Thứ bảy, ngày 20/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Báo chí 4.0 và cái tôi của người làm báo:
Nhà báo có phong cách chính là một thứ tài sản của tòa soạn (16/01/2019-10:44)
    "Nếu không phải là người đặc biệt, không phải là những cây bút đặc biệt có dấu ấn cá nhân thì anh không thể có được những sản phẩm đặc biệt chinh phục công chúng” - Nhà báo Phạm Trung Tuyến - Phó Giám đốc VOV Giao thông Đài Tiếng nói Việt Nam đã nhấn mạnh như vậy khi bàn về thương hiệu cá nhân trong tòa soạn thời kỷ nguyên số.
Nhà báo Phạm Trung Tuyến

 Cái tôi tích cực, cái tôi tiêu cực của nhà báo

Chính áp lực từ MXH, sự phẳng hơn của thế giới, sự phẳng hơn của thị trường báo chí đòi hỏi cần phải có những điểm cao độ, có sự ghồ ghề, để người đọc có điểm dừng, đứng lại, không bị trôi tuột trên mặt phẳng thông tin. Bối cảnh đó là một bối cảnh thuận lợi cho các nhà báo tự làm cho mình trở nên đặc biệt hơn để tồn tại, để khẳng định bản thânTôi nghĩ là hơn bao giờ hết giai đoạn này việc xây dựng thương hiệu của người làm báo là rất quan trọng, khi mà việc cạnh tranh về mặt tin tức đã không còn như trước kia nữa. Trước kia các cơ quan báo chí chạy đua với nhau về tốc độ. Các tờ báo nhìn vào thời điểm lên tin bài của mình như một giá trị, khẳng định vị  trí, sức hấp dẫn với công chúng. Còn bây giờ thì không như thế nữa bởi vì dù có chạy thế nào thì chúng ta cũng không thể nhanh bằng mạng xã hội, đó là thực tế. Vì thế, giá trị của một tờ báo hiện giờ chính là việc có những sản phẩm đặc biệt. Các nhà báo không tách ra khỏi tờ báo của mình, giá trị của họ phải là những sản phẩm có dấu ấn. Nói đúng hơn là những nhà báo có phong cách, có dấu ấn cá nhân chính là một thứ tài sản của các tòa soạn.

Điều này cũng đặt ra vấn đề là các tòa soạn phải quan tâm đào tạo những nhà báo như thế và ngay chính các nhà báo cũng phải tự đào tạo mình để có được những phong cách đặc biệt, tôi nghĩ chưa lúc nào cần thiết như lúc này. Chính áp lực từ mạng xã hội, sự phẳng hơn của thế giới, sự phẳng hơn của thị trường báo chí đòi hỏi cần phải có những điểm cao độ, có sự ghồ ghề, để người đọc có điểm dừng, đứng lại, không bị trôi tuột trên mặt phẳng thông tin. Bối cảnh đó là một bối cảnh thuận lợi cho các nhà báo tự làm cho mình trở nên đặc biệt hơn để tồn tại, để khẳng định bản thân. Nếu không phải là người đặc biệt, không phải là những cây bút đặc biệt có dấu ấn cá nhân thì anh không thể có được những sản phẩm đặc biệt chinh phục công chúng. Nếu nhà báo không định hình được phong cách của mình thì sản phẩm của anh ta cũng sẽ na ná các sản phẩm xuất hiện hằng ngày, điều này khó ở lại trong lòng người đọc, người nghe đồng nghĩa với việc tờ báo ấy cũng sẽ khó có được công chúng.

Báo chí Việt Nam vừa trải qua một giai đoạn khủng hoảng do áp lực cạnh tranh, đối với nhiều tòa soạn hiện nay cơn khủng hoảng đó vẫn chưa dứt, họ vẫn đang loay hoay chiến đấu với mạng xã hội. Nhiều người bắt đầu nhận ra rằng, mạng xã hội không phải là một con ngáo ộp, không việc gì phải chiến đấu với nó, nó chỉ là một phương tiện mới, công cụ mới. Điều quan trọng là bản thân mình, làm được những điều mà mình cảm thấy giá trị thông qua những sản phẩm của mình. Chúng ta nên nhìn một cách tích cực hơn, thú vị hơn và phát triển những thứ mà chỉ có chúng ta làm được. Tôi nghĩ rằng, trong tương lai gần, những tờ báo thành công sẽ phải trở lại với những giá trị truyền thống. Đặc biệt là xu hướng về những bài viết mang tính độc quyền, có góc nhìn tốt, điều tra tốt, có tính chất giải thích và sự tin cậy. Rất nhiều tin tức trên facebook có nhiều người đọc nhưng rõ ràng người đọc đang cần những thông tin có độ tin cậy cao. Chúng ta neo vào đâu để tìm sự tin cậy nếu không phải là những tờ báo có uy tín, được kiểm chứng thông tin cẩn trọng. Chúng ta không thể vì cạnh tranh mà trở thành một facebook phiên bản kém hơn được. Chúng ta sẽ phải trở về với những giá trị nền tảng mà lâu nay chúng ta đang bỏ quên vì mải chạy theo cuộc đua với mạng xã hội. 

