Thứ sáu, ngày 19/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Đổi mới cách làm ký sự truyền hình (05/07/2018-8:16)
    Những năm gần đây trên sóng của các đài Truyền hình trong cả nước liên tục xuất hiện các tác phẩm thuộc thể loại ký sự truyền hình. Đó là những tác phẩm có độ dài nhiều tập hoặc những tập phim ngắn có nội dung cô đọng nhưng cũng rất trữ tình.
Đoàn làm ký sự của Đài PT&TH Thanh Hóa trong chuyến tác nghiệp ở vùng cao xứ Thanh

Ký sự truyền hình làm cho người thư thái, giãn bớt sự căng thẳng bởi các thông tin dồn dập được cung cấp bởi các bản tin, các chương trình thời sự chính luận. Vì vậy, ký sự truyền hình là một chương trình được khán giả yêu thích. Nhiều cơ quan truyền thông đã chuyển hướng làm ký sự truyền hình và những chương trình truyền hình thực tế, vừa theo đúng xu thế hiện nay của thế giới, vừa tạo “khẩu vị” mới cho khán giả.

Không nằm ngoài xu thế phát triển đó, đài PT&TH Thanh Hóa đã sớm có sự đầu tư, quan tâm đối mới cách làm ký sự. Có thể kể đến những ký sự dài tập của đài PT&TH Thanh Hóa đã thu hút được sự quan tâm của khán giả như: “Sông Mã”, “Xuôi dòng sông Chu”, “Biển, đảo quê Thanh”, “Những nẻo đường đến trường”, “Theo dấu những con tầu không số”, “Du xuân vùng cao xứ Thanh”….

Hiện nay Đài PT&TH Thanh Hóa đang triển khai thực hiện và phát sóng 2 bộ ký sự dài tập: “Hương vị quê nhà” và “Thanh Hóa tên đất hồn người”. Đặc biệt bộ ký sự “Thanh Hóa tên đất hồn người” là ký sự dài tập nhất từ trước đến nay với khoảng 60 tập, được cả ê kíp thực hiện trong 2 năm (2018, 2019). Đây cũng là Đề án ký sự lớn nhân kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa. Vì vậy, hơn bao giờ hết, vấn đề đổi mới cách thực hiện ký sự làm sao cho hấp dẫn lại càng được những nhà báo thực hiện mảng này quan tâm, trăn trở.

Theo tôi, đổi mới cách thể hiện ký sự trước hết là ở lựa chọn đề tài. Thể loại ký sự truyền hình đã thu hút được nhiều thành công trên sóng truyền hình, những thành công này dựa trên sức mạnh của thể loại và được tác giả sử dụng rất đúng với đề tài được lựa chọn. Trong dịp Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 37 tổ chức tại Thanh Hóa tháng 12/2017, chúng tôi đã có thời gian được gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm làm ký sự với nhà báo, NSƯT, đạo diễn Lý Quang Trung - Giám đốc Hãng phim truyền hình thành phố Hồ Chí Minh - một trong những đạo diễn của bộ ký sự được xem là “đỉnh cao” của dòng ký sự, đó là : “Mê Kông ký sự”. Ông cho rằng, sở dĩ “Mê Kông ký sự” và những những ký sự sau này của Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thành công trước hết là dựa trên 2 yếu tố: Mới và lạ.

Thông tin phải mới, hình thức thể hiện phải lạ. Mới, lạ là hai yếu tố người xem cần khi xem ký sự. Không phải ngẫu nhiên mà ê-kíp làm phim “Mê Kông ký sự” tự thấy mình còn hơn cả những nhà thám hiểm vì: “Đến ngày hoàn thành bộ phim có người bị bệnh, bị thương (bị chó ngao Tây Tạng cắn).

