Thứ bảy, ngày 20/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Nhà báo và kỹ năng tự bảo vệ mình khi tác nghiệp:
Nhìn từ những kỷ niệm “tác nghiệp” đáng giá! (16/06/2018-21:16)
    Ngoài tấm “lá chắn” từ luật pháp, ngoài “điểm tựa” từ “hậu phương” tòa soạn, một khi đã xông pha vào điểm nóng, người làm báo trước hết phải học những kỹ năng tối thiểu để tự bảo vệ mình.
Nhà báo Liên Liên - VTV.

Những kỹ năng đó là gì? Chúng đã giúp ích gì cho các nhà báo khi xông pha vào công tác điều tra?... Tất cả những điều này có thể tìm thấy những câu trả lời bất ngờ và thú vị từ những câu chuyện hậu trường tác nghiệp tại điểm nóng của một số phóng viên - nhà báo điều tra…

Nhà báo Liên Liên - Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam: “Tùy cơ ứng biến với mỗi hoàn cảnh sao cho phù hợp nhất”

Có đồng nghiệp đã từng hỏi tôi: Thông thường những phóng viên đưa tin nóng sẽ hạn chế lộ diện trước đám đông, nhưng nhà báo Liên Liên thường xuyên xuất hiện trên truyền hình và được rất nhiều người biết đến, điều đó ảnh hưởng như thế nào đến những lần tác nghiệp về sau? Tôi nghĩ rằng, bên cạnh nhiều yếu tố quan trọng khác, mỗi khi thực hiện đề tài phóng sự điều tra, tôi luôn chọn cho mình phương pháp tác nghiệp phù hợp, phải phán đoán trước những trường hợp sẽ xảy ra và mức độ ảnh hưởng của nó. Có những lần đi tác nghiệp, tôi phải hóa trang hoàn toàn đến mức những người thân quen cũng không nhận ra. Song với nhiều lần tác nghiệp tôi tùy cơ ứng biến với mỗi hoàn cảnh sao cho phù hợp nhất.

Tôi nhớ rõ lần thực hiện phóng sự về những người Việt vượt biên sang Campuchia đánh bạc. Chúng tôi tiếp cận sòng bạc đầu tiên và mang được khá nhiều thiết bị quay chụp vào bên trong. Nhưng do tình hình lúc đó căng thẳng và điều kiện trong sòng bạc cũng rất khó để thực hiện quay phim nên cả ngày hôm đó chúng tôi không thu được kết quả gì. Tôi không bỏ cuộc và quyết định ngày hôm sau sẽ quay lại để hoàn thành phóng sự.

Lần này, để tránh nghi ngờ, tôi đã chọn một sòng bạc khác. Nhưng tôi không ngờ ở đó kiểm tra an ninh nghiêm ngặt và toàn bộ máy quay của người quay phim bị tịch thu, chỉ duy nhất một mình tôi còn máy. Tôi giả bộ nghe điện thoại, tìm cách lách qua đám đông vào bên trong và thành công. 

Tôi hơi chủ quan vì nghĩ rằng người miền Nam, nhất là những người trốn sang Campuchia đánh bạc sẽ không biết mình là ai nên không hóa trang. Nhưng đến khi tôi tiến vào trong để chuẩn bị tác nghiệp, đi ngang qua một người đàn ông, người đó nhìn tôi chằm chằm sau đó anh ta dẫn một bảo vệ đến chỗ tôi. 

Nếu lúc đó tôi bị phát hiện đem theo máy quay, sẽ có rất nhiều tình huống xấu xảy ra. Đột nhiên người đàn ông kia chỉ vào tôi và nói: “Cô kia là phóng viên đấy”. Thời điểm nghe thấy hai chữ “phóng viên”, tôi chỉ có duy nhất một cách lặng lẽ chạy khỏi đó thật nhanh và trở về Việt Nam ngay lập tức. Điều đó đồng nghĩa với việc biết rút lui đúng thời điểm, tùy cơ ứng biến với mỗi hoàn cảnh sao cho phù hợp nhất… cũng chính là một kỹ năng quan trọng để phóng viên, nhà báo tự bảo vệ mình khi tác nghiệp…

Phóng viên Võ Mạnh Hùng – Báo điện tử VietnamPlus: Tỉnh táo giữ “cái đầu lạnh” khi vào “điểm nóng”

Phía sau mỗi con chữ trên mặt báo là bao vất vả, gian nan và cả những thách thức, cám dỗ, hiểm nguy, nhất là khi tìm hiểu những vụ việc nhạy cảm phải dấn thân vào điểm nóng. Và, nếu không đam mê, dũng cảm không quyết tâm đeo bám vấn đề, không biết nhập vai, không giữ được “ngòi bút” trong sáng và “cái đầu lạnh” khi tác nghiệp, thì những tai nạn nghề nghiệp đáng tiếc có thể sẽ xảy ra.

