Thứ năm, ngày 25/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Văn hóa - Thể thao
Có một “Thu Người đẹp” (07/12/2018-13:04)
    Đó là biệt danh mà bạn bè yêu mến đặt cho nhà báo Võ Hồng Thu (hiện là Phó Trưởng Ban Văn hóa - Văn nghệ - Thể thao, Báo Sức khỏe Đời sống) khi chị đã có 16 năm làm Thư kí tòa soạn chuyên san Người đẹp Việt Nam của Báo Tiền Phong và đã góp phần không nhỏ xây dựng nên thương hiệu tờ tạp chí ấn tượng trong làng báo một thời.
Bìa chuyên san Người đẹp Việt Nam số đầu tiên - (Ảnh: NVCC)
 

Gần chục năm nay, khi kiến thức và sự trải nghiệm dày dặn, sâu sắc hơn, chị lại bén duyên với văn chương bằng ngòi bút dồi dào, độc đáo và lôi cuốn

Làm nên thương hiệu tờ báo

Năm 1993, sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội, cô gái trẻ Võ Hồng Thu đến với công việc làm báo tại Tạp chí Nhiếp ảnh của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Nói là làm báo nhưng ban đầu chị được giao nhiệm vụ đánh máy chữ cho các bài viết gửi đến trước khi in. Công việc tưởng chừng đơn giản ấy nhưng đã rèn cho chị khả năng gõ bằng 10 ngón thành thạo sau này- một điều quan trọng với nhà báo trong thời đại công nghệ.

Thế nhưng tài năng của Võ Hồng Thu thể hiện rõ nét nhất là khi chị bước chân vào “cánh cổng” lớn hơn, đó là làm Thư kí tòa soạn chuyên san Người đẹp Việt Nam của Báo Tiền Phong. Và đến bây giờ chị vẫn thừa nhận rằng Thư kí tòa soạn là công việc chị làm tốt nhất. Với vị trí này, chị không chỉ lo nội dung mà còn phải có cái nhìn toàn diện, sao cho cả đầu ra của sản phẩm được suôn sẻ. Tức là báo phải bán được, phải có chỗ trong lòng bạn đọc. Chị bảo, ngay từ thời mới bước chân vào nghề báo, chị đã xác định rõ ràng công việc của người làm báo chính là phục vụ bạn đọc chứ không phải để thể hiện cái tôi của bản thân mình. Dĩ nhiên qua văn phong, qua cách chọn đề tài, cái tôi sẽ lộ ra. Nhưng viết những gì cần cho bạn đọc, cung cấp các thông tin hữu ích một cách nhanh chóng và sâu sắc mới là cái mà nhà báo cần bỏ nhiều sức lực. Mùa Tết năm 1995, ấn phẩm Người đẹp Việt Nam chính thức “trình làng”, cũng chính từ đó nhiều người gọi chị là “Thu Người đẹp”. Vào thời điểm đó, một cuốn Tạp chí in màu trên giấy couches và dày 72 trang thật sự là của hiếm trong làng báo. Và càng ấn tượng hơn khi số đầu tiên khi vừa ra sạp đã cháy hết hàng và đem lại doanh thu bằng cả một năm làm Báo Tiền Phong.

Tiếng gần đồn xa, Tập đoàn Báo chí VIR (Úc) đã tìm đến hợp tác với Người đẹp Việt Nam. Rồi Người đẹp Việt Nam đã kêu gọi được lượng lớn cộng tác viên đang là những cây bút tên tuổi trong làng báo, làng văn thời bấy giờ. Thời ấy, chuyên san này đã thu hút được đông đảo công chúng bằng những chuyên mục độc đáo, đặc sắc và ấn tượng như: Chân dung nhân vật, Giai nhân một thời, Người xinh của phố, Bức thư tình hay nhất, Vẻ đẹp đàn bà Việt trong hội họa, Câu chuyện nhỏ của tôi, Thì thầm bên gối, Tình đẹp trong văn chương, Khám nhà người nổi tiếng, Thế giới người đẹp, Bốn mắt nhìn nhau, Âm nhạc của trái tim, Vào bếp với người nổi tiếng, Đi quán cùng sao, 1001 thắc mắc của bạn…  Một số cuộc thi do chuyên san tổ chức có dư âm tốt như: Hoa hậu ảnh (1996), Thời trang của tôi (từ 1998), Bức thư tình hay nhất (từ 1998), Tin nhắn tình yêu (từ 2002)…

