chạy theo sự kiện để đánh bóng tên tuổi. Anh có chung dòng suy nghĩ này không?

- Chưa hẳn viết về án nóng, sự kiện “hot” là sẽ đánh bóng được tên tuổi. Bởi không phải ai cũng viết được án và không phải ai cũng có duyên hoặc có khả năng được cấp trên giao cho viết án hoặc chạy theo sự kiện. Bất cứ ngành nghề nào cũng cần có giai đoạn thử sức, phải trải qua quá trình thử thách thì người phụ trách ban mới có thể nhìn nhận được phóng viên của mình hợp với vấn đề gì để giao việc. Ngoài khả năng thì một yếu tố khác cũng quan trọng không kém là phẩm chất, trách nhiệm của phóng viên. Không phải ai cũng đủ độ tin tưởng để cấp trên giao cho một đề tài khó. Nên dù có muốn là ai thì trước hết bạn phải là người như thế nào đã.

Riêng cá nhân tôi thì bên cạnh những sự vụ nhất định thì sau mỗi bài viết về những việc tiêu cực, chưa tốt thì mình phải nhìn thấy những chuyển biến, thay đổi thì đó mới là thành công và cho mình động lực để làm nghề. Ví dụ như: những phản ánh bất cập của người dân mà nhà báo đưa lên lại không đủ sức thuyết phục để các cấp quan tâm, xem xét, sửa đổi thì mình cũng cần phải xem lại.

Gần chục năm gắn bó với nghề báo, anh đúc rút được điều gì?

- Nghề báo là một nghề rất vất vả nhưng cũng nhiều thú vị, vinh quang. Theo tôi điều khó khăn nhất của người làm báo là giữ được ngọn lửa đam mê với nghề. Để làm được như vậy, con người ta cần một ý chí kiên định, một quan điểm nghề rõ ràng để vượt qua khó khăn, thử thách, thậm chí những cám dỗ mà nghề báo mang lại.

+ Rất cảm ơn anh và chúc anh sức khỏe!

Theo Minh Minh/ Báo Nhà báo và Công Luận

 

 

 

Các tin khác:
  • “Làm báo đi là để hiểu và hiểu để rồi lại đi” (23/01/2018-8:16)
  • Nguyễn Chung và tâm thế nhập cuộc, tâm thế viết (17/01/2018-8:42)
  • Hội Báo toàn quốc 2018 dự kiến diễn ra từ ngày 16 -18/3/2018 (11/01/2018-15:13)
  • Nâng cao kỹ năng tự bảo vệ của nhà báo khi tác nghiệp (08/01/2018-23:10)
  • Người thích tìm kiếm những câu chuyện mở màn (02/01/2018-16:06)
  • Sàng cho kỹ, tuyển cho tinh! (02/01/2018-16:01)
  • Quyết liệt thanh, kiểm tra "tôn chỉ mục đích" các báo (29/12/2017-8:17)
  • “Chạm đến những vấn đề nghiêm trọng bằng một bàn tay nhẹ nhàng” (29/12/2017-8:13)
  • Xử phạt 55 cơ quan báo chí gần 1,3 tỷ đồng trong năm 2017 (28/12/2017-8:07)
  • "Nhuận bút không đăng cao hơn nhuận bút đăng bài" (27/12/2017-8:24)