Năm 2017, trong một lần tìm hiểu về hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra rầm rộ cả ngày lẫn đêm ở ven sông Hồng tại khu vực tỉnh Hưng Yên, tôi và đồng nghiệp đã bị một nhóm xã hội đen đeo bám, đe dọa và cản trở tác nghiệp. Nhận thấy việc tác nghiệp không đảm bảo an toàn, tôi đã liên hệ cho một vị lãnh đạo cấp phường, đây cũng là người mà tôi đã “tạo mối quan hệ” trước lúc xác định xâm nhập vào khu vực khai thác cát trái phép để phòng khi xảy ra sự cố có thể liên hệ nhờ “giải cứu”. Ngay sau đó, vị lãnh đạo phường đã huy động lực lượng an ninh, tổ dân phố gần nhất ra can thiệp, bảo vệ, dẫn chúng tôi rời điểm nóng.  

Phóng viên Võ Mạnh Hùng – Báo điện tử VietnamPlus đang tác nghiệp. 

Một tình huống khác để lại nhiều dấu ấn nhất trong quãng thời gian hơn 6 năm làm báo của tôi là, trong quá trình làm điều tra, phản ánh về tình trạng “Vỡ trận” quy hoạch thủy điện nhỏ tại các tỉnh miền núi phía Bắc, ngoài việc bị đe dọa, tôi còn bị một doanh nghiệp ở tỉnh Hòa Bình gọi điện ngỏ ý “mua sự im lặng”. Khi tôi không đồng ý sự thỏa thuận, đối tượng này đã hăm dọa, lấy mối quan hệ với “ông lớn” và dọa sẽ kiện với những nội dung vu khống, làm ảnh hưởng đến uy tín của tôi. Tuy nhiên, sau khi trao đổi với lãnh đạo Báo, những gì tôi điều tra, ghi nhận được trong suốt gần 4 tháng trời vẫn được phản ánh, đăng tải lên báo và được cơ quan bảo vệ.

Kể ra những câu chuyện này để thấy, phóng viên điều tra thường xuyên phải đối mặt với các mối đe dọa trong quá trình tác nghiệp. Phóng viên điều tra về các vấn đề “nóng” cũng thường phải đối mặt trước cám dỗ về vật chất khi các cơ quan báo chí, khi các nhà báo cũng phải xoay trần lo cơm áo gạo tiền.

 Phóng viên Võ Mạnh Hùng – Báo điện tử VietnamPlus.

Vì thế, điều quan trọng với nhà báo khi điều tra về các vấn đề phức tạp, hơn hết cần phải làm chủ được ngòi bút và vượt qua được cám dỗ. Và để có được những loạt bài điều tra giàu hàm lượng thông tin, cũng như tự bảo vệ được bản thân, trước khi quyết định điều tra, nhà báo cần phải xác định một số yêu cầu như: Phải tìm hiểu kỹ thông tin; đam mê, dũng cảm dấn thân, quyết tâm đeo bám vấn đề; biết nhập vai; chuẩn bị thiết bị ghi âm, ghi hình cần thiết; tạo dựng mối quan hệ với cơ quan chức năng gần nhất, đề phòng khi xảy ra sự cố, rủi ro có thể nhờ can thiệp kịp thời; và một điều quan trọng nữa là cần “điểm tựa” từ hậu phương tòa soạn.

Nhà báo Minh Đức- Báo Tiền Phong: Nhà báo phải am hiểu luật pháp

Hoạt động của nhà báo hiện nay không được trang bị công cụ hỗ trợ, trong khi đó có những vụ việc rất phức tạp, đòi hỏi nhà báo phải thâm nhập, sử dụng những kỹ năng điều tra độc lập, chẳng khác gì công an. Chính vì thế, nhà báo khi tham gia lĩnh vực này cũng thường gặp nguy hiểm, rủi ro. Để tự bảo vệ bản thân, mỗi nhà báo đều cần hiểu điều quan trọng đầu tiên đó là rèn luyện sức khoẻ, trau dồi kiến thức, đặc biệt là am hiểu về luật pháp. Nhất là với những nhà báo viết bài điều tra, lại càng phải cần am hiểu pháp luật. Nhiều đề tài điều tra, ranh giới giữa sai - đúng rất mong manh, do đó nhà báo cần am hiểu luật pháp để có thể phân biệt rành mạch đúng sai trước khi hành động…

Nhà báo Minh Đức- Báo Tiền Phong. 

