Thứ sáu, ngày 19/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Phản biện chính sách là cách “đồng hành” hiệu quả (04/09/2018-20:06)
    Là chuyên gia kinh tế đồng thời là một lãnh đạo cơ quan báo chí, TS Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư đã chia sẻ rất cởi mở về câu chuyện “đồng hành” của báo chí và doanh nghiệp hiện nay.
Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập Tạp chí Nhà Đầu tư

Câu chuyện tưởng cũ mà mới, khi chủ đề “phản biện chính sách” của báo chí được đặt ra trong mối quan hệ ba nhà “Nhà nước - nhà đầu tư - nhà tiêu dùng”...

Cầu nối giữa nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư

Gần hai nhiệm kì là Tổng biên tập báo Đầu tư, đến tuổi nghỉ hưu thì chuyển sang làm cố vấn cao cấp báo Đầu tư, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư, lại tham gia giảng dạy về kinh tế. Năng lượng dồi dào hay những đam mê nghề nghiệp khiến ông chưa dừng chân?

+ Cả hai! Tôi được Đảng, Nhà nước cho đi du học 10 năm để từ một học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông trở thành một phó tiến sỹ kinh tế. Về nước làm việc được 30 năm thì được hưởng chế độ hưu. Tôi nghĩ mình còn sức lực để cống hiến.

Từ Ba Lan trở về nước, tôi được phân công về công tác tại Ban Kinh tế TW Đảng khi tuổi đời còn rất trẻ vào đúng thời điểm Đảng ta chuẩn bị khởi xướng công cuộc Đổi mới. Đó là những năm tháng đầy ý nghĩa và hứng khởi với công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách từng hun đúc tâm huyết sẽ mãi là một chuyên gia kinh tế. Nhưng năm 1991 - một năm sau khi chuyển về công tác tại Ủy ban Nhà nước về Hợp tác Đầu tư -  theo nhiệm vụ phân công, tôi đến với nghề báo, rồi cứ thế bị cuốn vào công việc thú vị này. Nghề báo và lãnh đạo cơ quan báo chí kinh tế đã cho tôi những trải nghiệm lý thú. Càng đồng hành với doanh nghiệp, với các nhà đầu tư, càng thấu hiểu doanh nghiệp, nhà đầu tư và thấy rõ chất lượng chính sách.  Đó cũng là động lực để tôi xây dựng tạp chí Nhà đầu tư như hiện nay. Trong cuộc đời, có những công việc trở thành lẽ sống thì sẽ khiến chúng ta mãi đam mê.

Mối quan hệ giữa báo - chí với doanh nghiệp dưới góc nhìn của ông ở hai thời kì làm Tổng biên tập  có gì khác không?

+ Trước đây và bây giờ, tôi vẫn luôn quan tâm đặc biệt đến mối quan hệ này. Dù là lãnh đạo ở một tờ báo hay một tạp chí thì quan điểm của tôi vẫn luôn coi trọng việc “đồng hành”, sát cánh với doanh nghiệp, nhà đầu tư. Chỉ có điều, giữa một tờ báo và một tạp chí sẽ có những cách thức thể hiện khác nhau, làm sao để sự đồng hành ấy hiệu quả nhất. Với báo, sự đồng hành ấy tập trung nhiều hơn vào các bài viết mang tính thời sự, mang tính phản ánh, phát hiện. Còn với tạp chí đòi hỏi thông tin phải chuyên sâu, tập trung vào những vấn đề nổi lên, có tác động trực tiếp tới hoạt động của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Và nếu như các báo thường trích dẫn ý kiến của các chuyên gia, thì tạp chí lại cần những bài viết mang tính nghiên cứu của chính các chuyên gia đó. Trong mối quan hệ đồng hành, dù trước đây và bây giờ tôi cho rằng, vai trò phản biện chính sách của báo chí là rất quan trọng.

Câu chuyện “phản biện chính sách” trong mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp có thể được hiểu như thế nào, thưa ông?

