Thứ ba, ngày 23/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Văn hóa - Thể thao
Việt Nam xếp thứ 18/126 đổi mới sáng tạo toàn cầu về giáo dục (25/10/2018-16:38)
    Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2018 cho thấy, Việt Nam xếp thứ 18/126 quốc gia về giáo dục. Số lượng công bố quốc tế đang tiến triển tốt.
Giáo dục đóng góp lớn vào tiến bộ đổi mới sáng tạo của Việt Nam (ảnh minh họa)
 

Chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) của Việt Nam trên bảng xếp hạng toàn cầu theo báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) liên tục thăng hạng trong những năm gần đây. Cụ thể Việt Nam xếp thứ 71 năm 2014; 59 năm 2016; 47 năm 2017 và 45 năm 2018. Đây là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đạt được từ trước tới nay và có thể nói là cột mốc đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc về các hoạt động ĐMST quốc gia.

Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) là bộ công cụ xếp hạng năng lực ĐMST các quốc gia và nền kinh tế với việc tính toán 4 chỉ số chính: chỉ số đầu vào ĐMST, chỉ số đầu ra ĐMST, tỉ lệ ĐMST hiệu quả và  điểm GII tổng thể.

Chỉ số ĐMST toàn cầu – GII được đánh giá là toàn diện và chính xác hơn các thước đo truyền thống (trước đây đo bằng các chỉ số: chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển, số lượng các bài báo và nghiên cứu được công bố hay số bằng sáng chế được đăng ký).

Việt Nam xếp thứ 18/126 quốc gia về giáo dục

Báo cáo GII năm 2018 chỉ ra một yếu tố quan trọng khiến Việt Nam đạt được thứ hạng cao là sự đầu tư cho giáo dục trong những năm gần đây. Cụ thể, Việt Nam đã đứng đầu 2 năm liền (2017 và 2018) về chi tiêu cho giáo dục trong số các quốc gia ASEAN. Đây rõ ràng là đóng góp lớn của ngành giáo dục đối với tăng trưởng về ĐMST quốc gia khi chi tiêu cho giáo dục tính theo GDP là 5,7% - xếp thứ 29/126.

Một thông tin đáng mừng khác, đó là cũng trong Báo cáo GII 2018, Việt Nam xếp thứ 18/126 quốc gia về giáo dục. Đây có thể coi là thành công bước đầu rất đáng kể của toàn ngành giáo dục sau khi Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục được ban hành và triển khai rộng rãi.

Sự đầu tư cho giáo dục không chỉ thể hiện ở việc đẩy mạnh chi tiêu chung, mà đặc biệt thể hiện qua việc đẩy mạnh hoạt động đào tạo nguồn nhân lực gắn với nghiên cứu khoa học (NCKH). Ngay từ 2016, chủ trương này được Bộ GD-ĐT quan tâm chỉ đạo triển khai ở tất cả các trường đại học, nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục đại học của Nghị quyết 29-NQ/TW.

Sau hơn 4 năm thực hiện yêu cầu “nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nghiên cứu và chuyên gia giáo dục” của Nghị quyết 29, số lượng và chất lượng các nhà khoa học đều tăng. Điều này thể hiện qua số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ và thạc sĩ tăng dần qua các năm. Cụ thể, từ 2012 tới 2017, số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng từ 14,4% lên  21,8%, giảng viên có trình độ thạc sĩ tăng từ 47% lên 59,4% qua các năm. Đồng thời giảng viên có trình độ khác giảm dần cả về con số tuyệt đối lẫn tỉ lệ % (giảm từ 38,6% xuống còn 18,6%).

Tỷ lệ nhân lực NCKH trong các trường đại học/học viện của ngành giáo
dục so với các khu vực hoạt động khác trong cả nước năm 2016
 

Ngành giáo dục đang sở hữu một lực lượng dồi dào các nhà khoa học trình độ cao hơn hẳn so với các ngành khác trong cả nước (chiếm hơn 50%) với nguồn nhân lực chất lượng cao (PGS, GS, TS). Đặc biệt, hơn hẳn nguồn nhân lực chất lượng cao tại các viện nghiên cứu và các tổ chức KHCN.