Đối với tôi, với hàng chục năm hành nghề cũng có rất nhiều kỷ niệm khi tác nghiệp, đặc biệt là có những đề tài được bạn đọc quan tâm, chia sẻ và “trao giải” bằng những lời động viên, khích lệ như vụ việc chặt hàng loạt cây xanh cổ thụ trên các tuyến đường Hà Nội vào năm 2016. Vụ việc này thời điểm đó đã khiến dư luận dậy sóng, nhiều người dân bức xúc và đặt câu hỏi tại sao lại chặt bỏ “lá phổi” của thành phố mất nhiều năm mới có được, chặt cây xong bán cho ai? Để giải đáp thắc mắc của người dân, tôi đã đột nhập vào khu vực tập kết cây xanh vừa bị triệt hạ nhằm lần tìm đường đi của những cây xanh cổ thụ. Đề phòng ngừa rủi ro, tôi đã nghĩ ra cách gắn camera vào chiếc diều, sau đó lựa thời cơ đưa diều bay vào khu vực tập kết để ghi lại toàn bộ hình ảnh khu vực tập kết gỗ.

Hoặc loạt bài về cát tặc lộng hành trên sông Hồng vào các năm 2014; 2015; 2016. Để thực hiện loạt bài này, tôi đã phải cho chiếc máy ảnh vào bao cao su để tránh bị nước tác động gây hỏng hóc, gián đoạn việc ghi hình. Sau đó tôi thuê xe ôm đi đến khu vực huyện Phúc Thọ, một tay ôm đồ nghề tác nghiệp, một tay ôm chiếc can để làm phao, xuôi dòng sông từ địa bàn huyện Phúc Thọ đó về tới chân cầu Thanh Trì. 

Chuyến “tác nghiệp” đặc biệt này đã giúp tôi ghi lại được rất nhiều hình ảnh quý giá, độc nhất vô nhị về tình hình khai thác cát trái phép trên sông Hồng, đưa vụ việc lên mặt báo và gây được nhiều sự chú ý của dư luận. Sau khi loạt bài được đăng tải, Bộ Công an đã vào cuộc điều tra, bắt giữ nhiều đối tượng, thu giữ nhiều tàu thuyền liên quan đến việc khai thác cát trái phép. Tiếp đó, năm 2017, khi Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh bị đối tượng cát tặc nhắn tin doạ giết, dư luận mới bàng hoàng hiểu “dưới lòng sông là cả thế giới ngầm” về sự manh động, liều lĩnh, tàng trữ vũ khí nóng của cát tặc.

Phóng viên Nguyễn Trường – Báo Pháp luật Việt Nam: Ngoài an toàn tác nghiệp hãy luôn đảm bảo “an toàn thông tin”

Hiện nay, chúng ta nói nhiều đến việc bảo vệ cho nhà báo khi tác nghiệp nhưng không nhiều người để ý đến việc bảo vệ, bảo mật thông tin chúng ta đang có. Đây là một vấn đề quan trọng không kém việc bảo vệ sức khỏe cho nhà báo.

Trong một lần điều tra một cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn tại một địa phương, trong ngày đầu tiên, chúng tôi đã thu thập được một số hình ảnh về quá trình sản xuất bên ngoài cơ sở. Trong tối cùng ngày, người quay phim trong ekip đã đăng tải một hình ảnh chúng tôi thu thập được lên mạng xã hội. Ngay lập tức, hình ảnh đó đã bị coppy và chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Trong ngày hôm sau, cơ sở sản xuất trên đã tạm ngừng hoạt động và chúng tôi không thể tiếp cận được bên trong cơ sở này. Đề tài này của chúng tôi sau đó đã thất bại vì những hình ảnh thu thập được trước đó chưa đủ sức thuyết phục và không được tòa soạn xét duyệt.

Phóng viên Nguyễn Trường – Báo Pháp luật Việt Nam 

Thực tế cho thấy, trong quá trình tác nghiệp, ngoài lãnh đạo cơ quan và đồng nghiệp đi cùng, một số phóng viên thường để lộ thông tin, bằng chứng chúng ta đang có cho nhiều người khác biết. Hình thức làm lộ thông tin thường là qua truyền miệng hoặc qua mạng xã hội. Điều nguy hiểm là những thông tin đó chưa được đăng tải lên báo, chưa được cơ quan xét duyệt, thậm chí nội dung đó còn bao gồm cả vị trí và thời gian tác nghiệp của chính nhóm phóng viên.

