Thứ sáu, ngày 19/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Văn hóa - Thể thao
Nhà báo Trần Kim Hoa - Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam:
Giấc mơ “soi chiếu, bồi đắp và tỏa sáng” (12/04/2018-10:51)
    Làm gì để mỗi kỷ vật nghề báo mang dấu ấn lịch sử đều có mặt đúng chỗ của mình trong Ngôi nhà Bảo tàng, kịp tỏa sáng cho hôm nay và mai sau một cách sống động nhất? Đó là nhiệm vụ, mục tiêu, đồng thời là mong muốn và trăn trở, là áp lực rất lớn đối với các cán bộ của Bảo tàng Báo chí Việt Nam hôm nay.
Tiếp nhận hiện vật của nghệ sĩ ưu tú, nhà báo, nhà quay phim Phạm Việt Tùng.

Để mỗi hiện vật sẽ kể một câu chuyện lịch sử nghề báo hấp dẫn?

+ Năm 2017, Bảo tàng Báo chí Việt Nam ra đời, đáp ứng mong đợi của giới báo chí và công chúng báo chí cả nước. Nhưng làm thế nào để lịch sử báo chí nước nhà thông qua những kỷ vật nghề báo đến được với công chúng hôm nay và mai sau một cách sống động nhất, thưa bà?

- Quả thực, đó vừa là nhiệm vụ, mục tiêu cũng là mong muốn, trăn trở, đồng thời là những áp lực lớn đối với chúng tôi. Nhiệm vụ được xác định rất rõ trong quyết định thành lập Bảo tàng Thủ tướng đã ký, trong quy chế tổ chức hoạt động Hội đã ban hành. Và chúng tôi đang cố gắng từng ngày vì mục tiêu ấy. Mỗi hiện vật, tư liệu của Bảo tàng đều phải có trong đó một phần lịch sử, mang hơi thở quá khứ, gắn liền với những thế hệ nhà báo, những ngòi bút, tờ báo đã từng tồn tại... Làm sao để khi hiện vật có mặt trên kệ trưng bày, đều tự mình “kể” một câu chuyện lịch sử nghề báo trung thực, sống động, đặc sắc nhất.

Mỗi hiện vật dù nhỏ bé như cây bút, trang giấy thì với việc nó gắn liền với những câu chuyện về một người làm báo, với mồ hôi và nước mắt, lao động và sáng tạo, thậm chí là cái sống và cái chết của một con người trong những cống hiến trọn đời của họ, đó chính là lịch sử. Bổn phận của chúng ta - những nhà báo, các thế hệ nối tiếp, và nhất là những người được phân công nghiên cứu về lịch sử hay làm công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản - phải viết tiếp lịch sử ấy, để lịch sử tiếp tục dòng chảy của mình, hiện diện trước mắt công chúng hiện đại một cách độc đáo nhưng chân thực nhất. Điều ấy cần sự bền bỉ, tỉ mỉ, chuyên cần, khoa học của những người làm bảo tàng. Từ việc tìm kiếm hiện vật, đến việc được tin tưởng hiến tặng hoặc chuyển nhượng. Từ những trang hồ sơ ngày một dày lên, những thông tin giá trị có liên quan đều được khai thác, tìm kiếm, ghi chép lại. Phải bằng cách nào đó để chuyển tải những câu chuyện nghề báo trong lịch sử một cách cô đọng nhất, ngắn gọn nhất, hiệu quả nhất. Tôi nghĩ đó là một bước chuẩn bị rất dài với mong muốn rất nhiều, nhưng làm được đến đâu thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

+ Hẳn vẫn còn nhiều trăn trở và nuối tiếc với một người đầy tâm huyết với Bảo tàng như bà?

