Thứ năm, ngày 25/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí trong thời đại 4.0 (30/11/2018-8:19)
    Bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bên cạnh những thuận lợi người làm báo cũng đối mặt với không ít thách thức, đòi hỏi phải làm chủ được công nghệ, không ngừng sáng tạo để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công chúng. Hiểu rõ vai trò, sứ mệnh đó, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - HNBVN đã rất nỗ lực để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho các hội viên - nhà báo, bắt kịp xu hướng đổi mới.

Tạo điểm nhấn khác biệt

Hiện nay, tuy nhiều cơ quan báo chí lớn đã tự mở Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ thế nhưng Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí – HNBVN, vẫn tạo ra được sự khác biệt và gây ấn tượng với học viên. Đó là bởi bốn lý do sau.

Thứ nhất, Trung tâm đào tạo kỹ năng sâu sát cho học viên ở những vị trí khác nhau trong các cơ quan báo chí và loại hình báo chí khác nhau. Ví dụ như trong lĩnh vực truyền hình, Trung tâm đã mở lớp riêng với các kỹ năng cho các vị trí như: đạo diễn, phóng viên, MC, biên tập viên, quay phim…. Thứ hai, đến với các lớp học của Trung tâm thì các nhà báo, hội viên đều được hoàn toàn miễn phí. Thứ ba, các giảng viên của Trung tâm đều là những nhà báo có kinh nghiệm đang làm việc trong các cơ quan báo chí nên họ thấu hiểu hơn ai hết những lỗ hổng mà các học viên đang gặp phải từ đó họ sẽ có phương pháp giảng dạy phù hợp. Thứ tư, ngoài việc tiếp thu các kiến thức và kỹ năng mới từ giảng viên, các học viên từ các cơ quan báo chí và các địa phương khác nhau còn có điều kiện gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, học tập lẫn nhau và tạo ra một mạng lưới liên kết sau các lớp học.

Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, Trung tâm đã tổ chức mở lớp dạy tiếng Thái Lan cho các nhà báo Việt Nam rồi chọn ra những nhà báo xuất sắc đi thực tế học tập, tác nghiệp tại đất nước chùa Vàng. Đây là lớp học được giới chuyên môn đánh giá cao và là một trong những hoạt động làm gia tăng mối quan hệ song phương giữa Hội Nhà báo Việt Nam với Liên đoàn Báo chí Thái Lan. Ngược lại, về phía Thái Lan cũng mở một số lớp học tiếng Việt cho các nhà báo Thái Lan.

“Mục đích của lớp học Tiếng Thái này rất ý nghĩa, đó là cung cấp cho các nhà báo ngôn ngữ từ đó họ sẽ hiểu hơn về văn hóa cũng như con người của đất nước chùa Vàng và đương nhiên tác phẩm báo chí sẽ được nâng lên. Chúng tôi đã trao thưởng cho hai nhà báo xuất sắc nhất của lớp học là được đến du lịch cũng như thăm quan một số tòa soạn báo của Thái Lan. Cho đến nay chúng tôi mới mở được một lớp nhưng trong tương lai chắc chắn sẽ còn nhiều thêm những lớp học như thế nữa”, PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng khẳng định.

 

Thu hút đông đảo người dạy - người học

Có thể thấy rằng, chương trình đào tạo của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí – HNBVN ngày càng đa dạng và phong phú, số lượng nhà báo, hội viên tham gia các lớp học đang không ngừng gia tăng. Cụ thể trong hai năm 2016, 2017 mỗi năm Trung tâm mở được hơn 100 lớp học với đầy đủ loại hình, kỹ năng đào tạo. Năm 2017, Trung tâm đã bồi dưỡng được 4.400 lượt học viên. Đó là nỗ lực rất lớn mà Trung tâm có thể làm được trong khi ngân sách Nhà nước mỗi năm cấp cho lại vô cùng eo hẹp (chỉ 2 tỷ đồng mỗi năm).

Trung tâm đã từng bước xây dựng được uy tín khi mời được các giảng viên là những nhà báo, chuyên gia báo chí có chuyên môn nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tình yêu nghề cháy bỏng đến giảng dạy, trao đổi. PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng - Giám đốc Trung tâm cho biết: “Mặc dù bận với những cương vị quản lý nhất định trong các cơ quan báo chí nhưng các giảng viên vẫn sắp xếp được thời gian đến với lớp. Khi đến với Trung tâm, họ đều rất say mê với công việc giảng dạy trong khi tiền bồi dưỡng không đáng là bao. Họ đến với Trung tâm với niềm đam mê nghề nghiệp, mong muốn được cung cấp kỹ năng, tri thức cho nhà báo trẻ hơn”. Và đáng mừng là gần đây, nhiều tổ chức nước ngoài đã đến “gõ cửa” Trung tâm với mong muốn được hợp tác để mở các lớp học giúp cho các học viên có thể tiếp cận và mở rộng kiến thức từ cách làm báo tiên tiến trên thế giới.

