Thứ sáu, ngày 19/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
"Với phụ nữ chọn nghề báo là đã thêm một gánh nặng trên vai..." (25/04/2019-11:37)
    Dấn thân vào nghề báo, người phụ nữ vất vả không thể nói hết, nhưng với lòng yêu nghề, đam mê và nhiệt huyết, họ vẫn tiếp tục bước đi trên con đường mình đã chọn... Đây là chia sẻ tâm tình của Nhà báo Phạm Thanh Hà, Tổng biên tập Tạp chí Phụ nữ Mới về nhà báo nữ và những vất vả của họ đối với nghề báo.
Nhà báo Phạm Thanh Hà, Tổng biên tập Tạp chí Phụ nữ Mới.
 

Ngoài sự thi vị, đầy lãng mạn, những nhà báo nữ cũng phải trải gian truân, vất vả và chịu những thử thách hiểm nguy của nghề, ý kiến của chị về vấn đề này?

Ngoài sự vất vả, khó nhọc, nghề báo còn được coi là nghề nguy hiểm, vì đặc thù công việc nên lắm lúc các nhà báo gặp không ít tình huống cam go. Với tính chất nghề nghiệp đó thì nhà báo nữ hay nam ở bất kỳ đâu cũng sẽ trải qua những gian truân như nhau.

Các nhà báo nữ cũng phải đối mặt với những cản trở trong quá trình tác nghiệp như không được cung cấp thông tin, mua chuộc, thu giữ phương tiện tác nghiệp, cố tình làm hư hỏng phương tiện tác nghiệp, giữ người, quấy rối tình dục, vu khống, tấn công, gây thương tích, trả thù…và vô số những việc làm khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả tinh thần và thể xác của các nhà báo.

Nói như thế để thấy được, công việc của nhà báo làm hàng ngày để ra được những sản phẩm là những bài báo, tờ báo mà độc giả cầm trên tay, đôi khi có cả máu và nước mắt. Ở những nơi vinh quang nhất hay những nơi khốc liệt nhất họ đều có mặt. Bất chấp mọi hiểm nguy phải đối mặt, nhiều nhà báo nữ vẫn can đảm xông pha để theo đuổi sự nghiệp được mệnh danh là "chim báo bão thời đại".

Tôi nhớ có một Hội thảo dành cho các nữ Tổng biên tập, ở đó hầu như các chị đều cho rằng mình là phụ nữ nên làm việc gặp rất nhiều khó khăn, làm báo thì đã khó khăn, làm tổng biên tập thì càng khó khăn. Theo tôi thì đừng chia ra phụ nữ làm khó hay đàn ông làm khó vì đàn ông làm được thì phụ nữ cũng làm được. Cơ hội để làm tốt là như nhau.

Đừng nghĩ là tôi là phụ nữ đi làm báo, tôi cũng đi làm báo, đàn ông cũng có cái khó của làm ông và phụ nữ cũng thế cho nên thực ra đặt ra câu hỏi phụ nữ làm báo có khó không là không nên bởi phụ nữ ở Việt Nam thật ra là khó ở tất cả mọi việc chứ không chỉ làm báo. Người phụ nữ bị quá nhiều gánh nặng và bó buộc trong những công thức truyền thống công, dung, ngôn, hạnh, anh hùng bất khuất - trung hậu đảm đang...đủ thứ danh hiệu phải gồng lên cho xứng đáng thì phụ nữ còn khổ, bao giờ người phụ nữ cảm giác mình được tự do, được giải phóng, được làm công việc mình thích thì mới hết khổ.

Nỗi lo về nghề nghiệp, đặc biệt là lo toan cho con cái và các mối quan hệ gia đình đã khiến nhiều nhà báo nữ bỏ nghề báo sau nhiều năm gắn bó, phải chăng nhề báo rất khắc nghiệt với phái nữ thưa chị?

Chuyện đó cũng không khó hiểu ở một nghề nhạy cảm và đầy áp lực như làm báo. Tôi cho rằng, không có công việc nào tốt nhất, chỉ có công việc phù hợp nhất với bản thân người đó ở từng thời điểm mà thôi. Khi ai đó bỏ nghề, không hẳn là vì nó khó, nó khổ mà là do nhiệt huyết cảm hứng với nó còn nữa hay không. Nếu còn nhiệt huyết với nghề, thì khó khăn đến đâu cũng ở lại với nó, còn khi đã hết lửa, công việc suôn sẻ, đãi ngộ tốt đến đâu thì người ta cũng chán mà bỏ.

