Thứ bảy, ngày 20/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Đặt tiếp những “viên gạch hồng” cho sự phát triển Báo Thanh Hóa (20/03/2018-9:19)
    Hơn nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành, Báo Thanh Hóa đã khẳng định được vai trò của tờ báo cách mạng là tuyên truyền tập thể, tổ chức tập thể, cổ động tập thể như Lê-nin từng chỉ dạy; đồng thời, từng bước làm tròn chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội.
Phóng viên Báo Thanh Hóa cùng phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tác
nghiệp tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2017 (tháng 5-2017). Ảnh: Minh Hiếu

Tuy nhiên, để Báo Thanh Hóa trở thành lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng trong thời kỳ CNH, HĐH, đòi hỏi tờ báo phải đổi mới liên tục và mạnh mẽ, đặc biệt là nâng cao tính chuyên nghiệp, coi trọng hiệu quả thông tin, tính chiến đấu, tính định hướng, tính phát hiện, sự nhanh nhạy, kịp thời và hấp dẫn của tờ báo. Đây cũng chính là trăn trở của người lãnh đạo tờ báo trong giai đoạn hiện nay, đồng chí Phạm Minh Thiệu, Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập Báo Thanh Hóa.

Phóng viên: Kỷ niệm 56 năm ngày Báo Thanh Hóa ra số đầu cũng đồng thời là sự kiện đánh dấu quá trình xây dựng và trưởng thành của tờ báo, gắn với những vinh quang của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Vậy thưa đồng chí, trên chặng đường hơn nửa thế kỷ nhiều gian khổ nhưng rất đỗi tự hào ấy, Báo Thanh Hóa đã từng bước khẳng định được vị thế và tiếng nói của mình với tư cách một “lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng” ra sao?

Đồng chí Phạm Minh Thiệu: Trước yêu cầu mới của cách mạng Việt Nam, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã có nghị quyết về việc thành lập các báo đảng bộ địa phương. Đầu tháng 2-1962, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa ra Nghị quyết số 18-NQ/TW về việc ra tờ báo của Đảng bộ tỉnh. “Chuyển tờ tin Thanh Hóa lên tờ báo lấy tên là “Báo Thanh Hóa đổi mới”. Ngày 20-3-1962, số báo Thanh Hóa đổi mới đầu tiên được xuất bản, đến tháng 5-1966 đổi tên thành Báo Thanh Hóa.

Sự ra đời của Báo Thanh Hóa đánh dấu bước phát triển mới của báo chí cách mạng xứ Thanh, trước yêu cầu tăng cường công tác chính trị - tư tưởng của Đảng khi cả nước đang tập trung mọi nguồn lực cho công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thực hiện tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của mình, 56 năm qua, Báo Thanh Hóa đã tập trung tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị...; nêu gương người tốt, việc tốt, các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; phê phán thói hư, tật xấu, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực... góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương qua các thời kỳ.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người hiểu hơn ai hết tầm quan trọng của báo chí trong việc tuyên truyền, cổ vũ cho độc lập tự do của dân tộc và CNXH. Người khẳng định “Cái bút là vũ khí sắc bén, tờ báo là tờ hịch cách mạng”. Với tư cách là “Tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa” và là “lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng”, Báo Thanh Hóa đã và luôn đứng vững trên hai “trận tuyến” của đấu tranh và xây dựng, phê phán và biểu dương. Sự trưởng thành cả về quy mô tờ báo và bản lĩnh nghề nghiệp của đội ngũ người làm báo Thanh Hóa được ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, địa phương. Đặc biệt trong đó Báo Thanh Hóa có 3 bài báo được Bác Hồ gửi thư khen. Sự quan tâm sát sao của Bác đối với tờ báo và những bài báo cụ thể là nguồn động viên, cổ vũ và niềm tự hào to lớn đối với các thế hệ người làm báo Thanh Hóa trước đây và hiện nay.

Phóng viên: Đổi mới báo chí - nhất là đối với báo đảng địa phương - đang được đặt ra như một yêu cầu có tính tất yếu trong sự tồn tại cũng như tiếp tục khẳng định vị thế tờ báo. Yêu cầu này đang được đặt ra như thế nào đối với Báo Thanh Hóa trong giai đoạn hiện nay, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Minh Thiệu: Ngay trong số báo đầu tiên, Báo Thanh Hóa đổi mới đã có lời tri ân gửi đến bạn đọc: “Nguyện luôn luôn làm người lính tiên phong, sát cánh cùng bạn đọc trong cuộc đấu tranh cho sự nghiệp xây dựng XHCN và hòa bình thống nhất nước nhà, làm cho Thanh Hóa giàu đẹp, đổi mới không ngừng...”. Từ đó đến nay, gắn liền với từng chặng phát triển quê hương, đất nước, Báo Thanh Hóa cũng không ngừng “làm mới” chính mình nhằm đáp ứng yêu cầu tuyên truyền, cổ vũ cách mạng. Ngay từ những năm đầu của thế kỷ XXI, Báo Thanh Hóa đã khởi động cho công cuộc đổi mới. Đó là phương án hướng đến lộ trình 3 bước, gồm: Lấy việc xây dựng đội ngũ người làm báo có chuyên môn, nhiệt huyết, bản lĩnh làm nòng cốt; thành lập chi hội nhà báo Báo Thanh Hóa để góp phần chăm lo, giúp đỡ đội ngũ người làm báo; mở rộng khuôn khổ tờ báo gấp 2 lần khuôn khổ hiện tại.