Bên cạnh công tác quản lý, PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng vẫn thường xuyên ngồi dự giờ để xem giảng viên cũng như học viên dạy và học như thế nào. Theo quan sát và đánh giá của bà thì các học viên đều là những người ham học và mong muốn được thu nạp kiến thức khi đến với Trung tâm. “Đáng mừng là sau khi lớp học kết thúc, tôi đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ những nhà quản lý báo chí đã cử học viên đi học. Hầu hết họ đã vận dụng được những kiến thức đã học tại Trung tâm vào công việc tại cơ quan. Và điều đó đã tiếp cho chúng tôi thêm động lực, quyết tâm hơn nữa trong công việc mà Thường trực Thường vụ HNBVN giao phó”, PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng chia sẻ.

Nỗ lực giải “bài toán” công chúng

Bước vào thời đại 4.0, việc làm báo đang gặp rất nhiều thách thức. Mà trong đó thách thức cơ bản nhất đó là việc công chúng đang bị phân tán, thu hút vào các trang mạng xã hội, đặc biệt là Facebook. Nói như vậy có nghĩa là công chúng đọc báo ở các trang mạng xã hội thay vì trực tiếp vào trang web của báo. Chính những thói quen ấy của công chúng mà vô hình chung dòng tiền thu được từ quảng cáo sẽ đổ về túi ông chủ Facebook. Bài toán đặt ra là phải làm thế nào để thu hút được công chúng?

Với con mắt của người có nhiều năm nghiên cứu về truyền thông, quảng cáo, PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng cho rằng: Có hai vấn đề lớn đặt ra trong nền báo chí thời đại 4.0. Thứ nhất là nội dung - Đây là điểm quan trọng nhất bởi chỉ có nội dung hay, liên quan đến cuộc sống thiết thực hằng ngày thì công chúng mới tiêu thụ sản phẩm báo chí. Do đó, Trung tâm đã tăng cường bồi dưỡng kiến thức cho các nhà báo có kỹ năng tìm kiếm, khai thác, triển khai đề tài, cách kể một câu chuyện thu hút độc giả, cho họ biết nguyên nhân của những việc làm không tốt, những người chịu trách nhiệm và các giải pháp để làm tốt hơn… Điểm thứ hai là các cơ quan báo chí và người làm báo cần phải nhận thức sâu sắc về những thay đổi của công nghệ thông tin và thói quen tiêu thụ sản phẩm báo chí của công chúng để tìm ra các phương thức nhằm tiếp cận với độc giả của mình trên tất cả các kênh, các hình thức truyền thông. Chính vì thế, Trung tâm đã thực hiện khảo sát ở nhiều cơ quan báo chí, nắm bắt những đổi mới trong công nghệ, cách thức làm báo mới và nhu cầu tiếp nhận thông tin của công chúng để từ đó xây dựng được những chương trình đào tạo phù hợp và bắt nhịp xu hướng.

Theo Đức Huy/Báo Nhà báo & Công luận

 

 

Các tin khác:
  • Khi nhà báo đi lò (30/11/2018-8:07)
  • Nuôi dưỡng cảm xúc tích cực trong nghề báo (29/11/2018-9:50)
  • Nhà báo- liệt sĩ Bùi Nguyên Khiết: Tên anh đã “tạc” vào năm tháng (19/11/2018-12:08)
  • Nhà báo & bạn đọc? (16/11/2018-21:59)
  • Báo chí dữ liệu và công nghệ tự động làm báo (16/11/2018-21:56)
  • Phóng viên xuất hiện ở đâu trong phóng sự truyền hình? (16/11/2018-21:50)
  • Nhà báo nên hạn chế tuyệt đối tham gia các hội nhóm kín và sự kiện mang tính chất bè phái (15/11/2018-10:46)
  • Rèn nghề phải đi cùng với tu dưỡng đạo đức, phẩm chất của người làm báo (15/11/2018-10:43)
  • MC phải linh hoạt và có vốn sống dồi dào để “tiếp chuyện” khán giả (10/11/2018-17:46)
  • Người làm báo, mạng xã hội và đạo đức nghề nghiệp (09/11/2018-7:50)