Các nhà khoa học trong ngành giáo dục đã có nhiều đóng góp cho phát triển giáo dục, kinh tế - xã hội, đạt được nhiều giải thưởng cao quý quốc tế và quốc gia .

Một trong số các mục tiêu quan trọng nhất của giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng là hoạt động NCKH. Hoạt động NCKH được thể hiện thông qua: số lượng NCKH của các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH), qua các thông bố quốc tế và khả năng ứng dụng thực tiễn.

Thành tựu hoạt động KHCN trong các cơ sở GDĐH không ngừng được cải thiện kể từ sau Nghị quyết 29 NQ/TW.

Trước đó, năm 2010, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong 56.000 cán bộ giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng chỉ có khoảng 1.100 giảng viên (chiếm 3%) tham gia NCKH và rất ít giảng viên trẻ tham gia nghiên cứu.

Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 29, theo Báo cáo Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2016, khu vực các trường đại học đóng góp hơn 50% tổng số nhân lực khoa học công nghệ (KHCN) trong cả nước.

Tính đến hết năm 2017, trong các cơ sở GD ĐH đã có 945 nhóm nghiên cứu. Đây là những kết quả rất tích cực có tác động nâng cao năng lực nghiên cứu giảng dạy của các trường ĐH, thúc đẩy GD ĐH Việt Nam hội nhập với GD ĐH Quốc tế; đồng thời qua đó góp phần đưa khoa học công nghệ vào cuộc sống thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh, sinh viên và giảng viên trẻ.

Số lượng công bố quốc tế được trích dẫn tăng mạnh

Số lượng các công bố, đặc biệt là công bố quốc tế và ảnh hưởng khoa học thể hiện qua mức độ được trích dẫn tăng mạnh, góp phần cải thiện vị thế của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trong bảng xếp hạng các trường đại học thế giới.

Theo GS. TSKH Nguyễn Đình Đức (ĐH Quốc gia Hà Nội), năm 2013, trước khi có Nghị quyết 29, tổng công bố quốc tế của cả Việt Nam hết sức khiêm tốn, ở mức 2.309 bài. Sau Nghị quyết 29, tính từ 2017 đến tháng 6/2018, chỉ tính riêng công bố quốc tế của 30 trường đại học hàng đầu Việt Nam, đã đạt 10.515 bài, bằng tất cả công bố trên toàn quốc giai đoạn 5 năm 2011-2015.

Thống kê các tổ chức KHCN trong hệ thống các trường đại học năm 2017
 

Năm 2018 có 2 trường ĐH Việt Nam vào top 1000 trường đại học trên thế giới theo xếp loại của QS. Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) (Anh) vừa công bố kết quả bảng xếp hạng QS ASIA 2018-2019 cho 505 trường đại học hàng đầu châu Á.

Theo thống kê của QS, với tổng số 505 cơ sở giáo dục đại học tham gia xếp hạng, cùng vị trí xếp hạng mới, Trường ĐHBK Hà Nội thuộc tốp 52% các trường trong danh sách. Năm nay, theo công bố, ĐHQG Hà Nội đứng thứ 1 Việt Nam, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh (thứ 2), Trường ĐHBK Hà Nội ở vị trí thứ 3 (ở vị trí 261-270, vươn lên 30 bậc so với năm 2018), kế đến là Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Cần Thơ, ĐH Đà Nẵng và ĐH Huế.

Tiềm lực KHCN của các trường ĐH cũng được thể hiện thông qua số lượng và chất lượng, cũng như loại hình các tổ chức KHCN. Đi cùng với các tổ chức KHCN là hệ thống các trang thiết bị cho hoạt động thực hành, thực nghiệm, nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm.Mạng lưới các tổ chức khoa học và công nghệ trong các cơ sở GDĐH được hình thành phong phú và đa dạng về loại hình.

