Thứ sáu, ngày 29/03/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Nhà báo & bạn đọc? (16/11/2018-21:59)
    Bạn đọc là “khách hàng ruột” của tờ báo. Theo đó, bạn đọc còn là “mạnh thường quân”. Đặc biệt hơn, có những bạn đọc là người báo tin “nóng”, trở thành bạn đồng hành của tờ báo mình yêu thích.
Nhà báo và bạn đọc có sự liên quan gì với nhau?
 

“Viết bài báo là vì bạn đọc”

Sau khi biết tin trường Đại học (ĐH) Vinh có “hiện tượng toán học Lê Văn Thành” tôi tìm mọi cách để tiếp cận, viết bài về anh nhưng đều không thành. Lí do, nhà toán học này chỉ thích lặng lẽ làm khoa học, không thích xuất hiện trên báo.

Mấy lần tôi định bỏ cuộc vì nản do không tiếp cận được nhưng hình ảnh “hiện tượng” toán học 28 tuổi cứ âm ỉ, giày vò tâm trí tôi. Trước đó, sau khi tốt nghiệp ĐH Vinh với khóa luận xuất sắc về đề tài “Mở rộng một bài toán thuộc lĩnh vực hình học Fractal (những hình tự đồng dạng), bằng tiếng Anh” anh đã có bằng thạc sĩ, tiến sĩ toán học và 20 công trình đã công bố trên các tạp chí toán học quốc tế. Vậy nhưng, khi được bạn bè thán phục, anh chỉ rủ rỉ nói “nhìn ra thế giới mới thấy mình thật quá nhỏ bé”. Chỉ từng ấy thông tin bạn đọccung cấp tôi thấy đây là một đề tài hấp dẫn, thừa sức xuất hiện trên một tờ báo lớn.

Tôi lại “báo cáo tuần” với Tòa soạn và không quên “kêu” rằng “rất khó tiếp cận nhân vật này trong khi đó thời gian về trường ĐH Vinh không nhiều thay vì anh đang thực tập sinh sau Tiến sĩ ở Singapore”.

Một lãnh đạo Tòa soạn trả lời vẻ gay gắt: “Hãy nhớ, mục đích của bài báo này là viết cho bạn đọc cả nước chứ không phải cho riêng tác giả. Vì thế, khó mấy cũng phải tiếp cận bằng được”. Tôi hiểu đó là một lời khuyên, trở thành một yếu tố nghiệp vụ của nhà báochuyên nghiệp.

Thế rồi, tôi nhờ một anh bạn là Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, nơi vợ của nhà toán học công tác. Qua chị vợ kết nối, tôi đã ngồi với nhà toán học bên chiếc bàn đơn sơ với máy vi tính, không nước chè, thuốc lá.

Nhà toán học Lê Văn Thành. Ảnh: TL

Anh nói rất ít nhưng tôi “khai quật” đủ tư liệu để hoàn thành bài báo “Hoài bão vươn ra thế giới”, đăng trên Báo Lao động. Đó là một câu chuyện không chỉ khiến một mình người viết cảm động. Anh quê Hà Tĩnh. Năm 19 tuổi vào trường ĐH Vinh. Ngày đầu tiên anh mừng rơi nước mắt không phải vì tay nâng niu tờ Thông báo nhập học mà vì ông chủ nhà trọ tốt bụng chỉ lấy tiền ăn không lấy tiền trọ.

Học kì 2, chàng sinh viên nghèo bắt đầu đạp xe cà tàng đi dạy thêm. Có hôm muốn tăng giờ dạy thêm, anh đành phải tìm cách trốn học. Thế mà, năm đầu tiên điểm tổng kết của anh cao nhất lớp khiến các bạn sinh viên ngỡ ngàng “vì rất ít thấy Thành đến lớp”. Nhớ lại chuyện này, anh bảo “bây giờ tôi không khuyến khích sinh viên đi làm thêm quá sớm vì nghỉ học không theo kịp bài giảng của thầy sẽ thiệt thòi nhiều thứ. Với tôi, sau mỗi ngày đi dạy thêm, mình phải học gấp hai, gấp ba thời gian thầy giảng mới nắm vững bài”.

