Thứ bảy, ngày 20/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Chuyện của Huy và bài toán nhân lực, nhân tài (23/04/2019-8:56)
    Hiện nay, cái danh “cán bộ Nhà nước” đã không còn là ưu tiên hàng đầu trong việc lực chọn nghề nghiệp của giới trẻ. Xu thế này đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo cho các nhà quản lý về việc thu hút, trọng dụng nhân tài.
Xảy ra tình trạng chảy máu chất xám, không thu hút được người tài năng là
do chính sách còn có những bất cập. Ảm minh họa

Chuyện của Huy

Nguyễn Trọng Huy (tên nhân vật đã thay đổi) là một thanh niên thế hệ 9x đang sống tại Hà Đông, TP Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc với tấm bằng giỏi, cậu đã nhanh chóng tìm được việc làm tại một cơ quan được cho là “hoành tráng” đó là một vụ của Bộ Xây dựng. Sau một thời gian làm việc ngắn tại đây, cậu đã trúng tuyển trong kỳ thi công chức của Bộ này - một vị trí được cho là đáng mơ ước đối với nhiều bạn trẻ.

Thế nhưng chỉ sau chưa đầy 2 năm làm việc, Huy lại bỏ công chức, ra ngoài làm kinh doanh. Doanh nghiệp của cậu chuyên về mảng tư vấn kiến trúc, xây dựng; nhân sự chỉ có cậu và ba nhân viên. Với quy mô đó, đây chỉ là một trong hàng vạn doanh nghiệp siêu nhỏ được mở ra trong những năm gần đây. Có lẽ nhờ việc doanh nghiệp hoạt động đúng với ngành nghề được học, cộng với sự nhanh nhạy của người chủ doanh nghiệp và đúng vào thời điểm nhu cầu xây dựng trong xã hội đang rất lớn nên doanh nghiệp của Huy làm ăn cũng ổn. Huy cho biết, tổng kết năm 2018, trừ hết mọi chi phí, cậu bỏ túi được hơn tỷ đồng.

Có được kết quả này, Huy thêm tự tin để chia sẻ về quyết định rời bỏ cơ quan Nhà nước của mình, còn bố mẹ cậu và những người thân cũng thôi không còn cằn nhằn, trách cứ rằng quyết định của cậu là nông nổi, sai lầm nữa. Thậm chí, bố cậu còn lấy làm tự hào về đứa con của mình, đi đâu ông cũng nói về nó với niềm hãnh diện không che giấu.

Khi cơ quan nhà nước không còn hấp dẫn

Câu chuyện của Huy không phải là một trường hợp đơn lẻ trong thời gian gần đây. Trở thành “cán bộ Nhà nước”, một thời đã từng là mơ ước của các bạn trẻ khi rời ghế giảng đường, bởi nó đồng nghĩa với việc sẽ có một sự ổn định bền vững. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay “cán bộ Nhà nước” đã không còn là ưu tiên hàng đầu trong việc lực chọn nghề nghiệp, đặc biệt là với giới trẻ.

Đa phần những người này cho rằng họ từ bỏ công việc Nhà nước để ra “làm ngoài” vì không thích ứng được với môi trường làm việc quá bó buộc. Ngoài ra còn những bất cập về lương bổng, điều kiện thăng tiến, chính sách đãi ngộ… mà nhiều bạn trẻ hiện nay không thích làm việc ở cơ quan nhà nước nữa.

Chia sẻ câu chuyện của mình, Huy nói rằng, cậu cũng như nhiều bạn trẻ khác, ban đầu họ cũng rất hào hứng, nhiệt huyết với công việc, những mong khẳng định được bản thân. Nhưng ở trong môi trường nhà nước, việc đó với lính mới là… khó.

Huy bảo, ngồi ở cơ quan Nhà nước điều khiến những người trẻ không thích nhất là việc kiến thức, khả năng… cứ để sau, còn trước hết phải ngoan. Kỹ sư à? Không biết đun nước, pha chè thì cứ ngồi đó đã. Thế nên, người thẳng thắn, làm được việc thì ít được quan tâm, người yếu kém nhưng biết nịnh thì lại được thăng tiến. Đó là chưa kể tình trạng con ông cháu cha, rồi những vị lớn tuổi… khệnh khạng, quan cách lắm.

