Thứ tư, ngày 24/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Cấm món khoái khẩu và chuyện văn hóa ứng xử của người Việt (16/09/2018-8:37)
    (NLBTH) - Một clip quay cảnh chú chó bị thiêu sống vừa được đưa lên mạng xã hội tạo ra sự bất bình cho người xem. Chúng ta có thể ăn thịt chó, nhưng chứng kiến cái chết đau đớn của con vật tình cảm như chú khuyển, khó nói là không lạnh sống lưng.
Ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet

Người làm việc này chỉ nhìn thấy lợi ích cho riêng mình, chứ chưa nhìn rộng ra vì lợi ích chung. Sẽ như thế nào khi người nước ngoài nhìn thấy hình ảnh này?

Ở nhiều nước chó là con vật để họ nâng niu, làm bạn, chứ không phải là vật nuôi lấy thịt. Ở Mỹ nếu giết chó còn bị phạt nặng. Rất có thể người nước ngoài sẽ phản ứng tiêu cực khi xem được hình ảnh hành hình con chó đến mức dã man như thế. Họ sẽ nghĩ gì về nhân cách con người? Điều đó có thể ảnh hưởng đến nhiều thứ, nhất là trong việc thu hút du khách nước ngoài đến với chúng ta.

Vẫn biết mỗi đất nước có ẩm thực riêng, nhiều người Việt Nam xem thịt chó là món khoái khẩu theo kiểu: Sống trên đời phải được ăn miếng dồi chó...

Dẫu có là vậy, nhưng xin hãy để thịt chó chỉ là món ăn của riêng chúng ta. Có nhất thiết phải tạo ra hình ảnh phản cảm đến thế trên mạng xã hội chỉ nhằm để quảng cáo cho cách chế biến thịt chó của mình?

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành văn bản hướng dẫn quản lý việc nuôi nhốt, chăm sóc, tiêm phòng chó, trong đó bao gồm cả việc đề xuất người dân không nên sử dụng thịt chó, tiến tới cấm thịt chó.

Một quy định được đón nhận bằng những phản ứng khác nhau. Người cung cấp và sử dụng thịt chó sẽ phản ứng. Còn xét từ bình diện an toàn thực phẩm,  vệ sinh dịch tể, hơn cả là từ góc nhìn văn hóa, thì lại đang được nhiều người ủng hộ.

Để từng bước quản lý tốt hơn việc nuôi và giết mổ gia súc trong đó có chó, nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng hình ảnh văn hóa, tăng cường hội nhập và thu hút du khách đến với Việt Nam cần nhân lên, lan tỏa cách làm của Hà Nội đến nhiều địa phương khác.

Mặt khác, xét ở góc độ tình cảm, chúng ta cũng cần ứng xử với chú khuyển sao cho công bằng với những gì mà chúng đã làm cho chúng ta hơn là chỉ xem nó như nguồn thực phẩm giầu chất đạm và khoái khẩu.

Đúng là chưa nên cấm sử dụng thịt chó một cách triệt để và cực đoan ngay bây giờ, bởi cần phải có thời gian để tuyên truyền, vận động người dân thay đổi thói quen ẩm thực. Nhưng rõ ràng cần khuyến cáo sử dụng nguồn thực phâm này phù hợp và đúng cách, nhất là trong giết mổ và chế biến. Những clip theo kiểu thiêu sống một con chó trên mạng xã hội như ở thời trung cỏ cần phải loại bỏ. Không phải thứ gì pháp luật không cấm đều có thể tùy tiện đưa lên không gian mạng. Bên cạnh pháp luật là phạm trù đạo đức. Hãy suy nghĩ điều đó trước khi làm điều gì.

Lam Vũ

 

Các tin khác:
  • Để đường dây “nóng” không bị “lạnh” (13/09/2018-8:07)
  • Ngăn chặn sự tự tung, tự tác (11/09/2018-7:44)
  • Căn cốt vẫn là đổi mới người thầy (10/09/2018-10:15)
  • Phẩm hạnh lao dốc (09/09/2018-12:07)
  • Thắp lửa tình người… (05/09/2018-10:02)
  • Một câu hỏi cũ (04/09/2018-9:39)
  • Hài hòa giới tính và dân tộc (31/08/2018-8:27)
  • Xoá rào cản nhỏ, để thực hiện quyết tâm lớn (28/08/2018-8:20)
  • Tiết chế cảm xúc (27/08/2018-14:17)
  • Nhất quán với người tài (24/08/2018-9:26)