Thứ năm, ngày 18/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Người làm báo, mạng xã hội và đạo đức nghề nghiệp (09/11/2018-7:50)
    Nguồn tin “khổng lồ” của báo chí là từ mạng xã hội facebook - điều không thể phủ nhận trong ít năm gần đây. Tuy nhiên, nhiều thông tin không chính xác từ facebook cũng chính là “vi rút độc” với các bài báo nếu tác giả không xác minh cẩn thận.
Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 dùng công nghệ Nhật Bản hiện đại, vận hành bằng nhiệt
than chứ không thải ra nước thải ô nhiễm như một trang mạng tuyên truyền.

Những bài báo có “chất liệu” từ nguồn thông tin sai trái, thậm chí xuyên tạc sự thật, thông tin từ các thế lực phản động chống phá… có thể gây hại khôn lường đến cá nhân, địa phương hay doanh nghiệp được phản ánh. Vấn đề đặt ra là, nhà báo, phóng viên phải đề cao đạo đức nghề nghiệp để lựa chọn, tìm hiểu đưa các thông tin chính xác nhất. Thực tế trong “làng báo” Thanh Hóa, đa phần các tác phẩm báo chí có nguồn tin từ facebook đều chính xác, bảo đảm sự “nóng bỏng” của đời sống kinh tế - xã hội. Song cũng không ít bài báo dẫn thông tin sai trái từ mạng xã hội, làm thiệt hại cho đối tượng “bị” phản ánh, gây bức xúc dư luận.

Chỉ chưa đầy một tuần của những ngày cuối tháng 9/2018, một số báo và trang thông tin điện tử đã có 2 thông tin sai về Thanh Hóa, do đều lấy nguồn tin từ facebook mà thiếu sự xác minh. Ngày 19/9, một tài khoản facebook mang tên “Mai Lê” của một phụ nữ quê xã Thọ Thanh, huyện miền núi Thường Xuân đưa status với nội dung bị công an mời lên làm việc về an ninh mạng do đưa vấn đề lạm thu của trường mầm non xã nhà lên facebook. Ngay sau đó, thông tin này được cộng đồng mạng chia sẻ, nhiều bình luận mang tính hằn học, chửi bới lực lượng công an. Thế rồi, vấn đề này đã trở thành đề tài để một vài phóng viên khai thác thành bài viết, phát lên Internet khi chưa làm việc và tìm hiểu cụ thể. Khi một số tờ báo chính thống có tìm hiểu, xác minh với Công an huyện Thường Xuân thì sự thật lại khác. Người phụ nữ tên Mai có bị triệu tập để nhắc nhở về việc thường xuyên đăng tải những thông tin bôi nhọ, sai sự thật làm xấu hình ảnh các tổ chức và chính quyền trước đó, chứ không liên quan đến thông tin đưa vấn đề lạm thu của trường học. Như vậy, bản chất vấn đề đã bị phản ánh sai bởi sự “a dua” theo nguồn tin một chiều từ facebook. Dù có cố tình hay không, song sai lầm này đều thuộc về tác giả các bài báo.

Cũng vì muốn thông tin nhanh đến với độc giả, nên một vài phóng viên sẵn sàng “chế” ngay những thông tin trên mạng xã hội thành bài báo của mình. Điển hình là ngày 22/9 một vụ tai nạn giao thông tại xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương làm 2 người gánh cá ven đường tử vong. Xe gây tai nạn là một ô tô con, do không làm chủ được tốc độ đã tông mạnh vào các nạn nhân. Khi vụ tai nạn xảy ra, một xe tải dừng lại sát hiện trường (có lẽ tài xế xuống giúp nạn nhân), đúng lúc này có người chụp ảnh rồi đưa lên facebook. Một phóng viên chỉ nhìn ảnh rồi nhầm tưởng “thủ phạm” gây tai nạn là chiếc xe tải kia nên đã đưa vào tin của mình. Sự nhầm lẫn tuy chưa “gây nguy hiểm” đến ai, song cho thấy sự cẩu thả của tác giả cũng như mặt trái của thông tin facebook khi chưa có sự thẩm định.

Một trong những tài khoản đưa thông tin sai sự thật về vỡ đập Nhà máy Thủy điện Trung Sơn.
 
