Thứ năm, ngày 25/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Văn hóa - Thể thao
Hò hẹn với mùa xuân (15/02/2018-20:37)
    Mùa xuân là báu vật của đất trời; là mùa kết tinh hoa thơm quả ngọt, là mùa nảy nở tình yêu, hạnh phúc, bởi vậy, theo tiếng gọi của mùa xuân, chúng tôi đến với những vùng đất lạ để cảm xúc được thăng hoa trong sáng tạo
Đoàn làm phim trên đồi hoa hướng dương

Để làm seri Ký sự truyền hình “Phượt mùa xuân” phát trong chương trình Tết Nguyên đán Đinh dậu, chúng tôi đã tổ chức những chuyến đi cả trong và ngoài tỉnh. Mùa xuân là mùa của muôn hoa, nên chuyến đi đầu tiên chúng tôi là tìm đến những cánh đồng hoa.

Cùng với một số văn nghệ sỹ, chúng tôi vào Nghĩa Đàn, Nghệ An thăm cánh đồng hoa hướng dương. Công ty TH True Milk trồng hoa hướng dương với mục đích chính là làm thức ăn cho bò sữa, nhưng vì vẻ đẹp tự nhiên của loài hoa mặt trời đã tạo nên sức hút kỳ diệu, nhất là cánh đồng hoa lại nằm trong phối cảnh đồi núi rất nên thơ, nên bỗng chốc trở nên nức tiếng, rất nhiều du khách tìm đến tham quan, chụp ảnh. Nhận thấy tiềm năng của một điểm đến du lịch, Nghệ An đã tổ chức Lễ hội hoa hướng dương - sự kiện này đã được các công ty du lịch lữ hành quan tâm đặc biệt.

Chúng tôi đến với Lễ hội trên chuyến xe của Công ty du lịch Hoàng Gia - một đơn vị du lịch lữ hành ở Thanh Hóa. Tuyến đường Hồ Chí Minh ngang qua cánh đồng hoa người xe như mắc cửi. Vừa xuống xe, chưa kịp nghỉ, nhà báo - nhiếp ảnh gia Lê Dậu đã nhanh chóng bấm những short hình đầu tiên để kỷ niệm những người bạn trong hành trình du xuân. Nàng thơ Sơn Ca từ vùng cao xứ Thanh cũng không bỏ lỡ cơ hội có mặt trong dòng người trẩy hội hoa. Các nữ văn nghệ sỹ của Hội Văn học - Nghệ thuật Thanh Hóa thướt tha khăn áo, tươi tắn những màu mắt, màu môi quyến rũ... Trong ánh mắt, nụ cười của những người yêu hoa là niềm vui, niềm khát khao được chiêm ngưỡng cảnh sắc tươi đẹp, được hòa mình vào mùa xuân của đất trời, cây lá. Họa sỹ Lê Hải Anh hào hứng mang toan, màu, bút vẽ ra để sáng tác. Chỉ một loáng, anh đã phác xong bức họa với gam màu rạng rỡ, tràn đầy sắc xuân, và tôi là người may mắn được anh tặng cho bức họa ấy.

Nhóm nghệ sỹ xứ Thanh đã có một ngày dã ngoại và thực tế sáng tác đầy cảm hứng, để có những tác phẩm nghệ thuật thăng hoa hơn bao giờ hết. Anh Nguyễn Minh Hiệu - Phó Chủ nhiệm CLB Hướng dẫn viên du lịch Thanh Hóa đi trong đoàn nhiệt tình giới thiệu cho chúng tôi biết về tác dụng của cây hướng dương trong quy trình chăn nuôi bò sữa. Cánh đồng hoa xuất hiện đã khiến cuộc sống nơi đây thay đổi, tạo ra một môi trường sinh thái và cảnh quan tuyệt đẹp. Sau chuyến đi thăm cánh đồng hoa, chúng tôi tìm đến với đào Xuân Du, huyện Như Thanh, cánh đồng hoa cải ven sông Tào và nhiều vùng trồng hoa khác... Tập ký sự đầu tiên với tựa đề “Mê đắm hồn hoa” đã ra đời với cảm hứng bắt nguồn từ những cánh đồng hoa.

