Thứ ba, ngày 16/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Báo chí thời số hóa - thách thức báo chí địa phương (14/01/2019-12:10)
    Trong bối cảnh “thế giới phẳng” về thông tin, thời đại công nghệ số đang đặt ra không ít những thách thức buộc mỗi cơ quan báo chí phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu thông tin trong bối cảnh mới, không ngoại trừ báo địa phương.

Sự tác động sâu sắc của công nghệ với hiệu quả truyền thông là điều không thể phủ nhận. Dòng thông tin liên tục được tính hằng giây hằng phút, đa dạng hơn với nhiều thể loại trong cùng một đơn vị báo chí, cởi mở hơn khi các loại hình báo chí truyền thông chủ động tiếp cận với các dạng thức chuyển tải mới của mạng xã hội để mang sản phẩm của mình đến với công chúng. Nhiều cơ quan báo chí đã nhận diện được thời cơ, thuận lợi và những khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, bởi họ sẽ phải đối diện với nhiều thách thức trước sự phát triển nhanh, mạnh của khoa học công nghệ cũng như xu thế báo chí.

Trong xu thế phát triển đó, các lãnh đạo cơ quan tòa soạn báo địa phương nhận thức được rằng bước vào cuộc cách mạng khoa học công nghệ, hơn bao giờ hết tất cả các cơ quan báo chí truyền thông, các loại hình báo chí từ Trung ương đến địa phương cần nhanh chóng đánh giá đúng thực trạng và khả năng thích ứng của đơn vị mình khi tiếp cận với cuộc cách mạng khoa học công nghệ mới.

Mỗi cơ quan báo chí truyền thông xác định đây chính là sự sống còn của đơn vị mình trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của khoa học công nghệ. Từ đó xây dựng chiến lược phát triển với những bước đi, việc làm cụ thể đạt hiệu quả cao nhất. Trong đó công tác phát triển nguồn nhân lực phải được gắn với chiến lược đào tạo cả trước mắt và lâu dài. Cùng với đó là việc bố trí sắp xếp đội ngũ, tập huấn nghiệp vụ, đầu tư về cơ sở hạ tầng kỹ thuật… Mặt khác là chú trọng về đạo đức nghề nghiệp đối với những người làm công tác báo chí truyền thông, bởi lẽ khoa học dù có phát triển đến đâu thì yếu tố con người vẫn đóng vai trò quyết định.

Báo Nhà báo & Công luận đã ghi nhận ý kiến của lãnh đạo một số tờ báo địa phương xung quanh câu chuyện này.

Nhà báo Trương Văn Chuyển – Tổng Biên tập báo Cần Thơ:

Thách thức lớn nhất là khả năng tiếp cận và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ

 

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là thời cơ nhưng cũng đồng thời là thách thức trong lĩnh vực báo chí, đang buộc mỗi chúng ta phải chuyển mình. Nếu trước đây, chỉ là cuộc cạnh tranh thông tin giữa các loại hình báo chí, thì ngày nay ngoài cạnh tranh giữa các loại hình báo chí với nhau, các loại hình báo chí còn phải cạnh tranh với mạng xã hội.

Cần Thơ là trung tâm động lực của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, cùng với cả nước, báo chí Cần Thơ cũng đã phát triển mạnh mẽ theo đà phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có trên 60 văn phòng đại diện của cơ quan báo chí Trung ương, địa phương đang có mặt hoạt động tại Cần Thơ và cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là điều kiện thuận lợi cho báo địa phương hợp tác thông tin, hoạt động trong một môi trường báo chí sôi động. Nhưng đồng thời cũng là thách thức của hệ thống báo Đảng địa phương, là làm sao chuyển tải kịp thời, chính xác đến công chúng không chỉ thông tin ở địa phương mà phải rộng ra khu vực và cả nước. Bởi nhu cầu thông tin hiện nay của công chúng nhiều hơn, rộng hơn và có nhiều nguồn tiếp cận thông tin hơn. Không đáp ứng được yêu cầu đó bạn đọc sẽ dần rời bỏ chúng ta. Một thách thức khác trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là khả năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, trong hoạt động báo chí.

Trong xu thế chung đó, thời gian qua, báo Cần Thơ đã và đang nỗ lực để đáp ứng yêu cầu thông tin nhanh nhạy, chính xác, đa chiều của bạn đọc. Báo Cần Thơ hiện có 3 sản phẩm báo chí gồm: báo in tiếng Việt xuất bản hằng ngày, báo in tiếng Khmer xuất bản hằng tuần và báo Cần Thơ điện tử. Hệ thống báo Cần Thơ luôn giữ vững định hướng chính trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, tập trung phục vụ nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương và cả nước.