Nói thêm về thông tin trên face book, đó chính là con dao hai lưỡi nên cần có sự “gạn đục khơi trong”, chọn lọc thông tin cần có lý trí. Nhiều tài khoản facebook có máy chủ từ nước ngoài, lấy hình ảnh chỗ này để minh chứng về một sự việc ở chỗ khác, gây hiểu nhầm. Nhiều thành phần bất hảo, các tổ chức phản động đã và đang lựa chọn mạng xã hội, mà chủ yếu là facebook để làm công cụ tuyên truyền, chống phá Nhà nước ta.

Đúng ngày nghỉ lễ Quốc khánh năm nay một thông tin facebook được cho là có nguồn gốc từ Hoa Kỳ đã loan tin Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 dùng công nghệ lạc hậu của Trung Quốc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm khổ nhân dân. Trang mạng còn đưa các hình ảnh dẫn chứng, đồng thời kêu gọi người dân biểu tình. Qua xác minh của một cơ quan báo chí và Công an tỉnh, khu vực này hoàn toàn bình thường, hình ảnh trên trang mạng này không phải hình ảnh thực tế gần nhà máy nói trên. Hệ thống máy móc ở đây là của Nhật Bản, thuộc loại hiện đại nhất trên thế giới chứ không phải của Trung Quốc như các thông tin mà tài khoản facebook đã đưa. Đại diện phía nhà máy và Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cũng khẳng định, nhà máy không hề thải ra loại nước thải như sự suy diễn, bởi máy móc hoạt động bằng nhiệt năng từ đốt than. Nếu không có sự tìm hiểu kịp thời và kỹ lưỡng, phóng viên đưa tin theo facebook thì ảnh hưởng khôn lường đến việc thu hút đầu tư của Thanh Hóa. Một thông tin đưa vào thời điểm nhạy cảm - là ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Quốc khánh, lại kêu gọi người dân đi phản đối, chắc nhiều người tự hiểu chủ tài khoản facebook này có mục đích gì.

Tương tự, tối 30/8, trên mạng xã hội facebook xuất hiện thông tin vỡ đập thủy điện Trung Sơn ở huyện Quan Hóa, đồng thời kêu gọi người dân kịp thời chạy lũ gây hoang mang dư luận, nhiều người sống ven sông Mã trở nên bất an. Thực tế, do nước thượng nguồn về hồ quá lớn nên từ ngày 29/8 Nhà máy Thủy điện Trung Sơn tiến hành xả lũ với lưu lượng 1.900 m3/giây nhằm đưa mực nước hồ về cao trình + 150m. Rất có thể những chủ tài khoản facebook kia thấy nước chảy xiết nên hiểu nhầm. May thay chưa có báo hay trang mạng nào dẫn nguồn để đưa tin, bởi ngay sau khi Công an huyện Quan Hóa vào cuộc, thông tin sai đã bị gỡ bỏ.

Bài học về nguồn tin từ facebook đã nhiều, có phóng viên đã phải trả giá vì thiếu trách nhiệm sàng lọc thông tin. Có những tin bài vô thưởng vô phạt, song có những bài báo đưa thông tin sai có thể làm ảnh hưởng đến sự nghiệp chính trị hay danh dự của cá nhân, đến sự phát triển hay lụi tàn của một phong trào, một doanh nghiệp…

Sàng lọc thông tin, không chỉ là vấn đề nghiệp vụ, mà còn liên quan đến cả đạo đức của phóng viên, nhà báo.

Bài,  ảnh: Duy Tân

 

Các tin khác:
  • Cần quy định mức thưởng xứng đáng đối với tác giả đạt các giải báo chí Quốc gia (07/11/2018-8:48)
  • Ngô Tất Tố với vấn đề chống tham nhũng, hối lộ (07/11/2018-7:42)
  • Gian nan không làm chùn bước người làm báo (02/11/2018-10:30)
  • Vị “thuyền trưởng” có duyên với giải thưởng báo chí về dân tộc (01/11/2018-9:16)
  • "Một đời làm báo" của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (31/10/2018-10:20)
  • 4 xu thế ảnh hưởng đến các đài phát thanh, truyền hình truyền thống (31/10/2018-10:17)
  • Nhà báo Dân Huyền - Lửa nghề cháy mãi (26/10/2018-14:55)
  • Nhà báo Dương Linh: Một cây bút có đủ đức và tài (25/10/2018-9:32)
  • Việc càng khó, khi làm được, sự hứng thú với nghề càng được bồi đắp (23/10/2018-12:14)
  • Nghề dạy nghề như "thước dạy thầy, cây dạy thợ" (21/10/2018-10:48)