Thứ năm, ngày 25/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Tạo cho mình thứ 'quyền lực đen' là tự hạ giá nhân phẩm (13/05/2019-10:55)
    Trên thực tế có không ít người mang danh nghĩa nhà báo đi tống tiền người dân, doanh nghiệp đã bị bắt khi thực hiện tác nghiệp bằng kỹ năng “đếm tầng” hay “rình” các vi phạm trật tự đô thị để “điều tra”.

PV: Theo anh làm báo bây giờ dễ hay khó?

Nhà báo Lại Bá Hà - Phó Tổng biên tập báo Kinh tế và Đô thị: Theo tôi, làm báo thời nay vừa dễ vừa khó, dễ so với trước là công nghệ thông tin hiện đại, việc tiếp cận, tìm kiếm nguồn tin dễ dàng hơn trước đây rất nhiều. Bên cạnh đó, công nghệ cũng giúp mỗi tờ báo, nhà báo có nhiều sản phẩm hơn cho bạn đọc. Thông tin từ nhà báo, mỗi tờ báo đến với bạn đọc nhanh hơn, đa dạng hơn. Ưu thế vượt trội nữa của báo chí công nghệ đó là việc tương tác cùng bạn đọc, mỗi nhà báo và các toà soạn báo sẽ dễ dàng chia sẻ, trao đổi, đo đếm được thị hiếu bạn đọc để chủ động thay đổi nội dung, hình thức cho phù hợp. 

Về điểm khó, việc tạo được bản sắc thông tin riêng cho mỗi tờ báo thời công nghệ số là điều không đơn giản. Hiện các báo đang thiếu đi những bài viết riêng độc đáo vốn là đặc sản của từng tờ báo như thời hoàng kim của báo in. Việc dấn thân, tìm tòi những đề tài hay, những bài viết có tính nhân văn, những tấm gương người tốt... ngày càng thưa vắng trong khi những thông tin tiêu cực, vụ án rùng rợn, vụ việc dung tục... được đưa nhiều với tần suất dày đặc tạo cảm giác nhàm chán cho bạn đọc và định hướng không tốt cho xã hội. Bên cạnh đó, công nghệ thông tin cũng khiến các báo phải chạy đua với nhau để giành bạn đọc, dẫn đến việc thiếu sự kỹ càng trong tổ chức, tác nghiệp, biên tập, xử lý chau truốt như báo in trước đây.

Giá trị của nhà báo đối với xã hội ngày nay là "lên giá" hay "xuống giá"?

- Theo tôi “xuống giá” hay “lên giá” cũng tuỳ vào quan niệm mỗi người. Với những nhà báo chân chính luôn luôn thực hiện đúng lương tâm và trách nhiệm của mình thì họ vẫn nhận được sự tôn trọng của người dân, chính quyền và doanh nghiệp. Đối với những nhà báo luôn luôn tạo cho mình những thứ “quyền lực đen” thì chính là họ tự hạ giá nhân phẩm, đạo đức của mình. Xã hội vẫn tôn vinh, ghi nhận công lao, sự đóng góp của báo chí và sự dấn thân của các nhà báo. Có những nhà báo đã tử vong khi đang tác nghiệp trong mưa lũ, có nhà báo bị tấn công khi tham gia điều tra... Bạn đọc luôn luôn ghi nhận. Tuy nhiên, dư luận và bạn đọc cũng sẽ không tha thứ cho những nhà báo khi họ bán rẻ lương tâm, nghề nghiệp của mình. Bên cạnh đó, việc thương mại hoá báo chí, giật tít phản cảm, câu view, kích thích lối sống thực dụng, rẻ tiền, thiếu nhân văn… cũng làm cho giá trị của nhà báo phần nào bị ảnh hưởng trước công chúng và xã hội. 

Những thói xấu dễ mắc phải nhất của nhà báo thời công nghệ ngày nay là gì? 

- Trong thời đại 4.0, khi hiệu suất của các cơ quan truyền thông được đo đếm bằng lượng view, nhiều nhà báo buộc phải cạnh tranh để đưa tin nhanh, tin nóng. Áp lực này vô tình đã tạo ra một thế hệ nhà báo salon, khai thác mạng xã hội, đời tư của các người nổi tiếng thông qua mạng xã hội hay “xào nấu” lại các thông tin trên mạng rồi giật tít để câu khách. Công nghệ hiện đại khiến nhiều nhà báo trở nên lười biếng trong đào sâu suy nghĩ, tìm kiếm đề tài, nhiều phóng viên chỉ lên mạng search vài chi tiết đã có thể có tin, bài. Việc phụ thuộc quá lớn vào Google đôi lúc là con dao hai lưỡi với nhà báo.

