Thứ bảy, ngày 20/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Nhà báo Nguyễn Văn Học - tác giả nhận giải Nhì cuộc thi viết “Hào khí Trường Sơn”:
Nhà báo Nguyễn Văn Học - tác giả nhận giải Nhì cuộc thi viết “Hào khí Trường Sơn”: (07/05/2019-15:27)
    Nhà báo Nguyễn Văn Học - Báo Nhân dân Cuối tuần (Báo Nhân Dân) đã chia sẻ như thế với PV Báo Nhà báo & Công luận sau khi đoạt giải Nhì cuộc thi viết “Hào khí Trường Sơn”.
Nhà báo Nguyễn Văn Học (ngoài cùng bên phải) đoạt giải Nhì cuộc thi 9
(Ảnh: Thiên An)

Xông xáo, nhiệt huyết, tích cực tham gia nhiều cuộc thi và cũng không ít lần đoạt giải. Lần đoạt giải này có đem đến cho anh cảm xúc nào mới mẻ?

Với bất cứ cuộc thi nào, người dự thi cũng đều muốn được tham gia một cách vui vẻ. Nếu có giải nữa thì càng vui. Còn với tôi, đoạt giải Nhì cuộc thi viết “Hào khí Trường Sơn” là một thành công ngoài mong đợi. Tôi rất vui sướng, tự hào vì sau những cố gắng, mình đã có thành công, thành quả và được ghi nhận của Ban tổ chức.

Việc tìm ra nhân vật từng tham gia chiến trận trên con đường Trường Sơn huyền thoại và “dựng” lại một cách sinh động nhất về chân dung của họ thực cũng không dễ dàng đối với những người của thế hệ trẻ hôm nay, thưa nhà báo?

Đúng là như vậy. Khi đọc thể lệ của cuộc thi, tôi nghĩ là mình có thể tham dự được, bởi tôi là người đi nhiều, có thể tìm được các nhân chứng lịch sử, những cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, hoặc cựu giao liên đã trực tiếp tham gia chiến đấu ở cung đường mòn Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Thực tế, tôi tìm được nhiều nhân vật hơn so với dự kiến của mình và đều là những nhân vật hay, xứng đáng cả. Tuy nhiên mỗi người ở một nơi, như ở Bắc Ninh, Nghệ An, Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Nam.

Trong số đó, tôi lựa chọn họa sĩ Đức Dụ, hiện sống ở làng Ngọc Hà, Hà Nội. Bài này có tít: “Trường Sơn - Tranh ký họa và tinh thần người lính”, và đã may mắn đoạt giải Nhì. Nhắc đến hoạ sĩ Nguyễn Đức Dụ là người ta nhắc đến 400 bức ký họa về Trường Sơn mà không phải ai cũng có. Ông từng tự tin nói rằng, với số lượng nhiều như vậy, đảm bảo không họa sĩ nào có được. Vì gần mười năm họa sĩ Đức Dục trực tiếp vẽ trong chiến trường, nơi bom đạn ác liệt. Họa sĩ Đức Dụ tâm sự với tôi: “Nhắc đến chiến trường Trường Sơn là người ta hình dung ra máu lửa, chết chóc, bom đạn. Tôi và những người đồng đội chỉ cần nhìn lại những bức tranh này, là hình dung ra nó được vẽ ở đâu, về vùng đất nào và quang cảnh khi đó của nó. Thực sự, đây là kho tư liệu quý mà tôi may mắn có được”.

Họa sĩ Đức Dụ cũng là một người đặc biệt. Ông hồn hậu, tài giỏi. Tiếp xúc với ông và nghe kể chuyện bộ đội ta chiến đấu ở Trường Sơn, vượt lên bao gian khổ, người được sinh ra ở thời bình như tôi có thể hình dung được về một thời, với rất nhiều  mất mát, hy sinh nhưng cũng đầy chất anh hùng.

Đến nay họa sĩ Đức Dụ có hơn chục cuộc triển lãm. Trong đó, 8 triển lãm tranh về Trường Sơn, 1 triển lãm tranh về quê hương, 1 triển lãm tranh về dầu khí… Các cuộc triển lãm tranh của ông với những bức vẽ về chiến trường ám mùi thuốc súng, mùi khét lẹt của những khu rừng nhiệt đới cháy trụi đen đúa bởi chất độc hoá học của kẻ thù trải xuống. Tranh của Đức Dụ đã thu hút sự chú ý của nhiều người yêu tranh trong và ngoài nước, nhất là các cựu chiến binh. Với tác phẩm này, tôi thấy mình đã viết khá cảm xúc, lột tả được một cá tính, một sự cống hiến. Chính nhân vật đã truyền cảm hứng cho ngòi bút của tôi.

Nhà báo Nguyễn Văn Học và nhân vật Nguyễn Viết Sinh (Ảnh: NVCC)
Nhà báo Nguyễn Văn Học và nhân vật Nguyễn Viết Sinh (Ảnh: NVCC)

Theo thông tin từ Ban tổ chức, hình như anh không chỉ tham dự cuộc thi với một tác phẩm “Trường Sơn - Tranh ký họa và tinh thần người lính”?