***

Để hưởng khí xuân, sắc xuân của núi rừng, chúng tôi quyết định lang thang lên vùng cao xứ Thanh. Điểm đến chúng tôi lựa chọn là Cao Sơn, tức ba bản Son - Bá - Mười thuộc xã Lũng Cao, huyện Bá Thước. Cao Sơn vẫn thường được ví von như “Đà Lạt của xứ Thanh”, hay “Sa Pa thu nhỏ của Thanh Hóa”, bởi địa chất và khí hậu khá đặc biệt, mùa đông rất lạnh thậm chí có cả tuyết rơi, và dường như quanh năm sương phủ. Chất đất nơi đây tơi xốp, màu mỡ nên dễ canh tác và phù hợp với các loại rau màu vụ đông và cây ăn quả như đào, mận, cam quýt... Và đặc biệt, người dân nơi đây rất thật thà và mến khách. Đêm xuống, chúng tôi nghỉ lại nhà sàn của một hộ dân tham gia làm du lịch cộng đồng. Thực ra việc phục vụ khách chưa đạt đến độ chuyên nghiệp, nhưng chúng tôi quý sự chất phác, chân tình của gia đình bác chủ nhà. Chúng tôi cùng gia chủ ăn cùng mâm, ngồi bên bếp lửa trò chuyện đến khuya và cùng ngả lưng trên một sàn nhà, không còn cảm giác mình là khách lạ.          

Trước đây, để đến được nơi này phải đi bộ qua những cánh rừng nguyên sinh và những đỉnh dốc gập gềnh, hiểm trở. Ngày nay Cao Sơn không còn biệt lập như trước bởi đã có con đường nối từ trung tâm xã vượt qua đỉnh Eo Mào đến cụm bản. Tuy nằm giữa những vách núi hiểm trở, có độ dốc cao, sương mù dày đặc, nhưng con đường đã làm nên sự thay đổi vượt bậc cho cuộc sống người dân nơi đây và giúp nhiều khách du lịch đến vùng đất xinh đẹp này một cách dễ dàng hơn.

Rời Cao Sơn với những cành đào vừa chớm nụ cùng một đàn gà núi “đặc sản”, chúng tôi dường như vẫn còn chưa thỏa vì thời gian không cho phép lưu lại lâu để khám phá hết những vẻ đẹp tiềm ẩn của vùng đất này. Chúng tôi hẹn với bà con sẽ trở lại vào mùa lúa chín để ngắm những chân ruộng bậc thang vàng óng. Những lời bình của tập Ký sự “Phượt mùa xuân” với tựa đề “Giữa miền sương phủ” được hình thành trong đầu tôi khi lái xe phải căng mắt trong sương mù, rà phanh vượt những khúc cua tay áo để xuống núi. Chính vì được xem tập Ký sự này mà một người bạn tôi - doanh nhân Lê Thế Ngân - ông chủ thương hiệu “Milk 36” đã quyết tâm lên với Cao Sơn. Đi về rồi, anh rất hào hứng với dự định một ngày không xa sẽ trở lại trong vai trò một nhà đầu tư, biến nơi đây thành một khu du lịch đẹp hơn cả Pù Luông.

***

Hành trình “Phượt mùa xuân” của chúng tôi tiếp tục với những chuyến đi lên rẻo cao cùng các đoàn thiện nguyện.

Tôi theo đoàn phượt thiện nguyện của CLB Otofun Thanh Hóa vượt 300 km đến với bản Cặt, một bản người Mông ở xã biên giới Nhi Sơn, huyện Mường Lát. Cung đường phượt trở nên ý nghĩa hơn bởi đây không chỉ là chuyến du xuân khám phá cảnh đẹp, còn là chuyến đi chia sẻ tình yêu thương. Dân cư ở đây điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn, nhà nào cũng chon von trên núi cao, nhiều năm trẻ mầm non phải học trong lều tranh tre nứa lá. Chương trình thiện nguyện “Nụ cười Bản Cặt” thực hiện đã giúp cô trò trường mầm non của bản có phòng học an toàn vào mùa mưa lũ, ấm áp vào mùa đông lạnh giá.

Phóng viên Đài PTTH Thanh Hóa ghi hình ảnh biểu diễn điệu khèn Mông

Lễ khánh thành ngôi trường diễn ra trong niềm hân hoan của bà con dân bản và đặc biệt là các em nhỏ. Các bé mặc trang phục Mông sặc sỡ cùng hòa vào tiếng nhạc nhảy múa nhịp nhàng. Khi quay phim Lê Quang lấy máy flycam ra để tác nghiệp, bầy trẻ xúm lại xem, lần đầu tiên các bé thấy một chiếc máy bay mi ni lượn trên bầu trời nên  rất thích thú. “Phi công” Lê Quang đùa vui: “Năm trăm anh em bản Cặt đâu, hộ tống máy bay nào!” làm bọn trẻ òa lên cười. Chúng tôi cùng các bé đi một vòng quanh bản, vào thăm một số nhà dân, lên sườn đồi hái hoa. Nhạc sỹ Mạnh Thống say sưa hát cho các bé nghe, còn các em lại múa hát rất tự nhiên giữa vườn hoa dại, quay phim Văn Tráng tha hồ bấm máy mà chẳng cần phải đạo diễn. Giữa cỏ hoa, tâm hồn chúng tôi bay bổng theo điệu múa, lời ca của bầy trẻ thơ. Mùa xuân ùa về với đất trời nơi đây….