Đối với các nhà báo nữ để theo được nghề thì điều cần nhất là sự đam mê.

Tất nhiên, với phụ nữ chọn nghề báo là đã gánh lên vai một gánh nặng: Ở một đầu là áp lực công việc, là trách nhiệm đối với bạn đọc, với xã hội...còn đầu kia là gia đình riêng, trách nhiệm nuôi dạy con cái.

Vậy những nhà báo nữ muốn sống được với đam mê, muốn gắn bó với nghề thì cần phải có tố chất hay cần trang bị cho mình những điều kiện gì thưa chị?

Trong nghề báo, hầu như không có sự phân biệt yếu tố giới tính cũng như sự ưu tiên đối với nữ giới trong cuộc chạy đua để đưa những thông tin nhanh nhất, tin cậy nhất đến cho bạn đọc trong sự cạnh tranh thông tin từng phút từng giờ trên các tờ báo đặc biệt là báo điện tử. Vì vậy, nhà báo nữ hiện nay, để đáp ứng yêu cầu cạnh tranh thông tin cần có sự năng động, linh hoạt, nhạy bén và cả sức khỏe, sự dẻo dai mới có thể trụ vững đối với công việc luôn đầy áp lực này.

Đi nhiều, va chạm không ít và đầy rủi ro, nghề báo là một chọn lựa thách thức cho cả nam giới và nữ giới. Đặc biệt, đối với nữ giới, với đặc trưng giới tính cũng như những khó khăn và nỗi niềm của phái yếu, vì vậy, để có thể gắn bó với công việc đầy vất vả, áp lực và cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay, đam mê với nghề chính là điều cần có đối với các nhà báo nữ khi chọn lựa nghề báo là công việc để theo đuổi suốt đời. Suy cho cùng, phải yêu nghề thực sự trước đã, có yêu nghề thì mới dốc hết tâm huyết cho công việc. Xã hội không còn quá khắt khe với việc chọn nghề của phụ nữ nên đã chọn thì yêu và cống hiến hết mình.

Nói chung nghề nào cũng thế cả, nên chọn nghề thích hợp với mình. Nếu bạn chọn nghề này thì bạn có thể phải hy sinh một vài thứ. Nếu bạn là người nội trợ thì hãy là người nội trợ tốt, nếu bạn là người làm báo thì bạn hãy là người làm báo tốt. Nhưng mà thực ra thì đời sống ngày nay thì cũng không khó lắm, ví dụ như người phụ nữ phải chăm sóc gia đình bây giờ đâu có khó khăn như ngày xưa? Phương tiện hỗ trợ rất nhiều mà quan niệm giờ cũng đã khác rồi.

Thêm nữa, bây giờ làm báo có rất nhiều hình thức, không chỉ cứ làm báo là phải đi viết, điều tra phỏng vấn, làm phóng sự. Bây giờ với trang mạng xã hội, những trang nhiều người đọc, nhiều like, nhiều view thậm chí các bạn chỉ post một món ăn lên rồi viết một bài báo nho nhỏ thôi đã thu hút được nhiều đối tượng tham gia xem rồi. Và ít ra thì điều đó cũng thể hiện ý định, mong muốn làm báo của mình mà không cần phải qua một cố gắng nào quá.

Hơn nữa, trong giai đoạn báo chí thịnh vượng như hiện nay, có rất nhiều các tòa soạn báo được mở ra theo ngành nghề, nhắm vào những đối tượng riêng biệt. Các nhà báo nữ có thể tham gia vào làm hoặc trở thành cộng tác viên theo đúng năng lực, sở trường, điều kiện hoàn cảnh của mình. Đó cũng là một cách để các bạn được sống với đam mê làm báo của minh.

Tức là người phụ nữ làm báo có thể linh động, thông minh trong nhiều trường hợp không theo quan niệm làm báo truyền thống là đi thật nhiều, va chạm thật nhiều, gai góc thật nhiều?

