Thứ năm, ngày 25/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Có một guồng máy đang chạy với công suất cao... (11/05/2018-10:00)
    Hội tụ đầy đủ của một tác phẩm báo chí chất lượng: đúng, trúng, hay, tác phẩm “Tinh giản biên chế ở Nghệ An: Giản nhưng chưa tinh” vừa đoạt Giải Vàng LHPT lần thứ XIII - 2018 ở thể loại Phát thanh trực tiếp.
Nhóm tác giả đoạt giải Vàng (nhà báo Hoa Mơ - người thứ 2 từ trái sang).

Tác phẩm là sự khẳng định sự thành công của tinh thần làm việc tập thể, lợi thế của thể loại phát thanh trực tiếp và sức mạnh của báo chí trong đời sống xã hội... Hậu trường bếp núc của tác phẩm sẽ được nhà báo Hoa Mơ – kíp trưởng, đạo diễn chương trình tiết lộ với độc giả.

Chủ đề khó nhưng cũng rất thú vị, thiết thực

+ Vấn đề “tinh giản biên chế” dù rất “nóng” nhưng quả thực không dễ triển khai bởi hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến chưa đồng nhất. Điều gì đã khiến ekip làm chương trình lựa chọn đề tài này để thực hiện và điều gì đã làm nên sự thành công của tác phẩm này, thưa nhà báo?

- Đầu tiên phải khẳng định tinh giản biên chế là vấn đề được rất nhiều người quan tâm, cũng là vấn đề “nóng” hiện nay khi mà quan điểm, cách nhìn nhận, phương pháp đánh giá, kết quả thực hiện... công tác này hiện nay các ý kiến còn chưa đồng nhất, thậm chí thiếu tin tưởng. Đây là 1 chủ đề khó nhưng cũng rất thú vị, thiết thực. Tỉnh Nghệ An được đánh giá là một trong những địa phương top đầu của cả nước trong thực hiện tinh giản biên chế. Tuy nhiên, kết quả đó mới chỉ dừng lại ở những con số. Thực chất, đội ngũ tinh giản chủ yếu là lứa tuổi về hưu, “ra 2 vào 1”. Bây giờ tinh giản biên chế theo tinh thần NQ TW6 khoá XII đặt ra những yêu cầu mới, tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả đội ngũ, bộ máy. Tỉnh ủy Nghệ An đặt ra quyết tâm rất cao, mục tiêu rất cụ thể. Người dân, đội ngũ cán bộ công chức viên chức rất quan tâm đến vấn đề này. Vì vậy, khi chúng tôi mới đăng lên Fanpage để thăm dò ý kiến đã nhận được rất nhiều phản hồi, đa dạng, nhiều chiều, với nhiều quan điểm khác nhau. Chúng tôi xác định, nếu làm được, đây sẽ là một đề tài hay, được công chúng đón nhận.

Hơn thế nữa, góp phần vào sự thành công còn ở việc chúng tôi đã lựa chọn thể loại Phát thanh trực tiếp. Với thể loại Phát thanh trực tiếp, chủ đề này sẽ dễ tiếp cận hơn. Khách mời, MC, câu chuyện tại các điểm cầu và các phóng sự, phỏng vấn liên quan đến câu chuyện tinh giản biên chế ở Nghệ An sẽ “có đất” để kíp làm chương trình có thể khéo léo dẫn dắt, móc nối và chuyển tải được những nội dung cốt lõi nhất, trong đó không thể không nói đến yếu tố “kích thích” từ các câu hỏi, trạng thái bình luận, hiến kế... (gọi điện trực tiếp, qua fanpage, phỏng vấn trực tiếp) mà chỉ ở thể loại Phát thanh trực tiếp mới phát huy tác dụng tốt

+ Vấn đề mà tác phẩm đặt ra là vấn đề lớn, khó, nhạy cảm…  Trong suốt gần hai tháng thực hiện, theo chị, điều gì tạo động lực, điều gì là điểm trừ?

- Động lực lớn nhất của chúng tôi trước tiên phải nhắc đến chính là từ sự ủng hộ của lãnh đạo Đài, lãnh đạo tỉnh. Ngay khi đăng ký đề tài với Ban Giám đốc, Ban biên tập Đài 
PT-TH Nghệ An, chúng tôi đã được lãnh đạo đài ủng hộ và tạo điều kiện tối đa. Đích thân Giám đốc đài trực tiếp liên hệ, trao đổi với thường trực tỉnh ủy để chúng tôi triển khai thuận lợi đề tài này. Hơn nữa, lãnh đạo tỉnh cũng ủng hộ đài khi tuyên truyền về vấn đề tinh giản biên chế, xem đây là cơ hội để tỉnh lắng nghe ý kiến của người dân. 

