Thứ sáu, ngày 19/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Trả đúng, đủ và thay đổi cơ chế trả lương (09/04/2018-8:07)
    Câu chuyện tiền lương đang tạo ra rất nhiều tranh luận thời gian qua. Chính phủ cũng đang có những khảo sát, đánh giá cụ thể để thực hiện cải cách tiền lương.

PGS. TS Nguyễn Thị Lan Hương.

 

Làm thế nào để có cơ cấu tiền lương phù hợp, đáp ứng được đời sống của cán bộ, công nhân viên chức, đảm bảo cân bằng ngân sách là bài toán không dễ trong bối cảnh hiện nay. 

Xung quanh câu chuyện này, PV đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động xã hội.   

PV: Thưa PGS, TS Nguyễn Thị Lan Hương, bà đánh giá thế nào về hệ thống tiền lương của chúng ta hiện nay? 

PGS. TS Nguyễn Thị Lan Hương: Hệ thống tiền lương hiện nay qua rất nhiều lần thay đổi, dẫn đến biến dạng, các nguyên tắc thiết kế không được tuân thủ nữa. Tiền lương phải tuân thủ theo lao động, gắn với vị trí việc làm, thì cơ cấu tiền lương hiện nay không làm được các chức năng đó nữa. 

Từ ngày có các hệ số ngành, các hệ số phụ cấp để điều chỉnh các mức lương khác nhau, ngành nào cũng muốn có điều chỉnh riêng. Ví dụ như vừa rồi ngành Giáo dục và Đào tạo cũng muốn tăng lương của ngành mình. 

Qua đó để thấy cơ cấu tiền lương của chúng ta đã không còn hoàn thành được các chức năng cơ bản của nó. Nó không phản ánh được các kết quả đầu vào như hao phí lao động, yếu tố ngành, cũng như các kết quả đầu ra là hiệu quả chất lượng lao động, chất lượng công chức.

PV: Mỗi lần bàn về tăng lương, không ít công nhân viên chức tỏ ra sợ hãi bởi lương tăng ít, giá cả tăng nhiều. Có người nói rằng lương hiện nay có tăng hay không không mang lại nhiều ý nghĩa, bà nghĩ thế nào?

PGS. TS Nguyễn Thị Lan Hương: Lạm phát hiện nay không tăng nhiều. Ngày xưa mỗi lần cải cách tiền lương thì xôn xao, làm cho giá tăng. Hiện nay, cải cách tiền lương tăng quá yếu. Đơn giản như việc thi thoảng chỉ tăng 50 nghìn hay 70 nghìn nên không tạo ra những hiệu ứng xã hội quá lớn. 

Qua đó chúng ta thấy, chế độ tiền lương của chúng ta hiện nay quá trì trệ. Thậm chí nó còn không đảm bảo được những yếu tố cơ bản của cuộc sống. Ví dụ như chúng ta thấy lương của bậc đại học ra trường hiện nay với mức 2,34 không thể đảm bảo cuộc sống theo cơ chế thị trường.

Hệ thống tiền lương rất yếu ớt, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, chất lượng đội ngũ hơn là tác động đến thị trường

PV: Bà nói đến việc hệ thống tiền lương của chúng ta hiện nay trì trệ. Trong một cuộc họp bàn về tiền lương gần đây, có một nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói rằng lương của Thứ trưởng về hưu còn không bằng Trung tá trong lực lượng vũ trang. Bà nghĩ sao về nhận xét này?

PGS. TS Nguyễn Thị Lan Hương: Các hệ số thay đổi nhiều, nhiều ngành còn có hệ số cao hơn như tòa án, ngân hàng, chứng khoán. Ngày xưa Công an, bộ đội có hệ số cao chứ còn ngày nay khác hẳn. 

