Thứ năm, ngày 28/03/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Sắp xếp tổ chức bộ máy tinh giản biên chế (16/09/2018-9:17)
    Tác phẩm dự thi: Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng năm 2018 - Giải Búa liềm vàng

Bài 1: Chuyển động từ cơ sở

Thực hiện các Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh giản biên chế. Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy đang tạo nên những chuyển động từ cơ sở.

Cán bộ, công chức xã Yên Lễ (Như Xuân) trực tiếp tham gia xây bể bơi công
cộng cho người dân ở thôn Trung Thành.  

Một người đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ

Từ tháng 11 – 2017 đến nay, anh Lê Đức Quý - công chức văn hóa - xã hội xã Cát Vân  (Như Xuân)  được giao kiêm nhiệm công việc ở  đài truyền thanh xã.  Mỗi ngày, anh phải thức dậy sớm, về muộn hơn để vận hành hệ thống loa máy, bảo đảm cho bản tin truyền thanh của xã phát đều đặn từ  5 giờ  đến 6 giờ 30 phút sáng và từ 17 giờ đến 18 giờ 30 phút  chiều, đồng thời soạn nội dung cho các bản tin trong tuần. Thêm công việc, vất vả hơn, nhưng anh Quý  không thấy  bỡ ngỡ bởi những nội dung công việc này ít nhiều đều gắn với phần việc lâu nay anh vẫn làm. “Chế độ kiêm nhiệm thì hưởng theo quy định, nhưng cũng được các đồng chí lãnh đạo xã quan tâm hơn” – anh Quý cho biết.

Theo đồng chí Lê Văn Long, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cát Vân: Trước khi triển khai việc bố trí kiêm nhiệm, tổng số người hoạt động không chuyên trách  của xã  là 90 người, trong đó ở cấp xã là 18 người, ở thôn, bản là 72 người. Thực hiện Nghị quyết số 18 Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII),  Đảng ủy, UBND xã đã xây dựng đề án hợp nhất văn phòng đảng ủy với văn phòng UBND thành văn phòng cấp ủy – chính quyền xã, sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm một số chức danh như: Công chức văn hóa - xã hội kiêm công việc ở đài truyền thanh xã; phó chủ tịch MTTQ kiêm bí thư chi bộ thôn; phó chủ tịch hội nông dân kiêm khuyến nông viên thôn; phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đảng ủy xã kiêm chức danh không  chuyên trách ở văn phòng...  Đối với các trường hợp phải sắp xếp (chủ yếu là những người hoạt động không chuyên trách hạn chế về tuổi, bằng cấp...), xã đã  gặp gỡ, trao đổi, tư vấn cho họ về nghỉ, hoặc đi lao động xuất khẩu,  hoặc làm việc khác để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.  Sau khi bố trí sắp xếp,  đến giữa tháng 8 – 2018, số người hoạt động không chuyên trách của xã giảm 15 người, còn 75 người.  Cùng với sắp xếp bộ máy, tổ chức,  UBND xã đã thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của UBND huyện về việc đánh giá phân loại cán bộ hàng tháng. Từ đó tạo chuyển biến rõ nét trong thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ.

Xã Yên Lễ (Như Xuân) có 12 thôn, nhiều thôn chỉ từ 50 - 60 hộ đã ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của chi bộ, chi hội, đoàn thể, khó khăn trong việc huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư để xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.  Từ thực tế trên,  xã Yên Lễ đã xây dựng đề án sáp nhập 7 thôn để thành lập 4 thôn, giảm 3 thôn.  Đảng ủy, UBND xã  cũng đã  xây dựng phương án bố trí một người có thể kiêm nhiệm thêm các chức danh, trong đó người kiêm nhiệm nhiều chức danh nhất là  anh Lê Đình Tuấn -  vừa là phó chủ tịch hội nông dân xã vừa kiêm bí thư, trưởng thôn Mỹ Ré.  Ngoài ra đảng ủy, UBND xã đã  bố trí nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn ở  6 thôn, bố trí  xã đội phó kiêm phó chủ tịch hội cựu chiến binh, phó bí thư đoàn thanh niên xã kiêm bí thư thôn... Đồng chí Lê Ngọc Hồng, phó bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã cho biết:  Sau khi sắp xếp lại, ở cấp xã đã giảm 2 người hoạt động không chuyên trách, ở cấp thôn giảm 4 người. Qua đánh giá ban đầu cho thấy những người được bố trí kiêm nhiệm chức danh có tinh thần, trách nhiệm hơn, tránh sự ỷ lại, hiệu quả công việc được nâng lên.

