Thứ tư, ngày 24/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Nhất quán với người tài (24/08/2018-9:26)
    Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa gặp mặt hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học trẻ người Việt tiêu biểu ở nước ngoài về nước tham dự Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam. Đây là việc làm rất ý nghĩa nhằm kết nối các nhà khoa học ngoài nước giúp thúc đẩy Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.
Hình ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet

Trước đó Nghị quyết Hội nghị Trung ương bảy (khóa XII) về công tác cán bộ cũng đã đưa ra chủ trương xây dựng chiến lược Quốc gia nhân tài, không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng, trong nước hay ngoài nước, là người tài thì sẽ được trọng dụng.

Có thể nói Đảng và Nhà nước đang rất nghiêm túc và khát khao “cầu hiền” như thế nào. Tuy nhiên, để người tài yên tâm cống hiến vẫn cần phải có thời gian. Nói cách khác, là phải tạo ra cho được một môi trường làm việc, mà ở đó có sự đồng thuận, nhất quán, chứ không phải là câu chuyện: Trung ương thì sốt sắng, địa phương thì hửng hờ, còn cơ sở thì lặng như tờ...

Thông tin trên báo chí đầu năm 2018 cho biết ở tỉnh Nghệ An có tới 56 lao động thuộc diện thu hút nhân tài nhưng nhiều năm chưa được vào biên chế. Còn tại thành phố Đã Nẵng thì có hàng chục người trong Dự án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố xin thôi việc.

Rõ ràng đang có một sự “lệch pha” nhất định trong việc sử dụng nhân tài. Trong khi Đảng, Nhà nước đang khát khao người tài bao nhiêu, thì một số cơ quan, địa phương lại chưa thấu cảm và chia sẻ điều đó.

Với những gì mà báo chí thông tin, có vẻ như không ít người tài đã phải “vật lộn” đấu tranh giữa việc chọn môi trường làm việc không như ý để cống hiến cho đất nước hay bỏ ra ngoài làm giàu cho mình, thậm chí ra nước ngoài làm việc.

Người tài đôi khi có “tật”, thường thể hiện cá tính mạnh mà ít chú ý đến việc ăn ở theo kiểu “có trên, có dưới”, và đó là lý do khiến họ ít được lòng đồng nghiệp, thậm chí cấp trên. Nhưng khi chấp nhận điều đó, tạo ra môi trường làm việc thực sự thì sẽ nhận được từ họ sự tận hiến. Điều này đã trở nên bình thường ở nhiều quốc gia, thì có vẻ như vẫn chưa ngay lập tức thành thói quen ở nhiều công sở của chúng ta. Không ít người tài vẫn bị cô lập, đố kỵ dẫn đến không yên tâm công tác.

Thu hút, trọng dụng người tài không phải bây giờ mới được đề cập, mà bây giờ  là thời điểm chúng ta rất cần người tài để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ hơn trong xu thế của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Mà muốn thế chúng ta phải có sự kiên định, nhất quán, nhất là với những người đứng đầu cơ quan, đơn vị, chấm dứt tình trạng Trung ương thì quyết tâm, cơ sở lại hững hờ.

Lam Vũ

 

Các tin khác:
  • Niềm tin tự tâm mình (21/08/2018-7:55)
  • Nhìn từ sự giả dối… (20/08/2018-11:17)
  • Sự khác thường đáng hoan nghênh (17/08/2018-19:07)
  • Cuộc chiến chống tin giả: Báo chí chính thống có vai trò lớn (14/08/2018-10:15)
  • Nhìn từ việc cán bộ đi học (13/08/2018-8:36)
  • Nhập học trong lặng lẽ (12/08/2018-11:18)
  • Không lẽ người dân nói dối? (11/08/2018-10:29)
  • Tấm pano và vòi nước (08/08/2018-7:28)
  • Chuyện không hề vặt! (07/08/2018-8:10)
  • Phải dẹp “loạn báo chí” gấp (05/08/2018-7:35)