+ Báo chí kinh tế là cầu nối giữa các cơ quan hoạch định chính sách, với doanh nghiệp - nhà đầu tư. Doanh nghiệp - nhà đầu tư là đối tượng điều chỉnh của pháp luật kinh tế, đồng thời là tấm gương phản chiếu chất lượng của các văn bản pháp luật. Luật pháp chính sách càng minh bạch, cụ thể, rõ ràng, dễ tiên liệu thì càng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp - nhà đầu tư và ngược lại. Trên thực tế, do nhiều nguyên nhân, chất lượng nhiều văn bản pháp luật về kinh tế của nước ta còn hạn chế, chưa phù hợp với thực tiễn, chồng chéo, chưa rõ ràng, cụ thể, khó tiên liệu và còn những "vùng trống". Do vậy, phản biện chính sách là chức năng hết sức quan trọng của báo chí. Trong cuộc hành trình đó, bên cạnh các nhà báo cần có các doanh nhân, nhà đầu tư và chuyên gia nhiệt huyết, có trình độ lý luận và thực tiễn, có góc nhìn khoa học về các vấn đề lớn của đất nước. Từ phản ánh của doanh nghiệp, chúng tôi thường lựa chọn những vấn đề lớn, có tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh để nghiên cứu, phân tích và đề xuất giải pháp hoàn chỉnh chính sách. Thực tế cũng đang đòi hỏi báo chí phải tích cực tham gia phản biện chính sách ngay từ khi chính sách đó đang trong quá trình dự thảo.

Hài hòa lợi ích giữa 3 nhà

Ông nhắc đến câu chuyện “vùng trống” của các văn bản luật ư? Vậy làm sao để...lấp đầy?

+ “Vùng trống” pháp luật được hiểu là những vùng mà pháp luật chưa có quy định. Những vùng trống đó thường được phát hiện và nhận diện trong quá trình thực thi pháp luật.  Để “lấp đầy”, trước hết đòi hỏi phải tăng cường giám sát thực thi pháp luật, phải theo sát thực tiễn. Trong quá trình đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư báo chí nhìn thấy, phát hiện những khoảng trống đó, kịp thời phản ánh, giúp các nhà hoạch định chính sách có thông tin để hoàn chỉnh chính sách. 

"Trong câu chuyện của chính sách cũng vậy, sẽ có những chính sách chưa phù hợp mà nếu không lên tiếng sẽ để lại hậu quả rất lớn khi đi vào thực tiễn. Điều quan trọng là người làm báo phải có cái nhìn thấu đáo, khách quan, đa chiều vì lợi ích chung. Nếu tin chắc là mình đúng thì không có gì là ngại va chạm vì mình đang bảo vệ lợi ích chung" - Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn 

Trong vấn đề “hài hòa lợi ích” giữa 3 nhà, chắc hẳn không ít những chuyện “sự thật thường mất lòng”, những lời “nghịch nhĩ”... Điều ấy có trở thành trăn trở của người đứng đầu cơ quan  báo chí không, thưa tổng biên tập?

+ Điều đó xảy ra khá nhiều và là va chạm thường xuyên trong nghề nghiệp bởi báo chí phải nhóm lên đốm lửa của sự thật mà đôi khi sự thật ấy lại không “vừa lòng” với một nhóm đối tượng nào đó. Trong câu chuyện của chính sách cũng vậy, sẽ có những chính sách chưa phù hợp mà nếu không lên tiếng sẽ để lại hậu quả rất lớn khi đi vào thực tiễn. Điều quan trọng là người làm báo phải có cái nhìn thấu đáo, khách quan, đa chiều vì lợi ích chung. Nếu tin chắc là mình đúng thì không có gì là ngại va chạm vì mình đang bảo vệ lợi ích chung.

Lobby chính sách, ông đã từng phải “cân não” vì lằn ranh giữa “đúng - sai”, “được - mất”, lợi ích với doanh nghiệp này, doanh nghiệp khác chứ?

