Thứ bảy, ngày 20/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Nhà báo Hà Đăng - Mãi là tấm gương trong (14/06/2018-13:35)
    Ở tuổi 89, sự minh tuệ của nhà báo Hà Đăng vẫn hiển hiện trong suốt cuộc chuyện với tôi về những dấu mốc cuộc đời làm báo gắn bện với thời cuộc, với các chặng đường cách mạng của dân tộc. Đôi mắt sáng trong, hiền hậu; nụ cười thân tình; khuôn mặt phúc hậu; tính tình điềm đạm; lời nhỏ nhẹ, cẩn trọng, mạch lạc nội ý nội hàm sâu sắc hệt như chữ nghĩa mỗi khi ông viết. Thăm thẳm trong suy nghĩ của tôi, Hà Đăng là một nhà báo, một cán bộ mẫu mực, một tấm gương sáng minh chứng đậm nét về lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Cán bộ là cái gốc của mọi công viêc”!
Nhà báo Hà Đăng (Ảnh: Nguyễn Uyển)

Báo chí Trung ương và địa phương có cả chục bài viết ngợi ca Hà Đăng như một tấm gương trong. Nhiều tác giả nhắc tới tự bạch hóm hỉnh của ông, rằng: “Trong cuộc đời làm cán bộ, tôi đã trải qua 5 cái hai: Hai trung, hai đại, hai tổng, hai trưởng, hai trợ”. “Hai trung” là hai nhiệm kỳ Trung ương VI và VII. “Hai đại” là đại biểu Quốc hội khóa VIII và IX. “Hai tổng” là Tổng Biên tập Báo Nhân Dân và Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. “Hai trưởng” là Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Trưởng Ban Chỉ đạo Xây dựng bản thảo Văn kiện Đảng toàn tập. “Hai trợ” là Trợ lý Tổng Bí thư Lê Duẩn và Trợ lý Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh)! Sau Mậu Thân 1968 ông được cử làm thành viên Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đàm phán tại Paris, với nhiệm vụ cố vấn (viết bài) phát biểu cho đồng chí Trưởng đoàn, đối đáp ngoại giao ta với địch tại Nghị trường...Đó là hạt lọc của bản lĩnh chính trị, của tính nguyên tắc, nghiêm túc, không phải ai cũng được làm và làm tốt như ông. Bởi việc nào ông đảm nhiệm cũng để lại dấu ấn không dễ mờ phai.

Nghề báo – Nghề tinh tường, mẫn cảm

Ký ức về cuộc đời làm báo, viết báo chảy mãi với chuyện đời chuyện nghề của ông. Chỉ nhắc lại đầu việc do tổ chức phân công, đủ biết ông quá từng trải với nghề: Đại thể, năm 1950, làm phóng viên Tạp chí Miền Nam - cơ quan của Ban đại diện Văn hoá Cứu quốc ở miền Nam Trung Bộ. Năm 1951, ông là phóng viên báo Văn nghệ Liên khu V. Năm 1952, làm biên tập viên báo Nhân Dân Liên khu V (thời đó, Đảng có Nhân Dân Trung ương, Nhân Dân Liên khu V và Nhân Dân Nam Bộ). Năm 1955, tập kết ra Bắc, ông làm ở báo Nhân Dân. Năm 1960 đảm nhận chức Phó Trưởng Ban Nông thôn. Năm 1961, học Trường Đảng cao cấp trực thuộc TW Đảng Cộng sản Liên Xô. Trở về, làm Phó Trưởng ban miền Nam của báo Nhân Dân...

