Thứ sáu, ngày 19/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Phát thanh trong môi trường truyền thông 4.0 (01/06/2018-8:02)
    Khoa học công nghệ phát triển đã và đang đặt ra cho các loại hình báo chí truyền thông nói chung, trong đó có phát thanh những cơ hội lớn và những thách thức không hề nhỏ.
Những thách thức của phát thanh trong môi trường truyền thông 4.0. Ảnh: TL

Cơ hội chuyển mình

Sự thay đổi về công nghệ tạo điều kiện để thay đổi phương thức sản xuất chương trình phát thanh từ gián tiếp sang trực tiếp giúp những người làm phát thanh từ biên tập đến kỹ thuật viên, đạo diễn chương trình có điều kiện để thay đổi kết cấu chương trình và phương thức làm việc cho phù hợp với yêu cầu chung của nhịp sống công nghiệp hoá.

Khi xu hướng số hóa phát triển mạnh, các đài phát thanh hiện nay cũng đã và đang chuyển đổi sang công nghệ số và coi đó là xu hướng tất yếu từ khâu thu thập thông tin đến khâu sản xuất chương trình, truyền âm, khống chế, lưu trữ âm thanh, truyền dẫn và phát sóng... giúp nâng cao hiệu quả lao động, chất lượng công việc và chất lượng phục vụ.

Khi Internet và mạng xã hội phát triển, phát thanh đã phát huy những lợi thế để thực hiện những phương thức phát sóng trực tuyến, on-demand, podcast, livestream... tạo ra những “đài phát thanh không cần ăng-ten”, đáp ứng nhu cầu nghe theo yêu cầu, nghe bất cứ lúc nào, nghe bất cứ cái gì và có thể “nhìn” thấy phát thanh... Các đài phát thanh cũng đã tạo ứng dụng (APP) trên điện thoại thông minh để công chúng chỉ một cái “click” có thể nghe được chương trình của các đài phát thanh... không giới hạn về địa lý, thời gian, văn hóa hay ngôn ngữ.

Những thách thức

Khoa học công nghệ phát triển đã khiến cách tiếp cận thông tin của công chúng, trong đó có thính giả nghe đài thay đổi. Theo một báo cáo điều tra mới nhất, tính đến đầu năm 2018, Việt Nam đã có 64 triệu người dùng Internet, chiếm 67% dân số cả nước và có tới 73% người dưới 30 tuổi hiện nay đều lấy thông tin từ mạng xã hội, truyền thông xã hội.

Người nghe đài cũng giống như công chúng báo chí hiện nay, đang chuyển từ xu thế nặng về tiếp nhận một chiều sang tiếp nhận tương tác đa chiều, thực tế đó cho thấy nếu đài phát thanh nào tăng tính tương tác, tăng giao lưu với công chúng thì thu hút được thính giả...

Còn với những người vẫn trung thành với radio, cách thức nghe đài của họ cũng khác nhiều. Theo điều tra của VOV, hiện nay tỷ lệ người nghe đài hàng ngày ở Việt Nam chiếm khoảng từ 20-30% (Con số này cũng tương đối lớn so với việc tiếp cận thông tin của công chúng ở các loại hình truyền thông khác).

Thói quen nghe đài của họ cũng đã và đang thay đổi. Người nghe đài, đặc biệt là trung niên và thanh niên không còn ngồi hàng giờ nghe radio ở nhà mà đa số họ nghe đài trong trạng thái di chuyển và nghe qua các thiết bị di động... Họ thường nghe một cách bất chợt, nghe một phần của chương trình phát thanh. Mong muốn của họ là mỗi khi bật kênh phát thanh họ yêu thích thì đều được nghe những thông tin họ muốn.

Những cơ hội và thách thức với phát thanh chưa dừng lại ở đó, mà với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các công cụ dựa trên trí tuệ nhân tạo cho phép tự động hóa trong quá trình cung cấp, truy cập và quản lý nội dung sẽ tạo ra những cú hích cho ngành truyền thông nói chung và cũng là thách thức cho truyền thông trong đó có phát thanh. Vào năm 2020, công nghệ 5G sẽ bắt đầu được phủ sóng rộng rãi hơn, giúp tốc độ Internet tăng lên 10 lần. Công nghệ số, công nghệ tương tác Mobile, công nghệ Big-data sẽ mang đến sự thay đổi trong các sản phẩm truyền thông trong tương lai. Và sự thay đổi sẽ vẫn còn tiếp tục...

Phát thanh vẫn chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống báo chí, truyền thông. Ảnh: TL

Phát thanh phải làm gì?

Ở Việt Nam, dù các loại hình báo chí có thể phát triển mạnh mẽ, nhưng cũng không thể thay thế được đài phát thanh, Nhà nước vẫn coi đài phát thanh là loại hình báo chí chính thống, được đầu tư phát triển. Trên thế giới, phát thanh vẫn chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống báo chí, truyền thông. Vấn đề là chúng ta sẽ làm gì để phát triển phát thanh trong môi trường truyền thông nhiều thay đổi như hiện nay.

