Thứ năm, ngày 28/03/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Tinh giản biên chế 2019:
Để không đơn giản là phép trừ vô nghĩa (22/01/2019-7:24)
    Bộ Nội vụ vừa thông tin rằng, dự kiến năm 2019, Việt Nam sẽ tinh giản được khoảng 44.510 biên chế. Thế nhưng số biên chế giảm sắp tới liệu có chỉ đơn giản là một phép trừ vô nghĩa?

1. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 vừa diễn ra sáng 15/1, Bộ Nội vụ đã thông tin: Dự kiến trong năm 2019, tổng biên chế công chức, sự nghiệp giảm khoảng 44.510 người. Trong đó, biên chế công chức giảm 2% so với năm 2015 (giảm 5.510 người); biên chế sự nghiệp giảm khoảng 2,5% so với năm 2015 (giảm khoảng 39.000 người).

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng đưa ra con số: Tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các bộ, ngành, địa phương thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014 đến năm 2018 là 40.500 người: Năm 2015 là 5.778 người; năm 2016 là 11.923 người; năm 2017 là 12.660 người; năm 2018 là 10.139 người.

Ngoài đưa ra các con số “phấn khởi” trên, Bộ Nội vụ cũng nhấn mạnh: Vẫn còn một số bộ ngành, địa phương đề nghị bổ sung biên chế, thực hiện tinh giản biên chế; đề bạt, bổ nhiệm, quản lý, sử dụng, luân chuyển, biệt phái cán bộ, công chức chưa đúng quy định, trình tự quy định, gây bức xúc trong dư luận, giảm niềm tin của nhân dân,…

Phát biểu tại hội nghị triển khai công tác năm 2019 của Bộ Nội vụ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình bên cạnh việc biểu dương những nỗ lực của Bộ Nội vụ, đã lưu ý những hạn chế như: Việc tinh giản biên chế chưa gắn với đổi mới, đánh giá cơ cấu lại, đặc biệt nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; thi nâng ngạch tuy đã cải tiến nhưng còn bất cập… “Cần chấn chỉnh ngay từ khâu tuyển dụng đến đánh giá cán bộ, kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế những người làm việc không có hiệu quả; nâng cao công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, kịp thời phát hiện, phòng ngừa vi phạm trong công tác cán bộ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đáng chú ý, theo thống kê của Bộ Nội vụ, trường hợp hưởng chính sách về hưu trước tuổi gần 35.000 người (trên 86%). Có nghĩa, chúng ta mới chỉ giảm số người nhận lương ngân sách chứ chưa thể gọi là giảm người yếu kém, không làm được việc, nâng hiệu quả hoạt động công vụ.

2. Không chỉ có Nghị định 108/2014/NĐ-CP, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 39-NQ/TW năm 2015, với mục tiêu tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao chất lượng, thu hút người có đức, có tài,… Tuy vậy, các cấp, ngành chịu trách nhiệm thi hành đã chưa thực hiện hiệu quả.

Cụ thể, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 39, tổng biên chế cả nước không giảm còn tăng hơn 11.000 người. Thêm nữa, tinh giản biên chế chủ yếu áp dụng đối với đối tượng nghỉ hưu trước tuổi (chiếm 86,25%) chứ chưa chú trọng cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo vị trí việc làm.

PGS.TS Mạc Văn Tiến, Viện Nghiên cứu Khoa học dạy nghề, Bộ LĐ-TB-XH cho biết, ngay từ việc đặt vấn đề là “tinh giản biên chế” đã không chuẩn xác, bởi trong số cán bộ, nhân viên ăn lương nhà nước thì không chỉ có công chức trong các cơ quan hành chính mới thuộc diện tinh giảm. Trong khi đó, ở những tổ chức đơn vị sự nghiệp tỷ lệ người ăn lương từ ngân sách lại tăng theo nhu cầu phát triển. Ví dụ, trong lĩnh vực giáo dục, dân số tăng, số lớp học nhiều hơn thì giáo viên cũng tăng lên.

PGS.TS Tiến cho rằng, đặt chỉ tiêu cho các đơn vị phải tinh giản biên chế 10% một năm là một cách cơ học, máy móc, chưa chú ý cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, tinh giản chỉ nhằm giảm gánh nặng ngân sách chứ chưa cân nhắc cẩn trọng vị trí, vai trò và tầm quan trọng của mỗi loại hình tổ chức. “Tinh giảm hiệu quả là phải giảm đi những người thừa, để xác định được người thừa phải căn cứ vào vị trí việc làm. Không phải muốn cắt ở đâu, cắt thế nào cũng được, cắt bừa bãi sẽ dẫn tới tình trạng người làm được việc thì đi, người không làm được việc thì ở lại”, ông nhấn mạnh.