Chuyện chàng sinh viên đi dạy thêm là do mẹ bệnh rồi mất sớm. Đến giờ anh vẫn day dứt “không đưa được mẹ ra Hà Nội chữa trị để mẹ mất khi tuổi còn trẻ. Đến lượt bố bị bạo bệnh, anh phải xin nghỉ học ra Hà Nội chăm bố. Đó là những đêm thâu, chàng sinh viên vừa chăm bố vừa cầm sách toán đọc và làm toán.

Nhà báo cần biết “khai quật” tư liệu từ nhân vật. Ảnh: TL

Nhờ tự học rất khá về ngoại ngữ nên Thành viết công trình nghiên cứu của mình bằng tiếng Anh. Đây là điều kiện quan trọng để một giáo viên dạy toán ở tỉnh lẻ như Thành có thể vào trang web của những tạp chí toán học quốc tế nhằm mở rộng kiến thức vì không có tiền mua tạp chí đắt tiền.

Công trình nghiên cứu đầu tiên của Thành mang tên “Phát triển một luật số lớn trong lý thuyết xác suất thay điều kiện độc lập bởi điều kiện phụ thuộc”, được giới thiệu trong Tạp chí Acta Mathematica Vietnamica của Viện Toán học Việt Nam.

Tôi hỏi, tầm ảnh hưởng của công trình này, Thành khiêm tốn: “Sau khi công bố, công trình đã được một số nhà toán học khác phát triển thêm”. Và ít ai biết, công trình này được các chuyên gia có thẩm quyền phản biện kỹ, nhờ thế được chuyên mục “Điểm báo toán học” của Hội Toán học Mỹ ghi nhận.

Ngoài thời gian học ở sách vở, Thành viết thư trực tiếp cho GS Andrew Rosalsky ở trường ĐH Florida (Mỹ) để nêu ý kiến riêng về một công trình nghiên cứu mà vị giáo sư này quan tâm. Kết quả, công trình nghiên cứu “Tìm ra một dạng hội tụ mới trong lĩnh vực lý thuyết xác suất” của TS Lê Văn Thành (viết chung với GS Rosalsky) là công trình tâm đắc nhất của anh ở thời điểm đó. Kết quả này còn kèm theo sự “rất đỗi ngạc nhiên” của GS Rosalsky khi vị giáo sư này nhận được email của một giáo viên trẻ từ trường ĐH Vinh xa lắc.

“Sau công trình này, GS Rosalsky mời tôi cộng tác nghiên cứu về sự hội tụ đầy đủ theo trung bình của tổng các biến ngẫu độc lập trong không gian Banach. Chính những lần trao đổi bằng email như thế tôi đã học được rất nhiều điều từ các nhà toán học trên thế giới. Học cả kiến thức chuyên môn lẫn tác phong làm việc của các nhà khoa học”, TS Lê Văn Thành vui nói.

Rong ruổi sang Lào viết ký sự nhân vật

Theo tin bạn đọc, sang Lào viết ký sự nhân vật

Hồi đang làm Viện phó Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An, anh Văn Đức Duật kể cho tôi nghe chuyện vừa gặp một ông chủ rừng tràm cỡ lớn ở Thủ đô Vientiane (Lào), là Việt kiều, quê Nam Định. Chuyện kể quá li kì khiến tôi không thể ngồi yên trong phòng lạnh.

Mang ba lô và cuốn Hội thoại Việt - Lào sang Thủ đô Vientiane, tôi tìm gặp anh Thoong PhiLaVông. Nghe tôi hỏi, ngay câu đầu tiên anh bảo: “Tên Việt của mình là Hoàng Văn Diểu. Đúng là mình lạc cha lúc 3 tuổi. 29 năm sau (1990) mình sang Lào đi tìm cha. Không xu dính túi, nên phải hành nghề cắt tóc để kiếm nơi ăn, ở rồi tự dưng trở thành thợ cắt tóc nổi tiếng ở Thủ đô Vientiane và được mời cắt tóc cho các nguyên thủ quốc gia Lào. Trước đó, người Lào gọi tôi là Thoong “tắt thổm” (Thoong cắt tóc) nhưng giờ họ gọi tôi là Thoong “trầm hương” vì tôi có hơn 2.000 hecta rừng trầm hương”.

