Thứ năm, ngày 28/03/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Phát thanh trong xã hội hiện đại (06/07/2018-8:04)
    Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của internet, để thu hút công chúng đòi hỏi người làm báo phát thanh phải không ngừng đổi mới đưa phát thanh đế gần với công chúng, lôi cuốn được nhiều thính giả.
Đài PT&TH Thanh Hóa tham dự thể loại Phát thanh trực tiếp tại Liên hoan Phát thanh toàn
quốc lần thứ 13 - năm 2018 tại tỉnh Nghệ An

Gần 12 năm gắn bó với báo nói của Đài PT&TH Thanh Hóa, tôi luôn ý thức được những thế mạnh của phát thanh, bởi nó cung cấp cho người nghe những thông tin nhanh chóng, tức thì. Độc giả có thể vừa nghe đài vừa làm đồng, đánh bắt thủy hải sản hay nấu cơm, làm vườn…

Là người làm báo nói, được đặt chân tới nhiều vùng đất trong tỉnh, tôi thật sự vui mừng và hạnh phúc khi nhận được những tình cảm chân thành cũng như sự yêu mến của khán giả. Tại các huyện, thị trong tỉnh, cứ mỗi sáng mai thức dậy, người ta sẽ nghe thấy giọng nói truyền cảm của những phát thanh viên trên làn sóng phát thanh. Còn nếu đánh bắt cá xa bờ thì chiếc ra-đi-ô thật sự là người bạn gần gũi và gắn bó với mỗi ngư dân. Giữa mênh mông sóng nước, mạng chập chờn, thậm chí là không có mạng, thì phát thanh sẽ mang đến cho ngư dân cảm giác ấm áp, thân quen. Qua sóng phát thanh, người dân không chỉ nắm bắt được thông tin thời sự, mà còn cập nhận diễn biến thời tiết để xử lý kịp thời.

Với những người cao tuổi, họ có thể vừa đánh cờ vừa quét dọn nhà cửa và vừa nghe đài. Tâm sự với chúng tôi, ông Văn Giáp - xã Bắc Lương, huyện Thọ Xuân cho biết: “Tôi là khán giả thân thuộc của Đài PTTH nói riêng và Đài Tiếng nói Việt Nam nói chung. Ngày nào tôi cũng dành 4 đến 5 tiếng để nghe đài. Tôi thấy thông tin của đài rất phong phú, hấp dẫn. Tôi đặc biệt thích những bài về văn hóa - xã hội. Vừa có thể làm việc nhà vừa nghe đài. Đài như một người bạn vậy”.

Phải công nhận, bằng giọng nói nhẹ nhàng, tình cảm kết hợp với âm thanh, tiếng động hiện trường, thính giả như được hòa mình vào cảm xúc của nhân vật, vui buồn với nhân vật và các sự kiện.

Hiện nay, Đài PT&TH Thanh Hóa đang phát các chương trình phát thanh trên sóng AM tần số 846 KHZ với thời lượng là 14 tiếng trong ngày. Ngoài 4 bản tin phát sóng hằng ngày, thính giả còn được thưởng thức một số bản tin chuyên biệt với nội dung phong phú, hấp dẫn như: Bản tin Nông nghiệp 18h30, Bản tin Văn hóa - giải trí, Bản tin sức khỏe mỗi ngày, Bản tin kinh tế. Ngoài ra, thính giả còn nghe nhiều chương trình khác như: Trả lời bạn nghe đài, Từ điển danh nhân, Dân ca và nhạc cổ truyền, Câu chuyện truyền thanh, An toàn giao thông 24h… Mỗi chương trình là một “món ăn” mang đến những thông tin và cung bậc cảm xúc khác nhau.

Trong những năm gần đây những người làm phát thanh đã và đang không ngừng đổi mới cả về nội dung và hình thức nhằm thu hút sự quan tâm của bạn nghe đài. Trong đó, chương trình Câu chuyện truyền thanh được xem là thế mạnh của Đài PT&TH Thanh Hóa. Cùng với đề tài hay, hấp dẫn, tăng cường sử dụng âm thanh, tiếng động hiện trường, chúng tôi còn mời các diễn viên chuyên nghiệp tham gia diễn xuất…Vì thế, chương trình này thực sự gần gũi với cuộc sống đời thường và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người nghe. Trong nhiều năm qua Đài PT&TH Thanh Hóa đã có nhiều tác phẩm “Câu chuyện truyền thanh” giành giải cao tại các kỳ Liên hoan Phát thanh toàn quốc.