Nhà báo Võ Hồng Thu (thứ 2 từ trái sang) trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 1998 - (Ảnh: NVCC)

Có được thành công ấy, có lẽ không thể phủ nhận được công sức của người “đầu bếp” Võ Hồng Thu. Cũng suốt 16 năm gắn bó với công việc tại đây, chị đã đều đặn tham gia 8 kì thi Hoa hậu Việt Nam và với tư cách “người trong nhà”, chị đã biết được không ít chuyện “thâm cung bí sử” về cuộc thi này. Chính vì vậy, những năm gần đây trong những lùm xùm xung quanh cuộc thi hoa hậu, bằng sự hiểu biết và sự trải nghiệm của mình, Võ Hồng Thu đã luôn có những phân tích, lí lẽ sắc bén, đa chiều, thuyết phục bạn đọc.

Cuộc tình với văn chương

25 năm gắn bó với công việc làm báo, từng trải qua nhiều công việc tại vài cơ quan khác nhau nhưng có điều thật đặc biệt là chị luôn được giao phụ trách làm những tờ báo có lượng công chúng phục vụ chủ yếu là nữ giới. Với quãng thời gian 16 năm làm ở Báo Tiền Phong với vị trí Thư kí tòa soạn chuyên san Người đẹp Việt Nam, trong đó có 10 năm kiêm phụ trách nội dung cho Tạp chí Mỹ phẩm (Hiệp hội Tinh dầu hương liệu mỹ phẩm Việt Nam), 4 năm làm Phó Tổng Biên tập Tạp chí Dược và Mỹ Phẩm (Bộ Y tế) đã cho chị cơ hội được tiếp xúc với nhiều thành phần phụ nữ để hiểu được họ đang cần gì? nghĩ gì? và mong muốn điều gì? để làm phong phú thêm đời sống tinh thần của mình.

Hiểu phụ nữ, hiểu đời, cùng với vốn sống tích lũy được qua những năm tháng làm báo đã là chất liệu để chị cầm bút viết truyện về phụ nữ, về tình yêu đôi lứa. Chính vì vậy, khi được Báo Phụ nữ Việt Nam “đặt hàng” cho chuyên mục Chuyện tình (từ 2009) chị đã nhận lời ngay. Ban đầu chỉ là những câu chuyện tình nho nhỏ khoảng 900 -1100 chữ sau đó đã tăng dần lên thành 1800 chữ. Viết nhiều thành tay quen, những truyện ngắn của chị đã chiếm được tình cảm đặc biệt trong lòng độc giả. Và quan trọng chị đã lọt vào “mắt xanh” của nhiều người đứng đầu tờ báo có lượng bạn đọc lớn, trong đó có chuyên đề Tinh hoa Việt của Báo Đại đoàn kết- nơi chị tham gia viết truyện liên tục suốt hơn 3 năm qua.

Võ Hồng Thu đã viết hàng trăm truyện ngắn thu hút được lượng lớn công chúng trên các tờ báo mà chị tham gia. Phong cách văn chương của chị có thể nói chính là sự kết hợp tài tình giữa “thực” và “ảo”, khi cái “thực” được trộn pha hài hòa với cái “ảo” một cách tự nhiên và không hề gượng ép, tạo thành một tấm thảm văn chương đa sắc nhưng không khiến người đọc nghẹt thở và phân tâm khi đọc. Nhưng cũng có điều mà nhiều người tò mò về chị, đó là vì sao một cây bút có cuộc sống gia đình bình thường lại viết được nhiều chuyện tình éo le, trắc trở, lâm li, ngang trái như vậy. Chia sẻ về quan điểm này, chị bảo rất tâm đắc với một câu ngạn ngữ nước ngoài “Để tả một miếng bít tết  không nhất thiết nhảy vào chảo mỡ đang sôi”. Những gì chị viết đều từ sự hiểu biết cá nhân, góp nhặt từ những câu chuyện của bạn bè, người thân cùng sự quan sát tỉ mỉ từ cuộc sống.