Mặt khác, đây là đề tài nóng, nên chất liệu để chúng tôi khai thác vô cùng phong phú. Nói đến tinh giản biên chế là động đến quyền lợi của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Kể cả đội ngũ cán bộ quản lý cũng có nhiều băn khoăn khi bắt đầu thực hiện.

 Thêm vào đó, khách mời là ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, hiện là thường trực Tổ soạn thảo nghị quyết Hội nghị TƯ 6 là chuyên gia cao cấp lĩnh vực xây dựng Đảng nên phần trả lời các thắc mắc, hỏi - đáp rất sắc sảo... cũng là “điểm cộng” cho một chương trình mang tính thời sự cao như thế. Dĩ nhiên, vì là một vấn đề nhạy cảm nên không ít khó khăn gặp phải. 

Khi thực hiện phóng sự tại Khối các cơ quan, ban ngành, do tâm lý dè dặt, sợ đụng chạm... nên việc tìm hiểu, lấy các tiếng băng phỏng vấn không dễ. Chúng tôi đã dành khá nhiều thời gian cho công tác kết nối mới có được những đoạn phỏng vấn sinh động, hợp lý.

+ Qua tác phẩm, khán thính giả nhìn thấy rõ thực trạng của vấn đề tinh giản biên chế ở Nghệ An, có những giải pháp thiết thực từ hai vị khách mời và hiến kế từ thính giả... Sau khi phát sóng, hiệu lực của tác phẩm như thế nào trong thực tế, thưa nhà báo?

- Chương trình chính là kênh cung cấp thông tin, giúp Ban Chỉ đạo Tinh giản biên chế tỉnh có cái nhìn đa chiều hơn, sát thực tế hơn. Bà Võ Thị Minh Sinh, Phó Ban Tổ chức T.Ư, khách mời trong chương trình đã đọc hết phần tương tác trong Fanpage “cùng chúng tôi đối thoại” và có nói rằng: rất nhiều giải pháp hay đã được nêu ra, giúp Ban chỉ đạo hoàn thiện đề án tinh giản biên chế của tỉnh. 

Có nhiều ý kiến từ cơ sở, giúp lãnh đạo tỉnh thấy rằng: nhiều địa phương đang còn quá nóng vội, triển khai nhiều giải pháp không hợp tình, hợp lý. Sắp tới tỉnh sẽ tổ chức đi kiểm tra, rà soát lại đề án vị trí, việc làm của các đơn vị.

 Để có một chương trình PTTT thành công, cần sự hỗ trợ, phối hợp nhịp nhàng của cả đội ngũ hùng hậu.

Đồng hồ báo còn 4 giây mà trán vã mồ hôi

+ Tác phẩm thực hiện dưới hình thức phát thanh trực tiếp, thực hiện đồng thời, phát sóng đồng thời một vấn đề mang tính thời sự và nhạy cảm, hẳn là chuyện “cân não” đối với ekip thực hiện?

- Đúng vậy. Chương trình Phát thanh trực tiếp là một trong những thể loại khó, trong khi ekip thực hiện là những phóng viên, Biên tập viên chuyên về nghiệp vụ truyền hình. Vì vậy, để có thể hiểu rõ về thể loại này, cũng như cách thức tổ chức sản xuất, chúng tôi phải mất khá nhiều thời gian để nghe các chương trình dự thi của những năm trước, hỏi thêm các chuyên gia đầu ngành, rồi từ đó, cả nhóm ngồi bàn bạc, đưa ra các giải pháp để thực hiện tốt nhất theo đúng thể loại. 

Thuận lợi là, cách thức tổ chức một chương trình phát sóng trực tiếp thì chúng tôi lại khá có kinh nghiệm, đã làm nhiều năm. Vì vậy, về cơ bản phát thanh cũng như truyền hình, nghĩa là chúng tôi tổ chức thật tốt khâu tiền kỳ, hoàn thiện kịch bản, lựa chọn khách mời, tìm hiểu vấn đề thật kỹ. Nói tóm lại, nguyên liệu ngồn ngộn, chưa qua xử lý gì cả, chúng tôi mỗi người một món để chế biến thành mâm cỗ thật đặc sắc. 

