Thứ năm, ngày 25/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Văn hóa - Thể thao
Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Hưng:
Biên cương xanh “gột” lên những vần thơ trữ tình (14/08/2018-14:42)
    Tôi nghĩ đường ranh giới quy định biên cương, lãnh hải có ở trong chính mỗi con người chúng ta. Mỗi người là một cột mốc”, đó là những chia sẻ của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Hưng (Phó Trưởng Ban Thời Nay - Báo Nhân Dân) khi anh vừa ra mắt tập thơ “Cột mốc trong người” (NXB Quân đội Nhân dân).
Với nhà báo Quang Hưng mỗi chuyến đi giúp anh hiểu hơn về cuộc sống, tâm hồn,
tình yêu và cả sự hy sinh thầm lặng của những người lính đảo

“Cột mốc trong người” là tác phẩm thứ hai mà anh viết về người chiến sĩ nói chung, trong đó có nhiều bài về những người lính đang công tác nơi biên cương, hải đảo xa xôi của Tổ quốc. Trước đó, vào năm 2015, trường ca “Nước non mặt biển” (NXB Lao động) của anh được nghiệm thu trong chương trình tài trợ của Bộ Quốc phòng cho các sáng tác về đề tài chủ quyền biển đảo. Đó là “trái ngọt” sau chuyến đi thực tế sáng tác trên quần đảo Trường Sa vào tháng 4-2014, nơi giúp anh hiểu hơn về cuộc sống, tâm hồn, tình yêu và cả sự hy sinh thầm lặng của những người lính đảo.

Chia sẻ về những bài thơ viết về Bộ đội Biên phòng trong tập thơ “Cột mốc trong người”, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng cho biết, năm 2011, anh theo một nhóm thiện nguyện đi tặng quà ở hai ngôi trường phổ thông của các xã Sơn Vĩ và Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang). Khi ấy cùng với nhà trường, Đồn Biên phòng địa phương đã rất nhiệt tình giúp đỡ đoàn việc ăn, nghỉ trong điều kiện thời tiết rất lạnh, sau khi đi bộ cả nửa ngày do đường rất xấu. Nhân cuộc gặp gỡ, nghỉ đêm tại đơn vị với bữa sáng rất giản dị, anh được nghe lãnh đạo Đồn Biên phòng kể những khó khăn vất vả trong công tác, nhất là nhiệm vụ tuần tra biên giới, trèo đèo lội suối hết sức nhọc nhằn, hiểm trở.

“Ngoài nhiệm vụ của người lính thì ở nhiều nơi, Bộ đội Biên phòng còn phải đảm nhiệm trọng trách là người thầy giáo, thầy thuốc, người cán bộ dân vận, hay trực tiếp tham gia phát triển kinh tế ở địa phương. Đặc biệt, chế độ nghỉ tranh thủ của anh em cán bộ, chiến sĩ cũng rất ngặt nghèo. Sau này, có những người lính kể với tôi rằng, thời gian nghỉ về thăm gia đình đã ít nhưng nhiều khi kể cả có sắp xếp được thì cũng rất khó khăn, bởi tính tổng thời gian từ đơn vị ra trung tâm, rồi từ đó di chuyển xe, tàu… về quê cũng không đủ nên anh em tiếp tục ở lại đơn vị làm nhiệm vụ, đợi dịp nghỉ phép mới về”, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng nhớ lại.

Anh còn có dịp đến với một số Đồn Biên phòng ở Đàm Thủy (Trùng Khánh, Cao Bằng), Đồng Văn và Lũng Cú (Hà Giang)… trong những chuyến đi thực tế sáng tác của Ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam. Tại đó, các nhà văn, nhà thơ đã giao lưu văn nghệ hay được cán bộ, chiến sĩ đưa đi thực tế cơ sở với những câu chuyện rất cởi mở, chân tình. Anh cảm nhận được nét vui tươi, yêu đời, tâm hồn lãng mạn và giàu tiềm năng văn nghệ trong những người lính. Sau những chuyến đi ấy, giữa năm 2017, tham gia chương trình sáng tác do Tổng cục Hậu cần tổ chức, anh đến tìm hiểu công tác bảo đảm hậu cần tại một số đơn vị Không quân, Pháo binh, Xăng dầu, Hải quân, May mặc… Chuyến đi giúp anh thêm những dữ liệu phong phú về hoạt động thường ngày của người lính khi họ chia sẻ những suy nghĩ về gia đình, xã hội và đất nước. Những gì ghi nhận, trải nghiệm được qua những chuyến đi ấy, được anh biến thành những chi tiết chân thực và sinh động trong những bài báo, bài thơ của mình.