 Kỷ niệm sâu sắc của ông với nghề nhiều hơn cả là những bài viết. Ông nói: Cái duyên đưa ông vào nghề bắt đầu từ lúc tuổi 18 tuổi, chan chan niềm vui được kết nạp vào Đảng, được cử làm Trưởng Ban tuyên truyền xã Bình Kiến, viết bài báo “Tâm sự đồng bạc trong két sắt” đầu tay, đăng trên tờ Phấn Đấu năm 1947 (tiền thân của báo Phú Yên) quê hương ông. Bởi lúc ấy việc ủng hộ tài chính cho kháng chiến diễn ra sôi nổi, rất nhiều người nghèo gom góp từng đồng bạc lẻ để ủng hộ cách mạng, phục vụ chiến đấu, gìn giữ quê hương. Khi đó có những kẻ giàu nứt đố lại ki bo, hẹp hòi cất kĩ đồng bạc trong két sắt; nên những đồng bạc ấy ngẫm thấy tủi thân, tủi phận, hệt một kẻ vô dụng bị người đời cười chê, báng bổ! Vậy là chi tiết nhỏ đã làm nên nhà báo Hà Đăng ngay từ thuở thiếu thời! Tôi xen lời. Ông  cười vui. Giọng nhẹ nhàng: Mình phát hiện ra điều ấy ở chính quê mình. Thực tế cuộc sống thường tạo cho ta những bài báo sinh đông! Bỗng dưng tôi nhớ những năm học Đại học báo chí Khóa I (1969 – 1973), giáo viên giảng về  Phóng sự Điều tra bao giờ cũng viện dẫn bài “Ba lần đuổi kịp trung nông” của Hà Đăng trên báo Nhân Dân, tôi liền hỏi: Những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, Quảng Bình gian nan lắm, xa xôi thế, đi lại khó khăn, làm sao ông có thể viết sâu và hay như thế? Hà Đăng cặn kẽ kể về chuyến công tác đặc biệt bằng xe đạp, theo chủ nhiệm  về HTX Đại Phong ngay sau Hội nghị Thi đua của tỉnh Quảng Bình kết thúc: Đến Đại Phong, tôi không ăn nghỉ ở nhà chủ nhiệm mà lưu trú tại nhà một xã viên lớn tuổi, cốt để nghe sự thật, nghe đa chiều; nghe cho thấu ngọn ngành. Được tai nghe, mắt thấy thì quả thực Đại Phong rất xứng đáng là điển hình trong phong trào xây dựng HTX từ quy mô nhỏ lên lớn, từ nghèo khó tới khấm khá ngang với mức sống của thành phần trung nông. Ý định viết phóng sự điều tra được hình thành tại đây. Tôi tập trung khai thác tài liệu nhằm cắt nghìa, lý giải vì sao Đại Phong đặt ra mục tiêu đuổi kịp trung nông? Mức sống của trung nông theo những tiêu chí nào? Giải pháp để đạt mục tiêu là những gì? Cách đi từ nhỏ lên quy mô lớn như thế nào? Quá trình thực hiện cái gì thuận lợi, điều gì khó khăn?...Báo Nhân dân đăng loạt bài kể trên, Tổng biên tập Hoàng Tùng nghe Bác Hồ điện thoại khen Đại Phong là một điển hình tốt, cần được nhân rộng. Mấy ngày sau, Nhân dân đăng bài "Một Hợp tác xã gương mẫu" của Bác. Đồng thời Bác giao cho đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Trưởng Ban Nông thôn TW trực tiếp đi nghiên cứu và viết về kinh nghiệm Đại Phong. Một phong trào học tập Đại Phong, đuổi kịp Đại Phong và vượt Đại Phong được phát động trong cả nước!..Nghe ông kể ngọn nguồn sáng tạo nên bài báo, tôi  hiểu thêm cái lý để hồi đó Hội Nhà báo Việt Nam đã trao tặng giải A cho tác phẩm kể trên của nhà báo Hà Đăng...Và, tôi thêm hiểu, chính những năm tháng dấn mình vào cuộc sống, trải nghiệm về kinh tế; trên cương vị Phó Tổng biên tập phụ trách mảng tuyên truyền kinh tế, Hà Đăng đã góp sức thiết thực tuyên truyền 3 Chương trình trọng điểm Quốc gia trên  báo Nhân Dân về: - Sản xuất lương thực – Sản xuất hàng tiêu dùng – Sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Đây cũng là một trong những đóng góp quan trọng của báo Nhân Dân vào việc đổi mới kinh tế, một nhiệm vụ quan trong mà Đại Hội VI của Đảng thông qua Cương lĩnh đổi mới đất nước...

 Tiếp nối cuộc chuyện, ông nhích về phía tôi, đưa tay mở tập sách bìa cứng có tiêu đề “Thế ta thế thắng” của ông do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành, trích đọc những bài ở thời chúng ta hừng hực khí thế tiến công “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, qua các bài như: “Toàn dân đứng lên, khắp nơi nổi dậy”, “Thừa thắng xông lên, anh dũng xốc tới”...Chậm giọng, đôi mắt dõi vào tôi: Năm 1968, tôi viết về trận đánh Làng Vây, đường 9 (Quảng Trị) của bộ đội Tăng thiết giáp như một đòn ráng đích đáng vào cái gọi là phòng tuyến Mắc - na - ma – ra của quân xâm lược Mỹ... Sau 30 năm (1998), Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp xin lại bài báo đó để đưa vào Bảo tàng của lực lượng! Lời chắt lọc, ông bảo: Cái nghề báo của chúng ta chỉ say mê chưa đủ, còn phải học, phải tôi luyện để có vốn tri thức, vốn sống; tri thức văn hóa, khoa học, tri thức từng trải. Phải luôn có cách nhìn đúng, nhìn thẳng, nói rõ sự thật; không đưa tin thất thiệt.. Tài năng nào thì cũng phải lao động cật lực mới làm nên!