Đúng vậy, nhân vật thứ hai mà tôi viết là về Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Viết Sinh ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông Sinh đã được trao bằng kỷ lục Việt Nam “Người chiến sĩ giao liên Trường Sơn gùi thồ hàng và dẫn quân với tổng đoạn đường dài nhất”. Ký ức của ông ngồn ngộn, sắc nét về một thời hào hùng khiến tôi xúc động. Vượt trên hết mọi khó khăn, những người lính như ông Sinh đã làm được những điều tưởng chừng không thể. Đó là bảng thành tích: Năm 1962: gùi 13.553kg hàng trên đoạn đường 10.196km; năm 1963: gùi 9.365kg hàng và khiêng 23 cáng thương; năm 1964: mang vác 11.445kg, thồ 8.230kg, khiêng 62 ca thương binh trên đoạn đường 10.982km...

Thực ra không phải ở cuộc thi này mới có dòng văn học, báo chí viết về Trường Sơn mà trước đó đã có rất nhiều tác phẩm viết về địa danh huyền thoại này. Anh đánh giá thế nào về những tác phẩm ấy và những tác phẩm trong cuộc thi này?

Những năm qua, cung đường Trường Sơn huyền thoại đã được quan tâm bởi các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử, giới báo chí. Nhiều hội thảo đã diễn ra. Nhiều nhà báo đã về lại chiến trường xưa, tìm hiểu, tìm các nhân chứng, những tấm gương anh hùng, chiến sĩ trong giai đoạn mở đường, tải lương, giao liên, bảo vệ đường, trực tiếp chiến đấu…Thậm chí, sau ngày thống nhất non sông, còn có một dòng văn học về Trường Sơn nữa. Trong đó có không ít tác giả vào Trường Sơn “tham chiến”, họ đã cho ra đời nhiều tác phẩm về Trường Sơn như: Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Thị Như Trang, Nguyễn Khải, Xuân Sách, Phạm Ngọc Cảnh, Ngô Văn Phú... Hội Nhà văn Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải, và nhiều cơ quan chức năng cũng đã tổ chức các cuộc thi viết văn chương, báo chí về Trường Sơn, khai thác ở nhiều khía cạnh, sinh động, chân thực, ca ngợi tinh thần bất khuất anh dũng của con người Việt Nam.

Có một điều rất vui nữa là, cách đây vài năm, Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam đã thành lập và cho ra mắt Hội Văn học – Nghệ thuật Trường Sơn, để không chỉ đáp ứng nguyện vọng của những chiến sĩ - văn nghệ sĩ Trường Sơn mà còn thể hiện tầm nhìn và sự phát triển về tổ chức của Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam. Việc ra đời của Hội Văn học- Nghệ thuật Trường Sơn hôm nay không chỉ là một bước phát triển mới, tập hợp và phát triển lực lượng hội viên đặc thù của Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam, mà còn mở ra những điều kiện mới cho các hội viên làm công tác văn học nghệ thuật phát huy tiềm năng, trí tuệ, tiếp tục có những sáng tạo mới, góp phần tôn vinh hình ảnh Trường Sơn, hình ảnh xây dựng và phát triển Hội trong cuộc sống hôm nay.

Tôi nghĩ, qua cuộc thi lần này, các nhà báo, các cựu chiến binh, những người trực tiếp chiến đấu ở cung đường này một lần nữa được tìm lại ký ức, được tự hào, được tôn vinh những tấm gương anh hùng, những người thầm lặng anh dũng góp phần làm nên hòa bình của dân tộc hôm nay.

Xin trân trọng cảm ơn anh!

Theo Thiên An/Báo Nhà báo & Công luận (thực hiện)

 

Các tin khác:
  • Tác phẩm của phóng viên Việt Nam đoạt giải ba ảnh quốc tế ở Anh (04/05/2019-11:17)
  • "Với phụ nữ chọn nghề báo là đã thêm một gánh nặng trên vai..." (25/04/2019-11:37)
  • Xây dựng mô hình quản lý thông tin, truyền thông trên mạng xã hội ở tỉnh Quảng Ninh (23/04/2019-1:54)
  • Tôi muốn góp một chút sức lực vào niềm “kiêu hãnh” của người Việt ở nước ngoài (19/04/2019-15:25)
  • Nhà báo, nhà thơ Hải Như và tôi (18/04/2019-09:05)
  • Người yêu nghề và có độ “lỳ” rất cao (16/04/2019-10:08)
  • Báo chí có tác dụng rất lớn trong việc định hướng thông tin về những hiện tượng “lạ” trong xã hội (16/04/2019-3:06)
  • Sự thật chính là tôn chỉ, mục đích cuối cùng của báo chí (31/03/2019-20:36)
  • Báo HàNộimới Cuối tuần - “đọc chậm”, thấm sâu, đậm “chất” Hà Nội (31/03/2019-19:59)
  • Tác nghiệp nơi “đầu sóng” để thấy Trường Sa thật gần (29/03/2019-15:20)