Cho đến thời điểm này và trong tương lai, phát thanh vẫn và sẽ là phương tiện thông tin đại chúng quan trọng vì ngoài những ưu điểm cố hữu, thì hiện nay, nếu so sánh với những thế mạnh của mạng xã hội, phát thanh cũng có những ưu thế tương tự như: Phát thanh là một loại hình báo chí có thể di động được (đi đâu cũng có thể nghe được); có thể tương tác được (giống như comment trên mạng xã hội); và công chúng có thể làm báo cùng phát thanh và hơn thế họ có cơ hội trình bày thông tin trên radio bằng giọng nói của mình nên dễ dàng thể hiện được cảm xúc cá nhân. Một ưu thế nữa, mà không loại hình báo chí nào (kể cả Internet) có được đó là do tiếp cận thông tin qua thính giác, công chúng có thể tiếp nhận thông tin qua đài phát thanh trong khi đang làm bất cứ việc gì.

Để bắt kịp với xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, trước hết các đài phát thanh phải có chiến lược phát triển nội dung theo hướng tích hợp giữa phát thanh truyền thống và phát thanh trên các hạ tầng thiết bị mới như mạng Internet, điện thoại thông minh. Những thành công của phát thanh trên mobile của các đài phát thanh trên thế giới tại Mỹ, Oxtrâylia hay Hàn Quốc... cho thấy, việc phát triển appradio (ứng dụng radio trên thiết bị thông minh) có thể phục vụ đồng thời nhiều nội dung cho công chúng có thói quen di chuyển và nghe ngắn, nghe theo yêu cầu.

Đã có các ứng dụng (app) radio trên điện thoại hiện nay. Ảnh: TL

Qua app, các đài phát thanh cũng có thể thông báo nội dung đang phát, sắp phát và những nội dung đặc sắc bằng hình thức tin nhắn để công chúng lựa chọn và đón nghe... Như vậy, lúc này radio sẽ hấp dẫn công chúng bởi tính cập nhật, tức thời như mạng xã hội, nhưng lại hơn các loại hình khác là sinh động, gần gũi và phục vụ có định hướng...

Một cách thức nữa là các đài phát thanh có thể kết hợp hình thức livestream để công chúng có thể thấy những hình ảnh “hậu trường” rất thú vị của ê-kip khi thực hiện các sản phẩm phát thanh. Kiểu “phát thanh có hình” này cũng đã và đang thu hút được lượng công chúng mới đang có mặt đông đảo trên mạng xã hội... Dẫu vậy, việc phục vụ người nghe đài truyền thống vẫn là mục tiêu quan trọng.

Hiện nay, các đài phát thanh trên thế giới đa phần vẫn sử dụng truyền dẫn trên sóng FM là chủ yếu bởi đây là cách truyền dẫn tiện lợi đến được với đa số công chúng, đặc biệt là những người có mức thu nhập từ trung bình trở xuống. Tuy nhiên, nhiều đài đã và đang chuyển sang phát thanh số, bởi với hình thức phát thanh số, trên một máy phát thanh có thể phát đồng thời nhiều kênh sóng, phục vụ được nhiều đối tượng khác nhau khiến mục tiêu sản xuất các kênh chuyên biệt về đối tượng, chuyên biệt nội dung dễ dàng hơn và người nghe khi sử dụng các thiết bị thu radio bằng kỹ thuật số cũng không gặp bất cứ khó khăn nào khi dò sóng, bắt sóng chất lượng cao.

Một chương trình phát thanh của VOV. Ảnh: TL

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã và đang thay đổi thói quen nghe đài của công chúng và chắc chắn sẽ thay đổi cách thức hoạt động của các đài phát thanh. Nhưng, dẫu có thay đổi ra sao, công chúng nghe đài đến với phát thanh vẫn là để tìm kiếm thông tin, được giải trí và được chia sẻ... Nếu chúng ta tận dụng sức mạnh công nghệ để phục vụ tốt các nhu cầu này, chắc chắn phát thanh sẽ thành công. Tuy nhiên, dù công nghệ tốt, nhưng nội dung nhàm chán thì không có nhiều ý nghĩa, vì kỹ thuật cũng chỉ là một nửa của câu chuyện mà thôi.

Theo ThS. Đồng Mạnh Hùng/Người làm báo

 

 

Các tin khác:
  • Nhà báo “hóa thân” (31/05/2018-8:22)
  • Chuyện kể của “nhà báo say Trường Sa” (24/05/2018-20:35)
  • Báo chí đã thực hiện tốt vai trò tuyên truyền về BHXH, BHYT (18/05/2018-10:26)
  • Kim chỉ nam cho nhà báo trẻ hôm nay vẫn là tinh thần học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh (18/05/2018-10:22)
  • 'Đường vào phóng sự báo chí' (15/05/2018-15:58)
  • Bloomberg: Thay đổi báo chí bằng công nghệ, áp dụng thu phí tin chất lượng (15/05/2018-15:52)
  • Bồi dưỡng kỹ năng phát hiện đề tài, xử lý thông tin sáng tạo tác phẩm báo chí (15/05/2018-15:47)
  • “Phát thanh Việt Nam có thể trở thành một điển hình cho sự đổi mới của báo chí” (14/05/2018-7:41)
  • Có một guồng máy đang chạy với công suất cao... (11/05/2018-10:00)
  • Không tận dụng lợi thế, vượt qua thách thức, phát thanh sẽ mất vị thế (07/05/2018-10:00)