Thứ bảy, ngày 20/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Quyết liệt… cần nhưng chưa đủ (20/06/2018-8:22)
    “Theo tính toán, việc sắp xếp lại hơn 800 cơ quan báo chí sẽ liên quan đến việc làm của nhiều người làm báo, do đó cần làm một cách minh bạch, có lộ trình, bước đi phù hợp và đề cao yếu tố nhân văn.
Nhà báo Vũ Văn Tiến, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 
Tổng Biên tập Tạp chí Mặt trận
 

Bài toán “nhân sự dôi dư” phải tính toán, xử lý “thấu tình đạt lý” khi giảm dần các cơ quan báo chí, bảo đảm không gây ra xáo trộn lớn, phức tạp nếu không sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy không mong muốn phía sau”- Nhà báo Vũ Văn Tiến, Uỷ viên Ủy ban T.ƯMTTQVN, TBT Tạp chí Mặt trận nhấn mạnh

Đối với mỗi người làm báo, thông tin về Đề án quy hoạch báo chí luôn là vấn đề “nóng bỏng”thu hút sự quan tâm đặc biệt. Bởi lẽ, một đề án lớn khi thực hiện, ít nhiều sẽ dẫn đến sự trăn trở, băn khoăn nhất định trong đội ngũ những người làm báo, những cơ quan báo chí có thể thuộc diện “tinh giản” trong nay mai. Mỗi người làm báo, mỗi cơ quan báo chí sẽ có những “tâm tư” khác nhau, nhưng trên hết, có lẽ, nhiều người đồng tình quan điểm, đã đến lúc chúng ta phải quyết liệt quy hoạch lại hệ thống báo chí. Bởi, thực tiễn đời sống báo chí gần đây đã bộc lộ quá nhiều vấn đề cần suy ngẫm và điều chỉnh một cách triệt để ở tầm vĩ mô.

Có thể nói, chưa bao giờ báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ như ngày nay, với đủ các loại hình, hoạt động rất sôi động. Tuy nhiên, dù được Đảng, Nhà nước tạo điều kiện phát triển, song trên thực tế thời gian qua, tầm ảnh hưởng của báo chí trên nhiều mặt đời sống đã đáp ứng được sự kỳ vọng của nhân dân?

Số vụ xử phạt cơ quan báo chí có ấn phẩm báo in hoặc trang thông tin điện tử, chương trình truyền hình vì lỗi đăng tải, phát sóng thông tin sai sự thật, thông tin thiếu khách quan, thông tin phản cảm… ngày một nhiều hơn, đặc biệt trong vài năm trở lại đây.         

Ảnh: T.L

Sự cạnh tranh thông tin ngày một khốc liệt hơn, một mặt đem lại lợi ích thiết thực cho độc giả nhưng mặt khác, có thể khiến công chúng mất niềm tin vào tính chân thực của báo chí. Sức ép về tài chính có thể dẫn đến sự “chệch hướng” tuyên truyền, làm nảy sinh tâm lý chạy theo công chúng bằng nhiều cách làm “phản cảm”, “tầm thường hóa” hoạt động báo chí. Không ít tờ báo đang mất dần bản sắc vì chạy theo mạng xã hội, thiếu tính nhân văn và trách nhiệm đối với cộng đồng.

Một trong những hạn chế đó là do sự bất cập trong cơ cấu hệ thống báo chí dẫn đến một số cơ quan báo chí trùng lặp về nội dung, phân tán, lãng phí về nhân lực, tài chính. Nhiều tờ báo “na ná” nhau về nội dung, hình thức thể hiện và không rõ tôn chỉ mục đích. Số lượng báo chí quá lớn đến mức nhiều người ngao ngán gọi là “lạm phát” báo chí.

Bên cạnh đó, không ít cơ quan báo chí càng ngày càng năng nổ, bám sát đời sống để nói lên tiếng nói của quần chúng nhân dân thì có một số cơ quan chủ quản, bởi khuynh hướng hành chính hóa đã trở thành “chiếc áo chật chội” cho những “cơ thể” đã trưởng thành, kìm hãm sự năng động, sáng tạo của đội ngũ người làm nghề, dẫn đến thông tin 1 chiều, làm báo “thụ động” theo sự “chỉ đạo”. Nếu tình trạng này kéo dài chúng ta sẽ thường xuyên bị động, “lạc hậu” trên mặt trận thông tin.

