Thứ năm, ngày 18/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp:
Luật chưa đủ mạnh (26/03/2018-10::29)
    Vụ việc phóng viên (PV) Dũ Tuấn - Báo NTNN/Dân Việt bị dọa giết cuối tuần trước khi đang tác nghiệp một lần nữa cho thấy sự manh động của các đối tượng bị phản ánh dấu hiệu vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Phóng viên Hứa Vĩnh Nhân (áo trắng) - Báo Giao thông trình bày với cơ quan công an sau khi bị hành
hung khi đang tác nghiệp tại quán bar.  Ảnh: Internet

Từ đe dọa đến hành hung

Ngay trước sự việc PV Dũ Tuấn của Báo NTNN/Dân Việt bị đe dọa, Công an quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng cũng đã khởi tối vụ án, khởi tố bị can đối với 2 đối tượng về hành vi “Cố ý gây thương tích”. Hai đối tượng Trần Nguyễn Đông Nghi (29 tuổi) và Trần Viết Nghĩa (31 tuổi) đã được xác định đã có hành vi đánh PV Hứa Vĩnh Nhân của Báo Giao Thông vào tối ngày 11.3. Anh Nhân bị đánh khi đang ghi hình một quán bar trên địa bàn quận Hải Châu. Công an quận Hải Châu đang tiếp tục điều tra hành vi giữ người trái pháp luật của 2 đối tượng trên. Cũng ở Đà Nẵng, nhà báo Hải Châu – Báo Điện tử Infonet đã nhiều lần bị các đối tượng lạ đe dọa bằng nhiều cách khác nhau. Như vào tối 29.8, đã có đối tượng tìm cách vứt bao tải rắn sống vào nhà của anh Hải Châu. Chưa hết, nhà báo này còn bị đối tượng lạ nhắn tin sẽ cho vợ, con “mất đi bộ phận cơ thể”. Vụ việc đã được báo cáo các cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa làm rõ được ai là kẻ đứng sau các hành vi đe dọa đó.

Một vụ việc rất đáng chú ý khác xảy ra vào ngày 13.6.2017 tại Hà Nội – ngay trước kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam một tuần. Đó là vụ việc nhà báo Trần Thị Tuyết Mai – Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam đến xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn để phản ánh tình trạng lấn chiếm ao hồ để tư lợi cá nhân. Sau khi kết thúc buổi làm việc với UBND xã Phù Lỗ, bà Mai đã đề nghị Chủ tịch UBND xã đưa đến khu vực hồ thủy lợi bị lấn chiếm, song vị này từ chối. Khi đoàn của nhà báo Trần Thị Tuyết Mai đến khu vực trên để ghi nhận thực tế từ phía ngoài thì một chiếc ôtô bán tải đi từ trong khu đất ra. Người đàn ông lái xe nói: “Ai cho chúng mày quay nhà tao?” và tông thẳng chiếc xe về phía đoàn của phóng viên Trần Thị Tuyết Mai. Rất may, chiếc xe đã không đâm trúng người, nhưng đã tông vào và làm hỏng chiếc máy quay phim (giá trị trên một tỷ đồng) rồi bỏ đi. Đối tượng này sau đó cũng đã bị cơ quan công an khởi tố.

Còn tại Thái Nguyên, nhà báo Nguyễn Ngọc Quang –Đài Truyền hình Thái Nguyên cũng đã bị hai đối tượng chặn xe giữa đường vào dùng dao chém gây thương tích sau khi phản ánh tình trạng khai thác quặng trái phép trên địa bàn.

Những vụ việc các đối tượng bị khởi tố, xử phạt thường là có chứng cứ rõ ràng cung cấp cho cơ quan chức năng. Còn trong các vụ phóng viên bị đe dọa, dù được báo cáo nhưng việc xử lý chưa đủ sức răn đe các đối tượng. Như vào tháng 10.2017 phóng viên Hà Xuyên của Báo điện tử Dân Trí khi đang ghi nhận thông tin đường tránh TP.Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) bị hư hỏng nhiều vị trí đã bị một người đàn ông chặn xe, ngăn cản tác nghiệp. Người này tự xưng ở đơn vị quản lý công trường và yêu cầu phóng viên xóa ảnh. Vụ việc sau đó được phản ánh đến Chi cục Quản lý đường bộ 3.2 nhưng vị lãnh đạo Chi cục cũng chỉ “xin lỗi vì hành động phản cảm”.

Thậm chí tháng 12.2017, Hội Nhà báo tỉnh Long An có công văn gửi UBND tỉnh Long An và Công an tỉnh Long An để phản hồi về báo cáo của Công an huyện Thạnh Hóa trong vụ việc 3 phóng viên Đài Truyền hình Long An, Báo Long an bị hành hung, cản trở khi tác nghiệp. Trong vụ việc này, các đối tượng đánh phóng viên, thu giữ thẻ nhớ máy ảnh, máy quay chỉ bị xử phạt 750.000 đồng. Theo đó, Hội Nhà báo tỉnh Long An  đánh giá việc Cơ quan Cảnh sát Điều Tra – Công an huyện Thạnh Hóa cho rằng, 3 phóng viên, nhà báo khi tác nghiệp mặc trang phục không đeo logo báo, đài là không đảm bảo yếu tố “đang thi hành công vụ” là bất hợp lý, không đúng với quy định của pháp luật.

