Thứ sáu, ngày 29/03/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Nguy cơ “bom” nước (25/06/2019-22:50)
    (NLBTH) - Mùa mưa, bão đã cận kề và vẫn là nỗi lo cũ: Vỡ hồ, đập! Trong tổng số 610 hồ, đập trên địa bàn Thanh Hóa thì có trên 400 hồ, đập đã xây dựng từ rất lâu, thân và mặt đập làm bằng đất hoặc mới cứng hoá một phần.

Năm 2019, qua khảo sát, đánh giá của Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa cho thấy có tới 131 hồ đập, xuống cấp, tăng 15 hồ, đập so với số liệu rà soát năm 2018.

Đây là con số đem lại sự lo lắng không hề nhỏ. Khi mà những hồ, đập trong diện phải gia cố còn chưa đủ kinh phí để thực hiện, thì những hồ, đập hư hỏng mới lại xuất hiện thêm nhiều hơn.

Việc hư hỏng hồ, đập ngoài yếu tố địa chất, khí hậu, được xem như sự bất khả kháng, còn có sự xâm hại đến từ con người.

Sự tùy tiện trong lối sống cùng căn bệnh thực dụng của nhiều người dân sinh sống quanh khu vực hồ, đập thời gian qua đã khiến cho nhiều hồ, đập phải “gánh” một áp lực sinh kế không hề nhỏ. Nhiều diện tích mặt đập và đất đai, dòng nước bị lấn chiếm để canh tác, xây dựng công trình dân sinh và các mục đích khác…

Đây đều là những vấn đề mà lẽ ra đã có thể ngăn chặn được khi mà chúng ta có trong tay con người cũng như pháp luật về đề điều, thủy lợi khá cụ thể và chặt chẽ. 

Qua những vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều, hồ đập thời gian qua cho thấy, bên cạnh việc thiếu ý thức của cư dân, đáng nói hơn chính là tình trạng thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm của chính quyền một số địa phương và đơn vị được giao trách nhiệm quản lý hồ, đập.

Đã có không ít vụ vỡ hồ, đập xảy ra cướp đi tính mạng, tài sản của nhiều người dân vùng ven hồ và hạ lưu, tuy nhiên sự mất mát đó vẫn chưa đủ sức để răn đe, ngăn chặn lại căn bệnh tùy tiện triển khai sinh kế, mà ngược lại còn có nguy cơ ngày một tăng cao hơn ở nhiều nơi.

Và dù đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, nhưng chính quyền một số địa phương nơi có hồ, đập vẫn chưa cho thấy một trách nhiệm thật sự trong việc tham gia quản lý hồ, đập trên địa bàn.

Họ thường cho rằng việc đầu tư, bảo dưỡng hồ, đập là của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thì trách nhiệm quản lý cũng phải thuộc về cơ quan này.

Tình trạng thiếu ý thức trong việc nâng cao an toàn, an ninh hồ, đập nếu không được nhận diện đầy đủ, có biện pháp khắc phục, tăng cường phối hợp trong quản lý, thì nguy cơ để xảy ra những quả “bom” nước là điều có thể nhìn thấy.

Lam Vũ

 

Các tin khác:
  • Hãy lan tỏa và nhân lên sự yêu thương (24/06/2019-08:18)
  • Tin tưởng vào sự đổi mới công tác quản lý báo chí (20/06/2019-22:31)
  • Áp lực… “hóa rồng” (19/06/2019-13:06)
  • Tăng cường kỷ luật, lấy lại hình ảnh (17/06/2019-15:43)
  • Pháp luật và vận động (14/06/2019-10:03)
  • Sự thực thi yếu ớt (11/06/2019-15:10)
  • Nâng cao trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng (10/06/2019-11:25)
  • Không tạo tiền lệ xấu (08/06/2019-10:03)
  • Tinh thần đi họp (04/06/2019-9:50)
  • Tự trọng bằng cấp (03/06/2019-7:56)