Giai đoạn 2011-2016, Bộ GD-ĐT đầu tư gần 292 tỉ đồng cho 46 dự án tăng cường năng lực nghiên cứu, trung bình mỗi dự án được đầu tư xấp xỉ 6,4 tỉ đồng. Các dự án này tập trung tăng cường trang thiết bị cho các phòng thí nghiệm, nhằm có khả năng tạo sản phẩm ứng dụng, phục vụ phát triển kinh tế xã hội như: Phòng công nghệ vi chế tạo MEMS, Phòng thí nghiệm chẩn đoán bệnh động vật, Phòng thí nghiệm và kiểm định công trình, Phòng thí nghiệm chế phẩm sinh học, Phòng thí nghiệm kỹ thuật nền móng công trình, Phòng thí nghiệm kỹ thuật in,...

Theo thống kê từ gần 150 trường ĐH trong toàn hệ thống, số lượng các tổ chức KHCN (Phòng thí nghiệm – PTN; Trung tâm nghiên cứu – TTNC; Viện nghiên cứu – VNC, Công ty KHCN – Cty KHCN;  Xưởng sản xuất – XSX...) đã đăng ký hoạt động và chưa đăng ký hoạt động của các trường ĐH trong toàn ngành Giáo dục là tương đối lớn, với tổng số lên đến 1.413 tổ chức/142 trường đại học được điều tra.

Hệ thống phòng thí nghiệm, đặc biệt là phòng thí nghiệm công nghệ cao của các trường ĐH kỹ thuật đã và đang được đầu tư mới bằng các nguồn vốn trong nước và ngoài nước. Quá trình chuyển giao KHCN của các nhóm nghiên cứu đã thu hút đầu tư của các doanh nghiệp cho phát triển các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu trong các trường đại học, đặc biệt đối với các trường đại học thuộc khối kỹ thuật như trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa Đà Nẵng…

Như vậy, có thể thấy, cùng với việc thăng hạng trên các bảng xếp hạng trường ĐH của Quốc tế, tỷ lệ giảng viên có trình độ Tiến sĩ trở lên, tốc độ tăng cường nghiên cứu khoa học gắn với đào tạo là những chỉ số minh chứng về chất lượng, vị thế của GD ĐH Việt Nam đã có những bước chuyển mình rất đáng kể. Hội nhập sâu hơn với GD ĐH thế giới, tăng cường chất lượng, năng lực đào tạo gắn với KHCN để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế, GD ĐH đang ngày càng khẳng định vị thế vai trò của mình và đã được nhiều tổ chức Quốc tế ghi nhận đánh giá, trong đó có WIPO, QS và World Bank./.

Theo Bích Lan/VOV.VN

 

Các tin khác:
  • 14 tiết mục đặc sắc vào vòng chung kết (21/10/2018-10:44)
  • 16h00 ngày 19/10, U19 Việt Nam vs U19 Jordan: Khởi động tham vọng tái lập kỳ tích U20 World Cup (19/10/2018-14:04)
  • Đêm bán kết đầy ấn tượng tại TP. HCM (14/10/2018-9:21)
  • Việt Nam đánh bại Trung Quốc ngay trước thềm VCK U19 châu Á (14/10/2018-9:10)
  • Có một bộ sưu tập cổ vật đồ sộ như thế (14/10/2018-9:00)
  • Triển lãm ảnh “Phụ nữ nông thôn và Phát triển bền vững” (12/10/2018-14:12)
  • Nhiều tiết mục ấn tượng trong đêm khai mạc và bán kết khu vực miền Bắc (01/10/2018-14:06)
  • Hứa hẹn những sắc thái mới ấn tượng (27/09/2018-12:28)
  • “Tuổi 20 yêu dấu” của Nguyễn Huy Thiệp chính thức ra mắt ở Việt Nam (27/09/2018-11:51)
  • Đồng làng một thuở… (25/09/2018-21:43)