Việc làm này tưởng chừng đơn giản nhưng lại ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Bởi khi chia sẻ thông tin nơi công cộng, quán cà phê, quán ăn… sẽ có nhiều người có thể nghe thấy câu chuyện của phóng viên hoặc chính người được chúng ta kể sẽ đi kể cho những người khác. Còn nếu chia sẻ trên mạng xã hội và để chế độ công khai, sẽ có rất nhiều người đọc được thông tin chúng ta đăng tải.

Từ kinh nghiệm của những nhà báo lâu năm cùng thực tế đã trải qua, chúng tôi luôn tuân thủ nguyên tắc không tiết lộ thông tin mình đang có cho người ngoài khi không cần thiết. Chúng tôi gọi đó là “an toàn thông tin”. Đó là một nguyên tắc giúp quá trình đấu tranh với cái xấu, cái tiêu cực của phóng viên, nhà báo được an toàn và hiệu quả hơn.

Nhà báo Đặng Ngọc Hải - Báo Kinh tế & Đô thị: “Xây dựng được lòng tin nơi cơ sở - yếu tố quan trọng để nhà báo bảo vệ được mình khi tác nghiệp”

Khi thực hiện các bài viết điều tra, bên cạnh niềm đam mê nghề nghiệp và nhiều điều kiện quan trọng khác, điều tiên quyết là phóng viên phải có được mối quan hệ tốt với cơ sở, có sự tin tưởng, hỗ trợ và đồng hành của cơ sở. Đây chính là yếu tố quyết định thành bại của bài viết điều tra.

Xin lấy ví dụ, khi tôi thực hiện loạt bài viết về “Xe quá khổ quá tải cày nát những tuyến đường phía Tây Nam” Hà Nội, phản ánh tình trạng xe quá khổ, quá tải hoành hành trên các tuyến đường: QL21B, TL429… Với mong muốn tìm hiểu chính xác những hành vi qua mặt cơ quan chức năng khi đăng kiểm xe tải của một số DN, tôi quyết định phải thâm nhập vào những xưởng sửa chữa, bến bãi đỗ xe tải trong khu vực. 

Nhờ có sự giúp đỡ của người dân địa phương, tôi đã vào vai người có xe tải, thâm nhập vào các xưởng sửa chữa để thu thập thông tin. “Cơ sở” đã giới thiệu tôi với các chủ xưởng, chủ bãi, “bảo lãnh” để tôi được tiếp xúc và tìm hiểu cặn kẽ các mánh lới giúp xe tải vượt qua vòng đăng kiểm. Từ đó tôi đã có thông tin chính xác về việc các xe tháo lắp thùng ra sao, thuê mượn thùng kích cỡ chuẩn như thế nào, với giá bao nhiêu để đi đăng kiểm. Hoặc chi tiết cách độn nhíp, gia cố kết cấu giảm sóc nhằm giúp xe chở quá tải đến 300% mà vẫn vận hành được.

Nhà báo Đặng Ngọc Hải- Báo Kinh tế & Đô thị.

Để được cơ sở “bảo lãnh” cho thâm nhập vào những khu vực nhạy cảm này, tôi đã phải tốn khá nhiều thời gian để xây dựng lòng tin. Lòng tin chính là vấn đề then chốt trong mối quan hệ với cơ sở. Người dân có tin tưởng tuyệt đối vào mục đích công tác của phóng viên, có niềm tin vào hiệu quả bài viết, và hơn hết là tin tưởng sẽ không bị tiết lộ nhân thân, tránh được những phiền hà, thậm chí là nguy hiểm thì họ mới chấp nhận cộng tác.

Nhưng ngược lại, phóng viên khi tác nghiệp, nhất là trong những bài điều tra tiêu cực, cũng cần phải có sự lựa chọn phù hợp, tìm kiếm cho mình những người dân có thể tin tưởng được để chia sẻ quan điểm và đề nghị giúp đỡ. Theo tôi, khi thâm nhập một địa bàn, phóng viên điều tra cần có thời gian âm thầm quan sát, đánh giá nhiều đối tượng người dân, từ đó tìm ra người phù hợp nhất để xây dựng mối quan hệ thành “cơ sở” của mình. Sự lựa chọn sai lầm khi đặt lòng tin, bất kể là từ phía phóng viên hay người dân đều có thể dẫn đến thất bại của công tác điều tra, thu thập thông tin.