Trong khi phải chịu những áp lực đó thì thu nhập lại không thể nói là cao nếu không nhìn nhận thẳng là thấp. Trường hợp của Huy, tổng thu nhập hàng tháng chưa đầy 10 triệu đồng, chưa đủ cho xăng xe, nuôi con nhỏ chứ chưa nói là đủ sống và có tích lũy.

“Với thu nhập đó, bao giờ em mua được nhà, bao giờ có được ô tô nếu như những cái đó bố mẹ không cho? Ở lại đó với hy vọng mình được làm sếp ấy à? Bao giờ đến lượt mình, mà có đến thì mấy chục năm đó mình sống bằng gì, làm sao để tồn tại, để chờ?”, Huy phân tích.

Thu hút nhân tài vẫn… khó

Không phải đến với cơ quan nhà nước qua con đường thu hút nhân tài, thế nên việc dứt áo ra đi của Huy khá là dễ dàng. Tuy nhiên, con đường của cậu cũng khá giống với những sinh viên được tuyển dụng vào cơ quan nhà nước qua con đường thu hút nhân tài.

ng năm qua, nhiều cơ quan, địa phương đã có chính sách thu hút người có tài năng vào làm việc trong cơ quan nhà nước, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thật sự có năng lực, phẩm chất và đạo đức, gắn liền với tinh giản biên chế bộ máy hành chính, góp phần xây dựng một nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, trong sạch và vững mạnh.

Việc thu hút chủ yếu hướng tới những đối tượng là sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc, những cán bộ khoa học trẻ có kinh nghiệm, với nhiều chính sách ưu đãi như: phụ cấp, chế độ nhà ở công vụ, nhà ở chính sách xã hội, hỗ trợ về đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, khen thưởng…

Thế nhưng, nhiều đánh giá cho thấy, việc thu hút, tuyển dụng, trọng dụng và đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Nhiều ý kiến cho rằng, việc xác định tiêu chí người có tài năng hiện nay còn nặng về bằng cấp; việc thu hút, tuyển dụng người có tài năng chưa được triển khai đồng bộ, thống nhất; thu hút, tuyển dụng người có tài năng chưa gắn kết chặt chẽ với việc trọng dụng và đãi ngộ… Trên thực tế, điều làm nhiều người vẫn e ngại nhất là chúng ta chưa tạo ra được một cơ chế và môi trường làm việc thuận lợi, thế nên, dẫn đến tình trạng nhiều địa phương  đang trải thảm đỏ đón nhân tài nhưng “dưới thảm lại có đinh”.

Trong đó, thủ tục lại chính là những chiếc đinh lớn, vì tại một số địa phương phải qua nhiều khâu mới đăng ký được. Nhiều địa phương đề ra chính sách thu hút nhân tài mới với nhiều ưu đãi đặc biệt hơn trước, trong khi nhân tài đã được tuyển dụng lại không được trọng dụng. Một vài tỉnh thành còn mạnh dạn đi đầu trong việc đề ra chính sách thu hút nhân tài, sẵn sàng “trải thảm đỏ” rước nhân tài, thế nhưng sau vài năm cũng chỉ thu hút được số lượng nhân tài ít ỏi nên những chính sách ấy cũng đi vào quên lãng.

Nhìn nhận tổng quan, có ý kiến cho rằng, chính sách thu hút nhân tài cũng là một chiến lược dài hạn, tuy nhiên, chính sách nhiều lúc chỉ là ý tưởng của ai đó mà không phải là tầm nhìn của cả một địa phương.

Liên quan đến nội dung này, Tại Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa diễn ra, vấn đề cơ chế, chính sách thu hút và chế độ đãi ngộ đối với người có tài năng đã được các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra mổ xẻ với hàng loạt vấn đề vẫn cần tiếp tục được làm rõ. Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã nêu rõ, cần cân nhắc xem tác động của chính sách này với nhân tài, người tài năng như thế nào; sắp xếp công chức, viên chức thì nguồn lực tài chính sẽ là bao nhiêu?...

