Thứ tư, ngày 24/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
“Giải phẫu” căn bệnh bí đề tài của phóng viên trẻ (11/07/2018-9:30)
    Tôi luôn tâm niệm: Một bài báo hay, cuốn hút người xem xuất phát từ ý tưởng tốt, đề tài tốt. Xã hội phát triển càng tạo ra khối lượng đồ sộ thông tin, cũng chính là “mảnh đất màu mỡ” để mỗi phóng viên có cơ hội khai thác cho ra đời những đứa con tinh thần như ý. Thế nhưng có không ít phóng viên trẻ đang rơi vào tình thế bí đề tài. Với kinh nghiệm hơn mười năm làm báo, xin được chia sẻ cùng phóng viên trẻ.
      Phóng viên trẻ không ngại tác nghiệp ở những bản làng xa xôi

Đầu năm 2018, tôi về công tác ở Hậu Lộc - một huyện ven biển năm nào bão lụt cũng “ghé thăm” vài lần.

Mục đích của tôi là viết bài về xây dựng nông thôn mới ở một xã ven biển của huyện. Nhưng khi gặp lãnh đạo xã nói chuyện mới hay biết các anh đang hết sức lo lắng vì tàu thuyền của ngư dân ra khơi mấy ngày nay nhưng mất thông tin liên lạc do ảnh hưởng của gió mùa. Xã cũng đã báo cáo với các ngành chức năng của huyện và tỉnh để có chỉ đạo kịp thời. Được biết, không chỉ riêng tàu của ngư dân huyện Hậu Lộc mà còn có cả tàu của ngư dân huyện Tĩnh Gia, thành phố Sầm Sơn cũng đang mất liên lạc trên biển.

Nắm bắt được nguồn tin, chiều hôm đó tôi đã nhanh chóng làm tin nóng gửi về tòa soạn để đăng số báo ngày mai. Ngay sáng hôm sau Ban biên tập tiếp tục giao cho tôi viết bài sâu ở các địa phương nói trên, trong đó chú ý đến thiệt hại, các hoạt động thăm hỏi, động viên và hướng xử lý của các ngành chức năng cũng như chính quyền địa phương. Bài viết hoàn thành xong trong ngày kịp đăng báo và được cơ quan biểu dương. Sau khi bài viết được đăng tôi vẫn tiếp tục bám cơ sở để thông tin kịp thời về tình hình thiệt hại và nỗ lực tìm kiếm ngư dân mất tích của lực lượng chức năng cũng như sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân.

Từ một chuyến đi thực tế tác nghiệp như vậy tôi nghiệm ra rằng, để tìm được một đề tài cho bài viết hoàn toàn không dễ chút nào. Trao đổi về việc vì sao phóng viên trẻ bí đề tài, tôi cho rằng có nhiều nguyên nhân, trong đó có mấy nguyên nhân cơ bản:

Thứ nhất, do phóng viên không thường xuyên đi cơ sở hoặc chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”, ngại khó, ngại khổ khi đến những vùng xa xôi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, nên không nắm bắt được thông tin từ cơ sở. Có một số trường hợp phóng viên được giao phụ trách địa bàn, lĩnh vực, nhưng cả năm chỉ đi xuống cơ sở được vài lần, viết được cho huyện vài cái tin hoặc vài bài viết kiểu “không khen, không chê”.

Thứ hai, một số phóng viên trẻ ít đọc sách báo, nghiên cứu tài liệu để bổ sung thêm kiến thức, bồi bổ ngôn ngữ qua đó phát hiện ra nhiều đề tài hay. Thay vì đọc sách báo, một số phóng viên đã không tiếc thời gian vào mạng internet để đọc. Nguồn tin trên mạng tuy lớn, song thiếu sự kiểm chứng để có được nguồn tin chính xác.

Thứ ba, một số phóng viên trẻ không quan tâm, thậm chí biết nhưng vẫn thờ ơ hoặc bỏ qua các sự kiện đang diễn ra xung quanh. Ví dụ có trường hợp trên đường phóng viên bắt gặp một nhóm người xếp hàng dài trước cửa cây ATM đợi rút tiền trong cái nắng như thiêu như đốt; một vụ tai nạn giao thông thảm khốc hay hình ảnh một người trèo qua dải phân cách trên quốc lộ để qua đường bên kia… nhưng vẫn mặc kệ!. Nhiều sự kiện quan trọng diễn ra trong tỉnh, trong nước và thế giới hay tin tức được phát đi trên hệ thống phát thanh - truyền hình cũng không được phóng viên nắm bắt hàng ngày. Khi rơi vào thế bí, có phóng viên lấy đề tài cũ ra “nhai đi nhai lại”, cách thể hiện giống nhau, chỉ khác mỗi thêm vài con số. Do đó, phóng viên không thể có được những đề tài sát cuộc sống.

Thứ tư, phóng viên trẻ đồng nghĩa với kinh nghiệm, tuổi đời còn ít, nên có phần e dè, ngại tiếp xúc khi liên hệ làm việc với cơ sở, cơ quan chức năng. Năng lực tư duy và khả năng giao tiếp còn hạn chế, do đó ảnh hưởng đến việc tác nghiệp, khai thác thông tin, tìm kiếm đề tài… 

“Giải phẫu” căn bệnh bí đề tài, tôi cũng mạnh dạn chia sẻ một vài phương pháp đó là: Trước hết, phóng viên trẻ cần phải thường xuyên đi cơ sở, nắm vững và giữ mối liên hệ mật thiết với cơ sở, nhất là với các đầu mối cung cấp thông tin. Bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, giải quyết được vấn đề cấp thiết mà cơ sở đang đặt ra, từ đó có những đề tài sát, đúng với thực tế. Bên cạnh đó cần cập nhật thông tin trên các kênh thông tin đại chúng. Thường xuyên đọc báo, nghiên cứu tài liệu, tiếp thu có chọn lọc trên các tờ báo chính thống để có nguồn thông tin thực sự đảm bảo tin cậy. Sử dụng mạng xã hội một cách có chọn lọc để thu thập nguồn thông tin hữu ích. Trên cơ sở những đề tài cũ trước đó cần hâm nóng, làm mới đề tài bằng nhiều phương pháp thể hiện sinh động, hấp dẫn… 

Nguyễn Ngọc

 

Các tin khác:
  • Lúc nào tôi cũng luôn trong tư thế sẵn sàng tác nghiệp… (11/07/2018-9:27)
  • Hồi chuông báo động về vấn nạn bạo lực báo chí (06/07/2018-21:06)
  • Phát thanh trong xã hội hiện đại (06/07/2018-8:04)
  • Ấn tượng về nhà báo Mỹ Anthony Knopps (06/07/2018-7:59)
  • Đổi mới cách làm ký sự truyền hình (05/07/2018-8:16)
  • Câu chuyện của sự phối hợp (28/06/2018-8:30)
  • Để có những mùa « quả ngọt » (28/06/2018-8:20)
  • Nguyễn Hồng Vinh: Mãi là người “giữ lửa”! (26/06/2018-10:55)
  • Nguyễn Uyển - Nhà báo cần cù và cẩn trọng (26/06/2018-10:53)
  • Nhà báo Mỹ Trà: Dành trọn tình yêu cho biển đảo (26/06/2018-11:50)