Báo Cần Thơ đã và đang đầu tư phát triển báo điện tử và xây dựng tòa soạn hội tụ đa phương tiện. Báo Cần Thơ điện tử (địa chỉ baocantho.com.vn và baocantho.vn) thể hiện bằng 3 ngôn ngữ Việt – Anh – Khmer thời gian qua đã cập nhật kịp thời, chính xác thông tin thời sự diễn ra trên địa bàn, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong nước và trên thế giới... thu hút ngày càng đông đảo bạn đọc.

Trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, báo Cần Thơ sẽ tiếp tục đào tạo đội ngũ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng về nội dung và hình thức, tăng tính định hướng, tính thuyết phục nhằm góp phần tạo tiếng nói đồng thuận xã hội trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố.

Nhà báo Nguyễn Tôn Hoàn - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai, Tổng biên tập Báo Đồng Nai:

Đổi mới công nghệ là để phụng sự bạn đọc

 

Trong thời đại số hóa, cũng như nhiều tờ báo, đài truyền hình, phát thanh mang tầm quốc gia, báo chí địa phương cũng chịu nhiều tác động. Đứng trước yêu cầu buộc phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu thông tin trong bối cảnh mới, báo Đồng Nai đã không ngừng đổi mới, tích hợp những ứng dụng công nghệ mới để phụng sự bạn đọc những thông tin chuẩn mực một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.

Gần đây nhất, báo in của báo Đồng Nai đã triển khai đợt cải tiến từ số báo ngày 1/11/2018. Và sau gần 1 tháng, những nỗ lực cải tiến trên nền tảng truyền thống của tờ báo bước đầu đã nhận được nhiều tín hiệu tích cực từ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Cùng với những thay đổi mạnh mẽ về cả nội dung lẫn hình thức trên nền tảng truyền thống là báo in, báo Đồng Nai cũng đang khai thác tối đa nguồn tài nguyên thông tin của mình để phục vụ độc giả một cách hiệu quả trên nhiều nền tảng khác như website báo Đồng Nai Online, Facebook, Zalo và nhiều ứng dụng mạng xã hội khác.

Sự phát triển không ngừng của các thiết bị di động cũng như mạng xã hội trong thời đại số hóa đang đặt ra cho báo chí nói chung và báo Đảng địa phương nói riêng không ít thách thức, đặc biệt về khía cạnh tuyên truyền thông tin về các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị được giao. Trước bối cảnh đó, báo Đồng Nai đã và đang phát triển theo hướng đa nền tảng, từng bước biến những thách thức thành cơ hội để định vị lại hoạt động cho phù hợp với xu thế chung, mở rộng phạm vi truyền tải thông tin.

Bài toán phải giải quyết của báo Đồng Nai hiện nay là khi hoạt động theo mô hình báo chí đa nền tảng đòi hỏi phải liên tục đổi mới, làm chủ công nghệ nhằm cập nhật những ứng dụng mới, kết hợp các nền tảng thành một chỉnh thể thống nhất. Song điều này đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn để đầu tư cho nhân sự và khoa học kỹ thuật lâu dài trong khi nguồn thu từ kinh tế của báo chí nói chung đang giảm xuống vì các dòng tiền này đang chuyển dịch sang các nền tảng ứng dụng mà báo đang sử dụng để truyền tải thông tin. Mặc dù vậy, báo Đồng Nai cũng sẽ tận dụng hết mọi nguồn lực và khả năng sẵn có cho “sân chơi” này, bởi mục tiêu cuối cùng của mọi đổi mới công nghệ cũng đều là để phụng sự bạn đọc một cách tốt nhất và hiệu quả nhất.

Nhà báo Nguyễn Chiến – TBT Báo Cà Mau:

“Những chuyển biến tích cực từ sự tích hợp công nghệ mới trong  hoạt động báo chí”

 

Thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ, trực tiếp đến sự tồn tại của các phương tiện thông tin đại chúng truyền thống, đặc biệt ảnh hưởng đến báo chí địa phương, trong đó có báo Cà Mau. Đó là quy luật tất yếu. Vì thế, muốn tồn tại và làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền của mình thì báo Cà Mau phải thay đổi. Song, thay đổi như thế nào cho phù hợp với quy mô tổ chức và nguồn lực của Tòa soạn theo kiểu “liệu cơm gắp mắm” là vấn đề đã được Ban biên tập báo Cà Mau nhận thức và bắt tay thực hiện từ rất sớm.