Những năm qua, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận đã xuất hiện những cách làm báo được gọi là "đếm tầng". Anh hình dung về những phóng viên "đếm tầng" như thế nào? 

- Tôi không hình dung ra cụ thể phóng viên “đếm tầng” như câu hỏi chị nêu, tuy nhiên hiện tượng này đã và đang gây bức xúc cho dư luận xã hội, đồng thời ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của báo chí. Các cơ quan chức năng và người dân đã lên tiếng về hiện tượng này với thái độ rất bức xúc. Và trên thực tế có không ít người mang danh nghĩa nhà báo đi tống tiền người dân, doanh nghiệp đã bị bắt khi thực hiện tác nghiệp bằng kỹ năng “đếm tầng” hay “rình” các vi phạm trật tự đô thị để “điều tra”. Đây là những “con sâu đang làm rầu nồi canh”, gây ảnh hưởng lớn tới hình ảnh những người làm báo.

Có một nhà báo nói với tôi rằng hơi ngạc nhiên vì có những nhà báo được đào tạo bài bản, bằng cấp đầy mình nhưng lại không hành nghề trung thực, mà họ dùng kiến thức, sự khôn ngoan của họ vào việc kiếm chác bằng cách làm báo như chúng ta vừa đề cập. Cho nên, trong thời buổi này, chúng ta nên quan niệm như thế nào về hành nghề và đạo đức làm nghề? Chúng ta có nên bi quan rằng thời buổi này nhà báo tử tế ngày nay thì rất khó sống không? 

- Tôi không cho rằng nhà báo tử tế sẽ khó sống. Thời nào cũng vậy, giá trị chân chính, đạo đức luôn là những điều đọng lại lâu bền nhất. Một nhà báo chân chính, với các tác phẩm chân chính có thể không đón nhận được nhiều like, nhiều view nhưng chắc chắn ẩn sâu trong mỗi tác phẩm sẽ là những thông điệp rất nhân văn, mà bạn đọc không chỉ đọc trong 1-2 ngày, mà họ có thể suy ngẫm và chia sẻ hàng tháng, hàng năm. Hơn nữa, khái niệm sống không chỉ nên đong đếm bằng đồng tiền, đương nhiên, nhà báo cũng như các ngành nghề khác, cũng cần có thu nhập để duy trì cuộc sống của bản thân và gia đình; song khái niệm dễ sống cũng cần đong đếm bằng sự tôn trọng của đồng nghiệp và những người xung quanh. Hơn nữa, các giải thưởng báo chí hàng năm của quốc gia, hay các ngành, địa phương đều là những sân chơi cho các nhà báo chân chính, chứ không phải nhà báo “đếm tầng” hay nhà báo “đánh” doanh nghiệp như chị nói ở trên.

Xin cảm ơn anh! 

Theo Cẩm Thúy/Báo Đại đoàn kết

 

Các tin khác:
  • Hành trình 511 ngày gian nan của 2 phóng viên Reuters bị bắt tại Myanmar (08/05/2019-13:35)
  • Nhà báo Nguyễn Văn Học - tác giả nhận giải Nhì cuộc thi viết “Hào khí Trường Sơn”: (07/05/2019-15:27)
  • Tác phẩm của phóng viên Việt Nam đoạt giải ba ảnh quốc tế ở Anh (04/05/2019-11:17)
  • "Với phụ nữ chọn nghề báo là đã thêm một gánh nặng trên vai..." (25/04/2019-11:37)
  • Xây dựng mô hình quản lý thông tin, truyền thông trên mạng xã hội ở tỉnh Quảng Ninh (23/04/2019-1:54)
  • Tôi muốn góp một chút sức lực vào niềm “kiêu hãnh” của người Việt ở nước ngoài (19/04/2019-15:25)
  • Nhà báo, nhà thơ Hải Như và tôi (18/04/2019-09:05)
  • Người yêu nghề và có độ “lỳ” rất cao (16/04/2019-10:08)
  • Báo chí có tác dụng rất lớn trong việc định hướng thông tin về những hiện tượng “lạ” trong xã hội (16/04/2019-3:06)
  • Sự thật chính là tôn chỉ, mục đích cuối cùng của báo chí (31/03/2019-20:36)