Khi tác nghiệp ở Thạnh Hóa, 3 phóng viên, nhà báo trên được phân công của lãnh đạo báo, đài phát thanh và truyền hình và thực hiện đề tài theo định hướng của cơ quan, đơn vị. đài còn trang bị máy quay phim có logo của Đài và có lệnh điều xe chở phóng viên xuống khu vực trên để tác nghiệp. 

12 nhóm hành vi cản trở tác nghiệp

Theo nghiên cứu về các hành vi cản trở báo chí tác nghiệp được RED Communication (trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) thực hiện trên quy mô toàn quốc, có 12 nhóm hành vi cản trở. Nhóm 1: Né tránh cung cấp thông tin (52,60%); nhóm 2: Gây khó dễ (47,66%); nhóm 3: Mua chuộc (24,48%); nhóm 4: Gián tiếp ngăn chặn các hoạt động tác nghiệp (33,85%); nhóm 5: Thu giữ phương tiện tác nghiệp (20,57%); nhóm 6: Phá hoại phương tiện tác nghiệp (12,24%); nhóm 7: Đe dọa (18,49%); nhóm 8: Giữ người (14,32%); nhóm 9: Quấy rối tình dục (4,69%); nhóm 10: Vu khống (9,11%); nhóm 11: Hành hung, gây thương tích (9,11%); nhóm 12: Trả thù (7,55%).

 hanh hung, can tro nha bao tac nghiep: luat chua du manh hinh anh 2
Vụ việc nhà báo Trần Thị Tuyết Mai bị đối tượng lái xe ôtô đâm khi tác nghiệp, rất may
không có ai bị thương, còn máy quay bị hỏng. ảnh: internet
 

Điều 7 Nghị định 159/2013/NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về "Hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí" quy định phạt tiền từ 5 – 30 triệu đồng với các hành vi cản trở, xúc phạm danh dự nhân phẩm, uy hiếp tính mạng, hủy hoại, làm hư hỏng phương tiện tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.

Trao đổi với PV NTNN/Dân Việt, ông Trần Quốc Hải – Điều phối viên mạng lưới Tư vấn bảo vệ tác nghiệp báo chí cho rằng có những vụ việc phóng viên bị cản trở nhưng chưa được xử lý đến nơi đến chốn, hay chưa đủ sức răn đe các đối tượng. Những vụ việc được cơ quan công an khởi tố thường có bằng chứng rõ ràng và việc xét xử các đối tượng này tương tự như với các công dân khác bị xâm hại thân thể, quyền lợi, tài sản. Nghĩa là, hành động tác nghiệp của phóng viên nhà báo vẫn chưa được xem là hoạt động công vụ. “Theo quy định tại Nghị định 159/2013/NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản, Thanh tra Sở TTTT có thể ban hành quyết định xử phạt đối tượng có hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí. Theo ghi nhận của chúng tôi, trong năm 2017, không có nhiều vụ việc cản trở, hành hung nhà báo, phóng viên tác nghiệp được các Sở TTTT vào cuộc tiến hành xử phạt đối tượng vi phạm” – ông Hải cho biết.

Bên cạnh đó, ông Hải cho rằng trong các vụ việc bị cản trở tác nghiệp, ngoài việc gửi đơn đến cơ quan công an, Hội Nhà báo, những phóng viên trong cuộc nên gửi đơn đề nghị Thanh tra Sở TTTT can thiệp, xử phạt hành vi vi phạm. Cũng theo ông Hải, hiện Nghị định 159 đang được lấy ý kiến để sửa đổi, tuy nhiên quy định về xử phạt hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí có thể sẽ không thay đổi.

Theo Nhóm PV/Báo Dân Việt

 

Các tin khác:
  • Bài báo ít giá trị thông tin không trở nên xuất sắc nhờ “phụ kiện” đi kèm (21/03/2018-16:12)
  • Đặt tiếp những “viên gạch hồng” cho sự phát triển Báo Thanh Hóa (20/03/2018-9:19)
  • Cụm HNB các tỉnh Bắc miền Trung đoạt giải B gian trưng bày ấn tượng đặc sắc (18/03/2018-21:53)
  • Bế mạc Hội báo Toàn quốc 2018 (18/03/2018-20:47)
  • Phó Chủ tịch Thường trực HNB Việt Nam tiếp Phó Chủ tịch Liên Đoàn báo chí Thái Lan (18/03/2018-15:00)
  • Khi nhà báo nữ là Tổng Biên tập (18/03/2018-14:55)
  • Hội Báo toàn quốc 2018: Tọa đàm về làm báo trong thời đại 4.0 (17/03/2018-22:00)
  • Nhiều nét mới tại Hội báo toàn quốc 2018 (17/03/2018-13:15)
  • Xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động không thể thiếu vai trò của báo chí (17/03/2018-13:11)
  • MC Thùy Dương: Nhan sắc chỉ là ấn tượng ban đầu với khán giả (17/03/2018-13:09)