Nhà báo Võ Hồng Thu hiện là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Văn nghệ - Thể thao, Báo Sức khỏe Đời sống (Ảnh: NVCC)

Năm 2010, để kỉ niệm một bước ngoặt trong cuộc đời khi dừng lại mối duyên 16 năm làm báo sôi nổi tại Báo Tiền Phong, chị đã in cuốn sách đầu tay mang tên Trà, cà phê hay là em (NXB Thời đại, năm 2010). Tiếp đó, chị xuất bản tập truyện Nude tình yêu (NXB Hội Nhà văn, năm 2011), Môi đưa bão về (NXB Hội Nhà văn, năm 2013). Tuy nhiên nhìn vào việc xuất bản sách của chị, có thể thấy rằng thời kì đầu chị rất sung sức trong chuyện ra sách nhưng càng về sau chị lại có phần dè dặt trong chuyện này mặc dù viết nhiều truyện hơn, ngòi bút sâu sắc hơn. Hỏi chuyện thì được chị cho biết: “Tôi là một nhà báo nên tôi hiểu thời điểm nào ra sách là phù hợp. Ra sách là công việc không quá khó nhưng tôi còn có mong muốn lớn hơn là phải cùng Nhà xuất bản và Công ty truyền thông phát hành rộng rãi đến tay người đọc. Và với mỗi cuốn sách, tôi muốn có điều gì đó mới mẻ. Tựa như một sản phẩm Multimedia mà tôi vẫn thường làm trước kia với những ấn phẩm do mình phụ trách”.

Như vậy có thể thấy rằng, tư duy báo chí đã được chị áp dụng linh hoạt trong công việc viết văn. Và cũng vì thế mà đọc truyện ngắn của chị, bạn cũng thu được một số kiến thức như đọc một bài báo, bởi trong đó luôn có những thông tin mới mẻ, bổ ích. Ngược lại trong mỗi bài báo của chị cũng luôn đầy chất văn. Đó có lẽ là lợi thế mà cây bút Võ Hồng Thu luôn thu hút bạn đọc qua những bài viết của mình./.

Theo Hà Linh/Cổng TTĐT Hội Nhà báo Việt Nam

 

 

Các tin khác:
  • Đam mê săn tìm cái đẹp Yên Bái (07/12/2018-10:11)
  • Tạo dựng sân chơi nhiếp ảnh xứng tầm quốc gia (27/11/2018-8:05)
  • Món quà văn hóa nâng niu vẻ đẹp tự nhiên của đời sống (19/11/2018-12:03)
  • Người “thổi hồn” cho chương trình dân ca trên sóng phát thanh (11/11/2018-22:05)
  • Nữ biên tập viên sống trọn nghĩa tình với Huế (06/11/2018-9:18)
  • Đội tuyển Việt Nam ‘bắn phá’ mục tiêu top 100 thế giới, nhờ công của HLV Park Hang-seo (01/11/2018-9:27)
  • Người làm báo cháy hết mình trên sân khấu âm nhạc (29/10/2018-8:47)
  • “Bữa tiệc” âm nhạc nhiều màu sắc, ấn tượng và đầy lắng đọng (29/10/2018-8:44)
  • Việt Nam xếp thứ 18/126 đổi mới sáng tạo toàn cầu về giáo dục (25/10/2018-16:38)
  • 14 tiết mục đặc sắc vào vòng chung kết (21/10/2018-10:44)