Thứ tư, ngày 24/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Công tác hội
Nhà báo Phan Hữu Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra HNBVN:
Quản lý bằng quy định riêng không có gì mâu thuẫn với quy định chung (19/06/2018-14:26)
    “Chúng tôi rất hoan nghênh việc các cơ quan báo chí có quy định cụ thể, chi tiết để quản lý phóng viên, hội viên khi tham gia mạng xã hội. Quy định như vậy cũng là để làm tốt công tác quản lý, xây dựng mối đoàn kết và minh bạch trong từng hoạt động của đơn vị. Bởi lẽ mỗi loại hình báo chí có một đặc thù riêng, có những cơ quan báo chí, phạm vi quản lý tác nghiệp rất rộng nên quản lý bằng những quy định riêng không có gì mâu thuẫn với các quy định chung của toàn giới báo chí”

Nhà báo Phan Hữu Minh

Nhà báo Phan Hữu Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra HNBVN khẳng định như vậy trong cuộc trò chuyện với báo Nhà báo & Công luận.

Việc thực hiện quy định này trong giới báo chí là tự nguyện

+ Điều 5 trong “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam” quy định về “chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác” được dư luận đang rất quan tâm. Đã hơn một năm kể từ ngày ra đời, các hội viên - nhà báo đã đón nhận và thực hiện quy định này thế nào, thưa ông? 

- Có thể nói rằng, không riêng gì điều 5 và điều 5 cũng không phải là điểm nhấn trong “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam” được thực hiện với Luật Báo chí 2016 đã chiếm được thiện cảm của đông đảo công chúng báo chí, những người làm báo chân chính. 

Thực ra cả 10 điều này là những hành lang bảo vệ nghề nghiệp một cách bình thường, phàm ai đã làm báo thì cũng phải thực hiện những ràng buộc mà các quy định đã đề ra. Nhà báo là những người có kiến thức và trình độ, được học tập, được rèn luyện đều hiểu đạo và lý khi hành nghề. 

Tiếc rằng trong số những người làm báo chúng ta, một bộ phận không nhỏ làm báo không hẳn vì mục đích tuyên truyền cho nên đã gây ra những hệ lụy nhất định làm suy giảm uy tín báo chí chân chính. Dù sao thì hơn 1 năm qua, việc vi phạm đạo đức người làm báo đã giảm hẳn so với trước đây. Có thể thấy rõ việc thực hiện quy định này trong giới báo chí là tự nguyện.

+ Dĩ nhiên là có rất nhiều nhà báo đồng tình và cho đây là quy định mới mẻ, thiết thực, mang hơi thở thời đại. Nhưng trên thực tế, vấn đề vi phạm về phát ngôn trên mạng xã hội vẫn diễn ra khá phức tạp. Để việc ứng dụng quy định đạt hiệu quả cao nhất, liệu có cần thiết phải cụ thể hơn nữa quy định này không, thưa Trưởng Ban Kiểm tra?

- Thực ra chúng ta đã có quy định cụ thể là Điều 5 “Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện thông tin truyền thông khác”. Không một nhà báo, hội viên có trình độ, hiểu biết nào mà lại không hiểu được những ràng buộc của các cụm từ nói trên. 

Chẳng hạn, chuẩn mực là gì? Trách nhiệm là gì? Chúng ta biết rằng không ai hạn chế việc bày tỏ chính kiến, nguyện vọng, cách nhìn; không ai cấm việc nói đúng, nói trúng, nói thật trên phương tiện thông tin của mình. 

Có điều một khi chưa thực hiện tốt những quy định bình thường của hoạt động báo chí mà mình đang được giao, bày tỏ chính kiến ở mạng xã hội hay một phương tiện thông tin nào đó không phải cơ quan báo chí của mình, nhà báo đó, hội viên đó cũng phải xem lại chính mình. Còn việc cụ thể hơn nó chỉ có ý nghĩa thực sự đối với Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam vì có thể cần đòi hỏi một barem cho hội đồng.

Đây là ý tưởng và là “công trình” tập thể

+ Ở một khía cạnh khác, có quan điểm trái chiều cho rằng, việc quy định hướng ứng xử của nhà báo trên mạng xã hội đã gián tiếp hạn chế quyền tự do ngôn luận. Nói cách khác, với quy định này, phát ngôn của nhà báo trên mạng xã hội cũng phải chịu sự điều chỉnh khắt khe theo các quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

- Tôi nghĩ không phải thế. Nếu là một công dân bình thường thì cách ứng xử khi có những phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội sẽ khác bởi vì người ta không có trong tay một phương tiện truyền thông. Còn với nhà báo thì bản thân họ đã có phương tiện để trình bày, biểu đạt suy nghĩ, lập trường. Người ta chỉ phản đối khi cùng một sự việc mà cách nói khác nhau mà thôi. Vì tham gia hoạt động báo chí, tham gia làm hội viên của hội nghề nghiệp, nếu có những quy định mà hội mình ban hành thì việc thực hiện cũng là bình thường. Đây là ý tưởng và là “công trình” tập thể. 

