Thứ năm, ngày 18/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Chuẩn mực và trách nhiệm của nhà báo - hội viên khi tham gia mạng xã hội: Tôn trọng đạo đức nghề nghiệp và vun đắp niềm tin cho công chúng (14/07/2018-9:25)
    Ngày 13/7/2018, tại TP. Hạ Long - tỉnh Quảng Ninh, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với HNB Quảng Ninh tổ chức tọa đàm “Nhà báo và mạng xã hội” với mong muốn nhận được nhiều ý kiến tham gia, đóng góp của các nhà báo, các cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, các cấp Hội cơ sở để xây dựng và cụ thể hóa, nhằm hướng dẫn thực hiện Điều 5 trong 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam: “Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác".

Trước thềm tọa đàm này, PV Báo NB&CL đã ghi lại ý kiến của một số nhà báo - hội viên để nghe họ bày tỏ quan điểm về một chủ đề “nóng” đang nhận được nhiều sự quan tâm này.

Nhà báo Hồng Thanh Quang - Ủy viên Ban Chấp hành HNBVN, Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết:  “Người làm báo càng phải ứng xử có trách nhiệm trên mạng xã hội”

Điều thực sự đáng chú ý và gây bức xúc hiện nay là việc ứng xử làm sao với phẩm hạnh, chuyên môn, đạo đức của hội viên - nhà báo chúng ta trên mạng xã hội? Thời gian gần đây, nổi lên khuynh hướng làm báo theo kiểu bất chấp mọi giá, như việc tham gia, sử dụng mạng xã hội không chuẩn nên dẫn đến nhiều hệ lụy. Đã làm ảnh hưởng tới tình đồng nghiệp, thậm chí có thể hy sinh cả đồng chí, đồng đội, hy sinh cả lý tưởng…

Một mặt khác, hiện nay, bản thân nhiều định chế, nhiều cá nhân trong xã hội chúng ta càng ngày càng bộc lộ những “gót chân Asin” dễ bị tổn thương, dễ bị ảnh hưởng, khiến cho một bộ phận nhà báo (và có cảm giác càng ngày càng không nhỏ) kiếm ăn trên mạng xã hội, Facebook bằng những phát ngôn rất là vô lối và chập chờn của mình. Điều đó làm tổn hại rất nhiều đến hình ảnh nhà báo, đến chất lượng của hội viên chúng ta, khiến cho xã hội nhìn nhà báo ngày càng méo mó… 

Điều này chính là một tác nhân làm yếu đi sức mạnh của báo chí chính thống chúng ta. Và tôi cho rằng, điều này cũng không hẳn là lỗi của hội viên nhà báo mà là lỗi của chính bản thân cái vận hành trong xã hội của chúng ta đang rất có vấn đề…

Facebook hay mạng xã hội nói chung đều là những công cụ, những thành tựu công nghệ, nên sẽ rất dại dột nếu từ chối. Vì thế, tôi nghĩ chính nhà báo càng phải tham gia đón nhận một cách tích cực nhất, một cách nhanh nhạy nhất để trước tiên là phục vụ cho việc tác nghiệp của mình. Trên Facebook, một nhà báo vẫn có thể “hành nghề”, miễn là anh ứng xử một cách có trách nhiệm với cộng đồng mạng và ngay cả với cả bản thân mình. Còn nếu những thành tựu công nghệ tuyệt vời ấy bị sử dụng vào những mục đích xấu thì nó sẽ gây hậu quả cho toàn xã hội.

Tôi cho rằng, nhà báo khác với tất cả những người đưa tin khác: Cần có trách nhiệm với thông tin mình đưa. Một nhà báo luôn xác định bản thân sẽ trung thành với sự thật, nhanh nhạy kịp thời, nhưng bao giờ cũng phải hình dung trước thông tin mình đưa ra sẽ mang lại lợi ích hay gây ra tác hại đối với xã hội. Cái này là lựa chọn của từng nhà báo, không ai có thể cấm đoán hay bắt buộc.

Vì vậy, trước những hạn chế như đã nêu, bên cạnh vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý thì rất cần đến vai trò quan trọng của Hội Nhà báo trong việc định hướng, giải quyết vấn đề này. 

Với vai trò, vị thế của mình, rất mong Hội Nhà báo Việt Nam lúc nào cũng phải “rung chuông” báo động về những việc làm, ảnh hưởng không tích cực… để từ các quy định, sức ảnh hưởng của Hội, mỗi cơ quan báo chí dựa vào đấy mà có cách ứng xử, điều chỉnh những hành vi, việc làm chưa chuẩn của người làm báo. Tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta không kịp thời làm việc này thì có thể ngày mai sẽ muộn...

Nhà báo Nguyễn Mai Thao - Trưởng Ban Thư ký - Biên tập, Truyền hình Công an Nhân dân (ANTV): “Hãy có trách nhiệm với chính mình và thông tin do mình đưa ra”

Tôi có 1 tài khoản facebook và hằng ngày được chứng kiến nhiều dòng tin như thế từ nhiều đồng nghiệp. Xa hơn là những quan điểm đôi khi viết rất “vỗ mặt” về một ai đó. Kiểu như Bộ trưởng này thì làm được gì? Bộ trưởng kia không xứng đáng, cô người mẫu này tố cáo người khác hiếp dâm khác gì vừa ăn cắp vừa la làng... Tất cả đều là những quan điểm cá nhân, với những tài khoản mạng xã hội cá nhân nhưng độc giả họ hiểu rằng đấy là quan điểm của nhà báo, hay thậm chí là của một tòa soạn. 