Thực  hiện  Nghị quyết số 18  Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Ban Thường vụ Huyện ủy Như Xuân đã ban hành kế hoạch hành động, giao cho Ban Tổ chức Huyện ủy 18 đầu mối công việc;  UBND huyện 11 đầu mối công việc; Văn phòng Huyện ủy 1 đầu mối công việc để triển khai thực hiện trong toàn đảng bộ. Hiện nay, nhiều nội dung của kế hoạch đã và đang được triển khai.  Đồng chí Trần Minh Dũng, Chánh Văn phòng Huyện ủy cho biết: Tiếp theo kế hoạch hành động, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành một số văn bản về việc tạm dừng tuyển dụng những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, về giới thiệu nhân sự là công chức cấp xã bầu giữ chức phó chủ tịch ủy ban MTTQ kiêm nhiệm.  Trong thời gian tạm dừng, các xã, thị trấn bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức chuyên môn UBND xã và những người đang hoạt động không chuyên trách kiêm nhiệm vị trí của những người hoạt động không chuyên trách ở xã và ở thôn, phố.  Tháng 4 - 2018, đã công bố quyết định về  bố trí trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Những bước đi này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Đảng bộ huyện Như Xuân trong thực hiện Nghị quyết số 18, nhằm khắc phục bằng được những hạn chế, yếu kém trong tổ chức bộ máy và công tác cán bộ hiện nay.

Giảm đầu mối, giảm số người hoạt động không chuyên trách

Theo rà soát của Sở Nội vụ, Thanh Hóa là địa phương có số người hoạt động không chuyên trách nhiều nhất cả nước (nhất là ở thôn, tổ dân phố). Cấp xã loại 1 có tới 20 người hoạt động không chuyên trách – cao hơn bình quân cả nước (18 người); ở cấp thôn có 6 – 7 người (trong khi ở nhiều tỉnh, thành khác cơ cấu là 3 người). Tính đến tháng 1-2018 ở cấp xã có 10.692/12.155 người hoạt động không chuyên trách, cấp thôn là 34.295/35.826 người. Kinh phí chi trả cho những người hoạt động không chuyên trách đã tăng 13 lần so với năm 2005, tăng 3 lần so với năm 2010. Đến năm 2018 tổng kinh phí chi trả trong 1 năm là 614 tỷ đồng.  Điều bất cập là tuy phụ cấp hàng tháng có tăng nhưng vẫn ở mức thấp (người được hưởng  hệ số cao nhất là 1,0; người hưởng  hệ số thấp nhất là 0,3);  bên cạnh đó nhiều lĩnh vực  cán bộ, công chức cấp xã có thể đảm nhiệm nhưng vẫn bố trí chức danh không chuyên trách dẫn đến chồng chéo nhiệm vụ, lãng phí  nhân lực, ngân sách.

Thực hiện Kết luận số 64-KL/TW của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI), Nghị quyết 39-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ,  công chức, năm 2017  Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 25-10-2017 về lãnh đạo thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh đã có Quyết định số 3507/QĐ-UBND ngày 18-9-2017 phê duyệt đề án sáp nhập, thành lập thôn, tổ dân phố.  Do đó, sau khi Nghị quyết số 18–NQ/TW được ban hành, thì việc sáp nhập thôn, tổ dân phố, thực hiện nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn ở những nơi có điều kiện tiếp tục được các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở triển khai thực hiện quyết liệt. Đồng chí Nguyễn Giang Nam, Trưởng Phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên Sở Nội vụ cho biết: Theo kế hoạch, ban đầu mỗi huyện, thị, thành phố chọn một số đơn vị để làm điểm, nhưng trong quá trình triển khai, số lượng các đơn vị đăng ký sáp nhập thôn, tổ dân phố đã tăng hơn dự kiến. Với sự vào cuộc quyết liệt, tích cực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, việc tiến hành sáp nhập các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đã diễn ra khá thuận lợi, suôn sẻ và vượt mục tiêu đề ra (theo đề án giảm từ 1.200 – 1.300 thôn, tổ dân phố).

Đến ngày 30-6-2018, toàn tỉnh đã giảm từ  5.971 thôn, tổ dân phố xuống còn 4.393 thôn, tổ dân phố (sáp nhập 3.100 thôn, tổ dân phố để thành lập 1.522 thôn, tổ dân phố, giảm 1.578 thôn, tổ dân phố), theo đó đã giảm tương ứng 9.468 người hoạt động không chuyên trách thôn, tổ dân phố. Đồng thời đã có 1.833/5.887 chi bộ thôn, tổ dân phố  thực hiện nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ dân phố, trong đó có những đơn vị như huyện Quan Sơn đạt 100%, Như Xuân đạt 88,2%, Quan Hóa đạt 86,2%, Quảng Xương đạt 85,16%... Theo đánh giá của Sở Nội vụ, việc sáp nhập thôn, tổ dân phố, giảm số người hoạt động  không chuyên trách không chỉ giúp giảm bớt sự cồng kềnh của bộ máy, mà hàng năm đã tiết kiệm được kinh phí gần 100 tỷ đồng.