Những cuốn sách của nhà báo Hà Đăng (Ảnh: Nguyễn Uyển)

Nghề báo – Nghề sáng tạo và rất khắt khe

Vẫn chất giọng điềm tĩnh, nhẹ nhàng, ông nói: Thời tôi và anh đâu có được  chọn nghề. Tất cả răm ráp theo sự phân công của tổ chức. Nhớ năm 1955, chân ướt chân ráo về báo Nhân Dân, Tổng biên tập Hoàng Tùng gặp gỡ nói như nghiêm lệnh : "Ở địa phương, các anh có làm vương làm tướng gì cũng mặc, còn ở đây viết bài, Tổng biên tập duyệt và chữa. Bài dở thì bỏ. Anh nào chấp nhận thì ở lại. Anh nào không chịu được thì chuyển"! Tôi thấy lo lo, nhưng bụng bảo dạ phải gắng gỏi. Người ta viết được thì mình cũng viết được. Với lại báo Nhân Dân có rất nhiều nhà báo giỏi như Quang Đạm, Thép Mới, Trần Kiên, Lê Điền...để mình học hỏi. Và thực tế tôi đã học một cách nghiêm túc, viết một cách cẩn trọng. Tuy nhiên, cũng có những tin bài viết chưa tới, hoặc là dùng câu chữ không chuẩn. Ví như năm 1956, được mùa lớn, Bác Hồ tới dự Hội nghị tổng kết Nông nghiệp toàn quốc, trong lời phát biểu Bác khen nhiều nhưng cũng nói một số khuyết điểm, nhắc nhở không được chủ quan. Viết tin cho báo, tôi chỉ tập trung vào khuyết điểm; đọc báo, Bác điện phê bình Tổng biên tập: “Nông nghiệp được mùa. Chủ tịch nước tới dự động viên, sao chỉ có phê bình”? Chưa hết, năm 1968 tôi viết bài phê phán thái độ xấc xược với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam của bọn Thiệu – Kỳ dã tâm phá hoại Hội nghị Pari; với cái tít chửi trực diện “Phá bĩnh và láo xược”. Bác Hồ điện thoại tới báo khen nội dung bài viết, nhưng nhắc nhở: dùng 2 từ “phá bĩnh” là không ổn, thiếu tính chính trị!...Đó là những bài học thiết thực làm tôi nhớ mãi để thận trọng hơn, nghiêm túc hơn, viết sao cho đúng bản chất vấn đề, đúng với sự thật!

Nói về sự khác nhau của người làm báo ngày nay với ngày xưa ông sôi nổi hẳn lên: Thời xưa chúng ta làm theo sự phân công - Thời nay ít ra cũng được đề đạt ý muốn! Thời xưa viết báo chuyên nghiệp đâu có nhuận bút, nay trả thấp thì họ xin chuyển hoặc ít viết! Thời xưa khó khăn muôn bề - Thời nay công nghệ thông tin hiện đại, phương tiện tác nghiệp thông minh phong phú...Nhưng chắc chắn người đọc sẽ xét nét hơn vì dân trí cao hơn rất nhiều. Phương tiện nghe, xem, nhìn, đọc đều hiện đại, nên họ chính là người thẩm định, giám sát hết sức nghiêm ngặt với bài vở của nhà báo... Tuy nhiên, theo tôi có một cái giống nhau căn bản là nhà báo phải thạo nghề, phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức. Bác Hồ, người thầy của báo chí cách mạng đã dạy: Cán bộ nói chung phải có đức có tài. Đức là gốc, nhưng tài cũng rất quan trọng! Nhà báo, có đức mà không có tài thì không thể có được tác phẩm hay. Cái tài của nhà báo ở đây là nắm bắt được đường lối, chủ trương chính sách, nắm bắt được thực tế; bằng bút pháp để sáng tạo thành tác phẩm báo chí hay, đúng, trúng...Nhưng, hơn tất cả là phải có khả năng và ý chí kiên định trước mọi hoàn cảnh. Đối với nhà báo là phải có bản lĩnh chính trị, lập trường chính trị, khả năng và ý chí kiên định mục tiêu độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội...có vậy mới viết, nhìn nhận và xử lý đúng đắn mọi vấn đề phức tạp nẩy sinh trong quá trình thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình!

Dừng cuộc chuyện. Ông tiễn tôi xuống tận lề đường. Tay trong tay, ông bảo: Ngày mai mình có chuyến công việc dài dài ở phía Nam! Đo được ý tôi muốn nhắc ông giữ sức khỏe, ông nói ngay: Nghề của chúng mình là thế. Còn sống là còn làm việc, góp ích với đời. Còn đi được thì cứ đi. Cứ viết!

Theo Nguyễn Uyển/Tạp chí Cộng sản

 

Các tin khác:
  • Cánh cửa nào mở ra phía an toàn? (14/06/2018-13:33)
  • Nghề báo - Nghề cao quý! (13/06/2018-8:48)
  • Chính sách BHXH, BHYT được báo chí phản ánh sinh động, kịp thời (13/06/2018-8:42)
  • Thanh Hóa có 2 tác phẩm đoạt Giải báo chí Quốc gia (06/06/2018-14:43)
  • 105 tác phẩm đoạt Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XII - năm 2017 (04/06/2018-12:18)
  • Công tác chấm Giải Báo chí quốc gia được thực hiện khẩn trương, chặt chẽ, tăng tính khách quan (04/06/2018-12:14)
  • Phát thanh trong môi trường truyền thông 4.0 (01/06/2018-8:02)
  • Nhà báo “hóa thân” (31/05/2018-8:22)
  • Chuyện kể của “nhà báo say Trường Sa” (24/05/2018-20:35)
  • Báo chí đã thực hiện tốt vai trò tuyên truyền về BHXH, BHYT (18/05/2018-10:26)