Tập thơ “Cột mốc trong người” gồm 40 bài thơ, hầu hết đã đăng trên các báo và tạp chí, nhất là Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Trong đó có ba bài thuộc chùm thơ bốn bài được Tạp chí tặng thưởng thơ hay năm 2014. Và ba bài khác cũng trong chùm bốn bài được trao giải Nhì cuộc thi thơ hai năm 2015-2016 kỷ niệm 60 năm thành lập, phát triển tạp chí. Đến với “Cột mốc trong người” là hòa cùng mạch cảm xúc xuyên xuốt, liền mạch với bốn phần được tác giả sắp xếp, đặt tên cẩn thận: “Ru vầng mây đỏ”, “Vòng cung đảo”, “Thế trận”, “Sao ngày thường”. 

Tập thơ "Cột mốc trong người" vừa xuất bản 

Có thể nói tập thơ đã bao quát, điểm xuyết hình ảnh người lính ở một số quân, binh chủng khác nhau như hải quân, biên phòng, không quân, đặc công, hậu cần… cùng chủ đề thương binh liệt sĩ, sĩ quan dự bị và cảm nhận về dòng chảy lịch sử trong người lính hôm qua, hôm nay. Và như anh chia sẻ, thì dẫu biết rằng sáng tác cần phải có cảm hứng, nhưng biên cương, hải đảo và người chiến sĩ là chủ đề đầy mời gọi, đòi hỏi ý thức tự thân, trách nhiệm của một công dân với những vấn đề chung của đất nước. Tất nhiên, như anh tâm niệm, thì những người cầm bút lớn lên trong hòa bình sẽ gặp nhiều khó khăn trong cách thể hiện, đòi hỏi phải cố gắng lấp đầy chỗ trống bằng tư liệu, tình cảm, niềm trân trọng dành cho người lính trong thời chiến cũng như thời bình, cũng như những cơ hội thực tế để đến với người lính hôm nay, tìm hiểu và suy ngẫm về họ.

Trực tiếp dự một số trại sáng tác, chuyến đi thực tế về người lính, về đề tài đất nước, chiến tranh cách mạng, và cũng nhiều năm làm báo trong mảng văn hóa, văn nghệ, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng chia sẻ suy nghĩ về việc cần tạo điều kiện để có nhiều hơn nữa những tác phẩm viết những người lính hôm nay, những cảm thức của họ về con người, tình yêu, cuộc sống, nhiệm vụ... Anh cho rằng, cần thúc đẩy, tạo điều kiện cho các trại sáng tác kết hợp với những chuyến đi thực tế, tăng tính thực tế của các trại viết, để người cầm bút đến gần hơn với người lính. 

 Nhà báo Quang Hưng trong một chuyến công tác

Đồng thời, các lực lượng, hội nghề nghiệp tổ chức những trại viết, chuyến đi này, nên quan tâm, đầu tư hơn đến chu trình sáng tác, xuất bản, công bố, phát hành để tạo điều kiện cho những tác phẩm chất lượng tốt được xuất bản thành sách, đến với bạn đọc rộng rãi trong và ngoài quân đội. Đó cũng là cách để khuyến khích, động viên người cầm bút tiếp tục đầu tư tâm sức, sáng tạo cho mảng đề tài rộng lớn này. 

Mong rằng, tập thơ “Cột mốc trong người” với những câu từ giản dị, giàu hình ảnh, nhạc điệu, với nhiều bài thơ đã được các bạn nghề của tác giả ghi nhận, sẽ là món quà quý dành cho các chiến sĩ. Với sức đi, sức viết và tình cảm yêu thương, trân trọng hướng về người lính, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng sẽ còn tiếp tục những sáng tác mới về chủ đề biên cương, hải đảo, người lính và tình yêu đất nước, truyền thống dân tộc trong những năm tháng tới.

Theo Báo Nhà Báo và Công luận

 

Các tin khác:
  • Tiết chế cảm xúc khi viết về các nhân vật giải trí (07/08/2018-13:49)
  • Cú hích lớn cho ngành du lịch Việt đến từ đâu? (07/08/2018-7:54)
  • VNPT tiếp sóng truyền hình trực tiếp Giải bóng đá quốc tế U23 - Cúp VinaPhone 2018 (30/07/2018-21:13)
  • 3 ngôi nhà cây độc đáo nhất Việt Nam (26/07/2018-17:47)
  • Lịch thi đấu cụ thể U23 Việt Nam tại giải tứ hùng U23 Quốc tế 2018 (20/07/2018-15:46)
  • Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Tôi chỉ là người 'độc hành kỳ đạo' (19/07/2018-10:57)
  • Nhà thơ Việt Nam giành Giải thưởng văn học quốc tế Hàn Quốc Changwon (19/07/2018-7:52)
  • Chung kết World Cup 2018: Đong đầy cảm xúc (16/07/2018-9:35)
  • Giải Ngoại hạng Anh sẽ được phát trực tiếp trên Facebook (07/07/2018-21:04)
  • Trao giải Cuộc thi ảnh nghệ thuật du lịch lần thứ 8 “Tôi yêu Việt Nam” (07/07/2018-20:58)