Việt Linh/Báo Thanh Hoá




Bài 2: Đã rõ lộ trình, quyết tâm phải cao

Sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế là câu chuyện không mới nhưng luôn nóng, là việc phức tạp nhưng không khó đến mức không thể làm được. Việc sắp xếp bộ máy nhằm hướng tới tinh gọn đi đôi với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; năng lực lãnh đạo, điều hành, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, bộ máy hành chính các cấp. Điều này đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó vai trò người đứng đầu giữ yếu tố quan trọng.

Trung tâm Hành chính công huyện Cẩm Thủy được đưa vào vận hành đã tạo thuận
lợi cho tổ chức, công dân đến giải quyết các thủ tục hành chính. 

Làm ngay những việc đã “chín”, đã rõ

Triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết số 18–NQ/TW “Một  số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Nghị quyết số 19–NQ/TW “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng các Kế hoạch số 73–KH/TU ngày 30-1-2018, Kế hoạch số 102–KH/TU ngày 23-7-2018, trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình và các giải pháp chỉ đạo thực hiện.

Theo đó, các cấp ủy trực thuộc đã bám sát, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc. Qua tổng hợp của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ cho thấy các đơn vị đã xây dựng nội dung công việc, lộ trình, thời gian thực hiện tương đối cụ thể và sát với tình hình của địa phương, đơn vị. Đặc biệt là những việc mà các nghị quyết Trung ương chỉ ra đã “chín”, đã ro, đã được cấp ủy, chính quyền các cấp tiến hành với tinh thần khẩn trương, quyết liệt.

Đến tháng 8–2018, cơ bản các huyện, thị, thành phố (gọi chung là cấp huyện)  đã bố trí trưởng ban tuyên giáo kiêm giám đốc trung tâm  bồi dưỡng chính trị cấp huyện, các đơn vị cấp huyện đã xây dựng phương án bố trí đồng chí thường vụ trưởng ban dân vận kiêm chủ tịch MTTQ huyện (trong đó 3 đơn vị đã thực hiện là Thường Xuân, Quan Sơn, Quan Hóa).

Về sắp xếp thu gọn đầu mối tổ chức, đã có 17 đơn vị cấp huyện xây dựng phương án sáp nhập văn phòng HĐND và UBND với văn phòng đảng ủy cấp xã.  Đã chuyển giao Đảng bộ Trường Đại học Hồng Đức từ trực thuộc Tỉnh ủy về Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh; chuyển giao Đảng bộ Trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường Miền Trung về trực thuộc Đảng bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường; giải thể Trường Cao đẳng Thể dục – Thể thao Thanh Hóa; tổ chức lại 34 Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm dạy nghề trực thuộc UBND cấp huyện thành 22 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên (giảm 12 đơn vị); giải thể 27/27 công đoàn ngành giáo dục cấp huyện. HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết phê duyệt đề án sắp xếp các trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh, theo đó đến năm 2025 sẽ giảm 13 trường THPT so với năm học 2017 – 2018.

UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, đưa Trung tâm Hành chính công tỉnh và  27/27 trung tâm hành chính công  cấp huyện đi vào hoạt động, triển khai đề án để sáp nhập 15 ban quản lý dự án trực thuộc các đơn vị thành 5 ban quản lý dự án tỉnh...  Một số địa phương đang xây dựng đề án sáp nhập các trung tâm khuyến nông với trạm bảo vệ thực vật, thú y; trung tâm văn hóa thể thao với đài truyền thanh - truyền hình...

Cùng với sắp xếp về bộ máy, tinh giản biên chế cũng được tỉnh hết sức quan tâm. Những năm qua, tỉnh đã quản lý chặt chẽ tổng biên chế được giao, không để tăng.  Thực hiện Nghị quyết 39–NQ/TW và Nghị định 108/NĐ–CP đến nay toàn tỉnh đã tinh giản 1.939 người. Tuy nhiên, số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập hiện đang còn lớn. Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 64.661 công chức, viên chức (trong đó công chức 4.370 người, viên chức 60.291 người). UBND tỉnh đã phê  duyệt kế hoạch tinh giản biên chế đến năm 2021, theo đó toàn tỉnh sẽ tinh giản biên chế khoảng 11%, tương đương 7.000 công chức, viên chức.  Theo lộ trình thực hiện Nghị quyết số 19, phấn đấu đến năm 2021, giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập; phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011-2015. Đến năm 2025, tiếp tục giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2021; 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn thành chuyển đổi thành công ty cổ phần...