Với phương châm “Đổi mới phải có bản lĩnh và gắn với thực tiễn”. Từ những bước khởi động ban đầu, đồng thời, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp và sự hỗ trợ của các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp... đến nay, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ báo đã được đầu tư và tăng cường theo hướng hiện đại. Đặc biệt, tháng 10-2016 Thường trực Tỉnh ủy đã phê duyệt “Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng toàn diện Báo Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”. Thực hiện đề án trên, năm 2017, Báo Thanh Hóa xuất bản số Chủ nhật - 8 trang, chính thức trở thành báo hằng ngày; đồng thời trang Thông tin điện tử được nâng cấp thành Báo Thanh Hóa điện tử. Tiếp đó, từ 1-1-2018, 6 số báo 4 trang còn lại đều tăng lên 8 trang.

Với 3 ấn phẩm là báo Thanh Hóa hằng ngày, báo Thanh Hóa hằng tháng và báo Thanh Hóa điện tử, tính thời sự và bao quát các vấn đề của Báo Thanh Hóa được nâng lên rõ rệt, từng bước đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền tỉnh đối với phong trào cách mạng của địa phương. Đặc biệt, với phương pháp tổ chức tuyên truyền có nhiều sáng tạo, đổi mới theo hướng hiện đại, nổi bật là thực hiện mô hình Tòa soạn hội tụ, hướng đến Tòa soạn đa phương tiện; tổ chức tổ, nhóm tuyên truyền theo sự kiện, chuyên đề chuyên sâu; mở rộng dung lượng các vấn đề thời sự chính trị – kinh tế – xã hội – văn hóa – thể thao nổi bật trong nước, quốc tế... Có thể nói, với thế mạnh của mình, Báo Thanh Hóa đang trở thành diễn đàn để cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh bày tỏ tâm tư, tình cảm, ý kiến góp ý. Đồng thời, việc tăng kỳ, tăng ấn phẩm cũng đồng nghĩa với việc tăng “đất dụng võ” cho phóng viên và cộng tác viên của báo.

Phóng viên: Đại hội XI của Đảng đã nêu rõ một chức năng quan trọng của báo chí là “thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện”. Vậy, trong sự đổi mới toàn diện Báo Thanh Hóa hiện nay, chức năng “phản biện” đang được thực hiện ra sao nhằm nâng cao chất lượng các ấn phẩm và thẩm quyền của tờ báo, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Minh Thiệu: Có thể nói, thành tựu từ sự đổi mới Báo Thanh Hóa diễn ra liên tục trong nhiều thập kỷ qua, được thể hiện rõ nét qua chất lượng tờ báo và sự ghi nhận, đánh giá cao từ phía bạn đọc. Cùng với báo chí cả nước, Báo Thanh Hóa đang ngày càng phát huy tốt vai trò là diễn đàn chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân. Với hai chiều phản ánh không chỉ mang lại sự phong phú, sinh động, hấp dẫn về thông tin, mà qua đó, giúp Báo Thanh Hóa đi sâu thực hiện một trong những chức năng quan trọng nhất của báo chí là phản biện xã hội. Phản biện một cách công khai, vô tư chính là cuộc đấu tranh loại bỏ cái cũ kỹ, lạc hậu, cái trì trệ đang kéo lùi sự phát triển. Đồng thời, phản biện trên tinh thần cầu thị và mang tính xây dựng góp phần tạo dựng những giá trị mới, tiến bộ làm động lực cho sự phát triển.

Khi Đảng ta coi báo chí là một trong bốn hệ thống giám sát cán bộ, đảng viên thì yêu cầu phẩm chất của “Người giám sát” phải là tính công bằng, sự dũng cảm và năng lực. Từ khi ra đời đến nay, nhất là trong thời kỳ CNH, HĐH quê hương, đất nước, Báo Thanh Hóa coi trọng nhiệm vụ đấu tranh, phê phán các hiện tượng tiêu cực trong xã hội; những biểu hiện xuống cấp trong đạo đức, văn hóa, lối sống con người; dấu hiệu tự diễn biến, tự chuyển hóa và hành vi tham nhũng của một bộ phận cán bộ, đảng viên... Có thể nói, Báo Thanh Hóa đã và đang thể hiện rõ  tính nhân văn của báo chí, phản ánh tiếng nói của quần chúng và tạo ra dư luận xã hội tích cực, góp phần ngăn chặn và loại bỏ dần cái xấu ra khỏi hành trình xây dựng một xã hội ngày càng tiến bộ, văn minh.