Khi về hưu, Công an, bộ đội được tính vào lương, còn các ngành khác thì khi về hưu, các hệ số phụ cấp không được tính vào tiền lương hưu nên lương của các ngành này thấp hơn. Tóm lại hiện nay, tiền lương của chúng ta đang có quá nhiều vấn đề cần bàn. 

PV: Lại có ý kiến cho rằng, công chức hiện nay chưa được tuyển bằng năng lực thực sự, nếu loại bỏ công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” thì khi đó, tiền lương sẽ được cải thiện?

PGS. TS Nguyễn Thị Lan Hương: Tôi không đồng tình với quan điểm đó. Thực ra tiền lương hiện nay Chính phủ bỏ ra phải chi cho rất nhiều khu vực như hành chính, đảng, đoàn thể. Nói về công chức hiện nay chẳng có nghiên cứu nào cho thấy nhóm này kém năng lực hơn nhóm kia. 

Thật ra họ cũng không phải là kém năng lực như thế. Họ là nhóm người có chất lượng nhân lực khá cao. Họ cũng mong muốn đi làm, mong muốn cống hiến. Vấn đề của chúng ta hiện nay là cải cách tiền lương phải tách nguồn ra. Đối với khu vực sự nghiệp nhà nước không bao cấp nữa.

Phải chuyển sang theo hình thức cung cấp dịch vụ công. Thực hiện khoán đối với các khu vực khác. Khu vực hành chính tiền lương hiện nay cũng không phải là cao lắm. Vấn đề là chúng ta không sử dụng hết chứ không phải là người ta trì trệ như thế.

PV: Bà có thể nói rõ hơn ý này?

PGS. TS Nguyễn Thị Lan Hương: Tiền của chúng ta thì ít nhưng chúng ta đang mang ra dàn trải. Có những đối tượng không cần thiết phải bao cấp. Ví dụ như các tổ chức nghiên cứu khoa học, các tổ chức y tế, giáo dục thì phải tính toán. 

Y tế, giáo dục cơ sở thì phải bao cấp, còn giáo dục đại học, y tế cấp cao hơn thì không phải bao cấp. Hiện chúng ta bao cấp quá nhiều. Nếu chỉ khu vực hành chính không thì cũng không phải quá tốn kém. 

Không thể bóp khu vực hành chính lại để lấy nguồn tăng lương. Chẳng có nước nào làm thế cả. Cái phình ra hiện nay là ở các bộ phận khác như: bộ phận sự nghiệp, đảng, đoàn thể có liên quan. Các cơ quan đó phình ra mới nhiều. 

PV: Là người nhiều năm nghiên cứu và khảo sát về tiền lương. Theo bà, chúng ta phải điều chỉnh thế nào để hệ thống tiền lương có hiệu quả?

PGS. TS Nguyễn Thị Lan Hương: Hiện nay, Chính phủ có rất nhiều đề án và cũng đề ra nhiều phương pháp, giải pháp để giải quyết vấn đề tiền lương. Theo quan điểm của tôi, ưu tiên của hệ thống tiền lương hiện nay là phải trả đúng, trả đủ. Đừng nghĩ rằng, tiền lương không phải là chi phí. 

Tiền lương phải là đầu tư. Khu vực nhà nước là nguồn nhân lực chất lượng cao. Cho nên phải xác định tiền lương phải đủ. Thứ hai là phải thay đổi lại cơ chế trả lương. Trước đây chúng ta trả lương theo người thì hiện nay phải trả lương theo vị trí việc làm. 

Thứ ba là mình phải tách các khu vực khác nhau để trả lương. Ví dụ như khu vực sự nghiệp dịch vụ công, dùng cơ chế xác định giá cả dịch vụ công. Tăng cường hiệu quả cung cấp để không phải bao cấp nữa. Nhà nước hiện nay đang còn phải nuôi rất nhiều các viện khoa học, nghiên cứu, các cơ sở y tế… mà có thể tự chủ được. 