Việc phát triển quá “nóng” của các loại hình báo chí thời gian qua, cũng là những hạn chế nổi cộm cần khắc phục, là “những việc cần làm ngay” nhằm “tái cơ cấu” một cách toàn diện, với kỳ vọng sẽ làm báo chí nước nhà phát triển lên tầm cao mới, xứng đáng với sứ mệnh vẻ vang và cao cả của mình.

Theo nội dung Đề án, có nhiều biện pháp khá “mạnh tay” như sắp xếp hệ thống các cơ quan báo in gắn với các giải pháp đổi mới mô hình tổ chức, quản lý theo hướng giảm số lượng cơ quan báo in. Tuy nhiên, tôi cho rằng, mặc dù Đề án quy hoạch báo chí đang được triển khai tích cực nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức cần giải quyết.

Theo tính toán, việc sắp xếp lại hơn 800 cơ quan báo chí sẽ liên quan đến việc làm của nhiều người làm báo, do đó cần làm một cách minh bạch, có lộ trình, bước đi phù hợp và đề cao yếu tố nhân văn. Bài toán “nhân sự dôi dư” phải tính toán, xử lý “thấu tình đạt lý” khi giảm dần các cơ quan báo chí, bảo đảm không gây ra xáo trộn lớn, phức tạp nếu không sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy không mong muốn phía sau.

Cùng với đó, nhiều tờ báo có cơ quan chủ quản chỉ là các đoàn thể, hội nghề nghiệp, theo quy hoạch phải sắp xếp nhưng lại đang có tầm ảnh hưởng xã hội, số lượng phát hành và bạn đọc lớn... nên cần được tính toán, cân nhắc một cách linh hoạt chứ không phải là những “dấu trừ” đơn giản.

Theo tôi, nên sắp xếp quy hoạch những tờ yếu trước, những tờ mà thu không đủ chi, quy mô nhỏ, truyền thông không hiệu quả, thường xuyên vi phạm tôn chỉ, mục đích, xa rời đối tượng phục vụ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện không nên cứng nhắc. Muốn thực hiện thành công, trước hết để các cơ quan chủ quản tự sắp xếp trước. Đặc biệt, cơ quan chủ quản báo chí nên chú trọng công tác tư tưởng và các giải pháp cụ thể đối với những người làm báo bị ảnh hưởng; quan tâm, động viên, tạo điều kiện cho đội ngũ những người làm công tác báo chí yên tâm làm việc, cống hiến và phát triển.

Tóm lại, quy hoạch báo chí phải tính đến những thay đổi to lớn, mạnh mẽ, phức tạp của đất nước và thời cuộc. Trong bối cảnh báo chí đa phương tiện là xu hướng tất yếu của thế giới thì việc thực hiện Đề án cũng là cơ hội để các cơ quan báo chí chuyển đổi mô hình theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp và “tinh” gọn hơn.

Theo Ngọc Thành/Báo Nhà báo & Công luận

 

 

Các tin khác:
  • Không ngừng trau dồi nghiệp vụ, nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí (19/06/2018-15:08)
  • Đạo đức người làm báo thời cách mạng 4.0: Nhận diện hành vi vi phạm (19/06/2018-15:06)
  • Báo chí Thanh Hoá và chức năng phản biện xã hội (19/06/2018-7:27)
  • Nhìn từ những kỷ niệm “tác nghiệp” đáng giá! (16/06/2018-21:16)
  • Nhà báo Hà Đăng - Mãi là tấm gương trong (14/06/2018-13:35)
  • Cánh cửa nào mở ra phía an toàn? (14/06/2018-13:33)
  • Nghề báo - Nghề cao quý! (13/06/2018-8:48)
  • Chính sách BHXH, BHYT được báo chí phản ánh sinh động, kịp thời (13/06/2018-8:42)
  • Thanh Hóa có 2 tác phẩm đoạt Giải báo chí Quốc gia (06/06/2018-14:43)
  • 105 tác phẩm đoạt Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XII - năm 2017 (04/06/2018-12:18)