Thứ tư, ngày 24/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Câu hỏi ngược (11/03/2018-8:40)
    (NLBTH) - Dư luận đang bất bình sau khi một phụ huynh bắt cô giáo quỳ gối mới tha cho việc cô đã phạt con mình phải quỳ ở lớp trước đó. Dư luận có lý khi bênh vực người yếu thế, nhưng dường như nhiều người đang chạy theo số đông. Họ không chịu đặt câu hỏi ngược lại, là nếu cô giáo không phải là người “đốt lửa” thì có bị “bỏng tay”?
Cần tạo ra môi trường sư phạm thật sự để học sinh được học tập, vui chơi tốt nhất
(ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet)

Ngành GD&ĐT không quy định hình phạt học sinh quỳ gối. Ở những bậc học đầu đời giáo viên càng phải chú trọng làm gương cho trẻ, nhưng có giáo viên vi phạm điều đó chỉ nhằm thỏa mãn bực tức.

Thay cho sự bực tức, môi trường giáo dục cần sự nhẫn nại. Thay cho dùng thước đánh vào tay học trò, giáo viên nên dùng lời nói để thuyết phục trẻ. Đòn roi là biện pháp mạnh, nhưng lạm dụng sẽ phản tác dụng.

Tôi không đồng ý với cả hai trong trường hợp này vì đều vượt xa phạm trù đạo đức. Nhà Phật khuyên: Oán nên cởi, không nên thắt. Cô giáo đã làm việc không được làm với học sinh của mình, là phạt em quỳ gối, còn phụ huynh đã quá ăn thua theo cách có vay - có trả, bắt cô giáo quỳ gối ngược lại. Họ đều quên họ đang có mục tiêu chung là “trồng người”.

Chúng ta thường tỏ ra bất bình với lời nói, việc làm của một số phụ huynh, nhất là người bỏ ra đồng tiền cho con đi học rồi gây áp lực yêu cầu phải thế này, thế kia. Chúng ta cũng chứng kiến nhiều ứng xử vượt quá quy định nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên, và những hệ lụy sau đó là tất yếu theo kiểu “tức nước vỡ bờ”. Ở ngành nào cũng có “sâu mọt”, nhưng ở nơi ươm gieo mầm xanh cho tương lai đất nước phải hạn chế đi sự “sâu mọt”.

Trên trang facebook cá nhân, một nhà báo đã lên án hành vi của phụ huynh này, nhưng cũng bày tỏ quan điểm là có những giáo viên chỉ dạy một phần kiến thức, khiến phụ huynh phải cho con đi học thêm. Bộ GD&ĐT đã quy định cấm dạy thêm ở bậc học thấp, nhưng nhiều giáo viên vẫn phớt lờ. Status của anh nhận được khá nhiều ý kiến đồng tình. Họ đồng tình vì lâu nay họ phải sống trong bất bình ấy nhưng không dám nói ra sợ ảnh hưởng đến con mình.

Nhà báo này có con học ở một trường trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, họp phụ huynh anh phát biểu góp ý về những bất cập mà nhà trường và cô giáo đặt ra khiến phụ huynh luôn phải trong tư thế chạy theo rất vất vả không chỉ về vật chất mà cả thời gian. Anh rất thẳng thắn, nhưng rồi đã phải chua chát thừa nhận là cũng chẳng giải quyết được gì.

Giờ không ít phụ huynh mong có thêm trường tư thục chất lượng cao cho con học, dù học phí cao nhưng không phải lo làm đẹp lòng giáo viên.

Ở đô thị có tình trạng học sinh đến ngày lễ, tết là hỏi bố mẹ gửi phong bì cho giáo viên chưa vì bố mẹ các bạn đã gửi rồi. Con trẻ đang bị tiêm nhiễm một thứ tệ nạn, và có những phụ huynh đã phải gửi con về quê học để tránh mầm họa đó.

Đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm trong thực thi công vụ đã được đề cập nhiều, và đây là một bài học. Nhìn vào đó để điều chỉnh hành vi nếu như không muốn là người bị “bỏng tay”.

Lam Điền

 

 

Các tin khác:
  • Kênh thông tin quan trọng (09/03/2018-9:09)
  • Không có “trời riêng”! (06/03/2018-8:41)
  • Cần lựa chọn cách làm phù hợp (04/03/2018-21:32)
  • Giới hạn của sự chịu đựng (02/03/2018-16:13)
  • Cần thoát ly tâm lý đám đông (26/02/2018-8:17)
  • Xua đuổi tàn dư tết (24/02/2018-23:17)
  • Gây rừng, gây dựng niềm tin (23/02/2018-19:09)
  • Lòng thành núp bóng (12/02/2018-08:59)
  • Hình ảnh trên những con đường hoa (11/02/2018-12:00)
  • Khuôn mặt ngày cận tết (09/02/2018-8:12)