Có lẽ, do tự lượng sức mình quá nhỏ bé trước một công việc quá lớn đã khiến tôi luôn trăn trở. Ngay cả khi chúng tôi may mắn có được các kỷ vật quý giá của những nhà báo đã nằm xuống, làm sao có thể dễ dàng nắm bắt được đầy đủ thông tin về những gì họ để lại cho hôm nay! Có nhiều hiện vật rất đẹp, nhìn đã biết đằng sau sẽ là một câu chuyện thú vị nhưng tấm màn lịch sử bằng cách nào có thể vén lên? Quá trình tìm kiếm những người có thông tin, tư liệu liên quan, đối chiếu những nguồn tư liệu khác nhau để tìm kiếm những câu chuyện cụ thể, trực tiếp về chúng hoàn toàn không lên “kế hoạch” và duy ý chí được. Chẳng hạn như hiện vật của nhà báo Hoàng Tùng chúng tôi may mắn được gia đình cung cấp khá nhiều, cộng với nhiều nguồn khác mà bảo tàng hiện có được, làm sao xác minh rõ xuất xứ, “đường đi”, những thời khắc quan trọng của chúng? Một số lần, cán bộ bảo tàng đã may mắn được các nhà báo lão thành như nhà báo Phan Quang, nhà báo Hà Đăng tận tình giúp “giải mã”được những thông tin tưởng như đã vĩnh viễn thuộc về quá khứ. Nói thế để thấy việc tra cứu, bồi đắp thông tin cho hồ sơ hiện vật luôn rất khó khăn, thậm chí nhiều khi rơi vào bế tắc. Điều đó có nghĩa, sưu tầm được hiện vật tư liệu đã khó, nếu vượt qua được là thành công; nhưng để làm chủ được hiện vật, tư liệu, hoàn toàn không dễ. 

Tôi nghĩ không chỉ thế hệ làm bảo tàng hôm nay ở Bảo tàng Báo chí Việt Nam phải đối mặt với thách thức này khi thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, trưng bày mà các thế hệ làm bảo tàng tiếp theo vẫn phải tiếp tục không ngừng nếu muốn bảo tàng luôn “sống”. Sự soi chiếu không ngoài mục tiêu làm sáng rõ hơn từ nhiều góc độ, làm đầy hơn những di sản mà lịch sử đã trao vào tay bảo tàng. Một hiện vật rất cũ nhưng sẽ luôn mới với ta nếu mỗi ngày ta hiểu về nó hơn. Cứ như thế, một hiện vật sẽ đi cùng ta dọc hành trình đó để từng ngày được bồi đắp, tỏa sáng, soi chiếu không chỉ ngày hôm nay mà cả mai sau. Điều đó cũng có nghĩa, người làm công tác bảo tàng phải luôn như con ong cần mẫn, trách nhiệm, đam mê và có phương pháp đúng. Họ phải luôn cảm thấy những băn khoăn, day dứt, mong muốn tìm kiếm, bổ sung với niềm tin không được nguội tắt về một cơ hội phía trước để hoàn thiện và “làm giàu” cho hồ sơ mỗi hiện vật đã có trong tay.

http://file.congluan.vn/data/images/0/2018/04/11/baogiay/nhan-hien-vat-tai-nha-co-nha-bao-hong-ha-1.jpg?w=500

Nhận hiện vật tại nhà cố nhà báo Hồng Hà.

Hiện vật - là bài học đầu tiên cũng là bài học lớn nhất

+ Đã có nhiều bảo tàng về các lĩnh vực khác tồn tại nhưng không thu hút được người xem. Giống như môn học lịch sử đã từng khiến chúng ta đau lòng bởi sự thờ ơ của thế hệ trẻ... Quả là rất khó để những câu chuyện lịch sử đi vào đời sống, hấp dẫn được công chúng hiện đại!

- Nhưng tôi thấy rất may mắn là lịch sử báo chí hiện vẫn có một sức hấp dẫn nhất định. Bảo tàng Báo chí sẽ không chỉ thuần túy lưu giữ những hiện vật, tư liệu mà còn có nhiệm vụ kể lại theo cách của mình cho các thế hệ làm báo và công chúng báo chí về những tờ báo, những người làm báo trong từng giai đoạn lịch sử đã sống và làm việc như thế nào, đã làm tròn bổn phận “thư ký thời đại” ra sao thông qua các tác phẩm để lại của họ. Sử của báo chí nằm trong lịch sử dân tộc, phản chiếu lịch sử dân tộc thông qua từng trang báo, từng bài báo, mẩu tin dù nhỏ nhất, cho thấy những hơi thở cuộc sống một cách chi tiết, sống động, chắc chắn sẽ có sức hấp dẫn riêng của nó.