“Về chính sách thu hút tài năng, chúng ta đã có rải rác trong các Nghị định, văn kiện của Đảng thì ta cần xem lại để áp dụng chính sách đãi ngộ người có tài thực sự phát huy được năng lực. Rõ ràng tình trạng chảy máu chất xám, không thu hút được người tài năng là do chính sách của ta còn có những bất cập”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói.

Lo ngại chảy máu chất xám khi hội nhập sâu

Trở lại câu chuyện của Huy. Cậu cho biết, dù ra ngoài làm, nhưng cậu vẫn để ngỏ khả năng quay lại cơ quan Nhà nước, khi đã có kinh tế vững và khi đã đứng tuổi. “Bởi nói gì thì nói, chính sách an sinh xã hội của nhà nước vẫn có cái ưu việt”, Huy nói.

Tuy nhiên, đứng ở góc độ quản lý xã hội thì khi nhìn nhận những trường hợp như thế này, nhiều người tỏ ý lo ngại về tình trạng chuyển dịch nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ gây những hệ lụy khó lường. Một nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho thấy, có khoảng 10% nhân lực trình độ cao của Philippines, Singapore và Việt Nam hiện sinh sống tại các nước thuộc OECD, trong khi tỷ lệ này của Lào và Campuchia là 15%.

Những trường hợp như Huy, dù sao họ vẫn làm việc trong nước, do đó vẫn đóng góp vào tăng trưởng; nhưng đối với những người ra nước ngoài làm việc sẽ là vấn đề đáng quan tâm về tình trạng chảy máu chất xám. Đây sẽ là một vấn đề đang là thực tế hiện hữu từng ngày cùng với tiến trình hội nhập của Việt Nam ngày càng sâu rộng.

Theo chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan, gần đây, tại Việt Nam có thực tế là những sinh viên xuất sắc mới ra trường, những chuyên gia bậc trung và một số người quản lý bậc cao thuộc “top” đầu luôn bị săn đón bởi các tập đoàn nước ngoài. Không ít trong số đó được mời sang nhiều nước để làm việc với cơ chế cực kỳ hậu hĩnh. Đây là sự chảy máu chất xám đã và đang diễn ra khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN. “Nếu Việt Nam không thay đổi nhanh thì chắc chắn những vấn đề cố hữu về năng suất lao động và chảy máu chất xám còn tệ hơn nữa”, bà Phạm Chi Lan nhận định.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cũng nhìn nhận, việc đánh đồng nhân tài với người có bằng cấp là “hệ thống giá trị sai về nhân tài” bởi bằng cấp rất quan trọng nhưng không phải là tất cả.

Theo ông Quốc, yếu tố quan trọng nhất trong việc trọng dụng nhân tài là dùng đúng người, đúng việc và họ được hưởng thụ tương xứng với đóng góp của mình. “Với môi trường hiện nay đòi hỏi nhà nước phải thay đổi nếu muốn có đội ngũ cán bộ tốt. Nếu không tạo ra sự cạnh tranh tích cực thì các cơ quan nhà nước mất nhân lực là đương nhiên”, ông Quốc nói.

TheoThế Vũ/Báo Nhà báo & Công luận

 

Các tin khác:
  • Lương có đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động? (16/04/2019-9:56)
  • Lãnh đạo - hành động thời @ (11/04/2019-21:53)
  • Có những người trẻ đã tràn ra thông tin tiêu cực (10/04/2019-14:26)
  • Làm sao giám sát việc rèn luyện đạo đức cán bộ, đảng viên hiệu quả? (09/04/2019-21:42)
  • Nạn bạo lực học đường: Đừng “đẩy” hết trách nhiệm lên thầy cô! (09/04/2019-21:39)
  • Tăng lương, tinh giản biên chế và hiệu quả công việc (08/04/2019-11:15)
  • Khôn ngoan "đá đáp" người ngoài… (08/04/2019-11:13)
  • Thực thi nghiêm pháp luật sẽ hạn chế việc lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi (02/04/2019-11:06)
  • Cảnh giác với những lời lẽ lu loa, tâm địa đen tối (02/04/2019-11:05)
  • Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện lệch lạc trong văn hóa ứng xử (29/03/2019-15:22)