Mối liên kết
Nhiều cơ quan báo chí có đến 70% cộng tác viên góp tin bài thường xuyên. Một số tờ báo có nhiều bạn đọc còn có riêng Phòng công tác bạn đọc.
Hàng ngày thông qua chỉ đạo của Tòa soạn, phòng này chuyển tin tức từ bạn đọc cung cấp tới các phóng viên thường trú tại các tỉnh để hiểu tình hình thời sự, tin tức liên quan đã, đang diễn ra trong ngày để phục vụ công việc của một nhà báo.
Bạn đọc có tin hay, giúp phóng viên xây dựng thành tác phẩm gây dư luận tốt trong xã hội thì được Tòa soạn trao Giấy chứng nhân “Bạn đồng hành quanh tôi”, kèm tiền thưởng lớn hơn nhuận bút bài báo đã đăng.

Tôi vừa ghi vừa “ghim” vào trí nhớ câu chuyện li kì của anh trên chặng đường 70 km từ Thủ đô Vientiane đến trang trại trầm hương ở bản Noọng Bủa thuộc huyện Phôn Hồng, tỉnh Vientiane. Anh kể, cha anh là Poỏng Sắc Vông Pha Nít Cha Lơn từ Quảng Đông sang Hong Kong rồi dừng lại Thái Lan hành nghề bốc vác thuê cho ông chủ nhà máy xay gạo vùng Đông Bắc Thái Lan. Nhờ có uy tín, sáu năm sau, ông Vông trở thành người quản lí nhà máy.

Tám năm tiếp theo, ông Vông mua trọn nhà máy, trở thành ông chủ nổi tiếng năm 28 tuổi. Năm 16 tuổi, bà Cù Thị Sáu (Việt kiều ở thôn An Lạc Trung, xã Yên Hồng, huyện Ý Yên, Nam Định) kết duyên với ông Vông. Diểu là con thứ tư của cuộc tình tha hương này.

Năm 1960, khi Diểu mới 3 tuổi thì mẹ đem “bán” cho nhà chùa ở Khỏn Kèn, tỉnh U Đon (Thái Lan) để lấy phước. Trên đường hai mẹ con tới chùa không may bị tai nạn giao thông. Vì bảo vệ mạng sống của con, bà mẹ trẻ 26 tuổi phải chịu để cánh cửa xe dập nát một chân mình. Đó là năm ông Vông làm ăn lụi bại do nhà máy xay gạo bị hỏa hoạn thiêu rụi, phải chuyển lên Bang Kok lập nghiệp.

Còn mẹ con bà Sáu theo ông bà ngoại (một trong những việt kiều hoạt động cách mạng) về lại Nam Định. Đó là chuyến đi của sự chia cắt dằng dặc tình vợ chồng, cha con. 29 năm sau Diểu tìm được cha khi ông là Phó Chủ tịch hội đồng quản trị sản xuất rượu nổi tiếng - một tỉ phú ở Thái Lan.

Thời gian đi tìm cha, Diểu đặt cho mình tên Thoong (tiếng Thái, Thoong nghĩa là vàng). Biết cha là một tỉ phú nhưng Thoong không xin một đồng mà vẫn nhẫn nại cắt tóc thuê “làm đầu đường, ở xó chợ”. Lúc ấy, Thoong không ngờ ông Vông đang thử sức đứa con trai như lời ông ghi trong cuốn nhật kí hồi ấy: “Tôi sẽ cho Thoong cái nghiệp chứ không cho Thoong tiền”. Còn Thoong vừa cắt tóc, vừa tự học nói tiếng Lào.

Sở dĩ Thoong chọn nghề cắt tóc kiếm kế sinh nhai vì nghề này không cần nhiều vốn. Vả lại, thấy tiệm nào ở Vientiane cũng cắt tóc bằng tông-đơ, không có ai dùng được kéo, trong khi đó cắt tóc bằng kéo là năng khiếu của Diểu hồi làm công tác Đoàn ở Nhà máy Dệt Nam Định.

