Thứ năm, ngày 28/03/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Thôi thúc trách nhiệm cao hơn để đôi tay nghệ nhân không run rẩy (26/11/2018-9:07)
    (NLBTH) - Một niềm vui vừa đến không chỉ với những nghệ nhân làng nghề đúc đồng Chè Đông mà cả xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, lớn hơn là với di sản văn hóa xứ Thanh khi nghề đúc đồng truyền thống của làng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Rót đồng vào khuôn đúc (Hình ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet)

Lễ đón nhận danh vị đã diễn ra đúng dịp cả nước kỷ niệm ngày ngày di sản văn hóa Việt Nam (23/11) hướng về những giá trị tốt đẹp trong kho tàng văn hóa dân tộc để cùng nhau gìn giữ và ứng xử có trách nhiệm hơn, vì thế danh vị càng trở nên có giá trị, buổi lễ thêm phần ý nghĩa.

Sản phẩm từ nghề đúc đồng làng Chè Đông khá đa dạng, gồm đồ thờ, đồ mỹ nghệ... Gần đây nghệ nhân của làng đã nghiên cứu và đúc thành công trống đồng bằng phương pháp thủ công truyền thống không chỉ đem lại giá trị kinh tế mà còn có ý nghĩa về văn hóa, trở thành niềm tự hào khi chiếc trống đồng từ những khuôn đúc ở đây có mặt ở nhiều nơi trên thế giới, một số địa điểm tôn nghiêm, linh thiêng của đất nước.

Được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận, đưa nghề đúc đồng vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là vinh dự không phải địa phương nào và nghề gì cũng có, càng đặt ra cho người dân và chính quyền địa phương trách nhiệm cao hơn trong bảo tồn, phát huy giá trị của nghề. Bên cạnh quy hoạch làng nghề đúng mức, cần có cơ chế, chính sách rõ nét hơn để “giữ lửa” nghề.

Chỉ có nâng cao trách nhiệm và ứng xử thật sự nghiêm túc mới là con đường bảo đảm cho sự phát triển bền vững của làng nghề. Những suy nghĩ thường thấy theo kiểu sau khi có vinh quang lại sa đà vào việc tận khai là điều cần phải tránh.

Một làng nghề luôn cần thị trường, nhưng đòi hỏi phải chắt lọc thị trường để đôi tay của nghệ nhân không phải run rẩy làm theo những đơn đặt hàng với những sản phẩm thiếu thẩm mỹ, không phù hợp về văn hóa. Càng cần hơn phải phát triển nghề một cách bền vừng bằng chính việc bảo đảm môi trường làng nghề tốt nhất khi chất thải từ đúc đồng luôn có mức độ ô nhiễm rất cao.

Đã có những làng nghề truyền thống bị rút giấy phép, những di sản văn hóa bị tước danh hiệu vì không đáp ứng được các tiêu chí về môi trường và trách nhiệm bảo tồn như cam kết. Hy vọng vinh dự này sẽ đặt ra và nâng cao trách nhiệm hơn với cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương, để làng nghề đúc đồng Chè Đông không bị rơi vào vòng xoáy ấy.

Nghệ nhân làng nghề cần sống bằng nghề, nguồn thu cho ngân sách cũng sẽ trông vào làng nghề, nhưng không phải là bằng mọi giá. Đó là điều đặt ra, hối thúc trách nhiệm lớn hơn cho địa phương khi đã có vinh dự.

Lam Vũ 

 

Các tin khác:
  • Động lực lớn cho mục tiêu cao hơn (22/11/2018-23:18)
  • Minh bạch cho người nghèo (22/11/2018-10:15)
  • Mong muốn nhiều hơn những con số (21/11/2018-9:37)
  • Chiếc nhà vệ sinh trong đầu (16/11/2018-8:38)
  • Tranh biện vỉa hè (13/11/2018-8:07)
  • Giảm điều kiện, tăng hậu kiểm (11/11/2018-22:12)
  • Thượng tôn pháp luật (09/11/2018-8:02)
  • Hình ảnh từ thiện từ hai góc nhìn (07/11/2018-7:56)
  • Ngăn sự vô thức, chặn thói chơi ngông (06/11/2018-9:29)
  • Căn bệnh ý chí (05/11/2018-9:22)