Về công tác cán bộ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy sửa đổi, bổ sung các quyết định  về phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ; quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử, quy định tiêu chuẩn chức danh, quy định luân chuyển cán bộ...  Để khắc phục tình trạng thừa cấp phó so với quy định, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các kết luận, quyết định quy định khung số lượng cấp phó các cơ quan thuộc khối Đảng, đoàn thể, khối quản lý Nhà nước  để thực hiện thống nhất...  Tỉnh cũng cương quyết chấn chỉnh, xử lý các vi phạm trong việc ký hợp đồng lao động không đúng quy định, không đúng thẩm quyền, ngoài định mức được giao, sử dụng nguồn  kinh phí chi trả hợp đồng lao động không đúng quy định tại một số sở, địa phương, kỷ luật nhiều tập thể, cá nhân có sai phạm.

“Cắt”  lượng, nhưng phải nâng cao “chất”

Quá trình triển khai  thực hiện Nghị quyết số 18–NQ/TW, Nghị quyết số 19–NQ/TW,  Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã yêu cầu các cấp, các ngành phải làm tốt công tác tuyên truyền, nắm bắt tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân để kịp thời phát hiện, giải quyết những vấn đề mới nảy sinh; tạo sự đồng thuận thống nhất cao trong xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được,  qua theo dõi của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ cho thấy, một số nơi ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chậm, chưa có nhiều nội dung đột phá, sáng tạo riêng của địa phương trong thực hiện nghị quyết, nhất là sắp xếp đội ngũ cán bộ, bộ máy cấp xã, các phòng, ban, đơn vị sự nghiệp của huyện. Sau khi sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố thì việc nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn ở một số nơi gặp khó khăn; công tác chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền cũng chưa thật quyết liệt. Đồng thời,  có những vấn đề đang đặt ra cần phải quan tâm đó là  cần kịp thời sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật, quy định, hướng dẫn có liên quan để thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đặc biệt là về khung số lượng đầu mối các đơn vị trực thuộc cấp tỉnh, huyện, khung bố trí số lượng lãnh đạo cấp phòng (tương đương); chính sách kiêm nhiệm, chính sách giải quyết đầu ra cho cán bộ dôi dư do sắp xếp, nhất là đối với cán bộ cơ sở... nhằm tạo thuận lợi trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19–NQ/TW.

Được thực hiện cải tổ từ Đại hội X của Đảng, nhưng đến nay công tác cải cách tổ chức bộ máy là nhiệm vụ không hề đơn giản. Qua nhiều năm triển khai vẫn xảy ra nghịch lý: Càng thực hiện, bộ máy và biên chế chỗ này, chỗ khác càng phình to; chất lượng đội ngũ lại không mạnh, vừa thiếu, vừa thừa;  thiếu những biện pháp đủ mạnh và thiếu sự kiên quyết để đưa một bộ phận cán bộ làm việc không hiệu quả ra khỏi hệ thống.

Mục tiêu của sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế là hướng tới tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. “Cắt”  lượng, nhưng phải nâng cao “chất”. Điều này cần phải thực hiện bằng các giải pháp đồng bộ. Vì vậy, quá trình thực hiện phải công khai, minh bạch các quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ để lựa chọn được người có phẩm chất, năng lực đáp ứng. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phê duyệt đề án vị trí việc làm trong các cơ quan để có cơ sở xác định nhiệm vụ và yêu cầu về năng lực thực hiện tại mỗi vị trí công việc trong cơ quan, tổ chức; đồng thời có các tiêu chí rõ ràng để đánh giá kết quả công việc của  cán bộ, công chức, viên chức gắn với vị trí việc làm. Xây dựng chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ phù hợp, thỏa đáng cho cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh yếu tố con người, cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành, thực thi công vụ, xây dựng chính quyền điện tử.

Thực hiện công tác này không chỉ riêng cơ quan chức năng nào làm mà cả hệ thống chính trị cùng đều vào cuộc. Nghiêm túc thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo việc đổi mới, sắp xếp và quản lý tổ chức, bộ máy và biên chế của hệ thống chính trị; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Ưu tiên triển khai ngay những việc đã rõ, đã “chín” và được Trung ương nhất trí cao. Quá trình triển khai cần xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, trong đó nhận thức và trách nhiệm, sự quyết liệt trong thực thi nhiệm vụ của người đứng đầu vẫn là yếu tố quan trọng.

Việt Linh/Báo Thanh Hoá

 

Các tin khác:
  • Phát triển Đảng viên là học sinh, sinh viên còn đó những khó khăn (16/09/2018-8:57)
  • Phát triển tổ chức Đảng trong doanh nghiệp (16/09/2018-8:45)
  • Phát huy hiệu quả từ việc sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá (08/05/2018-7:18)
  • Nâng tầm Giải báo chí về xây dựng Đảng trên địa bàn Thanh Hóa (04/03/2018-21:16)