Thế là nhờ “múa” kéo dẻo quẹo và nói chuyện tiếu lâm như khiếu, nên nhiều người tìm đến tiệm Thoong làm thuê cắt tóc. Dần dần ông chủ tiệm cắt tóc giao cho Thoong chuyên phục vụ cán bộ cao cấp của Lào.

Một hôm đang “múa” kéo, Thoong thấy một chiếc xe con sang trọng đỗ xịch trước tiệm. Một sĩ quan công an bước đến nói với Thoong: “Anh chuẩn bị đồ nghề, khoảng 30 phút nữa mời anh đến cắt tóc tại nhà”. Lần đầu tiên Thoong ngồi xe con đi hành nghề tại gia. Nhưng điều làm anh ngạc nhiên nhất là hôm ấy khách cắt tóc là ông Nouhak Phoumsavan - Chủ tịch nước Lào đang ngồi giữa bốn cảnh vệ an ninh trong căn phòng chừng 16m2.

Anh nhớ, lúc ấy “tay run, trán toát mồ hôi hột vì khách là vị Chủ tịch nước mà mình là người đi làm mướn. Nửa tháng sau, anh đến cắt tóc lần hai cho ông nhưng trong phòng chỉ còn hai cảnh vệ. Lần ba thì chỉ còn một cảnh vệ. Đến lần bốn chỉ còn “ông Chủ tịch nước và mình tôi”.

Vị thứ hai mà anh được mời đến cắt tóc là ông Souphanouvong, nguyên Chủ tịch nước. Anh nhớ lần cuối cùng cắt tóc cho ông: “Lần ấy, cụ đang đau nhưng miệng vẫn nhai trầu. Cảnh vệ yêu cầu thay vì cạo râu, dùng tông-đơ để tỉa râu cho cụ. Đây là động tác hiểm hóc nhất vì miệng của cụ luôn chuyển động do nhai trầu mà mình chưa bao giờ dùng tông-đơ để tỉa râu. Nhưng cũng chỉ 20 phút sau mình nhận được 400 kíp tiền công kèm theo lời khen của cảnh vệ”.

Riêng trang trại hơn 2.000 hecta rừng trầm của anh là cả một công cuộc trồng “vàng” với 20.000 cây trầm hương (1 hecta - 1.000 cây, sau 6 năm có giá trung bình 300 USD/cây). Cùng với việc trồng “vàng”, anh xóa nghèo cho bản Noọng Bủa khi 365 người dân bản trở thành nhân công vừa ngăn lâm tặc, bảo vệ rừng trầm vừa chăm sóc 15 villa là “thái hậu lâu” với trị giá xây dựng là 25.000 USD hồi đó. Mới đây, gặp lại Thoong “tắt thổm” thì biết anh còn kiêm thêm nhiều “vai” quan trọng nữa tại Lào./.

Theo Vũ Toàn/Người làm báo

 

 

Các tin khác:
  • Báo chí dữ liệu và công nghệ tự động làm báo (16/11/2018-21:56)
  • Phóng viên xuất hiện ở đâu trong phóng sự truyền hình? (16/11/2018-21:50)
  • Nhà báo nên hạn chế tuyệt đối tham gia các hội nhóm kín và sự kiện mang tính chất bè phái (15/11/2018-10:46)
  • Rèn nghề phải đi cùng với tu dưỡng đạo đức, phẩm chất của người làm báo (15/11/2018-10:43)
  • MC phải linh hoạt và có vốn sống dồi dào để “tiếp chuyện” khán giả (10/11/2018-17:46)
  • Người làm báo, mạng xã hội và đạo đức nghề nghiệp (09/11/2018-7:50)
  • Cần quy định mức thưởng xứng đáng đối với tác giả đạt các giải báo chí Quốc gia (07/11/2018-8:48)
  • Ngô Tất Tố với vấn đề chống tham nhũng, hối lộ (07/11/2018-7:42)
  • Gian nan không làm chùn bước người làm báo (02/11/2018-10:30)
  • Vị “thuyền trưởng” có duyên với giải thưởng báo chí về dân tộc (01/11/2018-9:16)