Cái đó phải đưa ra thực hiện dịch vụ công, tự nó phải nuôi sống bản thân nó. Mình chỉ hỗ trợ nhóm nghèo, người nghèo, các đối tượng yếu thế. Các nhóm hưởng tương đương như công chức (Đảng, đoàn thể) mình phải rà soát lại tổ chức, biên chế, sắp xếp lại đội ngũ và thực hiện chính sách khoán. 

Cái khối mà được gọi là lương hành chính nhà nước, lương công chức, khối đó phải được ưu tiên. Khu vực này phải xác định lại. Không phải ai làm việc ở khu vực này cũng được gọi là công chức. 

Các nước người ta xác định đến trình độ nhất định như là chuyên viên chính mới được coi là công chức, còn mình thực hiện các chế độ hợp đồng. Cải cách tiền lương phải ưu tiên cho khối công chức vì họ là khối quản lý nhà nước, không thể trả mức lương thấp như hiện nay để gây ra bao nhiêu vấn đề xã hội.

Tại sao chúng ta lại duy trì chế độ tiền lương theo cách một người làm việc, bất cứ làm ở bộ nào, ngành nào cũng hưởng mức lương như nhau. Tiền lương đó không gắn với hiệu quả công việc của họ, đặc thù công việc của họ. 

Một vấn đề tôi muốn nói đến nữa là bỏ hết các phụ cấp đi để tiền lương nổi lên. Cô giáo mầm non chẳng hạn, khi đi làm, người ta có hưởng lương 1,3 triệu nhân với hệ số đâu. Khi về hưu mới ngã ngửa ra là lương mình thấp. 

Tất cả các phụ cấp đó phải bỏ, giao quyền tự chủ cho các bộ, các ngành. Anh ở vị trí này thì phải phù hợp với mức lương đó chứ không gọi là phụ cấp nữa. Phụ cấp lại lớn hơn lương, người ta chỉ để ý đến phụ cấp thôi. Khi lương nổi lên, người ta mới gắn với trách nhiệm, còn không người ta cứ nghĩ phụ cấp là đương nhiên được hưởng. 

Ví dụ giáo viên, người ta được hưởng một khoản giờ giảng nhưng người ta cứ nghĩ đó là phụ cấp, còn lương thì vẫn cứ nghĩ mình thấp, nhưng thu nhập vẫn cao.  Tất nhiên, giải bài toán tiền lương hiện nay khó nhưng phải dũng cảm, phải tiếp tục phân cấp, khoán… 

Những giải pháp giảm gánh nặng cho ngân sách Trung ương, từ đó sẽ có nguồn cải cách tiền lương. Không thể giảm lương bằng cách giảm biên chế như hiện nay. Thực ra giảm biên chế nghe thì nhiều, nhưng phần chi thật cho tiền lương cũng không nhiều. 

PV: Xin cảm ơn bà!

Theo Phan Hoạt/Báo Công an nhân dân

 

Các tin khác:
  • Mỗi ngày, Việt Nam chi 2,15 triệu USD nhập thuốc trừ sâu (09/04/2018-8:04)
  • Xử nghiêm các hành vi vi phạm trên mạng xã hội (04/04/2018-15:56)
  • Bỏ cộng điểm khuyến khích (02/04/2018-15:44)
  • Khát vọng cho giáo dục đại học Việt Nam đến năm 2030 (02/04/2018-15:38)
  • Mua bán Giấy chứng minh nhân dân dễ như... mua rau (26/03/2018-20::09)
  • Chỉ số PCI: Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp (26/03/2018-10:19)
  • PCI 2017: Doanh nghiệp đang có niềm tin cao nhất (23/03/2018-20:39)
  • Công chức máy móc, luật bao nhiêu trang cho đủ? (23/03/2018-20:32)
  • Mặt trái của mạng xã hội - lan truyền những thông tin xấu, độc (23/03/2018-8:45)
  • Đầu mối kiểm soát tài sản cán bộ: Quy về cơ quan thanh tra (11/03/2018-8:36)