+ Câu chuyện lobby chính sách không chỉ ở nước ta mà ở nhiều nước, kể cả các nước phát triển, có những lobby chính sách mang tính tích cực, nếu lợi ích của một nhóm không gây thiệt hại cho lợi ích chung. Nhưng cũng có những lobby chính sách mang tính tiêu cực nếu chính sách được ban hành chỉ phục vụ cho lợi ích nhóm hay nhóm lợi ích. Việc phân biệt giữa lobby tích cực và tiêu cực là không dễ. 

Chẳng hạn như các nhà đầu tư lắp ráp ô tô xe máy thường muốn đánh thuế cao đối với xe nhập nhẩu nguyên chiếc và muốn thuế nhập khẩu linh kiện giảm xuống mức thấp nhất để giảm giá thành. Họ luôn đấu tranh với điều này, với lý lẽ là bảo hộ sản xuất trong nước. Nhưng nếu đánh thuế cao đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc thì đụng đến lợi ích người tiêu dùng. Nếu giảm thuế nhập khẩu linh kiện thì ngân sách mất đi nguồn thu, và điều quan trọng hơn là nếu khi giảm thuế linh kiện thì liệu có thể hình thành được một ngành công nghiệp ô tô xe máy, hay chỉ tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp mà thôi? Những câu hỏi ấy phải luôn được đặt ra khi bắt đầu một chiến dịch thông tin nào đó về chính sách. Để phản biện chính sách kinh tế, đòi hỏi vừa phải có kiến thức kinh tế, vừa cần có đạo đức nghề nghiệp của người làm báo thì khi đó mới có những bài viết đúng, trúng và có sức thuyết phục.

Vâng, xin cảm ơn ông!

 

"Trên thực tế, do nhiều nguyên nhân, chất lượng nhiều văn bản pháp luật về kinh tế của nước ta còn hạn chế, chưa phù hợp với thực tiễn, chồng chéo, chưa rõ ràng, cụ thể, khó tiên liệu và còn những "vùng trống". Do vậy, phản biện chính sách là chức năng hết sức quan trọng của báo chí. Trong cuộc hành trình đó, bên cạnh các nhà báo cần có các doanh nhân, nhà đầu tư và chuyên gia nhiệt huyết, có trình độ lý luận và thực tiễn, có góc nhìn khoa học về các vấn đề lớn của đất nước. Từ phản ánh của doanh nghiệp, chúng tôi thường lựa chọn những vấn đề lớn, có tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh để nghiên cứu, phân tích và đề xuất giải pháp hoàn chỉnh chính sách. Thực tế cũng đang đòi hỏi báo chí phải tích cực tham gia phản biện chính sách ngay từ khi chính sách đó đang trong quá trình dự thảo"- TS Nguyễn Anh Tuấn

 

 

 


 

Theo Hà Vân/Báo Nhà báo và Công luận

 

 

Các tin khác:
  • Lĩnh vực tài nguyên, môi trường luôn có sức hút riêng (01/09/2018-7:34)
  • Đài PTTH Thanh Hóa đoạt giải báo chí Tài nguyên và Môi trường lần thứ IV năm 2018 (01/09/2018-7:30)
  • Quảng cáo trực tuyến trên báo điện tử trong thời đại công nghệ 4.0 (29/08/2018-18:35)
  • Sắc màu cuộc sống qua ống kính Lê Bích (29/08/2018-18:27)
  • Quang Đạm - Một cuộc đời làm báo! (27/08/2018-14:10)
  • Ký ức phóng sự (21/08/2018-14:04)
  • Nhà báo, im lặng để cứu người (20/08/2018-11:12)
  • Nhà báo Vương Tâm: Cháy hết mình với những đam mê (20/08/2018-11:08)
  • Khi nhà báo dùng những con số (17/08/2018-19:04)
  • Báo chí truyền thông về vấn đề an ninh tài chính, tiền tệ (16/08/2018-14:59)