Thứ sáu, ngày 19/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Niềm tin tự tâm mình (21/08/2018-7:55)
    (NLBTH) - Cụ thân sinh ra tôi được gửi lên chùa làng sau khi mất theo di nguyện. Cứ sau mỗi tuần nhà chùa lại làm một khóa lễ gồm có hoa tươi, vài thứ quả đơn sơ, Phật tử cùng tụng kinh mong cụ nhà tôi sớm siêu sinh.
Hình ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet

Mỗi lần như thế sư thầy ngồi cao nhất, ai đến trước ngồi trước, đến sau ngồi sau, một lòng thành kính vọng về cõi Phật. Tôi cũng ngồi, trước mặt là những quyển kinh. Dù không hiểu đầy đủ ý nghĩa của những dòng chữ trong đó, nhưng mỗi khi lẩm nhẩm đọc tôi lại thấy toát lên một sức mạnh có cảm giác đến diệu kỳ, lòng mình nhẹ tênh, ưu tư tan biến.

Đủ thất tuần nhà tôi làm bữa cơm chay cúng Phật, sau là mời những Phật tử thường lui tới cầu siêu cho cụ nhà tôi. Bữa cơm khiến tôi nhớ mãi không hẳn vì lạ miệng, mà tôi được ngồi ăn trong một khuôn viên tịch mịch dưới mái ngói thâm nâu, lâu lâu vọng tiếng chuông chùa, có cảm giác như mình được giác ngộ.

Đạo Phật cũng như nhiều tôn giáo khác, luôn đề cao sự giản dị và thành tâm trong thực hành tín ngưỡng. Có tâm vạn tất thành, khi có đạo phải biết diệt dục, tiêu tan hỉ, nộ để hướng tới điều thanh cao, thì mọi sự việc đều trở nên nhẹ nhàng.

Tôi hiểu triết lý nhà Phật là thế, nhưng tôi lại thấy bây giờ có nhiều người đang cố tình làm sai. Đi kèm cái sai luôn có điều kiện.

Tôi từng dự nhiều buổi lễ cầu siêu, cầu an, những buổi lễ giải sao đầu năm ở một số ngôi chùa. Những buổi lễ rất kỳ công trong việc chuẩn bị, dài dòng trong hành lễ, và rườm rà về nghi thức. Thậm chí nhiều chùa còn mời những nhà sư ở nơi khác, thậm chí là ở xa đến hành lễ… Làm thế có lẽ cũng một phần để chiều lòng những gia chủ đã bỏ tiền ra cho nhà chùa.

Mấy hôm nay đi qua một số ngôi chùa lại thấy sự tấp nập, gấp gáp chuẩn bị cho đại lễ Vu lan báo hiếu vào Rằm tháng bảy. Sẽ có những ghi thức rất đáng chờ đợi ở chùa trong buổi lễ như cài hoa lên ngực áo nhắc nhớ trách nhiệm con người với đấng sinh thành, nhưng cũng khó tránh khỏi những phần hành lễ dài dòng, thậm chí là mê tín ở đâu đó.

Trong ký ức của tôi về ngôi chùa làng chỉ có một ni sư khi hành lễ tay lần tràng hạt, tự tay thỉnh tiếng chuông, gõ mỏ, không đệ tử, không người giúp việc, nhưng rất có uy lực, có niềm tin, cảm giác có thể xoay chuyển điều gì đó…

Không biết cuộc sống đã làm thay đổi tôn giáo hay tôn giáo đang thay đổi để thích ứng với cuộc sống nữa. Những bày vẽ có phần hình thức và tốn kém liệu có đi ngược lại giá trị khởi nguyên của tôn giáo hay không?

Tôi cứ nghĩ Phật quảng đại và mênh mông, nghìn tay, nghìn mắt có ở khắp nơi, thậm chí trong tâm mình. Cứ làm việc thiện là được chứng, chứ đâu cứ phải nhất thiết hành hương khắp nơi và cố gắng để tham gia bằng được vào các buổi hành lễ đông người.

An Nhiên


 

Các tin khác:
  • Nhìn từ sự giả dối… (20/08/2018-11:17)
  • Sự khác thường đáng hoan nghênh (17/08/2018-19:07)
  • Cuộc chiến chống tin giả: Báo chí chính thống có vai trò lớn (14/08/2018-10:15)
  • Nhìn từ việc cán bộ đi học (13/08/2018-8:36)
  • Nhập học trong lặng lẽ (12/08/2018-11:18)
  • Không lẽ người dân nói dối? (11/08/2018-10:29)
  • Tấm pano và vòi nước (08/08/2018-7:28)
  • Chuyện không hề vặt! (07/08/2018-8:10)
  • Phải dẹp “loạn báo chí” gấp (05/08/2018-7:35)
  • Không để tái diễn việc… cấm trên giấy! (03/08/2018-9:43)