Phát huy lợi thế của phát thanh hiện đại phải kể đến các phóng sự do các phóng viên của Đài thực hiện. Để tác phẩm đạt kết quả cao, phóng viên phải chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị cần thiết khi tác nghiệp như: Máy ghi âm, máy tính xách tay, tai nghe… Đối với những tin, bài tường thuật về những sự kiện quan trọng trong tỉnh thì phải đến sớm so với giờ khai mạc để phối hợp với các kỹ thuật viên đưa dây cắm vào bàn Micxer lấy âm thanh ý kiến phát biểu. Khi sự kiện diễn ra phải cập nhật thông tin nhanh chóng để kịp thời điểm phát sóng là 11h trưa (Sớm hơn so với bản tin thời sự tối lúc 20h của sóng truyền hình). Đối với các sự kiện như lễ hội, chúng tôi vừa là phóng viên viết bài vừa là kỹ thuật viên cắt âm thanh vừa là phát thanh viên. Khi chuẩn bị giờ phát sóng cũng là lúc bài viết được hoàn thiện, chúng tôi sẽ đọc bài viết qua điện thoại về Trung tâm kỹ thuật phát thanh của đài. Âm thanh phỏng vấn lãnh đạo, nhân vật cũng được lược bỏ, chỉnh trang và gửi về cho bộ phận đạo diễn ở nhà. Đối với những phóng sự phản ánh, chúng tôi lấy âm thanh nhân vật, tiếng động hiện trường để khi hoàn thiện tác phẩm chúng tôi sử dụng âm thanh hiện trường sao cho đạt hiệu quả cao. Chẳng hạn như tác phẩm “Nỗi đau da cam” của Tường Vân đoạt Giải C Giải báo chí Trần Mai Ninh, tác giả đã sử dụng nhiều tiếng động hiện trường nhằm diễn tả nỗi đau của nạn nhân da cam cũng như người mẹ có con là nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc điôxin. Đặc biệt, tác phẩm “Độc nhất một” của tác giả Thanh Phương đoạt Huy chương đồng tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 11 năm 2014, tác giả đã phải tác nghiệp nhiều lần, sử dụng nhiều âm thanh, tiếng động hiện trường nhằm lột tả hết nghị lực vượt lên số phận của chàng trai khuyết tật…

Chẳng riêng gì những tác phẩm dự thi, với những tác phẩm phát thanh thường ngày chúng tôi cũng luôn dành thời gian đầu tư âm thanh, tiếng động để tạo cảm giác gần gũi cho thính giả.

Vượt qua những khó khăn về phương tiện tác nghiệp, liên hệ với cơ sở, những người làm báo phát thanh vẫn yêu nghề và mong muốn mang đến cho công chúng những thông tin “mới lạ, độc đáo”. Những cuộc điện thoại, những cánh thư gửi về cho chương trình chính là món quà quý giá đối với những người làm phát thanh như chúng tôi.

Chẳng cần phải nhiều tiền để sắm một chiếc điện thoại sành điệu, một chiếc ti vi màn hình lớn, sóng 3G, 4G… Chỉ cần vài trăm ngàn đồng là các bạn có thể trang bị cho mình chiếc ra-đi-ô để nghe và cảm nhận. Xã hội ngày càng phát triển, con người ta cũng ngày càng bận rộn hơn. Không cần phải có quỹ thời gian nhàn rỗi dõi mắt lên màn hình ti hay lật giở từng trang báo hoặc bật 3G để lướt, bạn có thể vừa nghe đài vừa lái ô tô hay làm các công việc mà mình yêu thích .

Trong xã hội ngày càng phát triển, những người làm báo nói đã và đang phải tiếp tục tự đổi mới về nội dung và hình thức thể hiện để phát thanh thực sự là người bạn thân thiết, gần gũi với thính giả.

Tường Vân

 

Các tin khác:
  • Ấn tượng về nhà báo Mỹ Anthony Knopps (06/07/2018-7:59)
  • Đổi mới cách làm ký sự truyền hình (05/07/2018-8:16)
  • Câu chuyện của sự phối hợp (28/06/2018-8:30)
  • Để có những mùa « quả ngọt » (28/06/2018-8:20)
  • Nguyễn Hồng Vinh: Mãi là người “giữ lửa”! (26/06/2018-10:55)
  • Nguyễn Uyển - Nhà báo cần cù và cẩn trọng (26/06/2018-10:53)
  • Nhà báo Mỹ Trà: Dành trọn tình yêu cho biển đảo (26/06/2018-11:50)
  • Báo chí Thanh Hóa cần làm tốt hơn nữa vai trò định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận xã hội (25/06/2018-10:35)
  • Bàn về đạo đức người làm báo thời cách mạng công nghiệp 4.0 (22/06/2018-9:27)
  • Chắt lọc tinh túy của báo chí, tôn vinh cống hiến của nhà báo - Trăn trở và mong đợi (20/06/2018-8:25)