Phóng viên Hải Đăng – Báo Điện tử Người Đưa Tin: “Sự chuẩn bị quyết định phần lớn thành công khi tác nghiệp”

Trong quá trình làm báo điều tra, có những kỷ niệm đã trở thành bài học “xương máu” cho tôi và đồng nghiệp sau này. Một lần đi điều tra một bãi khai thác đất san lấp trái phép tại tỉnh Bắc Giang, tôi và một đồng nghiệp phải lần theo dấu vết vào tận sâu bên trong bãi khai thác. Tuy nhiên, chúng tôi không thông thuộc địa hình, chỉ có duy nhất một con đường độc đạo đi vào trong bãi. Tại đây, những đối tượng đang khai thác đất luôn cảnh giác và đều là dân xã hội có máu mặt.

Sau khi thăm hỏi người dân địa phương, chúng tôi biết mình đang bước vào một khu vực vô cùng nguy hiểm, mọi thiết bị như máy quay, máy ảnh và phương tiện đi lại là chiếc ô tô chúng tôi phải để lại bên ngoài.

 Phóng viên Hải Đăng – Báo Điện tử Người Đưa Tin.

Sau khi mượn được của nhà dân gần đó một chiếc xe máy cũ kỹ và 2 lồng sắt, tôi và anh đồng nghiệp hóa trang thành những người đi buôn vải, thiết bị duy nhất chúng tôi mang theo là chiếc điện thoại có chức năng quay phim chụp ảnh. Trên đường đi sâu vào núi vắng người, chúng tôi gặp rất nhiều xe tải khai thác đất nườm nượp đi ra, các đối tượng này nhìn chúng tôi bằng ánh mắt đầy nghi ngờ. Suốt quãng đường di chuyển vào trong bãi khai thác, chúng tôi không bị phát hiện. Tuy nhiên khi vừa tới trung tâm bãi và tác nghiệp được một số dữ liệu về hiện trạng, máy móc, địa hình,... thì chúng tôi bị 5 thanh niên xăm trổ ra hỏi thăm. Tôi nhanh trí rút thẻ nhớ của chiếc điện thoại ra phòng trường hợp xấu.

Sau một hồi bị tra hỏi, tôi và đồng nghiệp đã đánh lạc hướng được các đối tượng này với lý do tìm vườn vải để thu mua và đang bị lạc đường (địa hình Bắc Giang rất nhiều vườn vải ở khu vực đồi núi cách xa đường lớn). Đúng như dự đoán, các đối tượng đã yêu cầu kiểm tra tư trang và chiếc điện thoại của tôi, tuy nhiên do đã nhanh tay cất giấu chiếc thẻ nhớ nên các đối tượng này đã không kiểm tra được gì và thả chúng tôi ra về.

Có lẽ đây cũng là một lần đi tác nghiệp vô cùng liều lĩnh và đầy nguy hiểm trong sự nghiệp của tôi. Nhờ có sự hợp tác ăn ý và chuẩn bị kỹ càng nên nhóm PV chúng tôi đã xử lý được tình huống vô cùng nguy hiểm này. Tôi nhận thấy rằng sự chuẩn bị phương án tác nghiệp và tìm hiểu địa bàn tác nghiệp tốt sẽ giúp ích rất nhiều đến công việc điều tra của PV, quan trọng hơn nữa là sự bình tĩnh khi xử lý tình huống.

Theo Ngọc Lành - Nguyễn Mạnh/Báo Nhà báo và Công luận

 

 

Các tin khác:
  • Nhà báo Hà Đăng - Mãi là tấm gương trong (14/06/2018-13:35)
  • Cánh cửa nào mở ra phía an toàn? (14/06/2018-13:33)
  • Nghề báo - Nghề cao quý! (13/06/2018-8:48)
  • Chính sách BHXH, BHYT được báo chí phản ánh sinh động, kịp thời (13/06/2018-8:42)
  • Thanh Hóa có 2 tác phẩm đoạt Giải báo chí Quốc gia (06/06/2018-14:43)
  • 105 tác phẩm đoạt Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XII - năm 2017 (04/06/2018-12:18)
  • Công tác chấm Giải Báo chí quốc gia được thực hiện khẩn trương, chặt chẽ, tăng tính khách quan (04/06/2018-12:14)
  • Phát thanh trong môi trường truyền thông 4.0 (01/06/2018-8:02)
  • Nhà báo “hóa thân” (31/05/2018-8:22)
  • Chuyện kể của “nhà báo say Trường Sa” (24/05/2018-20:35)