Phóng viên: Có thể khẳng định, bên cạnh cơ sở vật chất và phương tiện kỹ thuật, thì sự đổi mới báo chí, nhất là nâng cao chất lượng tờ báo, không thể không quan tâm đặc biệt đến chất lượng đội ngũ người làm báo. Đây cũng là nhiệm vụ không hề dễ dàng đối với tờ báo, phải vậy không thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Minh Thiệu: Báo Thanh Hóa hiện có hơn 60 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên, trong đó, 100% có trình độ đại học, nhiều đồng chí có 2 bằng đại học và trình độ thạc sĩ; cán bộ chủ chốt đa số có trình độ cử nhân, cao cấp lý luận chính trị. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên tòa soạn báo ngày càng năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tạo được sức bật mới. Sự trưởng thành nhanh chóng về số lượng, chất lượng, trình độ, năng lực đội ngũ là động lực để Báo Thanh Hóa phát triển ngày càng lớn mạnh. Nghề báo hạnh phúc hơn nhiều nghề khác vì nhà báo có ngòi bút, được “sống” với tư duy và được khẳng định mình qua tác phẩm. Muốn vậy nhà báo không chỉ có trí tuệ mà còn cần bản lĩnh và tính trung thực. Song từ lý thuyết đến thực tế vẫn luôn có khoảng cách, mà để lấp đầy không cách nào khác, mỗi cá nhân phải tự nỗ lực học tập, trau dồi và nhất là giữ cho được “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”.

Trong nghề báo, điều quý giá nhất là được sự tin cậy của bạn đọc đối với tác phẩm, cũng chính là sự tin cậy của họ dành cho măng-sét tờ báo. Điều đó chỉ có thể có được từ giá trị của lao động, hay của chất nhân văn mà xã hội luôn luôn đòi hỏi đối với nghề báo. Và những người làm báo Thanh Hóa đã và luôn không ngừng nỗ lực để giành và giữ được sự tin cậy ấy. Đội ngũ những người làm báo của Báo Thanh Hóa hôm nay không chỉ đông đảo, đủ sức đi và viết, đủ độ nhạy bén để đối diện, nắm bắt thực tiễn, đủ tri thức để cụ thể hóa thực tiễn ấy trên trang viết. Song, bối cảnh mới cũng đang đặt người làm báo trước không ít khó khăn và cám dỗ, mà nếu cái tâm, sự chân thành và lòng trung thực không đồng hành cùng ngòi bút, sẽ rất khó để xây dựng được đội ngũ người cầm bút “vừa hồng, vừa chuyên”.

Vượt lên những thách thức cả khách quan lẫn chủ quan, với truyền thống hơn nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành, cùng tư duy đổi mới, sáng tạo không ngừng và đội ngũ người làm báo có lập trường tư tưởng – chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, tận tâm với nghề, có thể khẳng định, thế hệ những người làm báo Thanh Hóa hôm nay đang đặt tiếp những “viên  gạch hồng” cho phát triển tờ báo trong thời kỳ mới.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Theo Lê Dung/Báo Thanh Hóa

 

Các tin khác:
  • Cụm HNB các tỉnh Bắc miền Trung đoạt giải B gian trưng bày ấn tượng đặc sắc (18/03/2018-21:53)
  • Bế mạc Hội báo Toàn quốc 2018 (18/03/2018-20:47)
  • Phó Chủ tịch Thường trực HNB Việt Nam tiếp Phó Chủ tịch Liên Đoàn báo chí Thái Lan (18/03/2018-15:00)
  • Khi nhà báo nữ là Tổng Biên tập (18/03/2018-14:55)
  • Hội Báo toàn quốc 2018: Tọa đàm về làm báo trong thời đại 4.0 (17/03/2018-22:00)
  • Nhiều nét mới tại Hội báo toàn quốc 2018 (17/03/2018-13:15)
  • Xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động không thể thiếu vai trò của báo chí (17/03/2018-13:11)
  • MC Thùy Dương: Nhan sắc chỉ là ấn tượng ban đầu với khán giả (17/03/2018-13:09)
  • Khai mạc Hội báo toàn quốc năm 2018 (16/03/2018-15:33)
  • Sức thuyết phục, độ tin cậy là con đường sống của báo chí (14/03/2018-22:48)