 Riêng Kịch bản chương trình chúng tôi sửa liên tục, hội ý ekip rất nhiều. Cũng may là, chúng tôi khá ăn ý và cùng chung ý tưởng, suy nghĩ nên rất dễ đi đến thống nhất. 

Khó khăn lớn nhất khiến chúng tôi lo lắng đó chính là thời lượng. 30 phút tưởng như rất dài nhưng trôi vèo đi quá nhanh. Chúng tôi phải tiết chế khách mời, điện thoại gọi về cho chương trình, trích dẫn các ý kiến trên fanpage. Hôm thi đồng thời phát sóng trực tiếp, Đài Truyền hình Nghệ An livestream luôn nên lượng phản hồi rất cao. 

Chúng tôi căng thẳng vô cùng khi vừa khống chế đảm bảo không bị lố giờ phát sóng lại vừa phải lựa chọn để đưa ra được những ý kiến đắt nhất, mang tính đại diện nhất. Nói chung, khi dẫn chương trình chào kết, đồng hồ báo còn 4 giây mà trán vã mồ hôi.

+ Thiết nghĩ, điều quan trọng trong một chương trình phát thanh trực tiếp chính là tinh thần làm việc tập thể. Với tác phẩm này, điều ấy có phải là “điểm cộng” cho giải Vàng không, thưa kíp trưởng?

- Quả thật, nếu không có tinh thần đoàn kết, vì việc chung thì khó có thể làm được việc gì, huống hồ đây là một chương trình với sự tham gia của gần 15 người. Chúng tôi phân rõ trách nhiệm, vị trí của từng người, giao việc rõ ràng. Tôi đảm nhận vị trí kíp trưởng, đạo diễn chương trình. Nhà báo Minh Tâm, Hương Giang làm kịch bản. Sau đó, nhà báo Dương Cầm lo kịch bản và dẫn điểm cầu ở thị xã Thái Hoà, Hương Giang dẫn tổng cầu, Minh Tâm kết nối khách mời, điện thoại… 

Chưa kể sự hỗ trợ nhiệt tình của đội ngũ trợ lý sản xuất, trợ lý đạo diễn, kỹ thuật viên, bộ phận web... Tôi hình dung, chương trình phát thanh trực tiếp giống như một guồng máy đang chạy với công suất cao, nếu chỉ một bộ phận bị lỗi, bị hỏng, hoặc lạc nhịp thôi, thì cả cỗ máy cũng hỏng luôn. Rất may, ekip của chúng tôi không ai bị lạc nhịp, dù vẫn có một số lỗi nhỏ. 

Ngay sau phần thi trực tiếp, chúng tôi hội ý để rút kinh nghiệm, phần lỗi của ai đều nhìn ra ngay. Mọi người rất thoải mái, bởi trước khi thi, chúng tôi xác định: “mình cố gắng hết sức, không thành công thì cũng thành nhân”. 

Bây giờ, nhìn lại 2 tháng vừa qua mới thấy, phát thanh cũng vô cùng thú vị. Chúng tôi đang xin Ban Giám đốc ổn định khung đối với chương trình này.

+ Xin cảm ơn chị và ekip thực hiện!

Theo Hà Vân/Báo Nhà báo và Công luận

 

Các tin khác:
  • Không tận dụng lợi thế, vượt qua thách thức, phát thanh sẽ mất vị thế (07/05/2018-10:00)
  • Võ Quý Cầu đoạt giải đặc biệt cuộc thi phóng sự - bút ký (04/05/2018-15:05)
  • Người làm báo nặng lòng với đồng nghiệp, đồng đội (04/05/2018-8:33)
  • Chân dung 7 nhà báo đại thụ (27/04/2018-7:19)
  • Ảnh báo chí thế giới 2018: Đậm hơi thở thời cuộc (27/04/2018-7:15)
  • Bế mạc lớp tập huấn nghiệp vụ ngôn ngữ hình ảnh trong truyền hình (13/04/2018-14:08)
  • Công lý vẫn tồn tại, sự thật vẫn là sự thật (12/04/2018-10:44)
  • Vinh quang song hành cùng hiểm nguy (11/04/2018-8:46)
  • Phóng viên mảng nội chính “đất” rộng để tác nghiệp (11/04/2018-8:43)
  • Tập huấn nghiệp vụ về ngôn ngữ hình ảnh trong truyền hình (10/04/2018-16:21)