Xu hướng hội tụ truyền thông buộc Ban biên tập báo Cà Mau phải thay đổi cách thức quản lý, vận hành và tổ chức quy trình làm báo tại tòa soạn theo hướng đồng bộ, tinh gọn và hiệu quả. Cách mạng công nghệ số đòi hỏi chúng tôi phải nâng cao kỹ năng, trình độ tác nghiệp của mỗi phóng viên, nhà báo, về kết hợp nghiệp vụ đa phương tiện như viết, quay phim, chụp ảnh hay biết cả đồ họa, dựng hình và lập trình. Sự phát triển của mạng xã hội cũng đòi hỏi những người làm báo phải có sự linh hoạt và nhạy bén để phân tích và xử lý dữ liệu, thông tin một cách nhanh chóng và chính xác đồng thời phải có kỹ năng chọn lọc và tìm ra được các góc độ tiếp cận mang tính thời sự thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Trên cơ sở đó, chúng tôi xác định về công nghệ phải nhanh chóng tích hợp sự khuếch tán trong dòng chảy chung của báo chí truyền thông như xây dựng hệ thống mạng, sự tích hợp của các mạng thế hệ mới, các công nghệ tự động hóa ở một số bộ phận…

 Trước đây, từ  những năm 2014 Ban biên tập báo Cà Mau đã chuẩn bị thật kỹ lưỡng các phương án, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công tác tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực… Tháng 12 năm 2016, báo Cà Mau điện tử đã đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả tuyên truyền theo hướng truyền thông đa phương tiện, cho đến nay báo Cà Mau đã có một vị trí nhất định trong lòng bạn đọc.

Hiện tại, về công tác tổ chức bộ máy không còn kiêm nhiệm như trước mà được thành lập Phòng Báo điện tử, trong đó có cán bộ quản lý, biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên “thạo nghề”. Về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật được quan tâm đầu tư xây mới phòng thu, mua sắm máy móc trang thiết bị hiện đại, nâng cấp đường truyền, đổi mới giao diện Báo điện tử vừa đẹp vừa tiện lợi trong khai thác thông tin và tích hợp với nhiều thiết bị điện tử hiện đại. Đặc biệt chương trình Truyền hình Internet dù mới thực hiện nhưng đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp về tính chuyên nghiệp trong cách thể hiện. Đến nay, báo Cà Mau điện tử chẳng những thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền được giao mà còn trở thành kênh thông tin đối ngoại quan trọng của tỉnh, góp phần đưa tình hình thời sự của tỉnh cực Nam Tổ quốc đến mọi miền đất nước và người Việt Nam ở nước ngoài.

Những thay đổi, chuyển mình của báo Cà Mau điện tử thời gian qua là đáng ghi nhận. Song, vẫn đối mặt với những khó khăn, thách thức mới. Trước tiên là khả năng cạnh tranh thông tin chưa mở rộng, chỉ trong phạm vi hạn hẹp ở địa phương; cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế đặt ra; đội ngũ cán bộ, biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên còn bỡ ngỡ với cách tiếp cận và thể hiện loại hình báo chí mới; chưa làm chủ khoa học kỹ thuật hiện đại trong quá trình tác nghiệp; việc tạo dựng “thương hiệu” của báo điện tử địa phương phải cần có thời gian nên khó thu hút quảng cáo để tạo nguồn thu vào thời điểm hiện tại; chỉ tiêu biên chế của Tòa soạn ngày càng rút gọn, trong khi nhiệm vụ tuyên truyền đặt ra ngày càng cao… Đó là những khó khăn mang tính cơ bản trong quá trình vận hành báo Cà Mau điện tử thời gian qua.

Theo Thái Sơn Thanh Hải/Báo Nhà báo và Công luận

 

Các tin khác:
  • Nữ nhà báo áo lính và "'túi kinh nghiệm" về nghề (10/01/2019-11:23)
  • Phóng sự và Đỗ Doãn Hoàng (07/01/2019-1:22)
  • Khẳng định vai trò và trách nhiệm của người làm báo (02/01/2019-11:35)
  • Trí tuệ nhân tạo và báo chí: Ngồi chờ hay hành động ngay bây giờ? (02/01/2019-11:29)
  • Đạo đức người làm báo nhìn từ câu chuyện tống tiền doanh nghiệp 70.000 USD (25/12/2018-7:53)
  • "Phóng sự điều tra về chợ Long Biên đoạt giải Vàng tại LHTHTQ 38 có ý nghĩa rất lớn với tôi..." (24/12/2018-14:57)
  • “Truyền lửa” cho các nhà báo (24/12/2018-14:55)
  • Hội thảo "Giải pháp sử dụng thiết bị cơ động nhỏ gọn cho sản xuất chương trình" (22/12/2018-14:37)
  • Hội thảo mạng xã hội và truyền hình tại LHTHTQ lần thứ 38 (22/12/2018-14:19)
  • Tôn vinh đam mê, khuyến khích đổi mới, cập nhật xu hướng (21/12/2018-12:25)