Rời bản Cặt, chúng tôi lại theo đoàn thiện nguyện Tôi Yêu Thanh Hóa đến với  ba bản xa nhất của xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn, đó là Na Hồ, Na Phường và Sủa. Từ Quốc lộ 217 đi sâu vào một đường mòn dài nhiều ổ voi gập ghềnh, thì đến hai bản Na Hồ, Na Phường. Nhưng để sang bản Sủa phải vượt qua một chiếc cầu tre lắt lẻo. Bản Sủa nằm bên kia sông, thuộc vùng lõi của Khu bảo tồn Nam Động. Mùa khô thì người dân bắc cầu tạm vượt sông, nhưng mùa mưa, đặc biệt là khi về cây cầu bị lũ cuốn đi, thì bản Sủa hoàn toàn cô lập, trẻ em không thể đến trường. Bản Sủa là một thung lũng nhỏ nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi cao mây phủ, đồng bào chủ yếu là người Thái, một số ít là người Mường. Cảnh sắc ở đây khiến những nhiếp ảnh gia của đoàn thiện nguyện mê mẩn khi vừa đặt chân đến. Chúng tôi được dự bữa cơm đoàn kết tại nhà văn hóa. Chúng tôi rất ấn tượng với những chiếc thảm ngồi đầy màu sắc, cùng những món ăn mang hương vị núi rừng bọc trong lá dong.

Buổi tối, chương trình giao lưu văn nghệ diễn ra rất vui nhộn. Nhạc sỹ Mạnh Thống đã làm không khí tưng bừng náo nhiệt bởi giai điệu nhạc phẩm “Đêm hội Quan Sơn” do ông sáng tác. Tiếp nối là tiết mục múa sạp, các tình nguyện viên của CLB Thiện nguyện nắm tay các bạn thanh niên dân bản nhảy nhiệt tình. Ánh lửa bừng lên, những chóe rượu cần được khui ra, mọi người say sưa trong tiếng hát, trong hương rừng núi nồng nàn, trong tình người ấm áp… Sáng hôm sau, khi mây còn vờn trên đỉnh núi, bà con dân bản đã vây quanh sân bãi trước nhà văn hóa. Những món quà ấm áp nghĩa tình được đoàn thiện nguyện trao tận tay các em nhỏ và các gia đình nghèo. Mùa xuân đơm hương sắc lên hoa lá, những trái tim thiện nguyện đơm niềm vui, hạnh phúc lên gương mặt trẻ thơ nơi núi rừng biên ải xa xôi… Tập ký sự “Rẻo cao ấm tình người” của chúng tôi đã ra đời trên những nẻo đường thiện nguyện ấy.

Nghề báo cho chúng tôi cơ hội được đón xuân sớm nhất và chiêm ngưỡng vẻ đẹp mùa xuân ở khắp mọi miền quê hương. Đó là niềm hạnh phúc không phải ai cũng có. Một mùa xuân nữa lại về. Mùa xuân với hương đất, tình người ấm áp vẫy gọi chúng tôi lên đường, bởi chúng tôi đã hò hẹn với mùa xuân!

Mai Hương

 

 

Các tin khác:
  • Pape Omar lập công, FLC Thanh Hóa giành chiến thắng mở màn AFC Cup 2018 (11/02/2018-11:57)
  • Đi đâu chơi gì Tết này? (08/02/2018-15:10)
  • Trao tặng gần 300 cuốn sách của các tác giả xứ Thanh cho Thư viện tỉnh (07/02/2018-8:00)
  • Vĩnh biệt nhạc sỹ Hoàng Vân - cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam (05/02/2018-20:34)
  • Cảm hứng bóng đá phải giúp làm đất nước tốt đẹp lên (30/01/2018-8:43)
  • “Con voi chui lọt lỗ kim”: Tái hiện chân thực, nhân văn trách nhiệm (29/01/2018-7:47)
  • Đình Tùng lập hattrick, FLC Thanh Hóa vượt qua vòng sơ loại AFC Champions League (24/01/2018-7:27)
  • Thủ thành FLC Thanh Hoá Tiến Dũng đã được phát hiện và tỏa sáng như thế nào? (23/01/2018-7:56)
  • Truyền thông quốc tế ngợi ca chiến tích lịch sử của Việt Nam (22/01/2018-13:56)
  • Vinh danh 59 tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc năm 2017 (18/01/2018-8:24)