Thứ năm, ngày 25/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Tiết chế cảm xúc (27/08/2018-14:17)
    (NLBTH) - Tiết chế cảm xúcHành khách đi xe không phải là khán giả trong nhà hát, thế nhưng tôi lại chợt có sự liên hệ đến hai đối tượng này khi xem một clip về giao thông vừa được chia sẻ trên mạng xã hội. Một clip mà nhiều cư dân mạng đã phải dùng đến tên một bộ phim hành động của Mỹ để diễn tả, đó là: “Quá nhanh, quá nguy hiểm”.
Người tham gia giao thông cần tiết chế cảm xúc để làm chủ tốc độ và hành vi của mình
(ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet)

Sở dĩ liên hệ bởi từng có một nghệ sỹ piano khi biểu diễn đã điều khiển những phím đàn không theo bản nhạc, mà anh đã dùng lực của bàn tay tác động lên phím đàn mạnh hơn, giữ lâu hơn bình thường khiến tạo ra thanh âm khác lạ, được khán giả tán dương. Chia sẻ sau đó nghệ sỹ này cho biết vì quá cao hứng anh đã không nhìn vào bản nhạc, mà sử dụng bàn phím theo trạng thái cảm xúc.

Trong âm nhạc sự thăng hoa của nghệ sỹ tạo ra cảm hứng cho khán giả, nhưng trong giao thông sự cao hứng của lái xe có thể phải đánh đổi bằng tính mạng.

Trong clip ghi lại hình ảnh chiếc xe khách lao vào gác chắn đường sắt trên địa bàn huyện Hà Trung mới đây cho ta thấy lái xe ít nhiều có sự chi phối của cảm xúc giống như nghệ sỹ piano. Anh đã không tập trung quan sát đường mà chỉ biết đặt cảm xúc của mình vào chân ga. Cảm xúc của anh là nóng vội, có thể muốn tranh cướp khách, cũng có thể là muốn về nhà sớm hơn, khiến xe chạy quá nhanh…

Bây giờ có nhiều lái xe thường ngồi trên ghế lái bằng cảm xúc mà ít quan tâm đến tâm trạng của người cùng tham gia giao thông. Không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra, mà ở đó có sự chi phối từ yếu tố cảm xúc của người cầm lái.

Không tiết chế được cảm xúc dẫn đến tâm trạng buồn bực, nóng vội, và nó thường tác động tiêu cực đến chân ga.

Về cấu trúc, chân ga xe ô tô và bàn phím của piano có những điểm tương đồng bởi đều cần sự tác động của lực để tạo ra hiệu ứng. Lực mạnh hay yếu thường phụ thuộc vào trạng thái tâm lý người điều khiển.

Có sự giống nhau về mặt cơ học, nhưng rõ ràng chân ga xe ô tô không phải là bàn phím trên chiếc đàn piano để người lái xe lồng cảm xúc của mình vào đó.

Sự thăng hoa cảm xúc của nghệ sỹ sẽ tạo ra tuyệt phẩm âm nhạc, nhưng cảm xúc bất thường của lái xe lại là mầm mống của tai nạn.

Để bớt đi thảm cảnh giao thông, tài xế hãy đặt chân mình lên chân ga bằng lý trí, chứ không phải là sự tác động của cảm xúc điên rồ như hình ảnh trong clip mà chúng ta vừa xem.

An Nhiên


 

Các tin khác:
  • Nhất quán với người tài (24/08/2018-9:26)
  • Niềm tin tự tâm mình (21/08/2018-7:55)
  • Nhìn từ sự giả dối… (20/08/2018-11:17)
  • Sự khác thường đáng hoan nghênh (17/08/2018-19:07)
  • Cuộc chiến chống tin giả: Báo chí chính thống có vai trò lớn (14/08/2018-10:15)
  • Nhìn từ việc cán bộ đi học (13/08/2018-8:36)
  • Nhập học trong lặng lẽ (12/08/2018-11:18)
  • Không lẽ người dân nói dối? (11/08/2018-10:29)
  • Tấm pano và vòi nước (08/08/2018-7:28)
  • Chuyện không hề vặt! (07/08/2018-8:10)