Lịch sử báo chí đã có nhiều người nghiên cứu khoa học và tận tâm, nhưng tái hiện lịch sử bằng hiện vật thì lại là câu chuyện khác. Vì thế, việc bằng hiện vật để kể lại những câu chuyện lịch sử của nghề báo sẽ giúp chúng ta hình dung về lịch sử một cách cụ thể, trực tiếp hơn so với việc phải thông qua chữ hay các hình thức biểu đạt khác. Đọc chữ vẫn cần nghe nhìn, nghe kể thì “lời nói gió bay”, xem phim vẫn là gián tiếp, phải cần thêm hiện vật. Hiện vật trong bảo tàng giúp chúng ta xác tín những thành quả lao động trong quá khứ mà các thế hệ nhà báo đi trước đã có được. Chỉ có hiện vật mới cùng với chữ, lời, và hình tạo thành sức mạnh tổng hợp đầy thuyết phục của thông tin. Việc tìm kiếm hiện vật, lựa chọn hiện vật do đó luôn là câu chuyện hàng đầu, cực kỳ quan trọng. Đó chính là bài học đầu tiên cũng là bài học lớn nhất của các cán bộ, nhân viên Bảo tàng Báo chí Việt Nam hôm nay. Làm được điều đó, tôi hẳn sẽ sung sướng như được chạm tay vào giấc mơ vậy! 

+ 21/4 là ngày để nhắc về lịch sử Hội, bảo tàng là nơi phản chiếu lịch sử ấy. Chúng ta đã chuẩn bị được gì với góc trưng bày quan trọng này, thưa bà?

- Ngay từ dự thảo đầu tiên về nội dung trưng bày, lịch sử HNBVN đã được xác định là một trong những nội dung trưng bày quan trọng của Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Lịch sử đó đã được mở trang đầu tiên vào năm 1950. Hội Nhà báo Việt Nam ngay từ thập kỷ 50 của thế kỷ trước đã được biết đến không chỉ trong nước mà đã thực sự trở thành đại diện chính thức của báo chí Việt Nam tại nhiều diễn đàn quốc tế, như việc sự kiện hai nhà báo Trần Lâm và Thép Mới được Hội cử đi dự Ðại hội của tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) họp ở Helsinki - Phần Lan tháng 7/1950 là một dẫn chứng... Các tư liệu về lịch sử Hội hiện đã và đang được tập hợp, nghiên cứu tại bảo tàng. Trong quá trình sưu tầm, những hiện vật liên quan đến quá trình ra đời và phát triển của HNBVN đều được chúng tôi đặc biệt quan tâm và hiện tại, vấn đề quan trọng nhất liên quan đến nội dung và cách thức trưng bày chủ đề này đang tiếp tục được nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng.

+ Vâng, xin cảm ơn bà!

Theo Sông Mây/Báo Nhà báo và Công luận

 

Các tin khác:
  • Sức lan toả từ triển lãm "Hoàng Sa, Trường Sa - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" (09/04/2018-8:09)
  • HLV Marian Mihail đệ đơn xin từ chức, chia tay FLC Thanh Hóa (05/04/2018-22:39)
  • Giải Việt dã Báo Thanh Hóa lần thứ XXII năm 2018: Nâng tầm giá trị của giải phong trào (02/04/2018-8:21)
  • Thống kê ấn tượng về đội tuyển Việt Nam tại vòng loại Asian Cup (30/03/2018-21:40)
  • Hội tụ sắc màu văn hóa xứ Thanh (26/03/2018-10:22)
  • Tổng kết, trao giải cuộc thi thơ viết về biên giới và biển, đảo (23/03/2018-20:35)
  • Những kỷ vật thiêng liêng nhắc nhở về lịch sử vẻ vang của báo chí nước nhà (17/03/2018-21:50)
  • Chất lượng nhân lực - chất lượng du lịch (13/03/2018-14:59)
  • Dành cả tuổi thanh xuân cho nghiệp thể thao (11/03/2018-8:31)
  • Bùi Tiến Dũng dẫn đầu bình chọn thủ môn xuất sắc nhất Đông Nam Á (02/03/2018-16:01)