Dĩ nhiên là trong bối cảnh hiện nay, có nhiều người nghĩ rằng, công nghệ đang trở nên lũng đoạn, người làm báo vì thế cũng dễ bị cuốn theo cơn lốc của việc đưa tin nhanh. Nhưng thực tế đã chứng minh rằng, điều quan trọng không phải là các tờ báo có công nghệ gì, giá trị của các tờ báo không chỉ là bề dày truyền thống (vì mạng xã hội ra đời sau các tờ báo nhiều) mà tôi vẫn nghĩ rằng, nội dung phải là vua, thời nào cũng vậy. Công nghệ rất dễ lạc hậu, và cũng rất dễ mua. Các tòa soạn có phát triển đến đâu cũng không bằng các công ty công nghệ. Vấn đề là sử dụng công nghệ đó để làm gì, có gì để chúng ta chạy trên nền tảng công nghệ đó. Cuối cùng thì vẫn là câu chuyện nội dung, vẫn là những con người xây dựng, tạo dựng nên những nội dung đó.

Quan điểm của tôi là một tờ báo có 1.000 người với một tờ báo có 10 người không khác gì nhau cả nếu 10 người đó với 1.000 người giống hệt nhau. Số lượng không làm nên sự khác biệt. Điều quan trọng là trong 1.000 người có mấy người khác biệt. Nếu 10 người đó đều là những người đặc biệt, có khả năng tạo ra những điều đặc biệt thì dĩ nhiên sẽ tốt hơn với một tòa soạn 1.000 người mà chỉ có được 5 người đặc biệt. Thế nên tôi vẫn nhấn mạnh rằng, những nhà báo có khả năng đặc biệt là tài sản của tòa soạn. Vì thế tòa soạn phải gìn giữ, phải làm cách nào để tài sản đó lớn hơn. Làm thế nào để họ có thể làm tốt nhất, thể hiện được phong cách, sự đặc biệt của bản thân họ một cách hiệu quả nhất. Chứ không phải đưa họ về để gò họ, để họ trở thành những thứ mà ông Tổng Biên tập hình dung. Phải để họ tạo ra sự khác biệt bằng sự sáng tạo và tư duy khác biệt. Miễn là họ đáp ứng đúng luật và có nguyên tắc về đạo đức, luật pháp, văn hóa chung cũng như quy chuẩn, quy định, tôn chỉ mục đích của tòa soạn còn họ có quyền sáng tạo hết khả năng của mình trong những ràng buộc đó.

Tóm lại là, thương hiệu cá nhân chính là giá trị được rèn luyện bằng nỗ lực của mỗi người chứ không tự nhiên mà có. Trong bất cứ người làm báo nào cũng đều có giá trị đó. Chúng ta sẽ bị chìm nghỉm nếu như chúng ta không đặc biệt. Rõ ràng, thương hiệu cá nhân không phải là sự đánh bóng bản thân mình mà là sự rèn luyện không ngừng của mỗi người cầm bút để giúp mình trở nên đặc biệt hơn. Sự đặc biệt ấy là nỗ lực tạo ra các sản phẩm đặc biệt, từ đó cung cấp cho công chúng những món ăn đặc biệt, ngon và lạ. Không gì tốt bằng việc rèn luyện, cập nhật kiến thức mới, đọc nhiều hơn, có những góc nhìn mới, hình thức thể hiện sáng tạo hơn. Một giá trị mang thương hiệu được đo bằng sự hiểu biết rộng, có góc nhìn độc đáo, có cách thể hiện tốt.


Sông Mây (Ghi)/ Báo Nhà báo và Công luận


 

Các tin khác:
  • Phải đổi mới và đổi mới liên tục, đó là điều cốt lõi trong truyền hình hiện đại (16/01/2019-10:42)
  • Báo chí thời số hóa - thách thức báo chí địa phương (14/01/2019-12:10)
  • Nữ nhà báo áo lính và "'túi kinh nghiệm" về nghề (10/01/2019-11:23)
  • Phóng sự và Đỗ Doãn Hoàng (07/01/2019-1:22)
  • Khẳng định vai trò và trách nhiệm của người làm báo (02/01/2019-11:35)
  • Trí tuệ nhân tạo và báo chí: Ngồi chờ hay hành động ngay bây giờ? (02/01/2019-11:29)
  • Đạo đức người làm báo nhìn từ câu chuyện tống tiền doanh nghiệp 70.000 USD (25/12/2018-7:53)
  • "Phóng sự điều tra về chợ Long Biên đoạt giải Vàng tại LHTHTQ 38 có ý nghĩa rất lớn với tôi..." (24/12/2018-14:57)
  • “Truyền lửa” cho các nhà báo (24/12/2018-14:55)
  • Hội thảo "Giải pháp sử dụng thiết bị cơ động nhỏ gọn cho sản xuất chương trình" (22/12/2018-14:37)