Xét ở góc độ chuyên môn, thì để có được bộ phim ký sự hay, hấp dẫn, ngoài chọn lựa đề tài cần có sự tham gia và phối hợp tốt từ các thành phần làm phim như biên kịch, quay phim, đạo diễn, người viết lời bình, MC, cho đến ê-kip kỹ thuật dựng phim, âm thanh, nhưng vai trò quan trọng nhất là người đạo diễn. Bộ phim hay, hấp dẫn phụ thuộc vào năng lực sáng tạo của người đạo diễn, trên cơ sở sự cảm thụ nghệ thuật, từ góc nhìn, sự quan sát tinh tường, cảm xúc của mình trong hành trình, cùng với sự sắp xếp khéo léo, mạch lạc những hình ảnh nhân vật, bối cảnh, sự kiện chân thực nhất trên cơ sở tư liệu, hình ảnh người quay phim đã thu hình được. Lời bình phim phải có hàm lượng thông tin cao, giàu chất văn học, tạo sự truyền cảm mạnh nhất đến khán giả - điều đó cũng có nghĩa là người viết lời bình phải có trình độ, vốn sống, am tường mọi lĩnh vực. Hơn nữa cấu trúc của bộ phim ký sự không phải sắp xếp tuân thủ theo quy trình một cách lần lượt các sự kiện, các vấn đề được trình bày theo một trình tự nhất định như phóng sự, mà nó được cấu trúc theo dòng suy nghĩ, sự liên tưởng, cảm xúc của tác giả làm phim. Sự kết hợp đồng điệu giữa quay phim và đạo diễn ngay tại hiện trường cùng với sự thăng hoa của người viết lời bình ký sự sẽ tạo được hiệu quả.

Một điều kiện khác, đó là cần có sự đầu tư kinh phí một cách thích đáng, hợp lý. Kinh phí ít dẫn đến hạn chế đề tài; kinh phí ít bó hẹp không gian sáng tác.

Để thực hiện được mục tiêu đổi mới cách thể hiện ký sự những ê-kíp thực hiện ký sự của Đài PT&TH Thanh Hóa đang đứng trước rất nhiều khó khăn. Mỗi chuyến đi, cả ê-kíp, đặc biệt là đạo diễn phải đứng trước một quyết tâm lớn: Chọn việc nhẹ nhàng hay vất vả?

Nếu lựa chọn sự  nhẹ nhàng thì tác phẩm hời hợt kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, còn nếu lựa chọn sự gian lao, vất vả thì mới có được những tác phẩm hay. Chỉ cần chút mềm lòng trước những gian khổ, “ăn bờ, ngủ bụi” thì sẽ rất khó thực hiện được  ý tưởng.  Chỉ có lòng đam mê chinh phục, khám phá, lòng say nghề mãnh liệt mới giúp những người làm phim chân chính vượt qua điều kiện eo hẹp về tiện nghi sinh hoạt, quên cả hiểm nguy để có thể đi bộ băng rừng, vượt biển, lặn lội đến những nơi khó khăn, đối mặt với sự khắc nghiệt của tự nhiên để làm nên những bộ ký sự hấp dẫn.

Minh Thúy

 

Các tin khác:
  • Câu chuyện của sự phối hợp (28/06/2018-8:30)
  • Để có những mùa « quả ngọt » (28/06/2018-8:20)
  • Nguyễn Hồng Vinh: Mãi là người “giữ lửa”! (26/06/2018-10:55)
  • Nguyễn Uyển - Nhà báo cần cù và cẩn trọng (26/06/2018-10:53)
  • Nhà báo Mỹ Trà: Dành trọn tình yêu cho biển đảo (26/06/2018-11:50)
  • Báo chí Thanh Hóa cần làm tốt hơn nữa vai trò định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận xã hội (25/06/2018-10:35)
  • Bàn về đạo đức người làm báo thời cách mạng công nghiệp 4.0 (22/06/2018-9:27)
  • Chắt lọc tinh túy của báo chí, tôn vinh cống hiến của nhà báo - Trăn trở và mong đợi (20/06/2018-8:25)
  • Quyết liệt… cần nhưng chưa đủ (20/06/2018-8:22)
  • Không ngừng trau dồi nghiệp vụ, nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí (19/06/2018-15:08)