Đúng vậy! Những người phụ nữ làm báo bây giờ cần bỏ bớt những gì người ta đã định sẵn đi, cần tự tìm thấy những gì cân bằng cuộc sống và công việc của mình, cảm thấy thế nào là tự do, thế nào là mình thích, còn nếu cảm thấy mình quá thích cái gì đó thì chấp nhận đánh đổi và phải biết cách điều hòa cuộc sống. Những người phụ nữ làm báo trước đây rất là khổ mà họ vẫn làm được.

Trong nghề báo, hầu như không có sự phân biệt yếu tố giới tính cũng như sự ưu tiên đối với nữ giới...

Tại sao người ta lại nói nghề báo là nghề khó nhọc? Nghề báo khó nhọc trước hết là nghề không dập khuôn theo một khuôn mẫu nào hết. Nghề báo khó là vì đòi hỏi người theo nghề phải luôn luôn sáng tạo và phải có phong cách riêng biệt.

Vậy muốn sáng tạo, muốn có phong cách riêng biệt thì buộc người làm nghề báo phải có kiến thức, phải đam mê, phải sáng tạo. Tất cả những cái đó làm cho người làm báo vất vả hơn, khó nhọc hơn chứ không phải là vất vả do nhà báo phải đi rừng sâu, núi xa, phải lặn lội lên thượng nguồn, xuống hạ lưu; phải đi hải đảo xa xôi, phải đi ăn bụi, nằm bờ…thì đó không phải. Đó chỉ là hiểu theo nghĩa thực.

Một khi đã theo nghề, yêu nghề, nhà báo có nhiều trăn trở, suy nghĩ, đau đáu về nghề ghê lắm. Nhiều khi các bài báo nó làm cho mất ăn, mất ngủ…Khi chưa làm được, chưa giải quyết được vấn đề còn đang dang dở, còn đang đau đáu thì còn khó nhọc…Vất vả của nghề báo là ở chỗ đó. Nó đòi hỏi sự sáng tạo, đòi hỏi sự bứt phá, đòi hỏi sự cống hiến, đam mê.

Trên thực tế, hầu hết các nhà báo nữ tôi thấy đều đã và đang làm tất cả những công việc được giao của một nhà báo, không nề hà, không phân biệt nhiệm vụ đó nặng hay nhẹ, của nam hay nữ. Có những lúc, nhiều khó khăn riêng trong cuộc sống tưởng chừng đã quật ngã họ, nhưng sự thú vị của nghề cầm bút đã tiếp thêm cho họ sức mạnh để trụ lại với nghề...Họ đã khẳng định được mình không hề thua kém đồng nghiệp nam giới cả về sự đam mê cũng như chuyên môn, nghiệp vụ báo chí.

Trân trọng cảm ơn chị!

Theo Hồ Nguyệt/Báo Nhà báo & Công luận

  

 

 

Các tin khác:
  • Xây dựng mô hình quản lý thông tin, truyền thông trên mạng xã hội ở tỉnh Quảng Ninh (23/04/2019-1:54)
  • Tôi muốn góp một chút sức lực vào niềm “kiêu hãnh” của người Việt ở nước ngoài (19/04/2019-15:25)
  • Nhà báo, nhà thơ Hải Như và tôi (18/04/2019-09:05)
  • Người yêu nghề và có độ “lỳ” rất cao (16/04/2019-10:08)
  • Báo chí có tác dụng rất lớn trong việc định hướng thông tin về những hiện tượng “lạ” trong xã hội (16/04/2019-3:06)
  • Sự thật chính là tôn chỉ, mục đích cuối cùng của báo chí (31/03/2019-20:36)
  • Báo HàNộimới Cuối tuần - “đọc chậm”, thấm sâu, đậm “chất” Hà Nội (31/03/2019-19:59)
  • Tác nghiệp nơi “đầu sóng” để thấy Trường Sa thật gần (29/03/2019-15:20)
  • Trường Sa - thổi bùng ngọn lửa yêu nước và gắn kết những trái tim vì biển đảo (29/03/2019-15:16)
  • Khẳng định sức trẻ tại các sân chơi lớn của nghề báo (27/03/2019-19:11)