Do đó, vị chuyên gia cho rằng việc áp dụng chỉ tiêu 10% với tất cả các cơ quan, bộ ngành là bất cập, thậm chí còn gây tác động ngược, tạo ra những rào cản trong công tác tuyển dụng lao động, đặc biệt là những người làm được việc.

3. Theo PGS Mạc Văn Tiến, việc tinh giảm phải căn cứ trên vị trí việc làm, nên cần phải đánh giá được năng lực, trình độ, hiệu quả của từng vị trí đó. “Hiện chúng ta có tiêu chí đánh giá năng lực, trình độ của từng cán bộ, công chức nhưng chưa khoa học, chưa cụ thể dẫn tới tình trạng cán bộ nào cũng hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ nào cũng xuất sắc...”,ông nói.

Còn PGS.TS Đỗ Ngọc Dung - Liên hiệp các Hội KH-KT tỉnh Ninh Bình thì cho rằng, thi nâng ngạch công chức, viên chức thì chất lượng thấp, còn tình trạng để giải quyết chế độ, chính sách,... Thêm nữa, khi đưa ra các tiêu chí đánh giá cán bộ thì chủ yếu là tiêu chí mang tính định tính, ít mang tính định lượng, không thể phân định rạch ròi chất lượng đội ngũ cán bộ được.

Trước thực trạng năng lực của cán bộ, công chức hiện còn thấp, được bổ nhiệm chưa theo vị trí việc làm phù hợp với sở trường, năng lực,... PGS.TS Dung đề xuất một số giải pháp:

Thứ nhất, xác định chính xác mức độ phù hợp về năng lực của cán bộ, công chức, viên chức với yêu cầu của vị trí việc làm để có căn cứ đưa ra khỏi cơ quan, tổ chức những người không đủ năng lực.

Thứ hai, đánh giá chính xác mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức để có căn cứ xác định những ai là người không hoàn thành nhiệm vụ.

Thứ ba, không nể nang, né tránh và thiếu kiên quyết của người đứng đầu tổ chức và ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực như “chạy chọt” để không bị đưa vào diện tinh giản biên chế, hoặc lãnh đạo cơ quan, tổ chức lợi dụng việc này để trù dập.

Thứ tư, hạn chế tình trạng tỷ lệ lớn người tinh giản biên chế là nghỉ hưu trước tuổi bởi đây phần lớn là những người có kinh nghiệm làm việc tốt, và như vậy là ta mất đi một nguồn nhân lực có chất lượng chứ không phải là loại bỏ những người có năng lực yếu.

Thứ năm, áp dụng các phương pháp tổ chức lao động khoa học và CNTT để hợp lý hóa và hiện đại hóa quy trình thực hiện công vụ, giảm bớt thời gian và sức lao động để tạo điều kiện giảm bớt biên chế trong cơ quan, tổ chức.

Cần nhớ, từ năm 2021, Việt Nam sẽ bắt đầu thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Tuy nhiên, muốn tăng lương cho người lao động, chúng ta phải tạo thêm nguồn lực qua việc tiết kiệm, tăng thu ngân sách,… và nhất là tinh giảm bộ máy quản lý hành chính.

Như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tại một hội thảo của Bộ Nội vụ đã dẫn nhận xét của một vị nguyên Bộ trưởng, rằng chỉ có 1/3 cán bộ công chức “làm hùng hục” không hết việc, 1/3 chỉ cản trở những người khác và 1/3 còn lại là “ngồi chơi xơi nước”.

Có nghĩa, nếu cứ tinh giản biên chế theo chỉ tiêu “bổ đầu”, trong khi những lĩnh vực như y tế, giáo dục liên tục kêu thiếu người,… thì chúng ta có giảm 40 ngàn hay 400 ngàn người hưởng lương từ ngân sách cũng là vô nghĩa.

Theo Kiên Giang/Báo Nhà báo & Công luận

 

Các tin khác:
  • Lo quà tết! (17/01/2019-12:04)
  • Văn hóa công vụ: Phải dẹp được nạn cấp trên, cấp dưới “nịnh bợ” nhau! (15/01/2019-10:25)
  • Không nhân nhượng với tham nhũng vặt (10/01/2019-11:17)
  • Dễ "vỡ trận" khi học tự chọn bậc THPT (08/01/2019-17:47)
  • Thị trường tiền tệ khép lại một năm ‘vượt thác’ thành công (07/01/2019-1:18)
  • Những trường hợp nào có nguy cơ bị tinh giản biên chế năm 2019? (18/12/2018-14:02)
  • Quản học sinh thời 4.0: Lấy giáo dục làm gốc (18/12/2018-14:01)
  • Khi sự “xấu hổ” trở nên xa xỉ (17/12/2018-11:26)
  • Sẽ có đề án riêng về cơ quan kiểm soát thu nhập (17/12/2018-11:22)
  • Bộ quy tắc ứng xử trên mạng: Việc cần phải làm! (13/12/2018-13:58)