Thứ năm, ngày 25/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Giải Báo chí quốc gia:
Chắt lọc tinh túy của báo chí, tôn vinh cống hiến của nhà báo - Trăn trở và mong đợi (20/06/2018-8:25)
    Sau 12 năm thực hiện Đề án Giải Báo chí quốc gia từ năm 2007, ngày 22/9/2014, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1694/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng Giải Báo chí quốc gia, trong đó bổ sung những nội dung mới, tăng số lượng thể loại báo chí xét giải nhằm nâng cao chất lượng và tầm vóc của Giải
Thành viên Hội đồng Chung khảo bỏ phiếu chấm Chung khảo Giải Báo chí quốc
gia lần thứ XII. Ảnh: Sơn Hải

Thủ tướng Chính phủ cũng tiếp tục giao Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông tham gia thực hiện Đề án nâng cao này.

Tôn vinh báo chí

Hơn một phần tư thế kỷ là khoảng thời gian vận động đủ dài để Giải báo chí tự khẳng định mình, nhận rõ những gì đã làm được và những gì còn hạn chế. Đặc biệt, trong thời kỳ báo chí chính thống tiếp tục phát triển mạnh mẽ bên cạnh sự tham gia tích cực của mạng xã hội và các “nhà báo công dân” “tác nghiệp” 24/24 trong không gian mạng không giới hạn.

Nếu tính Giải Báo chí toàn quốc bắt đầu từ năm 1991 do Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì, báo chí Việt Nam đã có một giải báo chí lớn tổ chức hàng năm trong 27 năm liên tục, thu hút sự quan tâm không chỉ của báo giới mà của cả công chúng.

Trên thực tế, Giải Báo chí quốc gia đã và đang thực hiện đúng mục đích, yêu cầu đề ra trong Đề án nâng cao chất lượng là: “Lựa chọn để trao giải cho những tác phẩm đạt chất lượng cao, có nội dung và hình thức hấp dẫn, đạt hiệu quả xã hội to lớn, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước”, và “Thông qua Giải góp phần động viên, cổ vũ phong trào thi đua lao động sáng tạo của đội ngũ những người làm báo; phát hiện, bồi dưỡng những tài năng báo chí trong xã hội”. Lễ trao giải được tổ chức đúng Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 hằng năm, trở thành ngày hội của những người làm báo.

Là người tham gia Giải báo chí gần như ngay từ những ngày đầu, dù là với tư cách tác giả tham dự và được nhận giải thưởng hay là người sau này tham gia tổ chức Giải, tôi nhận thấy, Giải Báo chí quốc gia đã trở thành một thương hiệu, một sự kiện được xã hội trông đợi, thu hút sự tham gia đông đảo của đội ngũ nhà báo toàn quốc. Tuy nhiên, bản thân tôi và một số người nhận thấy Giải Báo chí quốc gia của chúng ta vẫn còn “đất” để nâng tầm và phát huy tác dụng. Cá nhân nhà báo - tác giả cần được quan tâm hơn nữa. Cần có thêm những đổi mới thích hợp để phần nào xóa bớt những trăn trở và biến những mong muốn tốt lành trở thành hiện thực.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao
giải A cho các tác giả đoạt giải năm 2016. Ảnh: Nam Dương

Đôi điều trăn trở

Vấn đề nổi lên là tại sao Giải báo chí hằng năm trao nhiều giải như thế (gần 1.000 giải A,B,C và Khuyến khích (KK) trong thời gian từ 2006 đến 2015, trong đó có 45 giải A, 206 giải B, 396 giải C và 346 giải KK - theo số liệu của HNBVN), mà chúng ta vẫn chưa nhân thêm được những tác giả, nhà báo có uy quyền, sáng tạo ra những tác phẩm báo chí “để đời” như một thời chúng ta đã từng có như nhà báo Hữu Thọ, Phan Quang, Hà Đăng, Hữu Chỉnh... đối với báo in và những phóng viên ảnh nổi tiếng như Đinh Đăng Định, Lâm Hồng Long v.v..

Trong giai đoạn từ năm 2012 (bắt đầu xét trao 11 loại giải) đến năm 2015, tính trung bình số giải A hằng năm đã tăng vọt, trung bình 7,5 giải/năm so với 2,3 giải/năm trong giai đoạn 2006 - 2011 với 8 loại giải. Số giải B và C cũng tăng trung bình 26 so với 16 giải/năm, giải C đạt 45 so với 37 giải/năm. Giải KK cũng tăng, nhưng không đáng kể.

Thống kê cho thấy mặt bằng chất lượng rõ ràng được nâng lên liên tục. Tuy nhiên, có một điều đáng suy nghĩ mặt bằng thì tăng, nhưng trong số gần 1.000 tác phẩm, nhóm tác phẩm (của rất nhiều tác giả) được giải vẫn thấy rất ít những tác phẩm thật nổi trội, để lại dấu ấn trong lòng công chúng. Nhiều năm qua ảnh báo chí yếu hơn so với loại hình khác, số lượng tác phẩm dự thi thì ít, chọn được tác phẩm vào Chung khảo đã khó, mà chọn để trao giải A càng khó hơn. Có mùa Giải Ảnh báo chí chỉ có giải C là cao nhất, không có giải A và giải B.