Thậm chí, tôi nghĩ quy định này hoàn toàn không hạn chế quyền tự do ngôn luận của nhà báo mà còn khuyến khích các nhà báo tích cực tham gia mạng xã hội với tinh thần nghiêm túc, đấu tranh với cái ác, xấu, bất công, thiếu chuẩn mực trong xã hội. 

Với tiêu chí “chuẩn mực” và “trách nhiệm” trên mạng xã hội đã góp phần chỉ ra rằng cái gì trong xã hội tất cả đều thừa nhận là đúng hoặc không đúng thì những người làm báo cũng phải nhận thức rõ được điều đó để không những bản thân mình nhận thức đúng mà còn định hướng dư luận xã hội.

+ Nói đến “chuẩn mực và trách nhiệm” không chỉ mang sức nặng của quy tắc, mà cao hơn là mang giá trị về đạo đức nghề nghiệp. Là cơ quan ban hành và quản lý hội viên nhà báo, HNBVN sẽ tiếp tục có những động thái như thế nào trong câu chuyện “rèn” và “uốn nếp” các hội viên - nhà báo để họ đi đúng trên con đường mà sứ mệnh nghề nghiệp đã trao cho họ: tôn trọng sự thật, định hướng dư luận và vun đắp niềm tin cho công chúng?

- Tôi thấy câu hỏi này hay và rất đúng. Bản thân mỗi con người sống trong cộng đồng đã có nghĩa vụ tuân thủ các chuẩn mực của đời sống, của truyền thống và của văn hóa. Dù là luật hay quy định cụ thể sâu sắc đến đâu cũng không thể đầy đủ, chỉ có lương tâm và trách nhiệm của mỗi người mới có thể giải quyết được tất cả những đòi hỏi của cuộc sống. 

Với nhà báo khi tham gia mạng xã hội cũng vậy, cần phải luôn giữ tâm nghề, tự đổi mới chính mình nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh, trung thực, khách quan phục vụ kịp thời quyền lợi của công chúng chính là điều quan trọng nhất.

+ Có một số tòa soạn báo đã và đang thực hiện hoặc ấp ủ ý tưởng xây dựng cho riêng phóng viên tại cơ quan mình một bộ quy chuẩn về việc tham gia mạng xã hội như Đài truyền hình Việt Nam... Ông nghĩ như thế nào về việc này? Liệu quy định chung và riêng có dẫn đến chồng chéo và ảnh hưởng đến việc thực hiện hay không, thưa ông?

- Chúng tôi rất hoan nghênh việc các cơ quan báo chí có quy định cụ thể, chi tiết để quản lý phóng viên, hội viên khi tham gia mạng xã hội. Quy định như vậy cũng là để làm tốt công tác quản lý, xây dựng mối đoàn kết và minh bạch trong từng hoạt động của đơn vị.

 Bởi lẽ mỗi loại hình báo chí có một đặc thù riêng, có những cơ quan báo chí có phạm vi quản lý tác nghiệp rất rộng nên việc quản lý bằng những quy định riêng không có gì mâu thuẫn với các quy định chung của toàn giới báo chí.

+ Vâng, trân trọng cảm ơn ông!

Theo Hà Vân/Báo Nhà báo và Công luận


 

Các tin khác:
  • Ấn tượng từ Liên hoan tiếng hát Người làm báo Thanh Hóa lần thứ nhất (18/06/2018-7:33)
  • Chi hội nhà báo các cơ quan báo chí TW vô địch Giải bóng đá Người làm báo Thanh Hóa lần thứ 3 - năm 2018 (16/06/2018-7:32)
  • Khai mạc Giải bóng đá Người làm báo Thanh Hóa lần thứ 3 - năm 2018 (12/06/2018-7:46)
  • Đặt mục tiêu trở thành Chi hội kiểu mẫu của Hội Nhà báo Việt Nam (29/05/2018-14:31)
  • Nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ (24/05/2018-20:34)
  • Có tiếng nói mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên, nhà báo (23/05/2018-7:54)
  • Kiểm tra, giám sát hoạt động tại Hội Nhà báo tỉnh Nam Định (14/05/2018-7:37)
  • Dư địa đổi mới đến những “mùa vàng nghiệp vụ”! (11/05/2018-9:56)
  • Để hội viên gắn bó mật thiết với Hội - Chuyện chẳng dễ dàng (10/05/2018-10:58)
  • “Giáo dục đạo đức nghề nghiệp phải thường xuyên được duy trì giữa các môi trường báo chí” (07/05/2018-14:48)