“Lời nói là đọi máu”, “trăm năm bia đá cũng mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ” - Có những cái "tút" sai lầm đã phải gỡ bỏ nhưng công chúng thật khó quên hay dù gỡ nhưng nó cũng đã kịp gây nên những hậu quả không mong muốn. Vậy thì trước khi treo 1 cái "tút" lên “tường” nhà mình hãy nghĩ thật kỹ, có trách nhiệm với chính mình, với những người sẽ tiếp cận thông tin do mình đưa ra. 

Một bộ quy chế ứng xử trên mạng xã hội cho nhà báo là điều cần thiết nhưng không ai mong muốn nó được áp dụng như những mệnh lệnh hành chính cứng nhắc, như 1 “cái vòng kim cô” thuần túy. Quan trọng hơn hết là phải xác định rõ cho nhà báo địa vị khi tham gia vào mạng xã hội - anh là nhà báo - không phải là công chúng bình thường vậy thì phải có trách nhiệm của 1 nhà báo, nhân cách ứng xử của 1 nhà báo. 

Nhà báo Phan Vũ Nhật Linh - Thường trú VTV tại Liên bang Nga: “Cần áp dụng thông tin có ích của mạng xã hội vào công việc chuyên môn”

Xin bật mí về nghề nghiệp truyền hình, đôi khi một tấm ảnh, vài dòng tin trên mạng xã hội là những gợi ý cho tôi về tin tức hoặc phóng sự truyền hình. Mạng xã hội còn giúp tôi có góc nhìn đa dạng, đa chiều về một sự kiện hoặc một vấn đề mà xã hội đang quan tâm. 

Cũng thông qua mạng xã hội tôi cập nhật được những kiến thức mới về truyền hình của các đồng nghiệp trong và ngoài nước. Nhật Linh nghĩ mạng xã hội là kênh thông tin đa dạng, phong phú, nhanh nhạy. 

Điều quan trọng nhất là lựa chọn thông tin theo góc nhìn của mình và áp dụng những thông tin có được vào công việc chuyên môn. Tuy nhiên, cách dùng mạng xã hội ở mỗi quốc gia cũng có sự khác biệt. 

Ví dụ ở Nga, Facebook của người phát ngôn Bộ ngoại giao hay của Thủ tướng Medvedev vẫn được trích dẫn trong các bản tin. Hay đơn cử như trang Twitter của Tổng thống Trump - còn hơn cả kênh thông tấn.

Nhà báo Đoàn Lan Ngọc - Báo Lao động Thủ đô: “Nhà báo hãy góp phần vun đắp niềm tin cho công chúng”

Môi trường số hóa, cùng với sự bùng nổ của mạng xã hội, có thể khẳng định, chưa khi nào báo chí và những người làm báo lại chịu sự tác động và chi phối mạnh mẽ của mạng xã hội đến việc thực hiện đề tài cũng như định hướng dư luận như hiện nay... 

Tuy nhiên, thực tế cũng đã chứng minh, nếu không có lập trường tư tưởng, bản lĩnh vững vàng và đề cao ý thức, trách nhiệm của người cầm bút trong việc kiểm chứng và xử lý thông tin, người làm báo cũng dễ bị mạng xã hội “dắt mũi”, dễ bị sa đà vào thông tin thiếu tính khách quan, trung thực. 

Ở báo Lao động Thủ đô chúng tôi, tại các buổi giao ban về nghiệp vụ, Ban Biên tập, Ban Thư ký Chi hội thường xuyên lưu ý, nhắc nhở mỗi phóng viên về ý thức của người cầm bút, đạo đức của nhà báo khi tham gia đăng tải cũng như bình luận về các vấn đề trên mạng xã hội trên cơ sở: Tôn trọng sự thật, định hướng dư luận và vun đắp niềm tin cho công chúng. Mỗi phóng viên cần tỉnh táo trong việc tham gia, khai thác, sử dụng thông tin từ mạng xã hội và phải luôn kiểm chứng thông tin, tránh việc trích dẫn, đăng tải một chiều.

Tôi cho rằng, trong thời đại công nghệ thông tin, với người làm báo, thông tin nhanh nhạy là cần thiết, nhưng rất cần có sự sàng lọc thông tin. Báo chí cũng cần tiếp cận thông tin từ mạng xã hội, nhưng không thể chỉ chạy theo thông tin, xử lý thông tin từ mạng xã hội mà cần hướng tới định hướng dư luận trên cơ sở đặt lợi ích của cộng đồng, của nhân dân, của xã hội lên trên hết, góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp và cùng đấu tranh với những hành động sai trái. 

Đó cũng là trách nhiệm đặt lên vai mỗi người làm báo khi tham gia mạng xã hội.

 Theo: Ngọc Lành - Ngọc Thành/ Báo Nhà báo & Công luận

 

Các tin khác:
  • Tác nghiệp nơi đầu sóng (12/07/2018-8:23)
  • Lắng nghe bạn đọc để có những bài báo tốt hơn (12/07/2018-8:22)
  • “Giải phẫu” căn bệnh bí đề tài của phóng viên trẻ (11/07/2018-9:30)
  • Lúc nào tôi cũng luôn trong tư thế sẵn sàng tác nghiệp… (11/07/2018-9:27)
  • Hồi chuông báo động về vấn nạn bạo lực báo chí (06/07/2018-21:06)
  • Phát thanh trong xã hội hiện đại (06/07/2018-8:04)
  • Ấn tượng về nhà báo Mỹ Anthony Knopps (06/07/2018-7:59)
  • Đổi mới cách làm ký sự truyền hình (05/07/2018-8:16)
  • Câu chuyện của sự phối hợp (28/06/2018-8:30)
  • Để có những mùa « quả ngọt » (28/06/2018-8:20)