Tại sao vậy? Vấn đề nằm ở chỗ làng báo không có tác phẩm hay, hay có cái gì đó chưa ổn trong khâu định hướng, thẩm định, tuyển chọn? Ở thời buổi “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đối với báo chí như hiện nay, làng báo của chúng ta, Giải Báo chí quốc gia của chúng ta chưa phát hiện, bồi dưỡng thêm được những nhà báo khẳng định tên tuổi của mình với tâm thế “Mắt sáng, Lòng trong, Bút sắc” như lời của cố nhà báo Hữu Thọ nói năm 1996 về bản lĩnh, phẩm chất của người làm báo cách mạng.

Chính vì thế tôi đặt tít cho bài viết này là “Giải Báo chí Quốc gia: Chắt lọc tinh túy của báo chí, tôn vinh cống hiến của nhà báo - trăn trở và mong đợi”, với suy tư về một Giải Báo chí quốc gia tầm cỡ, theo đó, mỗi quyết định Giải thưởng, nhất là giải A được công bố phải là tấm bằng ghi công cho cá nhân tác giả đã sáng tạo ra những tác phẩm xuất sắc có tác dụng cải biến xã hội. Báo chí của chúng ta giai đoạn hiện nay đồ sộ về số lượng ấn phẩm, thời lượng phát sóng. Đội ngũ người làm báo đông đảo hơn bao giờ hết. Công nghệ thông tin, nguồn tin gần như không có giới hạn.

Giải Báo chí quốc gia đã trở thành một thương hiệu, một sự kiện được xã hội trông đợi,
thu hút sự tham gia đông đảo của đội ngũ nhà báo toàn quốc. Ảnh: TL

Tầm bao quát của báo chí rất rộng, được xã hội khuyến khích, chờ đợi. Làng báo có thêm loại hình báo điện tử với khả năng thông tin nhanh chóng, đáp ứng mọi nhu cầu thông tin của xã hội bất kể thời gian, bổ sung cho loại hình báo in, báo nói, báo hình truyền thống. Thế mà số nhà báo khẳng định được tên tuổi của mình bằng những tác phẩm xuất sắc, có tính phát hiện cao, sắc sảo trong lập luận, thể hiện bằng ngôn ngữ báo chí độc đáo, được trao Giải Báo chí quốc gia xuất hiện không nhiều.

Đã có một nhà báo trẻ hỏi tôi: “Chú ơi, tại sao Giải Báo chí quốc gia năm nào cũng chỉ trao giải cho các nhóm tác giả, mà không có những tác giả đơn lẻ được giải?”.

Nhà báo khác hỏi: “Tại sao chỉ có những chùm tác phẩm nhiều kỳ được giải, ít thấy một tin, một bài báo được giải vậy anh?”. Còn một số nhà báo của báo địa phương, báo các ngành thì nói như khẳng định “Báo chí của bọn em lép vế, khó được giải lắm”. Chưa bàn tới sự đúng sai đến mức nào của những ý kiến đó, nhưng có thể nói đây cũng là những trăn trở của nhiều người.

Lời giải cho những câu hỏi đó cần được xem xét từ nhiều góc độ, nhiều phía, từ cơ quan báo chí, phóng viên, nhà báo, cho đến hội đồng tuyển chọn của các tổ chức cơ sở Hội và Hội đồng Giải Báo chí quốc gia. Các cấp Hội, các cơ quan báo chí cần tiếp tục động viên, khuyến khích các nhà báo nỗ lực, sáng tạo hơn nữa trong hoạt động báo chí, Hội đồng Giải Báo chí quốc gia tiếp tục chỉ đạo đổi mới công tác tuyển chọn từ cấp cơ sở, nhìn nhận lại quy trình chấm vòng sơ khảo và vòng chung khảo.

Tháng 7/2016, Hội đồng Giải Báo chí quốc gia đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm Giải Báo chí quốc gia, có những đánh giá tương đối thấu đáo mặt được và những mặt còn hạn chế bất cập, nêu phương hướng cải tiến tổ chức, nâng cao chất lượng Giải cũng như đưa ra những đề xuất, kiến nghị. Tôi đồng tình và nhất trí với Báo cáo tổng kết của Hội đồng, cũng như với ý kiến tham luận của một số nhà báo tại hội nghị. Và với những ý kiến riêng đã nêu ở trên, tôi mong muốn và hy vọng Giải Báo chí quốc gia các năm sau sẽ thành công mỹ mãn hơn.

Theo Hà Minh Huệ/Người làm báo

 

Các tin khác:
  • Quyết liệt… cần nhưng chưa đủ (20/06/2018-8:22)
  • Không ngừng trau dồi nghiệp vụ, nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí (19/06/2018-15:08)
  • Đạo đức người làm báo thời cách mạng 4.0: Nhận diện hành vi vi phạm (19/06/2018-15:06)
  • Báo chí Thanh Hoá và chức năng phản biện xã hội (19/06/2018-7:27)
  • Nhìn từ những kỷ niệm “tác nghiệp” đáng giá! (16/06/2018-21:16)
  • Nhà báo Hà Đăng - Mãi là tấm gương trong (14/06/2018-13:35)
  • Cánh cửa nào mở ra phía an toàn? (14/06/2018-13:33)
  • Nghề báo - Nghề cao quý! (13/06/2018-8:48)
  • Chính sách BHXH, BHYT được báo chí phản ánh sinh động, kịp thời (13/06/2018-8:42)
  • Thanh Hóa có 2 tác phẩm đoạt Giải báo chí Quốc gia (06/06/2018-14:43)