Thứ năm, ngày 25/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Có nên để thầy cô bị… chấm điểm? (06/09/2018-15:20)
    Sau ngày khai trường với rất nhiều niềm vui thì ngay lập tức, ngành giáo dục lại phải đối mặt với những vấn đề bức xúc mà Đề án Xây dựng văn hoá ứng xử trong trường học cũng đang được hoàn thiện để trình Thủ tướng là một ví dụ.

Theo đó, năm học 2018-2019, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nhà giáo.

Những đường dây nóng cũng đang được Thanh tra Bộ GD&ĐT yêu cầu Chánh Thanh tra các Sở phải thành lập để kịp thời nắm bắt thông tin phản ánh về dấu hiệu sai phạm có liên quan đến đạo đức nhà giáo.

Điều đó có nghĩa là, bản thân những người thầy, người cô đang đứng trên bục giảng sẽ cần phải nhìn lại mình, chỉnh đốn “tác phong hành nghề”. Có thể sẽ có nhiều thầy cô cảm thấy “tự ái”, cảm thấy áp lực do bị soi chiếu bởi quá nhiều “con mắt giám sát”: Nào là lãnh đạo nhà trường, nào là phụ huynh, nào là học sinh, nào là dư luận xã hội…

Nhưng, biết làm sao được! Dạy học cũng chỉ là một nghề - khổ nỗi lại là nghề phải giữ được sự cao quý. Muốn nhận được sự tôn kính, chẳng có cách nào khác là “thầy phải ra thầy”!

TS. Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội, thành viên Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam (VAPE) trong một lần trao đổi với PV Dân trí đã đưa ra nhận xét mà người viết cho là rất đúng và rất trúng rằng, đang có tình trạng các nhà trường xem nhẹ môn Giáo dục công dân nói riêng và công tác dạy làm người nói chung. Trường học dường như mới chỉ tập trung vào việc dạy chữ còn việc dạy người bị coi nhẹ và mang tính hình thức.

Môn Giáo dục công dân được xem là môn phụ và thường bị lấy giờ để giáo viên củng cố thêm kiến thức cho học sinh môn Văn, môn Toán. Có nhiều trường hợp giáo viên “bị dạy” môn Giáo dục công dân tại các trường là những giáo viên yếu kém, bị kỷ luật, không thể dạy các môn khác thì được phân dạy Giáo dục công dân.

Thành ra, khẩu hiệu “Tiên học lễ, Hậu học văn” có khi trở thành tấm biển trang trí “cho có”. Không biết các phụ huynh khác thế nào, riêng với người viết, việc cho con đến trường, mục đích đầu tiên không phải để con trở thành ông này, bà nọ mà để con được phát triển, trưởng thành, làm người có ích. Mà dẫu có muốn “thành công” thì cũng phải “thành nhân” trước đã.

Chính vì vậy, nếu như một khi người thầy không giữ gìn sự cao quý thì ai dám gửi con đến trường, ai còn tin tưởng vào môi trường giáo dục - mà người thầy vốn được “tôn kính”, và còn được ví như “người mẹ thứ hai” của con trẻ!

Có điều, nói đi phải nói lại. Dù ở thời đại nào đi chăng nữa thì “Qua sông cũng phải luỵ đò”, “Muốn con hay chữ, phải yêu lấy thầy!”. Yêu không phải là phong bì, phong bao cho thầy, yêu… đơn thuần chỉ là yêu thôi! Bởi thầy là “thầy”, chứ thầy không phải là… người trông trẻ!

Sau những ngày khai trường rạo rực, ngành giáo dục lại phải bắt tay vào giải những bài toán không hề dễ. Mong rằng tất cả hãy chung tay vì sự nghiệp “trồng người” cao quý.

Theo Bích Diệp/ Dân trí

 

Các tin khác:
  • Sự hù dọa nực cười về kinh tế Việt Nam (04/09/2018-20:00)
  • Quản lý bán thuốc tại Việt Nam lỏng lẻo bậc nhất thế giới (29/08/2018-18:23)
  • Khi "chất xám" trở về... (29/08/2018-18:21)
  • Người đứng đầu cơ sở giáo dục sẽ bị xử lý nếu để xảy ra lạm thu (27/08/2018-14:14)
  • Chữa trị căn bệnh cán bộ không biết lắng nghe (23/08/2018-17:52)
  • Phụ huynh vui mừng vì học sinh được miễn học phí, nhưng lo bùng phát lạm thu (22/08/2018-8:49)
  • Cần lắm những cuộc họp báo “đột xuất” (20/08/2018-11:04)
  • Nhân lực du lịch Việt và tình trạng (17/08/2018-18:58)
  • Ai dám lên tiếng khi người đứng đầu lạm quyền, lộng hành? (13/08/2018-10:57)
  • Những tâm hồn... "quạ tha" (13/08/2018-10:52)